Top 10 Cảnh vật chỉ thấy ở nông thôn
Những cảnh vật chỉ còn là những kỉ niệm đối với mọi người nhưng ở nông thôn thì những cảnh vật này không những còn rất quen thuộc mà còn là những cảnh vật đặt ... xem thêm...trưng chỉ thấy ở nông thôn. Đó là những cảnh vật nào thì hãy cùng toplist khám phá ngay bài viết dưới đây bạn nhé.
-
Đường phố ở nông thôn không đẹp không lớn như trên thành thị nhưng không bao giờ thấy kẹt xe. Đường phố ở đây vắng lặng lâu lâu lại có một chiếc xe chạy ngang, có khi là những con đường đất. Đường thì không có vĩa hè nhưng ven hai bên đường thì luôn rợp bòng mát chắc có lẽ vì thế mà cứ vài tuần lại thấy một đoàn người nước ngoài chạy xe đạp ở những vùng quê.
Đường quê không chỉ làm cái việc đi lại, nó có nghĩa, có hồn và ngồn ngộn văn hoá làng. Đường quê dẫn đến cổng làng, một giới hạn quy ước và vô định. Thường đó là một tam quan xây gạch, không to lắm cũng không lớn lắm. Cầu kỳ thì đắp ngói với một vài hoạ tiết dân gian. Con đường đi qua cổng làng để lại theo năm tháng những lớp bụi quê vô thường, vô thức chứng kiến không biết bao nhiêu sự kiện của làng. Đám rước, đám hội, những buổi tiễn đưa hay hò hẹn như đều được bắt đầu và kết thúc ở đây.
-
Cùng với sự phát triển của xã hội những vật dụng hiện đại ra đời ngày càng nhiều, chiếc bếp lò giờ đã đi vào lãng quên. Thế nhưng ở nông thôn chiếc bếp lò vẫn là đồ dùng thân thuộc của người dân nơi đây, cứ mỗi buổi trưa hay chiều thì mùi khói lại nghi ngút làm con người ta hoài niệm về những kí ức xưa lúc cùng bà cùng mẹ bên bếp lữa nấu ăn.
Bếp lửa ấy, mỗi gia đình làng quê Việt Nam đều có. Một hình ảnh bình dị và thân thiết. Nó là nơi mẹ bế con sưởi ấm chúng vào mỗi buổi sáng mùa đông. Là nơi mẹ nấu cơm, đun nước trong khói nhoè cay mắt để nuôi con lớn từng ngày.
Bên bếp lửa, than hồng rực, ngồi nướng những củ khoai, củ sắn, củ từ đào được trên nương. Chỉ cần vùi củ vào các lớp than hồng một lúc là có được món ăn khoái khẩu. Mặt đứa nào đứa nấy nhọ nhem mà vui biết mấy. Những buổi chăn trâu ngoài bãi, cùng rủ nhau nhặt củi khô, gom lại và tạo thành bếp lửa. Hình như không ai không muốn xa hình ảnh thân thương ấy, hình như mỗi đứa bé đều muốn bếp lửa luôn ở bên mình. Mỗi buổi chiều đi học về đến đầu làng, đã nhìn thấy khói bếp nhà mình đang bay lơ lửng trên mái rạ. Ở đó, người mẹ quê lại đang nhen nhóm lên tình yêu thương bằng những điều giản dị nhất mà tuổi thơ ở quê mỗi người đều được hưởng trọn.
-
Nói tới làng quê Việt Nam ai cũng nghĩ ngay đến lũy tre xanh rì rào, những cánh đồng lúa xanh mướt thẳng cánh cò bay. Người ở quê có một thói quen là dậy sớm. Chỉ cần nghe gà gáy, khi trời còn tờ mờ sương thì bếp nhà nào cũng đã lên khói. Mọi người rục rịch chuẩn bị cuốc, gánh ra đồng. Không khí ở làng quê thật trong lành. Không khói bụi của xe cộ, không tiếng ồn ào của khu công nghiệp. Ở đây chỉ có những hàng cau cao vút, những khu vườn trồng đủ các loại rau và tiếng chim ríu rít sau lũy tre.
