Top 10 Kỷ lục gia đặc biệt nhất trong thế giới côn trùng
Thiên nhiên hoang dã đầy dẫy những nguy hiểm, cạm bẫy nơi muôn loài đấu tranh để sinh tồn, nhưng bên cạnh đó vẫn còn rất nhiều những nét đẹp độc đáo mang màu ... xem thêm...sắc đậm đà của từng loài, mỗi loài mỗi vẻ tạo nên sự cuốn hút đầy thú vị của giới tự nhiên. Trong số đó thế giới côn trùng là nhóm động vật đa dạng nhất với khoảng 1 triệu loài khác nhau. Vậy thì để biết chúng có những nét đặc trưng gì thì ngay sau đây các bạn hãy cùng Toplist đi tìm hiểu những điều độc đáo trong thế giới côn trùng nhé.
-
Loài đẹp nhất - Bướm hoàng hôn Madagascar
Loài bướm đặc hữu của quần đảo Madagascar này được giới chuyên môn đánh giá là một trong những loài côn trùng ấn tượng và hấp dẫn nhất, đồng thời cũng là loài được giới sưu tầm trên thế giới săn lùng nhiều nhất bởi vẻ đẹp có một không hai mà thiên nhiên đã ban tặng cho chúng.
Bướm hoàng hôn Madagascar có sải cánh rộng từ 6 - 9cm với nhiều các loại màu sắc rực rỡ khác nhau như xanh da trời, xanh lá, vàng cam, đỏ, tím, đen, trắng,...đã tạo nên sự độc đáo mà không loài nào có được. Điều đặc biệt ở chỗ đôi cánh của chúng lại không hề chứa các sắc tố tạo màu, những màu sắc xuất hiện trên cơ thể chúng là tự nhiên, thay đổi theo góc nhìn, theo thời gian và môi trường sống nhờ có hệ thống khúc xạ ánh sáng.
Bướm hoàng hôn Madagascar được tìm thấy trong suốt cả năm ở khắp nới trên đảo, với số lượng cao nhất giữa tháng ba và tháng tám, và số lượng nhỏ nhất giữa tháng mười và tháng mười hai. Con cái đẻ khoảng 80 trứng dưới lá.
-
Loài nguy hiểm nhất - Kiến Bulldog đen Australia
Giống kiến Bulldog có khoảng 90 loài kiến đặc hữu sống ở lục địa Australia, bao gồm những loài kiến lớn nhất, độc nhất và hung hăng nhất thế giới, nó hoàn toàn chủ động tấn công trước nếu cảm thấy bị đe dọa, loài vật này không e sợ bất kỳ đối thủ nào kể cả con người.
Những con kiến Bulldog đen có chiều dài thân lên tới 25 - 50mm, mặc dù trông có vẻ nhỏ bé tuy nhiên chúng có nọc độc rất mạnh, nọc độc của chúng có thể gây sốc phản vệ tức thời cho nạn nhân, tương tự như khi bị dị ứng nặng. Nếu như bị đốt nhiều mà không được chữa trị kịp thời sẽ dẫn tới tử vong. Bởi vậy cần hết sức chú ý khi tiếp xúc gần.
Kiến Bulldog đen Australia thường sống trong môi trường ẩm vừa, ở trong rừng hay đồng cỏ, vườn có nhiều cát và sỏi nhỏ. Chúng có thể hoạt động ban đêm, nhưng được đánh giá là động vật ưa sáng. Chúng tự xây tổ từ vật liệu chủ yếu là đất, cát, sỏi hoặc đá nhỏ, mỗi tổ trung bình có đường kính từ 20 đến 60 cm và có thể cao 0,5 m. Loài kiến này là loài ăn tạp: thức ăn thực vật của chúng thường là phấn hoa, thức ăn động vật của chúng là con mồi nhỏ hoặc xác động vật khác. Ban ngày, kiến thợ tìm kiếm thức ăn, đến khi hoàng hôn mới về tổ. Hoạt động của chúng rất mạnh mẽ trong những tháng ấm, nóng, còn trong mùa đông hầu như không hoạt động.
