Top 12 Làng nghề và món ăn ngon nức tiếng nhất ở miền Tây

Thanh Nguyen 1848 0 Báo lỗi

Đến miền Tây ngoài việc thưởng ngoạn cảnh đẹp, dạo chơi khắp nơi hay thưởng thức những món đặc sản ngon, hấp dẫn thì việc đến tham quan, tìm hiểu những làng ... xem thêm...

  1. Top 1

    Làng nghề chuối khô Cà Mau

    Không chỉ nổi tiếng với tôm khô, Cà Mau còn là vùng đất trồng chuối và có đặc sản chuối ép khô nổi tiếng vùng đồng bằng sông Cửu Long. Làng nghề truyền thống ép chuối khô chủ yếu tập trung ở 2 xã Trần Hợi và Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời. Đây là một trong những địa phương có nghề trồng chuối và là nguồn chuối nguyên liệu lớn nhất của tỉnh Cà Mau. Làng nghề này nằm gần khu di tích lịch sử cấp quốc gia Hòn Đá Bạc và cách trung tâm thành phố Cà Mau khoảng 30 km. Làng nghề chuối khô Cà Mau là nghề truyền thống có từ lâu đời, là nghề cha truyền con nối qua bao đời. Để có miếng chuối khô, ngon, dẻo và dai ngon phải chọn cho được loại chuối xiêm thật già, chín đều. Các công đoạn làm chuối khô tuy dễ, nhưng không phải ai muốn làm cũng được. Đầu tiên, chuối được lột hết vỏ mang phơi sau đó được cho vào khuôn ép mỏng ra, xong mang đi xếp đều lên các vỉ được làm bằng tre hoặc sậy để phơi đến khi có màu vàng sậm, thơm, dẻo.


    Khác với chuối khô miền Bắc, chuối ở đây được ép bằng khuôn. Khuôn ép được thiết kế hình tròn với đường kính từ 20 đến 30 cm, mỗi lần ép từ 3 đến 5 trái chuối tùy theo loại lớn hoặc nhỏ tạo ra những miếng chuối ép mỏng tròn. Chuối khô thành phẩm được phân phối cho các lò bánh kẹo từ các tỉnh An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp… để chế biến kẹo chuối, chuối khô khèo, chuối gừng, nước cốt chuối, rượu chuối… cung cấp nhu cầu cho người tiêu dùng. Đến với làng nghề chuối khô Cà Mau, các bạn sẽ được hòa mình vào không khí nhộn nhịp nơi đây, được giới thiệu và tham gia vào các công đoạn từ lột vỏ chuối, ép chuối, phơi chuối, được thưởng thức những miếng chuối khô thơm ngon, dẻo ngọt. Và thưởng ngoạn khung cảnh phơi chuối tuyệt đẹp trên mọi nẻo đường mà không nơi nào có được.


    Địa chỉ: Xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.

    chuối khô thành phẩm
    chuối khô thành phẩm
    chuối sau khi ép được mang ra phơi ngoài nắng trên các vỉ tre
    chuối sau khi ép được mang ra phơi ngoài nắng trên các vỉ tre

  2. Top 2

    Làng nghề Bánh phồng Phú Mỹ An Giang

    Vùng đất An Giang từ lâu nổi tiếng với các đặc sản như mắm Châu Đốc, đường Thốt Nốt, lụa và thổ cẩm... Ngoài ra khi đến An Giang các bạn còn được tham quan làng nghề bánh phồng Phú Mỹ. Là làng nghề hình thành, tồn tại và phát triển gần 70 năm nay, với hơn 50 cơ sở sản xuất. sản phẩm bánh phồng nơi đây là đặc sản của địa phương, từ lâu đã được nhiều du khách biết đến và thương hiệu “Bánh phồng Phú Mỹ” đang lan tỏa dần ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Bánh phồng Phú Mỹ được làm từ loại nếp đặc sản Phú Tân. Nhờ nguồn nguyên liệu nếp đặc sản riêng biệt nên bánh phồng Phú Mỹ có hương vị riêng, độ thơm, béo, ngọt rất khác biệt so với bánh phồng những nơi khác. Chính yếu tố đó giúp làng nghề tồn tại và phát triển cho đến ngày nay. Bánh phồng Phú Mỹ có nhiều loại, trong đó hai loại ngon nhất là bánh phồng sữa và bánh phồng mè trắng luôn thu hút nhiều khách hàng đặt mua.


