Cổng làng
Làng Việt trước đây thường có một lối đi vào chính, gọi là cổng làng. Cổng làng quê Việt thường có 2 cổng: Cổng trước hay cổng tiền và một lối nhỏ hơn gọi là cổng sau. Lối đi từ cổng trước đến cổng sau là con đường chính trong làng. Cổng là ranh giới ước lệ, là biểu hiện quyền uy của làng xóm. Có làng còn dựng cả bia với các chữ Nho ở bên cổng để nhắc nhở ai qua cổng, ngay cả những người quyền quý cũng phải xuống ngựa, xuống xe để tỏ ý tôn trọng lệ làng.
Thời loạn lạc, cổng làng được đóng kín, nhất là ban đêm, lại có thêm tuần phu canh gác rất nghiêm cẩn. Trong khi cổng trước mang nhiệm vụ nghênh tiếp, cổng sau hàm ý tiễn đưa. Ví dụ như người chết thì sẽ được đưa ra bãi tha ma bằng cổng sau (chứ không đưa qua cổng trước). Người bị làng phạt vạ vì tội gì đó, thì cũng phải đi cổng sau.
Vật liệu xây cổng làng thường là gạch hoặc đá, đắp thêm vữa, bên trên làm mái. Có nơi cầu kỳ thì làm hai tầng mái (chồng diêm) hoặc xây gác giống như vọng lâu với mái cong. Nóc mái thì đắp rồng, phượng, hay cá hóa long, quả bầu v.v. .. Làng nghèo thì cổng làm khá đơn giản, chỉ bằng gạch, gỗ tre.
Cổng làng là sản phẩm kiến trúc cổ của người Việt Nam. Người sống sau cái cổng làng, người chết thì chôn bên ngoài cái cổng làng. Vì thế, cổng làng có vị trí rất quan trọng trong đời sống thực và đời sống tâm linh của con người Việt Nam.