-
Dài nhất - Bọ que Phasmatodea
Bọ que là tên gọi chung cho rất nhiều loài côn trùng thuộc bộ bọ que. Điểm đặc trưng nổi bật của loài côn trùng này là hình dạng bề ngoài giống như một cành cây, với thân và chân rất dài, thông thường ở một số loài cánh của chúng bị thoái hoá hoặc rất nhỏ gần như không có.
Bọ que Phasmatodea là loài côn trùng dài nhất trên thế giới, loài vật này có thân dạng hình que, dài trên mức 160mm với những con trưởng thành, nếu tính cả chân có thể đạt tới 300mm, chúng sống ở những nơi khí hậu ấm, đặc biệt ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt. Thiên nhiên ưu ái cho chúng có màu cơ thể giống như những cành cây, thuận lợi cho việc ngụy trang trước kẻ thù, đồng thời cũng là thế mạnh để ẩn nấp săn mồi.
Bọ que Phasmatodea dành phần lớn thời gian ở trên cây, nằm trên những chiếc lá và di chuyển chậm. Không giống như đa số các loài côn trùng khác. Bọ que khi bị thương nó có thể tự tái lập lại cơ thể, nghĩa là khi chân bị gãy do kẻ thù tấn công hoặc bất kỳ nguyên nhân nào, sau một thời gian một cái chân khác sẽ được mọc ra để thay thế cái chân cũ. Bọ que thường sinh sản mỗi năm một lần, và số lượng bọ que thường rất thấp nên không gây ảnh hưởng nhiều đến thực vật, nhưng nếu mật số cao thì rất có nguy cơ cho cây trồng.
-
Sống lâu nhất - Mối chúa
Mối chúa là loại côn trùng có màu trắng đục, to bằng ngón tay cái, dài khoảng 30-35mm, đầu nhỏ, bụng to, nhìn trông giống như một con sâu đất “khủng”. Chúng sống dưới lòng đất, bên trong các ụ mối. Trong mỗi ụ mối lớn thường có 2 con mối chúa một con lớn và một con nhỏ hơn, con nhỏ hơn có chức năng sẵn sàng thay thế mối chúa khi mối chúa lớn Già và chết đi.
Mối chúa có trọng lượng cơ thể lớn gấp 300 lần so với những con mối thông thường, với tuổi thọ sống rất lâu, thông thường mối chúa có thể sống được đến 50 năm tuổi. Trong suốt chu kỳ sống của mình hầu như mối chúa không ra khỏi tổ mà chỉ ở trong, trừ trường hợp ngập úng. Trong đàn chỉ duy nhất mối chúa có khả năng sinh sản, trung bình mỗi ngày có thể đẻ từ 5.000 - 7.000 quả trứng, sau khi thực hiện nhiệm vụ sinh sản thì chúng sẽ chết.
Mối chúa loại thực phẩm quý được ví như đông trùng hả thảo dưới lòng đất. Loại côn trùng quý hiếm này hiện nay được bắt 100% từ tự nhiên, chưa có cá nhân, đơn vị nào khẳng định nuôi được mối chúa. Vì vậy sử dụng mối chúa làm thuốc là một sự lựa chọn tuyệt vời hiện nay.
-
Ồn ào nhất - Ve sầu châu Phi
Ve sầu là một siêu họ côn trùng có đầu to, hai cánh trong có nhiều vân. Có khoảng 2.500 loài ve sầu trên thế giới, trong vùng ôn đới lẫn nhiệt đới. Ve sầu là các loài sâu bọ được nhiều người biết nhất vì hình dáng đặc biệt có đầu lớn và khả năng tạo âm thanh rỉ rả, inh ỏi, suốt mùa hè.
Ve sầu châu Phi được mệnh danh có tiếng kêu ồn ào nhất, ở khoảng cách xa 1,6km vẫn nghe thấy tiếng kêu. Nếu ở khoảng cách gần hơn tiếng kêu chúng tạo ra còn được so sánh mạnh hơn cả tiếng nhạc trong vũ trường. Nói vậy để thấy được độ ồn khủng khiếp mà chúng tạo ra.