    Đến tham quan làng nghề, du khách sẽ được giới thiệu các công đoạn làm bánh rất công phu. Từ khâu chọn nếp, đãi nếp, xôi lên rồi bỏ vào cối quết đến khi nhuyễn, đem ra cán thành bánh, phơi nắng rồi đem vào nhúng nước đường và phơi lại lần nữa cho khô mới đóng gói. Các phụ gia như đậu, mè, sữa… được đưa lần lượt vào bánh theo từng công đoạn với tỷ lệ thích hợp. Bánh phồng Phú Mỹ nhỏ bằng cái dĩa nhưng sau khi nướng chín thì phồng to hơn cái quạt nan. Bánh vừa xốp, vừa mềm, cắn vào nghe “phao” miệng bởi vị béo của nếp, vị ngọt của đường, mùi thơm của sữa, mè, đậu nành, đậu phộng… tạo nên hương vị đặc trưng và không thể thiếu trong bữa ăn ngày Tết hay các dịp đám tiệc, cưới hỏi. Đến thăm làng nghề vào những ngày giáp tết Nguyên Đán, du khách sẽ cảm nhận hết không khí nhộn nhịp của một làng nghề truyền thống.


    Địa chỉ: Thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang.

    Bánh phồng sau khi cán, được xếp lên các nan tre và đem phơi nắng
    Bánh phồng sau khi cán, được xếp lên các nan tre và đem phơi nắng
    sản phẩm bánh phồng Phú Mỹ đã được nướng chín căng phồng hấp dẫn
    sản phẩm bánh phồng Phú Mỹ đã được nướng chín căng phồng hấp dẫn
  3. Top 3

    Làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng

    Khi nhắc đến Huyện Giồng Trôm tỉnh Bến Tre, người ta lại truyền tay nhau câu nói "Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh Phồng Sơn Đốc". Bánh tráng Mỹ Lồng có nguồn gốc từ Huyện Giồng Trôm, đây là đặc sản, là niềm tự hào của người dân xứ dừa. Vừa đến làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, du khách sẽ bắt gặp hình ảnh dọc hai bên đường là những phên bánh tráng trải dài thẳng tắp, được phơi dưới ánh nắng mặt trời, tạo nên một dãy màu trắng lạ mắt nối liền nhau từ nhà này sang nhà khác. Sát mặt đường là những quầy hàng được bày bán với nhiều mặt hàng đặc sản khác nhau của Bến Tre để du khách lựa chọn, nhưng nhiều nhất vẫn là những chiếc bánh tráng Mỹ Lồng nổi tiếng, có cả bánh còn sống và cả bánh đã được nướng chín vừa để làm quà, vừa để du khách thưởng thức bánh ngay. Các loại bánh tráng dừa ở Mỹ Lồng nổi tiếng vừa béo vừa xốp, đặt lên bếp than thì tỏa hương thơm lừng. Có ba loại bánh tráng dừa, đó là bánh đặc biệt có sữa, trứng gà, dừa; bánh có dừa không sữa; bánh có sữa không dừa...


    Điều đặc biệt làm nên thương hiệu bánh tráng Mỹ Lồng khiến ai ăn một lần cũng nhớ mãi không quên đó là sự giòn ngon của bánh hòa quyện với hương vị dừa Bến Tre thơm nức. Nếu như ở những nơi khác bạn chỉ mua được bánh tráng phơi khô thì đến với làng nghề Mỹ Lồng bạn sẽ được thưởng thức món bánh tráng nóng hôi hổi vừa tráng còn giữ nguyên hương vị béo ngậy của mè, dừa. Sau khi tráng, bánh được những người thợ cẩn thận phơi nắng. Theo kinh nghiệm của những người thợ làm bánh lành nghề tại Mỹ Lồng thì không phải nắng nào cũng phơi được bánh bởi nắng nhỏ thì bánh không khô, còn nắng gắt thì bánh dễ bị vỡ. Chính bởi sự cẩn thận và tận tâm trong từng công đoạn nhỏ như vậy và qua bàn tay lao động của người dân nơi đây đã trở thành một thương hiệu bánh tráng nức tiếng gần xa.


    Địa chỉ: Xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.

    Làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng
    Làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng
    Công đoạn tráng bánh
    Công đoạn tráng bánh
  4. Top 4

    Bánh phồng Sơn Đốc

    Làng nghề bánh phồng Sơn Đốc thuộc ấp Sơn Đốc, xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, đã tồn tại hơn 100 năm qua. Làng nghề này đã trở nên nổi tiếng không chỉ vùng đồng bằng sông Cửu Long mà còn có mặt ở một số nơi trong cả nước, thậm chí ra cả nước ngoài. Ban đầu, bánh phồng Sơn Đốc chỉ xuất hiện vào các dịp lễ, tết truyền thống. Nhờ hương vị thơm lừng, ngon ngọt, giòn giòn, bánh phồng đã trở thành món quà quê quen thuộc của nhiều du khách phương xa. Qua thời gian, từ đời này sang đời khác, bánh phồng vẫn được nhiều người ưa chuộng và không biết từ lúc nào đã trở thành đặc sản truyền thống của người dân nơi đây, từ lâu đã nổi danh với loại bánh phồng nếp. Bánh phồng Sơn Đốc nổi tiếng bởi hương vị thơm ngon rất lạ, vị ngọt của bánh, mùi thơm của mè rang, vị béo ngậy của nước cốt dừa, khi nướng lên giòn tan ngay tận đầu lưỡi, tạo cảm giác vô cùng thích thú. Thưởng thức bánh phồng, du khách mới cảm nhận cái giá trị tinh thần chứa đựng trong từng chiếc bánh mộc mạc của những người làm bánh nơi đây.


    Cũng như bánh tráng, bánh phồng không hẳn là đặc sản riêng của Bến Tre mà một số tỉnh khác cũng có làm bánh phồng như: Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long… Nhưng bánh phồng Sơn Đốc ngon không chỉ có bí quyết riêng, có hương vị dừa độc đáo mà Bánh phồng Sơn Đốc thơm ngon bởi tinh túy từ bí quyết làm nước cốt dừa của người dân địa phương, vị bánh xốp dẻo và béo, rất khó lẫn với thứ quà quê nào khác. Bên cạnh việc sản xuất bánh theo kiểu truyền thống, người dân địa phương trong vùng còn chế biến nhiều loại bánh phồng khác như bánh phồng hột gà, bánh phồng mít, bánh phồng sầu riêng, bánh phồng mặn (tôm)... để đáp ứng nhu cầu của du khách gần xa. Trải qua thời gian, bánh phồng sơn Đốc ngon còn bởi cái tình, cái nghĩa con người cũng thể hiện trong từng chiếc bánh, và chỉ có quê hương Sơn Đốc - Giồng Trôm mới làm chiếc bánh thêm phần trọn vẹn hương vị như thế.


    Địa chỉ: Xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.

    Bánh phồng Sơn Đốc thơm lừng, ngon ngọt, giòn giòn, hấp dẫn nhiều thực khách
    Bánh phồng Sơn Đốc thơm lừng, ngon ngọt, giòn giòn, hấp dẫn nhiều thực khách
    Bánh phồng Sơn Đốc
    Bánh phồng Sơn Đốc
  5. Top 5

    Làng bánh pía Vũng Thơm

    Bánh Pía Vũng Thơm, Sóc Trăng xuất hiện ở vùng đất Nam Bộ từ thế kỷ 17, khi những người Hán đầu tiên di cư đến phương Nam, lúc đầu chiếc bánh là lương thực bí mật giúp họ thoát khỏi những ngày khó khăn cơ cực, sau đó một vài người mở tiệm kinh doanh, món bánh được chế biến phù hợp hơn với khẩu vị của người Việt, bằng cách tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào, thơm thảo của vùng đất phương Nam và lớn dần trở thành làng nghề như ngày nay. Không chỉ thơm ngon và đa dạng, bánh Pía ngày càng được chăm chút hơn về bao bì, và quy trình đóng gói để bánh được lưu giữ lâu hơn. Bánh Pía Vũng Thơm Sóc Trăng không quá ngọt và không quá béo, khiến người ăn có thể nếm lai rai không biết ngán. Lớp vỏ bánh mềm dẻo, mịn màng ôm lấy nhân bánh thơm ngọt phía trong. Ăn bánh Pía mà thưởng thức cùng tách trà nóng thì còn gì bằng. Vị đăng đắng, thanh tao của trà vừa giúp khơi dậy hương vị thơm ngon cho bánh vừa làm bánh đỡ ngấy.


    Bánh pía được yêu thích bởi có một mùi thơm và hương vị đậm đà rất đặc trưng mà không món bánh nào giống được. Thế nhưng, để tạo ra một chiếc bánh ngon đúng hiệu cần phải tỉ mỉ, trải qua nhiều giai đoạn cầu kỳ và tuân thủ bí quyết gia truyền. Điểm đặc biệt nhất của bánh pía Vũng thơm Sóc Trăng là hoàn toàn không sử dụng hương liệu. Mùi thơm của bánh được tạo ra từ những múi sầu riêng được tuyển chọn từ khắp miệt vườn miền Tây. Từ chiếc bánh Pía nguyên thủy, ngày nay bánh Pía đã được biến thể rất nhiều; không chỉ có nhân phổ biến như: đậu xanh, khoai môn, sầu riêng, trứng muối, bánh còn có nhân hạt sen, xá xíu, củ cải, thơm (dứa), bơ… Trước khi đem vào lò nướng bánh Pía được trang trí bằng màu thực phẩm và quết một lớp lòng đỏ trứng cho thêm hấp dẫn. Người phương xa đi ngang Sóc Trăng bao giờ cũng mua vài phong bánh bía về làm quà cho người thân, như mang theo hương vị ngọt ngào, chân chất của vùng quê Nam Bộ.


    Địa chỉ: Xã Mỹ Tâm, huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng.

    Làng bánh pía Vũng Thơm
    Làng bánh pía Vũng Thơm
    Làng bánh pía Vũng Thơm
    Làng bánh pía Vũng Thơm
  6. Top 6

    Làng nghề làm bánh tráng Thạnh Hưng

    Khi đặt chân đến xã Thạnh Hưng, huyện Giồng Riềng các bạn sẽ bắt gặp rất nhiều giàn phơi bánh tráng. Những chiếc bánh nóng hổi, vừa ra lò nằm đón nắng, chờ hong khô để kịp đóng gói cho thương lái. Đây cũng là tín hiệu báo cho du khách phương xa biết là đã đến với xứ bánh tráng Thạnh Hưng của tỉnh Kiên Giang. Hiện nay tại xã Thạnh Hưng chỉ có vài chục hộ dân theo nghề thế nhưng không phải vì thế mà không khí làng nghề kém sôi động và nhộn nhịp. Kết tinh từ hương vị thơm thảo của hạt gạo quê hương, bánh tráng Thạnh Hưng vang danh khắp vùng, được nhiều người dân trong và ngoài tỉnh Kiên Giang ưa chuộng. Ngoài bánh tráng để cuốn thịt luộc thông thường, tại làng nghề còn có những loại bánh tráng ngọt như bánh tráng phủ đường, phủ đậu xanh rất thơm ngon. Đặc biệt, bánh tráng ngọt còn có thể mua về làm quà cho người thân và bạn bè.


    Ngày nay, cả làng nghề bánh tráng Thạnh Hưng chủ yếu tập trung ở hai ấp Thạnh Trung và Thạnh Tân với hơn 100 hộ gia đình vẫn tiếp tục gìn giữ và phát huy nghề này, hầu hết theo kiểu cha truyền con nối. Làm bánh tráng thu nhập không cao so với nghề khác, nhưng được cái xoay vòng vốn nhanh, giúp trang trải nhiều thứ sinh hoạt hàng ngày trong gia đình. Có những gia đình 3 đời làm bánh tráng, họ cần mẫn, gìn giữ và tự hào với cái nghề mà cha ông để lại như giữ nét đẹp văn hóa truyền thống làng quê. Lợi thế của bánh tráng Thạnh Hưng là tận dụng được nguyên vật liệu và nhiên liệu sẵn có tại địa phương, sử dụng kỹ thuật thủ công là chủ yếu, tổ chức sản xuất mang tính quy mô hộ gia đình, nguồn vốn ban đầu cũng không nhiều, sản phẩm làm ra dễ tiêu thụ, có thể bán ngay tại lò. Để có những chiếc bánh tráng thơm ngon, quan trọng nhất phải kể đến là khâu chọn gạo. Gạo phải tốt, ngon cơm, sau đó đem ngâm 2 - 3 ngày, xay thành bột, nhưng bột phải xay thật mịn, bánh mới dai và dẻo, tay tráng phải nhẹ nhàng, nhanh nhẹn thì chiếc bánh mới tròn, mỏng đều.


    Địa chỉ: Ấp Thạnh Trung, Xã Thạnh Hưng, Huyện Giồng Riềng, Kiên Giang.

    Một chủ lò đang tráng bánh
    Một chủ lò đang tráng bánh
    Bánh tráng Thạnh Hưng
    Bánh tráng Thạnh Hưng
  7. Top 7

    Làng nghề làm bánh phồng Vĩnh Phước B

    Nghề làm bánh phồng ở ấp Phước Đạt, xã Vĩnh Phước B, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang có từ rất lâu đời, trở thành nghề truyền thống đậm nét đẹp văn hóa, bản sắc của người dân miền Tây Nam bộ nói chung và tỉnh Kiên Giang nói riêng. Tuy nhiên, nghề này đang bị mai một dần, rất cần sự quan tâm đầu tư, giữ gìn, duy trì và phát triển của các ngành chức năng tỉnh Kiên Giang. Nghề làm bánh phồng tại xã Vĩnh Phước B sản xuất quanh năm nhưng nhộn nhịp nhất vào dịp Tết Âm lịch. Nguyên liệu chính để làm bánh phồng là gạo và bột mì ngang. Điều đặc trưng làm nên hương vị tinh tế cho bánh phồng là gạo và khoai mì đều là giống địa phương. Thế nên bánh phồng Vĩnh Phước B vừa ngon lại rất an toàn cho sức khỏe người sử dụng.


    Bánh phồng nếp, bánh phồng mì là loại bánh truyền thống đặc trưng của vùng châu thổ Cửu Long làm từ nguyên liệu gạo nếp, khoai mì, nước cốt dừa, mè đậm đà hương vị đồng quê. Có thể nói, từ thuở đi khai mở vùng sông nước Cửu Long để có được vùng đồng bằng trù phú như bây giờ, những lớp cư dân Nam bộ đầu tiên đã biết làm ra bánh phồng cùng nhiều loại ẩm thực đặc trưng khác và lưu truyền đến bây giờ mang đậm dấu ấn lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc. Làm bánh phồng thú vị nhất là ở công đoạn quết bánh. Công việc này thường làm vào lúc nửa đêm về sáng để bột có thời gian nở. Quết bột bánh rất vui vì bắt buộc phải có hai người làm, một người dùng chày giã bột, một người “vùa đảo bột” - nghĩa là lấy nước cốt dừa pha đường thêm vào trong phần bột sao cho thật đều và quyện vào nhau. Sau đó bánh được cán tròn, mang trải ra chiếu lát và phơi dưới nắng vài giờ là khô. Nếu có dịp ghé qua đây, đừng quên thử một lần tham gia giã bánh cùng người dân nơi đây bạn nhé!


    Địa chỉ: Xã Vĩnh Phước B, Huyện Gò Quao, Tỉnh Kiên Giang.

    Công đoạn nhúng nước đường cho bánh phồng
    Công đoạn nhúng nước đường cho bánh phồng
    Công đoạn quết bánh phồng
    Công đoạn quết bánh phồng
  8. Top 8

    Làng nghề làm bánh mứt từ khóm

    Không giống như những ngành nghề làm bánh tráng hay bánh phồng, nghề làm bánh mứt khóm ở huyện Châu Thành chỉ thật sự khởi động và nhộn nhịp hơn hẳn khi Xuân về. Sản phẩm ngon nhất tại làng nghề là món khóm phơi khô. Khóm sau khi phơi có vị ngọt bùi đặc trưng, sẽ ngon hơn khi vừa ăn miếng mứt khóm thơm ngọt vừa nhâm nhi ly trà ấm nóng. Hiện nay có hai hình thức làm món khóm khô là phơi nắng tự nhiên và sấy. Hầu hết những bà con người Hoa tại xã Bình An, huyện Châu Thành làm khóm khô bằng phương pháp thủ công, truyền thống. Ngoài khóm khô, khách phương xa đến làng nghề còn được thỏa mãn vị giác với bánh hoa mai nhân khóm, kẹo khóm hoặc nước ép khóm tươi thơm ngon trứ danh.


    Ngoài sản xuất lúa, làm vườn, nông dân xã Bình An còn sản xuất bánh, mứt khóm các loại phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Sản phẩm chế biến từ khóm có thu nhập cao gấp 2 - 3 lần so khóm nguyên liệu. Những năm gần đây, khóm Tắc Cậu được nhiều người biết đến và ưa chuộng. Ngoài bán khóm nguyên liệu, người dân xã Bình An còn chế biến các loại bánh, mứt khóm tăng thêm thu nhập. Nhà có 35.000m2 trồng khóm, gia đình chị Huỳnh Ngọc Thu ngụ ấp An Thành, xã Bình An vừa bán khóm nguyên liệu, vừa làm bánh, mứt khóm cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Bình quân, mỗi trái khóm bán cho thương lái từ 5.000 - 6.000 đồng nhưng khi dùng khóm nguyên liệu chế biến thành bánh mứt giá từ 230.000 - 250.000 đồng/kg.


    Địa chỉ: Xã Bình An, Huyện Châu Thành, Tỉnh Kiên Giang.

    Sản phẩm mứt khóm
    Sản phẩm mứt khóm
    Mứt khóm ngon hơn khi thưởng thức cùng ly trà nóng thơm lừng
    Mứt khóm ngon hơn khi thưởng thức cùng ly trà nóng thơm lừng
  9. Top 9

    Làng nghề làm tôm khô Tô Châu - Hà Tiên

    Đất Hà Tiên nổi tiếng với tôm khô, từ địa bàn tỉnh Rạch Giá, tôm khô Hà Tiên đi khắp mọi miền tổ quốc, có mặt trong mâm cơm của biết bao gia đình Việt Nam. Công đoạn làm ra tôm khô cũng vô cùng vất vả, người nấu phải canh lửa cháy đều khi luộc, canh tôm vừa chín tới thì nêm muối cho vừa ăn, rồi vớt ra đem đi phơi khô, trải qua vài ngày nắng gió mới có sản phẩm hoàn chỉnh. Vùng đất Hà Tiên vốn là được nhiều ưu đãi của thiên nhiên, nên sản vật, mà nhất là nguồn cá tôm rất phong phú, dồi dào. Những năm của thập niên 60 - 70, sản lượng tôm khai thác của ngư dân rất lớn nhưng gặp nhiều khó khăn trong khâu vận chuyển, bảo quản. Do đó, để có thị trường tiêu thụ ngoài tỉnh, người dân chỉ có một cách duy nhất là làm tôm khô. Lâu dần nhiều cơ sở hình thành rồi trở thành làng nghề truyền thống phát triển đến tận bây giờ. Nhờ nguồn nguyên liệu dồi dào nên tôm khô được làm quanh năm. Tuy nhiên, thời điểm tháng 10 - 12 Âm lịch mới được xem là chính vụ, khi bà con ở làng nghề chuẩn bị cung ứng đặc sản quê hương phục vụ Tết.


    Tôm khô Tô Châu không mặn, không lạt, mùi thơm đặc trưng bởi được chế biến công phu tỉ mỉ từ khâu luộc tôm canh độ lửa đến việc nêm muối vừa tay, quan trọng nhất là chọn đúng thời điểm vớt tôm đi sấy. Nhờ vậy tôm khô Tô Châu có màu đỏ tự nhiên rất bắt mắt, thịt tôm khô ngon, vị vừa ăn. Hứa hẹn sẽ là món quà quê rất hấp dẫn cho bạn bè và người thân sau mỗi chuyến đi xa về. Tôm khô Hà Tiên làm từ nguyên liệu tôm tươi sống được đánh bắt tự nhiên như tôm đất, tôm he, tôm sắt, tôm chì từ đầm Đông Hồ và vùng biển Hà Tiên. Tôi chọn nguyên liệu là tôm tươi sống, ngư dân đánh bắt được mẻ nào là mua ngay mẻ đó đem về luộc và sấy ra thành phẩm, nhờ vậy giữ được độ ngọt tự nhiên và mùi vị đặc trưng.


    Địa chỉ: Phường Tô Châu, Thị xã Hà Tiên, Tỉnh Kiên Giang.

    Tôm khô thành phẩm có màu đỏ tự nhiên rất hấp dẫn
    Tôm khô thành phẩm có màu đỏ tự nhiên rất hấp dẫn
    công đoạn luộc, đảo để làm tôm khô
    công đoạn luộc, đảo để làm tôm khô
  10. Top 10

    Làng nghề làm mắm cà xỉu

    Hà Tiên sở hữu vùng biển ấm áp ở phía Nam với nguồn hải sản rất phong phú. Một trong những đặc sản đậm chất biển mà người Hà Tiên tự hào chính là con cà xỉu. Đây là loại sinh vật biển hầu như đã tiệt chủng ở các nơi khác. Đó là lý do bạn khó có thể tìm thấy cà xỉu ở một nơi thứ hai ngoài Hà Tiên. Và bạn cũng khó có thể ngờ, những con vật bé nhỏ kia lại có nguồn gốc cổ sinh và được ra đời từ hơn 500 triệu năm trước. Vừa thưởng thức đặc sản, vừa hiểu biết được điều lý thú của thế giới sinh vật quả là lựa chọn không tồi dành cho thực khách. Ở Hà Tiên bên cạnh các loài thủy hải sản thông thường như cá, tôm, cua, mực, trên những bãi cát đen ở phường Bình San và phường Pháo Đài còn có một loại rất đặc biệt, chính là cà xỉu.


    Cà xỉu có vẻ ngoài hai mảnh vỏ như loài trai, sò, nghêu... nhưng lại giống cả côn trùng với phần râu, đuôi dài và to. Mùa cà xỉu rộ lên từ khoảng tháng 6 đến tháng 8 hàng năm. Người dân đánh bắt cà xỉu tương tự cách đánh bắt sò, nghêu, sau đó đem về rửa sạch bùn đất, tách riêng phần vỏ thịt và phần đuôi rồi làm mắm. Mắm cà xỉu có hương vị rất lạ, rất thơm dùng ăn kèm với cơm nóng thì ngon tuyệt. Trước đây ngư dân làm mắm cà xỉu để dự trữ cho những chuyến đi biển ngoài khơi xa. Còn giờ đây, công việc làm mắm cà xỉu đã trở thành nghề, làm ra món ăn độc và lạ chỉ có ở vùng đất Hà Tiên. Một hủ mắm Cà xỉu Hà Tiên vừa thơm ngon, vừa lạ miệng cho những bữa cơm gia đình dùng để làm quà cho người thân, bạn bè thì thích hợp vô cùng, bạn còn chờ gì mà không ghé thăm làng nghề Mắm Cà xỉu khi đến Hà Tiên.


    Địa chỉ: Phường Bình San, thị xã Hà Tiên, Tỉnh Kiên Giang.

    Mắm cà xỉu Hà Tiên
    Mắm cà xỉu Hà Tiên
    Mắm ba khía cũng là món ăn ngon tuyệt ở Hà Tiên
    Mắm ba khía cũng là món ăn ngon tuyệt ở Hà Tiên
  11. Top 11

    Làng nghề nem Lai Vung - Đồng Tháp

    Lai Vung là một huyện của tỉnh Đồng Tháp rất nổi tiếng mới món nem chua. Đây là một trong những đặc sản hấp dẫn nhất của du lịch miền tây. Theo những người làm nem ở đây kể lại thì vài chục năm về trước, bà Tư Mặn và ông La Văn An chính là người làm nem đầu tiên ở vùng đất này. Ban đầu nem Lai Vung được làm để cúng trong các dịp giỗ chạp, lễ tết. Sau này người dân thấy dễ làm và cũng đơn giản nên quyết định học để bán. Thời điểm 1980 - 1990 có thể xem là cực thịnh của nem Lai Vung trên các bến phà ở Mỹ Thuận hay dọc theo QL1 địa phận của huyện Cái Bè thì thấy chỗ nào cũng bày bán nem Lai Vung. Tiếng lành đồn xa, nem Lai Vung ngày càng trở nên nổi tiếng ở khắp các tỉnh thành khu vực miền Nam. Hình thành từ hơn 60 năm nay, nem Lai Vung được biết đến là một trong những làng nghề cổ truyền lâu đời tại địa phương, câu ca "Lai Vung xứ sở lạ lùng Nem chua mà ngọt, thơm nồng mà say" như lời mời gọi, giới thiệu với du khách gần xa về món nem trứ danh của Tỉnh Đồng Tháp.


    Về Lai Vung mới biết nghề làm nem đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ và trải qua rất nhiều công đoạn từ khâu lựa chọn thịt, quết thịt, đến chọn da thái bì, lá dong để gói hay phần gia vị tiêu, tỏi, ớt... Để có được một miếng nem ngon thì tỉ lệ phải là 8 phần thịt hai phần bì, gia vị phải thật cân đối, khi gói cũng phải đều tay nên chỉ có những người thợ lành nghề mới tạo ra những chiếc nem với hương vị đậm đà khó quên. Tại đây, du khách bắt gặp những người đã dành cả đời mình gắn bó với nghề làm nem truyền thống này. Chính vì thế cũng không khó giải thích, khi đất Lai Vung có rất nhiều thương hiệu nem Lai Vung nổi tiếng ngon, đều có tuổi như nem Út Thẳng, Nem Tư Minh, Nem Năm Thơ… Đặc sản nem Lai Vung nức tiếng với hương vị ngon đặc biệt. Khi du lịch Đồng Tháp, đến với làng nem này, nhất định bạn đừng tiếc chút ít thời gian để tham quan và thong thả thưởng thức từng miếng nem tươi đỏ, thơm nồng mùi tỏi, vị cay hạt tiêu đen. Để cảm nghiệm thực thụ, cái hồn làm nên món nem ngon nổi tiếng này, được chắt chiu từng chút và trải qua nhiều thế hệ chứ không chỉ là từ nguyên liệu ngon hay cách chế biến mang tính truyền thống bạn nhé.


    Địa chỉ: Xã Tân Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp.

    Sản phẩm Nem Lai Vung ngon tuyệt, đỏ tươi thật hấp dẫn mọi người
    Sản phẩm Nem Lai Vung ngon tuyệt, đỏ tươi thật hấp dẫn mọi người
    Một cơ sở sản xuất Nem ở Lai vung
    Một cơ sở sản xuất Nem ở Lai vung
  12. Top 12

    Bánh phồng tôm Sa Giang

    Bánh phồng tôm Sa Giang nổi tiếng từ lâu. Từ con tôm nước ngọt như tôm tích, tép mòng, tép ròng... qua bàn tay chế biến khéo léo của con người đã trở thành bánh phồng tôm Sa Giang, sản phẩm truyền thống đặc trưng của địa phương Đồng Tháp. Bánh được làm từ bột, thịt tôm xay nhuyễn và một ít hạt tiêu giã nhỏ. Các thành phần nguyên liệu sau khi trộn với nhau sẽ được nhồi vào những chiếc túi vải dạng hình ống dài. Sau khi hấp chín, người ta cắt ra từng lát tròn mỏng rồi đem phơi khô. Đem chiên giòn với dầu ăn nóng, bánh sẽ nở to ra, có độ giòn, xốp, béo ngậy. Những chiếc bánh tròn vành vạnh ngả màu vàng đục tựa như ánh trăng rằm, có hương vị nồng thơm, cay cay, đậm đà văn hoá ẩm thực của dân tộc sẽ khiến bạn ăn rồi lại muốn ăn thêm chiếc nữa... Sản phẩm bánh phồng tôm Sa Giang của xứ Sa Đéc ngày nay đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng, có mặt khắp nơi và còn là một trong những mặt hàng thực phẩm xuất khẩu của Đồng Tháp được ưa chuộng.


    Bánh phồng tôm Sa Giang là những chiếc bánh tròn vành vạnh, khi chiên lên ngả màu vàng đục tựa như vầng trăng rằm ở làng quê Việt Nam, bánh có hương thơm nồng, vị cay cay đậm đà, đã góp phần làm phong phú thêm nét văn hóa ẩm thực của dân tộc Việt Nam. Du khách khi đến với Sa Đéc thường tìm mua bánh phồng tôm Sa Giang về làm quà vì bánh phồng tôm nơi đây khi chiên có độ giòn, xốp. Bánh có vị ngọt ngọt, beo béo, một chút vị cay của tiêu và vị thơm đặc trưng của tôm. Những hương vị ấy cứ hòa quyện vào nhau, giòn tan nơi đầu lưỡi làm thực khách ăn rồi lại muốn ăn thêm cái nữa. Bánh phồng tôm được dùng như một món ăn khai vị, ăn cùng với món gỏi trong các bữa tiệc. Hoặc đơn giản chỉ là thưởng thức chiếc bánh phồng tôm chiên rồi nhấp thêm ngụm trà nóng, cảm giác thật là thú vị. Các bạn hãy thử pha tách trà nóng và chiên vài cái bánh phồng tôm để cảm nhận hết sự thơm ngon của bánh phồng Sa Giang bạn nhé.


    Địa chỉ: Thành phố Sa Đéc, Tỉnh Đồng Tháp.

    Bánh phồng Sa Giang nổi tiếng gần xa
    Bánh phồng Sa Giang nổi tiếng gần xa
    Bánh phồng sa Giang khi được chiên lên vàng, giòn, hấp dẫn
    Bánh phồng sa Giang khi được chiên lên vàng, giòn, hấp dẫn



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy