Làng nghề làm bánh tráng Thạnh Hưng
Khi đặt chân đến xã Thạnh Hưng, huyện Giồng Riềng các bạn sẽ bắt gặp rất nhiều giàn phơi bánh tráng. Những chiếc bánh nóng hổi, vừa ra lò nằm đón nắng, chờ hong khô để kịp đóng gói cho thương lái. Đây cũng là tín hiệu báo cho du khách phương xa biết là đã đến với xứ bánh tráng Thạnh Hưng của tỉnh Kiên Giang. Hiện nay tại xã Thạnh Hưng chỉ có vài chục hộ dân theo nghề thế nhưng không phải vì thế mà không khí làng nghề kém sôi động và nhộn nhịp. Kết tinh từ hương vị thơm thảo của hạt gạo quê hương, bánh tráng Thạnh Hưng vang danh khắp vùng, được nhiều người dân trong và ngoài tỉnh Kiên Giang ưa chuộng. Ngoài bánh tráng để cuốn thịt luộc thông thường, tại làng nghề còn có những loại bánh tráng ngọt như bánh tráng phủ đường, phủ đậu xanh rất thơm ngon. Đặc biệt, bánh tráng ngọt còn có thể mua về làm quà cho người thân và bạn bè.
Ngày nay, cả làng nghề bánh tráng Thạnh Hưng chủ yếu tập trung ở hai ấp Thạnh Trung và Thạnh Tân với hơn 100 hộ gia đình vẫn tiếp tục gìn giữ và phát huy nghề này, hầu hết theo kiểu cha truyền con nối. Làm bánh tráng thu nhập không cao so với nghề khác, nhưng được cái xoay vòng vốn nhanh, giúp trang trải nhiều thứ sinh hoạt hàng ngày trong gia đình. Có những gia đình 3 đời làm bánh tráng, họ cần mẫn, gìn giữ và tự hào với cái nghề mà cha ông để lại như giữ nét đẹp văn hóa truyền thống làng quê. Lợi thế của bánh tráng Thạnh Hưng là tận dụng được nguyên vật liệu và nhiên liệu sẵn có tại địa phương, sử dụng kỹ thuật thủ công là chủ yếu, tổ chức sản xuất mang tính quy mô hộ gia đình, nguồn vốn ban đầu cũng không nhiều, sản phẩm làm ra dễ tiêu thụ, có thể bán ngay tại lò. Để có những chiếc bánh tráng thơm ngon, quan trọng nhất phải kể đến là khâu chọn gạo. Gạo phải tốt, ngon cơm, sau đó đem ngâm 2 - 3 ngày, xay thành bột, nhưng bột phải xay thật mịn, bánh mới dai và dẻo, tay tráng phải nhẹ nhàng, nhanh nhẹn thì chiếc bánh mới tròn, mỏng đều.
Địa chỉ: Ấp Thạnh Trung, Xã Thạnh Hưng, Huyện Giồng Riềng, Kiên Giang.