Một buổi sáng thức dậy, ánh nắng ban mai lọt qua khe cửa làm nheo mắt bạn, tiếng chim hót líu lo và một cơn gió khẽ luồn qua tóc bạn, cuộc sống còn gì tuyệt hơn thế. Bạn sẽ không còn phải đối mặt với sự ồn ào và khói bụi thành phố, bạn cũng không phải lo lắng về cảm giá chật chội trên một căn gác nhỏ/một cái ngõ rất một chiều dành cho người đi bộ.
Không cần tốn nhiều tiền để đi du lịch tới những khu sinh thái, bạn chỉ cần xách ba lô lên đường là có thể tận hưởng một bầu không khí trong lành và mát mẻ ở thôn quê, rất dễ chịu và yên tĩnh. Không tin thì bạn thử một lần về quê xem nhé!
-
Những ngày ở thành phố, chúng mình được ăn rất nhiều món ngon ở nhà do bố mẹ tự tay chế biến hay những bữa cơm đắt tiền trong các nhà hàng sang trọng, gần như mỗi bữa ăn trong các gia đình hiện nay đều có mặt của thịt, nếu không phải là thịt lợn thì cũng thịt bò. Nhưng chỉ cần bạn để ý một chút thì trong các bữa cơm gia đình, mẹ thường phàn nàn rằng: “Thịt lợn bây giờ nhiều tăng trọng quá!”, hay “Con gà này là công nghiệp, thịt nhão quá! Không thơm và chắc như gà nhà!”
Bữa cơm quê chỉ có cà muối, mà là cà pháo hẳn hoi nhé! Thêm bát canh nấu với tôm đồng và một đĩa cá rô rang vàng ươm. Thế mà ngon tuyệt.
Đâu chỉ phải “cao lương mĩ vị” mới ngon. Đôi khi chỉ là những món ăn rất đỗi bình thường và quen thuộc ở quê như rau muốn chấm tương hay bát cá muối lại ngon đến vậy, để lại một cảm giác rất khó tả, ăn rồi lại muốn ăn thêm.
-
Chợ quê là một phần của của văn hoá làng, cái ăn, cái mặc, kiểu ứng xử bày cả ra chợ. Không chỉ ảnh hưởng ở làng mà ngày nay, chợ quê cũng có một “thị phần” ở đô thị. Tính ngẫu nhiên, tuỳ ứng là đặc thù của không gian chợ như thể là chợ phải vậy. Cứ quan sát mấy cái chợ mới xây lại ở phố khắc thấy ngay. Dẫu có được xếp đặt, xây tầng, bao che thì chợ vẫn cứ ào xuống đất, tràn ra đường. Có lẽ chợ chỉ cần một khoảng rộng, có mái hoặc không là đủ. Cho dù đó là chợ quê hay chợ phố.
Cùng với nghề làng, phiên chợ làm cho dân quê không gặp mãi nhau, không xa mãi nhau, như có hẹn có chờ vậy. Trong khoảng thời gian của “phiên” ấy, biết bao nhiêu tâm trạng được dồn nén. Chợ quê không chỉ là một yếu tố cấu trúc của không gian làng, còn như một loại hình ảnh lưu bền với người quê. Giá trị và đặc tính văn hoá của chợ quê không hàm cái hình ảnh và hình thái không gian cụ thể. Vẻ kiến trúc, quy hoạch như trốn ở đâu, khó thấy, nhường lại cho các loại hình ảnh ký ức và tâm trạng, nhất là với các bà các cô.
-
Chùa, Đền, Miếu định nên một sắc thái khác cho cấu trúc không gian làng. Chất mờ ảo, thâm nghiêm, siêu nhiên, thoát tục của cảnh quan và không gian chùa, miếu chỉ ám vào những khoảnh khắc tâm linh nào đó của dân làng, thường là những khoảnh “âm”, với tâm trạng dãi bày, ước nguyện. Chùa làng khác chùa nước. Chùa nước thuở trước còn gọi là Đại danh lam, đôi khi có cả hành cung, quy mô to lớn, vị thế đắc địa (bách môn, trăm gian…), rặt chữ nghĩa, học thức ở lớp trên, nên dễ thấy tính nghi thức, lớp lang, trục hệ của không gian chùa. Chùa vốn là yếu tố không thuần quê như Đình. Làng chỉ như một môi trường để chùa bám vào cộng sinh.
Chùa làng chính là điểm thanh cao, nhã vọng nhất của cấu trúc không gian làng. Đền, miếu không vậy, vốn là nơi thờ Thánh, Thần, một siêu lực hay một đấng Nhân thần siêu phàm nào đó. Đền miếu đượm màu huyền tích, hoang đường, nguyên thuỷ. Vị trí đền miếu thường ứng với những địa danh có tích truyện thánh thần, một kiểu tín ngưỡng nguyên thuỷ. Người làng choàng lên chỗ đó một nội dung, nắn lại cách nhìn với núi sông, gò bãi, đầm ao, cây cối để các hình thái địa lý trở thành nhân vật chuyện.
Hàng năm, ngày giỗ Thành hoàng là ngày hội đông vui nhất của làng, của phố. Trong những ngày hội, ngoài việc làm cỗ, ăn uống còn rất nhiều nghi lễ như diễn lại sự tích về Thành hoàng, tế lễ, rước kiệu hay các trò vui: đấu cờ, chọi gà, thổi cơm thi, bơi chải, đánh đu, đánh cờ người, hát chèo, diễn tuồng... Ngày lại ngày, năm qua năm, các thế hệ người dân quê cứ tiếp tục sinh sôi nhưng Thành hoàng thì còn mãi, trở thành một chứng tích không thể phủ nhận được của mỗi làng quê qua những cơn dâu bể.
-
Không gian ở (the habitat) của nông thôn Bắc bộ là một lắng đọng ngàn năm của tinh hoa làng. Ở đó có văn hoá, có truyền thống, có ứng xử với đất trời, có nôm na mộc mạc, có trừu tượng cao siêu. Nhà ở của người làng, không gian ở thôn quê là những nguyên mẫu lý tưởng cho bất kỳ ai muốn nghiên cứu và khám phá về người Việt.
Trong khuôn viên được xây gạch hoặc rào bằng đủ loại cây, có cây cao, cây bóng mát, cây cảnh, cây lưu niên, rau xanh hay cây thuốc, gia vị. Mỗi loại cây có một vị trí và không gian riêng, chức năng riêng không thể thay thế. Nhà trên, nhà dưới, chuồng trại ao vườn, đụn rơm, đụn đất ủ phân… tất cả các yếu tố cần thiết của chu trình sinh thái kín đều được người làng tạo ra một cách tự nhiên, đơn giản và mộc mạc, phù hợp với phân công lao động của gia đình nông thôn. Sức mạnh tồn vong của làng cắm rễ, bám chặt từ trong khuôn viên mỗi gia đình. Một cách tự nhiên những mái hiên, tấm giại, chum nước, gốc mít, góc bếp, sân gạch, đụn rơm, cầu ao, chuồng lợn… đã đi vào văn học nghệ thuật như những biểu tượng của nhà làng. Nhớ nhà, nhớ quê là nhớ những cái này đây.
-
Làng Việt trước đây thường có một lối đi vào chính, gọi là cổng làng. Cổng làng quê Việt thường có 2 cổng: Cổng trước hay cổng tiền và một lối nhỏ hơn gọi là cổng sau. Lối đi từ cổng trước đến cổng sau là con đường chính trong làng. Cổng là ranh giới ước lệ, là biểu hiện quyền uy của làng xóm. Có làng còn dựng cả bia với các chữ Nho ở bên cổng để nhắc nhở ai qua cổng, ngay cả những người quyền quý cũng phải xuống ngựa, xuống xe để tỏ ý tôn trọng lệ làng.
Thời loạn lạc, cổng làng được đóng kín, nhất là ban đêm, lại có thêm tuần phu canh gác rất nghiêm cẩn. Trong khi cổng trước mang nhiệm vụ nghênh tiếp, cổng sau hàm ý tiễn đưa. Ví dụ như người chết thì sẽ được đưa ra bãi tha ma bằng cổng sau (chứ không đưa qua cổng trước). Người bị làng phạt vạ vì tội gì đó, thì cũng phải đi cổng sau.
Vật liệu xây cổng làng thường là gạch hoặc đá, đắp thêm vữa, bên trên làm mái. Có nơi cầu kỳ thì làm hai tầng mái (chồng diêm) hoặc xây gác giống như vọng lâu với mái cong. Nóc mái thì đắp rồng, phượng, hay cá hóa long, quả bầu v.v. .. Làng nghèo thì cổng làm khá đơn giản, chỉ bằng gạch, gỗ tre.
Cổng làng là sản phẩm kiến trúc cổ của người Việt Nam. Người sống sau cái cổng làng, người chết thì chôn bên ngoài cái cổng làng. Vì thế, cổng làng có vị trí rất quan trọng trong đời sống thực và đời sống tâm linh của con người Việt Nam.
-
Giếng làng thường nằm trong quần thể không gian kiến trúc đình chùa, dù làng đó giàu hay nghèo, dù sang hay hèn, dù xây bằng gạch, đất hay đá ong, thì giếng làng vẫn là nơi gắn bó lâu bền với đời sống người dân làng quê Việt và mãi là hình ảnh thân thương, gần gũi trong tâm thức mọi người khi nhớ về làng quê. Chẳng phải ngẫu nhiên mà hình ảnh giếng làng cứ đi về trong nỗi nhớ của những người xa quê. Cái giếng có mặt trong đời sống của người Việt từ xa xưa, có lẽ bắt đầu từ câu chuyện cổ tích khi cô Tấm nuôi con cá bống. Rồi giếng thành huyền thoại khi Trọng Thủy gieo mình tự vẫn, giải oan cho tình yêu của nàng Mỵ Châu với “trái tim lầm lẫn để trên đầu”.. .
Giếng làng thường có hai loại chính: giếng đất và giếng đá. Cái giếng giữ phần âm của làng. Bản thân cấu trúc hình tròn, chiều sâu đi vào lòng đất, vị tanh hơi ngọt và độ lạnh của nước giếng đã nói lên điều đó. Hơn nữa, giếng đôi khi còn là cái gì đó linh thiêng và thần bí. Trên Đền Hùng giờ vẫn còn giếng Ngọc. Các bà các cô bảo nhau: nếu ngọc trai vớt ở sông đem đến đây rửa sẽ rất sáng và đẹp. Chính vì vậy, trong tâm thức của người Việt, giếng làng không chỉ là con mắt của đất, nó là trái tim của làng, là cái hồn của xóm mà nó còn là nơi tụ hội nguồn sống, là mạch ngầm, là nơi tích phúc cho dân làng ăn nên làm ra. Trong sinh hoạt đời thường, người ta lấy nước giếng về dùng trong sinh hoạt, giếng còn làm gương soi cho các cô gái làm duyên mỗi khi ra đó gánh nước về dùng.
-
Hàng năm, có lẽ hiếm có làng quê Việt Nam nào lại không mở hội làng. Hội làng ở làng quê nước ta thường được tổ chức vào mùa xuân, khi đất trời giao hòa, thiên nhiên tươi tốt, lòng người hân hoan. Có thể nói, trên cái nền hết sức phong phú và đa dạng của hội hè, đình đám ở nông thôn Việt Nam, hội làng được coi là thời điểm cuốn hút nhất, tưng bừng nhất với những nghi thức tôn nghiêm và thuần Việt: tế lễ, rước, trò vui và hát xướng... Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng: Hội làng đã có từ xa xưa và nhiều hội làng nổi tiếng tiêu biểu cho tín ngưỡng phồn thực được bảo lưu từ thời thượng cổ. Ngay cả trên trống đồng cổ, cũng thấy có những nét hoa văn, dấu ấn của hội làng.
Xem xét từ nhiều yếu tố lịch sử và văn hóa, hội làng mang tính cộng đồng sâu sắc, đó là đỉnh cao của sự hòa hợp, đoàn kết vì một ước nguyện chung cho sự phồn vinh của làng xã. Hội làng thường được tổ chức thật vui, thật đầm ấm vì tình làng, nghĩa xóm. Điều đó thể hiện qua những khâu chuẩn bị cho đến khi nuối tiếc lúc tan hội. Có xem hội làng, ta mới cảm nhận hết ý nghĩa và lòng tự hào dân tộc với một truyền thống vàng son.