Hồ Tanganyika
Hồ Tanganyika là một hồ lớn ở châu Phi. Hồ này được coi là hồ nước ngọt lớn thứ hai thế giới và là hồ sâu thứ hai, sau Hồ Baikal ở Siberia. Hồ này nằm trong lãnh thổ 4 nước - Burundi, Cộng hòa Dân chủ Congo, Tanzania và Zambia, trong đó Cộng hòa Dân chủ Congo (45%) và Tanzania (41%) là 2 nước làm chủ phần lớn hồ. Nước từ hồ chảy vào hệ thống sông Congo rồi cuối cùng vào Đại Tây Dương.
Hồ nằm tại điểm tách giãn phía tây của thung lũng tách giãn lớn hình thành bởi khe tách giãn kiến tạo Đông Phi (tectonic East African Rift), và giới hạn bởi các vách lớn của thung lũng. Đây là hồ tách giãn lớn nhất ở châu Phi và là hồ có diện tích lớn thứ nhì ở châu lục, đồng thời cũng là hồ sâu nhất châu Phi và chứa lượng nước ngọt nhiều nhất. Nó trải dài 673 km theo hướng bắc - nam và rộng trung bình khoảng 50 km. Hồ có diện tích 32.900 km², với đường bờ dài 1.828 km và độ sâu trung bình 570 mét. Độ sâu tối đa của hồ là 1,470 mét. Hồ có dung tích ước lượng 18.900 km³. Nhiệt độ trung bình ở mặt hồ là 25 °C và độ pH trung bình 8.4. Thêm vào đó, ở độ sâu 500 m dưới nước có một lớp trầm tích khoảng 4.500 m trên nền đá.
Trong hồ có ít nhất 250 loại cá cichlid và 150 loại cá không thuộc loại cá cichlid, phần lớn sống dọc theo bờ hồ, trong vùng nước sâu khoảng 600 foot (180 m). Do đó, hồ Tanganyika là một nguồn sinh vật quan trọng để nghiên cứu sự hình thành loài trong quá trình tiến hóa. Tuy nhiên, lượng lớn cá sống ở khu vực giữa hồ và gồm 6 loài chính: 2 loài cá "Tanganyika sardine" và 4 loài cá lates ăn thịt động vật. Đại đa số (98%) các loài cá cichlid của hồ là loài đặc hữu và nhiều loài, như cá từ loại Tropheus màu sáng, được giới nuôi cá trong hồ kính đánh giá cao. Trong hồ cũng có nhiều loài không xương sống, nhất là các động vật thân mềm, cua, tôm, bộ động vật chân kiếm, sứa, đỉa...