Bài văn phân tích nhân vật Trương Phi trong "Hồi trống Cổ Thành" số 4

La Quán Trung (1330-1400), quê ở vùng Thái Nguyên, Sơn Tây, Trung Quốc. Ông là người có tính tình cô độc, sống lẻ loi, thích ngao du đây đó nên có am hiểu sâu sắc về tình hình chính trị đương thời. Tam Quốc diễn nghĩa ra đời vào khoảng đầu thời Minh (1368-1644), nội dung kể về chuyện một nước chia ba trong gần một trăm năm của Trung Quốc thời cổ (thế kỷ II, III), vào cuối đời Đông Hán (năm 184), quân thần ngu muội, nhân dân đồ thán, hàng trăm cuộc khởi nghĩa nổ ra khiến chính quyền trở nên bất lực. Từ đó nổi lên các thế lực nổi lên với danh nghĩa dẹp khởi nghĩa, ủng hộ triều đình trong đó có ba thế lực mạnh nhất là Tào Tháo (Ngụy), Lưu Bị (Thục) và Tôn Quyền (Ngô) tạo thành thế chân vạc. Cuối cùng kết thúc vào năm 280 khi nhà Tần lên ngôi. Đoạn trích Hồi trống Cổ thành thuộc hồi 28 của bộ tiểu thuyết này, kể về hiểu lầm giữa hai người Quan Công và Trương Phi, sau đó là sự đoàn tụ và hóa giải hiểu nhầm làm sâu sắc thêm tình huynh đệ kết nghĩa trong thời loạn. Mà ở đây nhân vật Trương Phi hiện lên nổi bật với vai trò người anh hùng chính trực, ngay thẳng, tuy nhiên khá nóng nảy trong việc giải quyết mâu thuẫn.


Trương Phi là nhân vật nổi bật với tính cách bộc trực ngay thẳng, không biết dối trá úp mở, điều đó thể hiện qua lập trường trung thần rõ ràng, rạch ròi trong câu nói với hai người chị dâu "trung thần thà chết cũng không chịu nhục, có lẽ đâu đại trượng phu lại thờ hai chủ". Từ đó dẫn đến sự suy xét, lập luận về sự xuất hiện của Quan Công theo quan điểm của Trương Phi, Quan Vân Trường xuất hiện ở đây sau khi đã hàng Tào Tháo, tức là đã bội nghĩa nhận phong hàng tứ tước của kẻ thù, hôm nay đến đây là để đánh lừa Trương Phi, mang theo quân mã để cướp cổ thành.


Như vậy Trương Phi đã có đến ba lần buộc tội Quan Công, thứ nhất là "mày đã bội nghĩa còn mặt nào đến gặp tao nữa", tức là tội bất nghĩa, thứ hai "mày bỏ anh hàng Tào Tháo được phong hầu tứ tước nay lại đến đây đánh lừa tao, phen này tao quyết liều sống chết với mày", tức là tội bất trung, và cuối cùng là "mày cũng nói láo, nó đâu có bụng tốt, nó tới đây là để bắt ta đó", tức là tội bất nhân. Cũng từ những lập luận trên mà dẫn đến sự phản ứng quyết liệt với Quan Công của nhân vật này, bao gồm 6 phản ứng. Khi Tôn Càn báo tin mời Trương Phi ra đón Quan Công thì nhân vật này "chẳng nói chẳng rằng, lập tức mặc áo giáp vác mâu lên ngựa dẫn theo một nghìn quân đi tắt ra cửa Bắc", khi vừa nhìn thấy Quan Công thì "mắt trợn tròn xoe, râu hùm vểnh ngược, hò hét như sấm, múa xà mâu chạy lại đâm Quan Công". Khi Quan Công hỏi nguyên cớ, thì nhân vật này nổi giận quát, đổi xưng hô mày - tao và buộc tội Quan Công ba tội bất nghĩa, bất trung và bất nhân. Khi Quan Công, hai chị dâu và Tôn Càn thanh minh thì Trương Phi gạt bỏ tất cả, khăng khăng tin tưởng vào lập luận và suy xét của mình. Khi toán quân mã mang cờ Tào kéo đến nhìn thấy bụi bay mù trời từ đằng xa thì Trương Phi lập tức nổi giận "mua bát xà mâu hăm hở xông lại đâm Quan Công lần nữa".