Các nhà khoa học đã phân tích và chỉ ra rằng, để tạo ra sự rung động âm thanh là nhờ chúng có một bộ xương độc nhất, kết hợp với một màng gân trên thân, sẽ rung lên khi chúng làm biến dạng cơ thể, chúng lặp lại chu trình co bóp biến dạng cơ thể cho bên trái và bên phải khoảng 300 - 400 lần/giây. Ve sầu đực tạo ra âm thanh để thu hút những con cái gần chúng, con cái không tạo được âm thanh, sẽ phản hồi bằng việc đập cánh. Khi các con đực nghe thấy tiếng đập cánh, chúng sẽ tiến lại gần hơn và phát ra âm thanh nhẹ nhàng hơn khi tiếp cận con cái.
-
Lớn nhất - Bọ cánh cứng Goliath
Bọ cánh cứng Goliath là loài bọ cánh lớn nhất với chiều dài khoảng 50 - 100mm ở con đực và 50 - 80mm ở con cái, trọng lượng cơ thể của chúng lên tới 85 - 100g. Đốt ngực trước chủ yếu là màu đen, với cái sọc dọc màu trắng, cánh cứng cáp, có màu nâu. Những con đực có sừng trên đầu dùng làm vũ khí khi chiến đấu để giành thức ăn hoặc bạn tình. Con cái không có sừng và thay vào đó có đầu hình nêm hỗ trợ đào hang khi đẻ trứng.
Các loài Goliath có thể được tìm thấy nhiều ở các khu rừng nhiệt đới Châu Phi. Thức ăn của chúng là trái cây hay hút nhựa cây. Ấu trùng của chúng rất hiếm thấy nên khó tìm hiểu về chu kỳ vòng đời trong tự nhiên. Tuy nhiên, người ta đã thành công trong việc nuôi lớn chúng để quan sát chu kỳ vòng đời và là nguồn Protein dồi dào để làm thức ăn cho vật nuôi.
Ngoài kích thước khổng lồ của chúng, những con bọ cánh cứng lớn cũng có hoa văn nổi bật. Các dấu hiệu nổi bật chung cho tất cả các loài bọ cánh cứng lớn là các sọc dọc màu đen tương phản mạnh trên pronotum (lá chắn ngực).
-
Bay nhanh nhất - Ruồi trâu
Họ ruồi có khoảng 4.500 loài khác nhau, trong đó ruồi trâu là loài gần như lớn nhất, nhiều người nghĩ rằng có thể chúng có thân hình lớn nên sẽ chậm chạp tuy nhiên điều đặc biệt ở chỗ tốc độ bay của chúng rất nhanh, nhanh nhất trong các loài côn trùng, tốc độ bay có thể lên tới 145km/giờ và có khả năng thay đổi hướng bay bất ngờ mà không ảnh hưởng tới tốc độ. Chính vì khả năng tuyệt vời như thế nên loài này được đánh giá số một về tốc độ bay.
Ruồi trâu là một loài gây hại cho gia súc. Những vết cắn không ngừng của ruồi cái có thể dẫn đến giảm cân ở một số loài vật. Vết cắn của ruồi trâu có thể rất đau đối với con người. Chúng có phần miệng giống như con dao thu nhỏ mà chúng dùng để rạch da bằng một chuyển động như cây kéo.
Ruồi trâu đực chủ yếu ăn phấn hoa, mật hoa và hoạt động vào ban ngày. Con trưởng thành có thể dài đến 25 mm. mùa sinh sản chủ yếu vào mùa xuân và đầu mùa hè. Vòng đời của con trưởng thành là 30 đến 60 ngày.
-
Côn trùng căng tròn nhất - Kiến mật
Kiến mật - tên gọi của loài vật này đã đủ để nói lên cơ thể của chúng, với chiếc bụng căng tròn, giống như hũ mật, chúng phụ trách thức ăn cho cả đàn, tiêu thụ các thức ăn do kiến thợ mang tới, sau đó lưu trữ các chất dinh dưỡng dưới dạng nước, chất lỏng và chất béo. Do đó cùng với thời gian càng ngày bụng của chúng càng căng tròn lên với kích thước bằng khoảng quả nho. Loài này thường làm tổ trong các hốc đất khô hạn ở Bắc Mỹ.
