Bài văn thuyết minh về cách làm diều giấy số 1
"Diều giấy" tên gọi thân thương gợi nhớ về những ký ức tuổi thơ của bao thế hệ trẻ em Việt Nam, những cánh diều đã gắn liền ngày tháng thơ ấu cùng nhau đi chăn trâu thả diều, chứng kiến sự lớn lên, bước đi trưởng thành của mỗi con người. Cánh diều mộc mạc đơn sơ nhưng lại mang giá trị to lớn về tinh thần, hồi nhỏ ai chẳng từng một lần làm chiếc diều giấy rồi viết những ước mơ hoài bão gửi gắm con diều mang ước mơ đó bay cao, bay xa.
Chẳng cần phải học qua trường lớp, chẳng ai mở lớp dạy làm diều giấy, cứ thế hệ đi trước truyền lại cho thế hệ đi sau, đứa trẻ này học đàn anh đàn chị hoặc những bạn bè trang lứa khác, thế là ai cũng biết làm diều giấy, ai cũng tự mình làm chiếc diều rồi đem thả mỗi chiều lộng gió. Diều giấy đã có từ rất lâu, nguồn gốc của diều giấy bắt nguồn từ Trung Quốc, từ thời cổ đại của người Trung Hoa đã có thú vui thả diều, chiếc diều đầu tiên được làm bằng gỗ vào thời kỳ Xuân Thu, đến thời nhà Hán thì xuất hiện diều giấy. Ngày nay diều giấy có mặt ở hầu hết các quốc gia Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, ta thường bắt gặp diều giấy ở những vùng quê nông thôn đồng bằng, duyên hải ven biển, ít thấy ở trong thành phố hay vùng miền núi. Một chiếc diều giấy có cấu tạo rất đơn giản, gồm phần khung được làm bằng que tre, nứa, hóp đã vót sẵn, cùng với túi nilon hoặc giấy làm áo diều. Tổng thể một chiếc diều chia làm ba bộ phận: đầu diều là chỗ đeo sáo diều, thân diều làm bằng túi nhựa có dán giấy có thể có nhiều hình thù khác nhau, và cuối cùng là đuôi diều. Dây dùng để thả diều phải có độ bền, dai nhất định nhưng cũng phải nhỏ và nhẹ, đa số thường dùng dây chỉ, dây dù hoặc dây cước để thả diều. Quá trình làm diều khá công phu và mất nhiều thời gian, nhất là công đoạn chặt tre, vót ve uốn thành khung diều. Tre vót phải đều, không quá nhỏ để khung diều được chắc chắn, cố định khi đối mặt với gió to, khi uốn khung cánh diều cũng phải tinh chỉnh sao cho các cánh của diều cân đối không bị lệch, có như vậy khi bay lên diều không bị chao đảo. Tiếp theo là đo, cắt và khâu áo diều, chọn áo diều bằng giấy hoặc nilon rồi đo bằng kích thước của khung diều, dùng chỉ khâu áo diều vào khung diều thật chắc chắn, có khâu chắc lớp áo diều mới cản gió tốt. Làm xong khung và áo diều là cơ bản xong một chiếc diều giấy, những phần phụ như sáo và đuôi có thể có hoặc không có, sáo diều làm bằng ống tre, trúc, có đục lỗ sao cho khi gió thổi sẽ phát ra âm thanh vi vu trầm bổng. Sau khi làm xong diều ta buộc dây diều vào vị trí mặt trong của diều, buộc dây vào trọng điểm của diều để giữ cân bằng diều khi thả. Người chơi diều giấy sẽ tận dụng sức gió để đưa diều lơ lửng lên không trung, diều bay càng cao thì càng đẹp và khó rơi xuống, những nơi lý tưởng nhất để thả diều là trên cánh đồng rộng rãi, bờ biển với điều kiện nhiều gió. Thú vui thả diều được cho là đem lại sự thư giãn, thoải mái, về phương diện văn hóa ở nhiều nước còn thả diều để xua đuổi điều xấu, cầu mong điều tốt, ví dụ như ở Thái Lan còn có lễ hội đấu diều, thả diều còn được coi như một nghi lễ để cầu mùa của người nông dân.
Diều giấy nói riêng và thả diều nói chung không đơn giản chỉ là thú vui tao nhã của trẻ thơ và mọi người mà hơn thế đó là nét đẹp trong văn hóa dân gian của Việt Nam, giá trị tinh thần đẹp đẽ của dân tộc, chúng ta phải cùng nhau gìn giữ và phát huy nét đẹp đó, phải làm sao để tuổi thơ của những đứa trẻ luôn có bóng dáng con diều, cánh diều vi vu.