Bài văn phân tích truyện "Đeo nhạc cho mèo" số 7
Trong số những câu truyện ngụ ngôn đã được học, em có ấn tượng sâu sắc với câu chuyện “Đeo nhạc cho mèo”. Đây là một câu chuyện với các con vật gần gũi trong cuộc sống, câu chuyện không chỉ mang lại tiếng cười thoải mái cho người đọc mà còn chứa đựng ý nghĩa và những bài học sâu sắc.
Đây là một câu chuyện ngụ ngôn mang ý nghĩa phê phán xã hội phong kiến mục nát thời xưa. Từ xa xưa theo di truyền, loài chuột luôn luôn sợ loài mèo bởi mèo là kẻ thù của chúng. Loài chuột thường phá hoại mùa màng, lại không làm gì có ích cho con người nên con người rất ghét chuột. Ngược lại, mèo lại là một loài vật có ích, nó biết bắt chuột để chúng không cắn phá. Chính vì mèo là sự đe dọa tới cuộc sống và tính mạng của chuột nên các loài chuột từ chuột cống, chuột trù, cho tới chuột nhắt cùng bày mưu đeo nhạc cho mèo để khi mèo đi đến đâu sẽ báo hiệu cho chúng biết.
Chính chuột cống là người đã đưa ra ý kiến hay đó và đã được chúng tán thưởng, tuy nhiên khi phân công người đi đeo nhạc cho mèo thì ai nấy đều từ chối. Con nào con nấy đều đưa ra lý do để không nhận đi, cuối cùng chúng đã dồn trách nhiệm cho chuột trù, một phần cũng vì thân phận của nó thấp hèn nhất trong họ hàng nhà chuột nên đã không chối từ được nhiệm vụ được giao. Nhưng khi đi gặp mèo, mới nhìn thấy chuột trù đã sợ và bỏ chạy làm bay ra cả nhạc. Như vậy là kế hoạch của họ hàng nhà chuột đã thất bại, có thể thấy chúng đều muốn lợi ích cho mình nhưng lại không dám nhận trách nhiệm về mình, quả thật là một lũ nhút nhát.
Chính chuột trù khi đi làm nhiệm vụ đeo nhạc cho mèo cũng thấy sợ vì đó chính điểm thể hiện cho công lý và ánh sáng. Cái xấu, cái ác sẽ không thắng được cái tốt đẹp. Chính vì vậy, cho đến ngày nay, loài chuột vẫn mãi sợ loài mèo. Câu chuyện đề cao tinh thần trách nhiệm của cá nhân trong cộng đồng và tập thể, trước lợi ích cá nhân và lợi ích chung. Ngay như chuột cống là người nảy ra ý tưởng nhưng lại không dám thực hiện, trốn tránh hiểm nguy, sợ ảnh hưởng tới tính mạng. Nhưng khi nghĩ đến lợi ích thì chúng đều hân hoan vui sướng. Đó là biểu hiện của những cá nhân chỉ biết hưởng thụ chứ không chịu hi sinh, chỉ biết hưởng lợi ích trên sự hi sinh của người khác.
Bằng những hình ảnh đặc sắc, gần gũi về các con vật, tác giả dân gian đã xây dựng lên một tình huống sinh động về loài chuột. Từ câu chuyện đó, làm nổi bật lên ý nghĩa phê phán chế độ phong kiến xưa cũ mục nát mà trong đó loài chuột tượng trưng cho những kẻ quan làng quan xã quanh năm suốt tháng không chịu lao động chỉ tụ họp hưởng lạc xa hoa, không nghĩ tới lợi ích của nhân dân, sống trên mồ hôi xương máu của dân nghèo. Bên cạnh đó truyện còn phê phán về những lối suy nghĩ viển vông thiếu thực tế, nói được mà không làm được của một bộ phận trong xã hội.