Kiến mật có thể xuất hiện ở mọi nơi trong tổ, nhưng chúng thường hiện diện ở những nơi sâu nhất trong tư thế treo ngược mình trên nóc đường hầm tổ kiến. Kích thước bụng lớn buộc chúng trải qua toàn bộ thời gian ở yên một chỗ.Trong thời kỳ khó khăn, khi thức ăn không đủ để duy trì tổ kiến, kiến mật sẽ hy sinh thân mình để làm mồi cho những con kiến khác, hoặc phun các chất dự trữ ra ngoài. Ở trường hợp thứ hai, kiến thợ chọc râu vào bụng kiến mật, thúc đẩy chúng nôn ra chất lỏng. Chất lỏng trong bụng kiến mật có vị rất ngọt và là một nguồn đường bổ dưỡng.
Thức ăn của kiến mật là mật hoa và dịch cây chứa nhiều đường. Chúng cũng ăn chất lỏng từ côn trùng khác, dịch ngọt của rệp vừng và động vật chết. Kiến thợ rời tổ để kiếm thức ăn. Sau khi tìm thấy thức ăn, chúng ăn hết và quay trở về tổ. Kiến thợ sẽ tới thăm những người bạn bất động của mình, nôn ra một phần bữa ăn và bón cho kiến mật.
-
Đáng ghét nhất - Dĩn hút máu
Dĩn là loài côn trùng nhỏ sống ở những nơi ẩm thấp, trông chúng bé li ti nhưng cực kỳ khó chịu với con người, thường thì chỉ phát hiện ra sau khi đã bị tấn công, hơn nữa vì cấu tạo của loài dĩn có vòi ngắn nên thường tập trung vào những vùng không được che đậy bởi quần áo như mặt, mũi làm cho cảm giác bực bội tăng lên rõ rệt, những chỗ bị đốt thường gây ra cảm giác ngứa ngáy khó chịu, mần đỏ, có khi chúng còn là tác nhân gây ra bệnh tật.
Dĩn có khả năng truyền bệnh Mansonellosis rất hiếm gặp và thường không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Vai trò truyền bệnh của nó đang được các nhà khoa học nghiên cứu nhưng hiện nay hoạt động chích đốt mồi của chúng gây phiền hà cho sinh hoạt của con người. Để phòng tránh dĩn bay thành đám quanh đầu, chích đốt máu, gây phiền hà, cần gội đầu, tắm rửa vệ sinh hàng ngày, không ở trần khi ra ngoài nhà, có thể dùng các loại hóa chất xua côn trùng thông thường nếu có hoạt động ở ngoài trời ở những nơi có nhiều loài dĩn hoạt động.
-
Phá hoại ghê nhất - Châu chấu sa mạc
Châu chấu sa mạc (tên khoa học Schistocerca gregaria) là loài châu chấu râu ngắn, không gây hại nếu còn ở “giai đoạn đơn độc” – thời kỳ không gian sống còn rộng, châu chấu chủ động né tránh nhau. Chúng nguy hiểm khi số lượng gia tăng, tương tác lẫn nhau dẫn đến thay đổi hành vi và chuyển sang “giai đoạn bầy đàn”, trở thành những nhóm lớn có thể di chuyển 150 km mỗi ngày.
Loài châu chấu này thoạt nhìn có thể bạn sẽ không thể tưởng tượng được mức tàn phá khủng khiếp của chúng như thế nào, chúng di chuyển thành từng đàn cực lớn, bay từ vùng này sang vùng khác, tàn phá nông nghiệp hoa màu. Loài này ăn khá nhiều trung bình mỗi con ăn bằng trọng lượng cơ thể, cứ như vậy không mấy chốc mà hoa màu bị tổn hại nặng nề. Đã có nhiều giải pháp được đưa ra để tiêu diệt loài này, cũng góp phần mang lại hiệu quả, nhưng số lượng của chúng vẫn không hề nhỏ.
Châu chấu sa mạc còn có tốc độ sinh sản nhanh, một con cái đẻ 60 – 80 trứng trong vòng đời dài 90 ngày, mỗi km2 đất có thể là nơi sinh sôi của 40 – 80 triệu con châu chấu.