Bài văn thuyết minh về cách làm diều giấy số 4
Chẳng biết có từ khi nào, nhưng những trò chơi dân gian cứ dần dần rồi dần dần trở thành những một phần không thể thiếu đối với tất cả những đứa trẻ không chỉ ở thôn quê mà còn ở thành thị. Những trò chơi dân gian gắn liền với tuổi thơ của mỗi chúng ta mà khi lớn lên, đi xa, chúng ta vẫn luôn nhớ về quê hương với những kỷ niệm đẹp đẽ tuyệt vời ấy.
Trong những ký ức tuyệt đẹp ấy, có lẽ cánh diều là hình ảnh gắn liền với tuổi thơ của nhiều người nhất. Trò chơi thả diều có nguồn gốc xuất phát từ Trung Hoa. Ông tổ của trò chơi thả diều là Lỗ Ban. Người Trung Hoa cổ xưa thường có tục lệ thả diều vào những ngày tiết thanh minh với quan niệm cánh diều có thể xua đuổi tà khí. Ban đầu, diều được làm từ gỗ, sau này nó được làm bằng tre nứa và bọc bằng giấy.
Thả diều ngày nay được xem như một trò chơi, nhưng ngày xưa, nó mang khá nhiều ý nghĩa. Diều được xem là một công cụ cầu an của những nhà sư. Diều còn được xem là vật dâng hiến lên đấng thần linh các trong các nghi lễ của vua chúa, quần thần vào dịp lễ lớn. Trong quân sự, diều còn được sử dụng như một công cụ dùng để truyền tin, Ngày nay, cánh diều mang ý nghĩa như một vật để con người ký gửi những ước mơ, hoài bão với hy vọng những ước mơ ấy sẽ theo cánh diều bay cao, bay xa đến một chân trời mới.
Hiện nay, diều được làm từ rất nhiều chất liệu khác nhau như bằng giấy, vải hay bằng nilon. Nhưng được ưa chuộng nhất là nilon bởi diều được làm bằng vật liệu này không những có thể bay dễ dàng bởi chất liệu nhẹ, mà còn làm ra được những màu sắc hình dạng rất đẹp và rất bền, có thể sử dụng được thời gian lâu. Màu sắc, hình dạng và kích thước của diều vô cùng đa dạng. Bạn có thể lựa chọn theo ý thích của mình. Diều truyền thông có dạng hình bầu dục, làm bằng giấy, nhưng càng ngày những mẫu mã diều đã đa dạng hơn: có diều hình dạng các con vật ngộ nghĩnh trong phim hoạt hình, có diều hình công, phượng,... với đủ các kích thước khác nhau.
Những loại diều sặc sỡ màu sắc được bày bán dành cho những người chơi không biết cách tự làm hoặc không khéo léo. Ưu điểm của những loại diều này ngoài tiện lợi và nhanh chóng chính là mẫu mã rất đẹp lại phong phú đa dạng. Nhưng đối với những đứa trẻ ở quê thì vẫn ưa chuộng chơi diều tự làm bằng giấy. Cảm giác tự tay làm chiếc diều mình yêu thích rồi thả chúng lên bầu trời tạo ra những kỷ niệm không ở đâu có được.
Loại diều giấy này không những được làm bằng những chất liệu sẵn có mà còn có ý nghĩa bảo vệ môi trường, khi mà vấn đề môi trường ngày càng nghiêm trọng. Các bạn có thể tận dụng tập giấy không còn sử dụng nữa để tạo ra chiếc diều cho riêng mình. Đối với những em nhỏ ở quê thì diều giấy không thể thiếu được khi mỗi mùa gió đến.
Thả diều là trò chơi dân gian sử dụng sức nâng của gió, bởi thế để thực hiện được trò này trước tiên chúng ta cần phải chọn được địa điểm thích hợp. Đó là một bãi đất rộng thoáng không có cây cối, dây điện hay nhà cửa và quan trọng là phải có gió nhẹ. Và chúng ta cũng đừng quên những người bạn để cùng nhau thả diều cùng nhau thì mới vui.
Những cánh diều thi nhau bay lên không trung sẽ tạo cho chúng ta những cảm giác sảng khoái không thể nào quên. Khi có gió thì một người cầm diều chạy ngược hướng gió một người thả dây hoặc chúng ta có thể tự làm cả hai việc đó được mà không cần ai khác. Khi thả diều ta chọn đúng hướng gió, khi có gió ta ta thả diều thật nhẹ cho thật cân.
Cánh diều thường có hình trăng hoặc hình lưỡi liềm được gọi là diều quạ. Khung diều thường được làm từ tre hoặc trúc. Giữa khung diều là một xương sống bằng tre cứng và to bản to, nhô ra hai bên cánh diều cong lên tạo thành khung diều hình lưỡi liềm.
Khung của chiếc diều phải thật cân đối và nhẹ thì diều mới có thể bay dễ dàng. Diều được phất bằng giấy bản, bôi hồ dán nhiều lớp. Sáo diều được tạo ra bằng cách xâu lại bằng một thanh tre đặt chéo góc ước chừng khoảng ba mươi độ với xương sống diều. Sáo thường làm bằng ống nứa, bao gồm hai khoang, đầu gắn nắp hình vòm xẻ rãnh để gió lùa vào tạo nên âm thanh. Diều sáo trông đơn giản nhưng chỉ những người khéo tay mới làm được.
Ngày trước, dây neo thường được người dân sử dụng dây mây, sợi dây nhỏ, đập dập rồi xoắn lại với nhau tạo thành dây neo. Chẳng may dây neo mà đứt, cánh diều theo gió cuốn xa, thật xa, mang theo cả niềm tiếc nuối của người thả diều. Sau này, cùng với sự phát triển của xã hội, dây dù và dây nilon được sử dụng để làm dây neo cho diều.
Ngày nay, trước sự phát triển của nhịp sống hiện đại, các nhà máy, các khu công nghiệp, dịch vụ thi nhau mọc lên. Những vùng trời thoáng đãng, lộng gió ở các vùng nông thôn đang dần bị thu hẹp, thú chơi thả diều cũng vì thế mà bị mai một. Chúng ta khó mà nhìn thấy hình ảnh cánh diều chao liệng trong một khung trời lộng gió trong những buổi chiều nắng nhàn nhạt nữa.
Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện giải trí hiện đại như: trò chơi điện tử, internet đã khiến cho không ít trẻ em không còn quan tâm với những cánh diều truyền thống. Song, hình ảnh cánh diều ngày xưa của tuổi thơ hồn nhiên đầy ước vọng của những đứa trẻ non nớt sẽ mãi vẹn nguyên trong tâm thức chẳng thể phai mờ.
Thả diều là một trò chơi đã cùng đi với chúng ta trong suốt những năm tháng trẻ thơ. Cánh diều được tôn vinh là một nét đẹp của đất nước khi nó được tạo ra hẳn một lễ hội riêng, đó là các lễ hội diều ở các thành phố biển như Nha Trang, Đà Nẵng, Vũng Tàu,... Dù xã hội ngày càng hiện đại kéo theo sự lu mờ của trò chơi này, nhưng cánh diều luôn là một biểu tượng đẹp đẽ mang theo những ước mơ, hy vọng và cả những kỷ niệm một thời ngây ngô khờ dại. Những ai đã từng nếm trải cảm giác tự tay chuốt tre, dán giấy, làm ra một chiếc diều và thả nó bay vút lên trời cao cùng với những chắc chắn sẽ hiểu cảm giác lâng lâng khó tả trong những buổi chiều ấy.