Chim cánh cụt Hoàng Đế
Chim cánh cụt Hoàng Đế có tên khoa học là Aptenodytes Forsteri. Chúng sinh sống ở vùng biển Nam Cực và cũng là loài cánh cụt có kích thước to lớn nhất. Chim cánh cụt Hoàng Đế sinh sản vào mùa đông của châu Nam Cực, tức là vào khoảng tháng 3 đến tháng 4 hàng năm. Đây cũng là một loài chim chung thủy, kết đôi theo chế độ một vợ một chồng.
Sau khi kết đôi, chim mái sẽ đẻ trứng và trứng này sẽ được giao cho chim trống ấp, mỗi chim mái chỉ đẻ một trứng. Chim mái sau khi đẻ trứng sẽ bắt đầu tiến ra biển kiếm mồi. Vì khoảng cách từ nơi đẻ trứng đến nơi tìm thức ăn khá xa nên thường chim mái sẽ mất tới hai tháng cho cả lượt đi và về. Chim trống sẽ ấp trứng trong túi ấp bên dưới bụng, giữ trứng cân bằng trên hai chân. Việc này phải được làm thật cẩn thận vì chỉ cần tiếp xúc với mặt băng là chim non trong trứng sẽ chết do không chịu được lạnh. Thời gian ấp trứng của chim cánh cụt Hoàng Đế là khoảng 64 ngày. Sau khi chim non nở ra mà chim mẹ vẫn chưa quay lại, chim trống sẽ tiết một chất dịch dinh dưỡng từ thực quản để nuôi sống chim non.
Trong suốt hai tháng trời ròng rã chờ vợ trở về, các con trống thường quây lại với nhau để giữ ấm và chống đỡ các cơn gió. Ước tính mỗi chim cánh cụt trống có thể mất đến 20kg trọng lượng vì đói và phải chống chịu với cái lạnh cắt da và những cơn gió mạnh đến 200km/h. Sau khi chim mái trở về, chim trống sẽ giao con cho chim mái, chúng sẽ thay phiên nhau trông con và kiếm ăn.