Khi Quan Công yêu cầu được chứng thực lòng trung của mình, thì Trương Phi chấp nhận nhưng đưa ra yêu cầu phải chém đầu tướng Tào trong ba hồi trống thì mới tin. Điều kiện thời gian là ba hồi trống bởi, nếu là năm hồi thì quá dài, không phù hợp với tính cách nóng nảy, bộc trực của Trương Phi, nhân vật này không thể đủ kiên nhẫn chờ đợi hết năm hồi trống, thêm vào đó mốc thời gian này nếu đưa ra còn làm hạ thấp đi tài nghệ của Quan Công. Còn nếu như chỉ là một hồi trống thì đây lại là một thử thách quá nghiệt ngã, thực chất trong lòng Trương Phi vẫn rất hy vọng rằng anh mình không phải là kẻ bất trung bất nghĩa, ba hồi trống ấy chính là quảng thời gian vừa đủ để Quan Công chứng thực được tấm lòng của mình. Như vậy việc đưa ra ba hồi trống không chỉ là thử thách mà còn gửi gắm cả niềm tin niềm hy vọng của Trương Phi với người anh kết nghĩa của mình.


Sau ba hồi trống Quan Công đã chém được đầu của Sái Dương, một tướng của Tào Tháo cuộc hội ngộ, hòa giải của Quan Công và Trương Phi diễn ra vô cùng xúc động. Nếu như trong cả tiểu thuyết cũng như trong phần đầu đoạn trích, Trương Phi hiện lên với tính cách nóng nảy, bộc trực thiếu kiên nhẫn, thì riêng trong phần hòa giải nhân vật này lại rất cẩn trọng, khác hẳn với tính cách thường ngày của nhân vật. Sau khi Quan Vân Trường chém được đầu Sái Dương, nhưng Trương Phi vẫn chưa tin hẳn, chỉ đến khi Quan Công bắt một tên lính cầm cờ hiệu của Tào Tháo hỏi chuyện đầu đuôi chuyện ở Hứa Đô, thì bấy giờ nhân vật Trương Phi mới tin anh mình trung thành tuyệt đối. Lại đến sau khi nghe tiếp hai chị dâu kể lại việc Quan Công đã trải qua thì lúc này Trương Phi mới thực sự hiểu được những khó khăn vất vả, đau khổ mà Quan Vân Trường đã phải chịu đựng. Thế nên nhân vật này đã rỏ nước mắt khóc thương và thụp lạy anh mình, giọt nước mắt ấy vừa sự đau lòng cho những vất vả, khó nhọc mà Quan Công đã phải chịu, bên cạnh đó đó còn là giọt nước mắt hối hận về những hành động hồ đồ ban đầu của bản thân. Còn cái quỳ lạy thứ nhất là thể hiện sự cảm phục nghị lực, sự ẩn nhẫn và nhân cách của Vân Trường, thứ hai là để tạ lỗi với anh của mình.


Như vậy qua đoạn trích Hồi trống cổ thành, nhân vật Trương Phi đã xuất hiện với những nét tính cách nổi bật, nóng nảy, thiếu kiên nhẫn, bộc trực, thẳng thắn, tuy nhiên đến lúc cần suy xét thì nhân vật này lại bộc lộ bản tính cẩn thận khác xa tính cách vốn có của mình. Điều đó thể hiện sự trân trọng, niềm hy vọng mãnh liệt vào tấm lòng của người anh kết nghĩa là Quan Công mà tổng thể những ý nghĩa này lại nằm gói trọn trong ba hồi trống ở cổ thành.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy