Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888)
Nguyễn Đình Chiểu được biết đến qua hàng loạt các tác phẩm nổi tiếng như: “Lục Vân Tiên”, “Dương Tử - Hà Mậu”, “Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc”… với phong cách thơ văn thể hiện thái độ sống yêu ghét rõ ràng, đề cao chính nghĩa. Ông là một người con hiếu thảo, người thầy đáng kính và thầy thuốc có tâm. Cả đời ông hết mình dạy học và bốc thuốc cứu người, là người chí sĩ yêu nước, thương dân, dùng ngòi bút để làm vũ khí chống quân thù, khước từ mọi cám dỗ của của kẻ địch. Nguyễn Đình Chiểu được nhân dân ca tụng, yêu mến và là người khai mở cho dòng văn học yêu nước, chống xâm lược.
Nguyễn Đình Chiểu là một nhà nho tiết tháo, sống theo đạo nghĩa, tuy mang tật mù tối, và gặp lúc biến loạn mà vẫn giữ được phẩm cách thanh cao. Ông không chỉ là người con có hiếu, người thầy mẫu mực, mà còn là một nhà thơ yêu nước, đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị. Ông là nhà thơ có quan niệm văn chương nhất quán. Ông chủ trương dùng văn chương biểu hiện đạo lý và chiến đấu cho sự nghiệp chính nghĩa. Nói khác hơn, ông làm thơ là để "chở đạo, sửa đời và dạy người". Vì vậy, mỗi vần thơ của ông đều ngụ ý khen chê công bằng, rạch ròi, và đều bộc lộ một tấm lòng thương dân, yêu nước của ông. Trong nhiều tác phẩm như "Chạy Giặc", "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc", "Lục tỉnh sĩ dân trận vong"... ông đã lên án mạnh mẽ quân Pháp xâm lược, phê phán triều đình nhu nhược, đồng thời ca ngợi tinh thần nghĩa khí và những tấm gương chiến đấu anh dũng của nhân dân. Đây là giai đoạn phát triển cao và rực rỡ của sự nghiệp văn chương Nguyễn Đình Chiểu.