Giếng làng
Giếng làng thường nằm trong quần thể không gian kiến trúc đình chùa, dù làng đó giàu hay nghèo, dù sang hay hèn, dù xây bằng gạch, đất hay đá ong, thì giếng làng vẫn là nơi gắn bó lâu bền với đời sống người dân làng quê Việt và mãi là hình ảnh thân thương, gần gũi trong tâm thức mọi người khi nhớ về làng quê. Chẳng phải ngẫu nhiên mà hình ảnh giếng làng cứ đi về trong nỗi nhớ của những người xa quê. Cái giếng có mặt trong đời sống của người Việt từ xa xưa, có lẽ bắt đầu từ câu chuyện cổ tích khi cô Tấm nuôi con cá bống. Rồi giếng thành huyền thoại khi Trọng Thủy gieo mình tự vẫn, giải oan cho tình yêu của nàng Mỵ Châu với “trái tim lầm lẫn để trên đầu”.. .
Giếng làng thường có hai loại chính: giếng đất và giếng đá. Cái giếng giữ phần âm của làng. Bản thân cấu trúc hình tròn, chiều sâu đi vào lòng đất, vị tanh hơi ngọt và độ lạnh của nước giếng đã nói lên điều đó. Hơn nữa, giếng đôi khi còn là cái gì đó linh thiêng và thần bí. Trên Đền Hùng giờ vẫn còn giếng Ngọc. Các bà các cô bảo nhau: nếu ngọc trai vớt ở sông đem đến đây rửa sẽ rất sáng và đẹp. Chính vì vậy, trong tâm thức của người Việt, giếng làng không chỉ là con mắt của đất, nó là trái tim của làng, là cái hồn của xóm mà nó còn là nơi tụ hội nguồn sống, là mạch ngầm, là nơi tích phúc cho dân làng ăn nên làm ra. Trong sinh hoạt đời thường, người ta lấy nước giếng về dùng trong sinh hoạt, giếng còn làm gương soi cho các cô gái làm duyên mỗi khi ra đó gánh nước về dùng.