Top 9 Vị cao tăng đắc đạo để lại xá lợi nổi tiếng nhất lịch sử Phật Giáo Việt Nam

Thuận Phong 13202 1 Báo lỗi

Từ xưa đến nay, những người tu hành cho rằng khi đã đắc đạo, thân thể của các thiền sư không còn giống như thân thể người bình thường, chúng chuyển hoá thành ... xem thêm...

  1. Đại sư Vũ Khắc Minh là chú ruột của Vũ Khắc Trường. Ngay từ nhỏ, 2 chú cháu đã vào chùa Đậu để tu hành, tụng kinh siêu độ cho nhân dân. Điều đặc biệt là cả ngày 2 ông chỉ ăn một bữa cơm và rau vào giờ chính Ngọ. Một ngày, khi biết số mệnh đã tận, thiền sư Vũ Khắc Minh căn dặn đệ tử: “Sau đúng 100 ngày, nếu không nghe thấy tiếng mõ tụng kinh của ta nữa thì hãy mở cửa am. Nếu thi thể ta hôi thối thì dùng đất lấp am lại, còn thi thể ta nguyên vẹn, không có mùi thì lấy sơn bả lên người ta trước khi xây bịt kín am”.


    Sau đó, Ngài mang theo một chum nước uống, dầu thắp đèn rồi vào trong am ngồi tụng kinh, niệm Phật, tọa thiền. Các đệ tử bịt kín cửa am lại, chỉ để hở một lỗ nhỏ thông khí. Đúng 100 ngày sau, không nghe thấy tiếng mõ tụng kinh nữa, đệ tử mở cửa am thì thấy nhà sư đã tịch trong tư thế ngồi thiền kiết già hoa sen. Hơi thở đã tắt, gương mặt Ngài an nhiên tĩnh tại, thoáng hiện một nụ cười hàm tiếu thanh thoát. Các đệ tử nhu thuận làm như lời người Thầy đã chỉ dạy. Sau đó chừng 10 năm, thiền sư Vũ Khắc Trường cũng vào am gõ mõ tụng kinh và tịch trong tư thế tọa thiền như người Thầy của mình.


    Nhục thân thiền sư Vũ Khắc Minh từng được đưa về phòng chụp X-quang của Bệnh viện Bạch Mai. Qua các phim chụp, các nhà khoa học hàng đầu Việt Nam đã rất ngạc nhiên khi không phát hiện được vết đục nào trên hộp sọ để lấy não như các phương pháp ướp xác thông thường. Từ đó, khẳng định rằng, não của thiền sư Vũ Khắc Minh đã không bị lấy ra khỏi cơ thể. Họ còn tìm ra chất liệu làm tượng giữ thi hài thiền sư Vũ Khắc Minh và thiền sư Vũ Khắc Trường khá đơn giản, gồm sơn ta, đất tổ mối, mùn cưa, giấy bản…


    Hiện tại, nhục thân hai vị thiền sư đã được tu bổ thành công và yên vị trong ngôi nhà tổ và được bảo quản kỹ càng trong tủ kính với môi trường khí ni-tơ đậm đặc. Với sự bảo quản kỹ lưỡng như thế này, nhục thân hai vị thiền sư sẽ là bất hoại. Theo giáo lý đạo Phật, khi đạt đến một tầng bậc thiền định, nếu có tác ý thì thiền sư có thể lưu lại nhục thân không hoại rất lâu. Nhị vị Thiền sư Vũ Khắc Minh - Vũ Khắc Trường hay các vị sư Trung Hoa, Tây Tạng cũng thường lưu lại nhục thân như thế. Di hài Lục Tổ Huệ Năng từ thế kỷ thứ 7 sau công nguyên cho đến nay vẫn đang được lưu giữ tại chùa Hoa Nam (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc).

    Hai vị thiền sư viên tịch ở thế tọa thiền và sau hơn 300 năm vẫn giữ nguyên được dáng vẻ nhục thân thanh khiết là câu chuyện vô cùng hiếm hoi trong đời sống Phật giáo trong nước và cả thế giới
    Hai vị thiền sư viên tịch ở thế tọa thiền và sau hơn 300 năm vẫn giữ nguyên được dáng vẻ nhục thân thanh khiết là câu chuyện vô cùng hiếm hoi trong đời sống Phật giáo trong nước và cả thế giới
    Tiến sĩ Nguyễn Lân Cường (đứng giữa) cùng các cộng sự làm công tác phục chế bức tượng thiền sư Vũ Khắc Minh tại chùa Đậu
    Tiến sĩ Nguyễn Lân Cường (đứng giữa) cùng các cộng sự làm công tác phục chế bức tượng thiền sư Vũ Khắc Minh tại chùa Đậu

  2. Sư Tổ Thuỷ Nguyệt khai sinh ra Thiền phái Tào Động, có hiệu là Thông Giác. Năm 34 tuổi, sư tổ cùng một người đệ tử thân cận sang học đạo tại Trung Hoa, tại núi Phượng Hoàng. Sau 3 năm khổ luyện, Ngài trở về nước hoằng Pháp, cứu giúp chúng sinh cầu đạo.


    Theo sử sách chép lại, trước khi Niết bàn, sư tổ biết trước số trần đã tận liền gọi chúng đệ tử lại và dặn: “Sứ mệnh của ta ở cõi trần đã cạn, nay ta phải lên núi Nhẫm Dương. Khi ta viên tịch các con không được khóc, hay rơi một giọt nước mắt nào, như thế, ta về với cõi Phật sẽ được nhẹ nhàng hơn. Và nhớ, sau 7 ngày lên núi mà không thấy ta trở về, các con hãy đi tìm chỗ nào có mùi thơm thì ta ngự ở đó”.


    Thực hiện đúng di nguyện, sau 7 ngày tổ Thủy Nguyệt lên núi mà không thấy trở về, các đệ tử chia nhau lên núi tìm kiếm. Nhưng vừa bước đến chân núi, tự nhiên có một cơn gió mạnh thổi qua, mang theo mùi hương thơm thoang thoảng. Lần theo mùi thơm ấy, các đệ tử đã tìm thấy nơi tỏa ra mùi hương tại một hang đá nhỏ phía sau chùa Nhẫm Dương. Kỳ lạ hơn, khi vào trong hang mọi người thấy sư tổ đã viên tịch và ngồi kiết già trên một tảng đá, toàn thân vẫn nóng ấm, mềm mại, tuy chỉ có hơi thở thì đã tắt.


    Toàn thân sư tổ Thủy Nguyệt tỏa ra mùi hương thơm ngào ngạt, tựa như mùi thơm của loại cây trầm hương trên núi. Sau khi tìm thấy nơi sư tổ viên tịch trong hang đá, các đệ tử đã mang nước thơm vào tắm rửa cho kim thân của Ngài. Sau đó họ để vào trong một chiếc khám lớn và rước về chùa.


    Khi đàn thiêu đã chuẩn bị xong, thì chuyện lạ lùng lại xảy ra, chiếc khám đựng thi thể của sư tổ không thể nào nâng lên được, mặc dù được rất nhiều các chàng trai khỏe mạnh trong vùng giúp sức. Thấy lạ, nhiều người dân liền mở khám ra và phát hiện sư tổ vẫn ngồi trong tư thế tọa thiền, sắc mặt hồng hào như người còn sống.


    Phải mất hai ngày tụng kinh niệm phật, cùng với sự trợ giúp của pháp sư Bình Quản, thi thể của tổ Thủy Nguyệt mới đưa được lên đàn hỏa táng. Phần xá lợi là tro cốt của sư tổ sau đó vẫn con tỏa ra mùi hương thơm. Để giữ gìn phần tro cốt đặc biệt ấy, các đệ tử đã đem tro của tổ Nguyệt đựng trong tiểu sành và chôn dưới chân am cổ phía sau chùa.

    Thiền sư Thủy Nguyệt là vị tổ đầu tiên của dòng thiền Tào Động ở Việt Nam
    Thiền sư Thủy Nguyệt là vị tổ đầu tiên của dòng thiền Tào Động ở Việt Nam
    Hang Thánh Hoá nơi có mùi thơm đặc biệt sau khi sư Tổ Thuỷ Nguyệt viên tịch đắc đạo
    Hang Thánh Hoá nơi có mùi thơm đặc biệt sau khi sư Tổ Thuỷ Nguyệt viên tịch đắc đạo
  3. Cố hòa thượng Thượng Minh Đức (1901 – 1985), thế danh Nguyễn Khắc Dần sinh năm 1901 tại làng Hiệp Phổ (xã Đức Hạnh, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) trong một gia đình nho phong gia giáo. Năm lên 17 tuổi, Ngài quyết chí xin song thân xuất gia tu học tài chùa Sắc Tứ Phước Quang, thuộc xã Phú Thọ (huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi).


    Bằng tấm lòng và đức độ, Ngài đã hiến hết tâm sức mình để làm đẹp đạo tốt đời. Năm 1940, Ngài làm trụ trì tại Tổ đình Long Bửu, đảm nhận chức Hội trưởng Hội phật giáo huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi. Đến năm 1945, cùng với cả nước, hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Ngài đã đảm nhận vai trò là Hội trưởng Hội phật giáo Cứu quốc huyện Nghĩa Hành. Năm 1957, cố hòa thượng đảm nhiệm vai trò trụ trì chùa Linh Phước Đà Lạt trong 27 năm trước khi viên tịch.


    Cuối năm 1984, như linh cảm biết trước sự ra đi của mình, hòa thượng Thượng Minh Đức đã rời chùa Linh Phước trở về tổ đình Long Bửu – nơi Ngài đã tu hành trước đó. Sau Tết năm Ất Sửu 1985 vào đêm 18 tháng Giêng, Ngài kêu gọi các hàng đệ tử xuất gia và tại gia của tổ đình Long Bửu quy tụ để dặn dò lần cuối, di chúc lại cho chùa Linh Phước. Ngài đã nhắn nhủ 13 điều khuyên người niệm Phật, sau đó tăng ni phật tử tụng kinh A Di Đà để tiễn biệt Ngài ra đi.


    Đến tháng 2/2010, tại tổ đình Long Bửu (Quảng Ngãi), chư tăng và phật tử tại hai chùa Linh Phước – tỉnh Lâm Đồng và tổ đình Long Bửu đã xây dựng lại bảo tháp mới 7 tầng cao 20 mét bằng đá được vận chuyển từ Thanh Hóa vào. Đến ngày 11/1/2011 (tức ngày 8 tháng Chạp năm Canh Dần), khi khai quật và di dời hài cốt của cố Đại lão Hòa thượng Thích Minh Đức từ tháp cũ qua tháp mới thì chuyện kì lạ xưa nay chưa từng có đã xảy ra.


    Theo đó, khi đào phần đất lên thì thấy di hài của ngài vẫn còn nguyên vẹn sau 26 năm chôn cất. Quan tài của ngài đã bị mục nát nhưng chiếc áo cà sa và những dải băng vải bó thân xác ngài vẫn còn nguyên vẹn. Xương sọ của ngài có màu vàng, hai xương bàn chân, các đốt xương bàn và cổ chân dính chặt vào nhau và dựng đứng lên như tư thế chôn ban đầu.


    Khung xương phần thân của ngài không bị sập xuống, mặc dù khối đất đè trên mình là quá lớn khi quan tài đã sớm mục nát.Vào ngày 13/2/2009 (nhằm ngày 19/1 năm Kỷ Sửu) một vầng hào quang ngũ sắc đã xuất hiện quanh tháp chuông của chùa từ lúc 8h30 sáng đến 11h45 với đường kính lan toả rộng từ 10 đến 50 mét.

    Đại lão Hòa thượng Thích Minh Đức đã có một quá trình rất dài chứng nghiệm trong tu tập và đạt đến sự giác ngộ viên mãn
    Đại lão Hòa thượng Thích Minh Đức đã có một quá trình rất dài chứng nghiệm trong tu tập và đạt đến sự giác ngộ viên mãn
    Chùa Linh Phước còn xuất hiện nhiều hiện tượng kỳ lạ thu hút sự quan tâm, hiếu kỳ của nhiều người
    Chùa Linh Phước còn xuất hiện nhiều hiện tượng kỳ lạ thu hút sự quan tâm, hiếu kỳ của nhiều người
  4. Hòa thượng Thích Quảng Đức là một nhân vật nổi bật của Phật Giáo miền nam trong những năm chiến tranh. Năm 1932, khi vừa tròn 35 tuổi đời và 28 tuổi đạo, ông được Chi Hội Ninh Hòa của Hội An Nam Phật Học mời làm Chứng minh Đạo sư. Từ đó Ngài đi hành hóa khắp các tỉnh miền Nam Trung Việt, đã góp công kiến tạo và trùng tu được hàng chục ngôi chùa rải rác khắp miền.


    Giữa năm 1963 tại miền Nam, chính quyền Ngô Đình Diệm không chỉ trả thù lực lượng cách mạng mà còn áp đặt hàng loạt chính sách tàn bạo đối với những người theo Phật giáo. Thực trạng này làm bùng lên phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963 - là một phong trào dân sự có quy mô rộng lớn không chỉ vì ủng hộ Phật giáo mà còn vì ý thức chống chế độ độc tài, phi dân chủ của chính quyền Ngô Đình Diệm.


    Trưa 11/6/1963, một chiếc xe hơi đưa Hòa thượng Thích Quảng Đức tới ngã tư Phan Đình Phùng - Lê Văn Duyệt, trước tòa Đại sứ Cao Miên (Campuchia) thì dừng lại. Hòa thượng Thích Quảng Đức khoan thai bước xuống xe, chắp tay xá bốn phương, rồi tĩnh tại ngồi kiết già trên đường, mặt quay về hướng tây, miệng lâm râm niệm Phật.


    Khi bàn tay hòa thượng Thích Quảng Đức vừa thả que diêm xuống, ngọn lửa bùng lên rừng rực như bó đuốc khổng lồ bao quanh người nhưng người vẫn tĩnh tại ngồi kiết già, tay chắp trước ngực, gương mặt không lộ chút nét đau đớn. Kỳ lạ thay, sau nhiều giờ hỏa thiêu, dù kim quan và thân thể ông đã hóa thành tro nhưng trái tim vẫn còn. Nhưng điều kỳ diệu hơn cả là trái tim của Ngài không hề bị thiêu cháy. Trái tim sau đó được đưa vào thiêu lần nữa trong nhiều giờ nhưng sau khi ngọn lửa tắt, trái tim vẫn còn mềm, nóng, rồi mới nguội dần và cứng lại, biến thành một viên xá lợi lớn, màu nâu thẫm.


    Vì lo sợ “trái tim bất diệt” của Hòa thượng Thích Quảng Đức bị chính quyền Ngô Đình Diệm cướp đi, tiêu hủy nên Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo thời bấy giờ quyết định bỏ vào một tháp đồng cao khoảng 0,5 m, rộng 0,3 m, rồi gửi vào kho cất giữ ở ngân hàng Pháp Quốc tại Sài Gòn khi đó. Sau đó, “trái tim bất tử” của Bồ Tát Thích Quảng Đức được thỉnh về chùa Xá Lợi rồi mang sang chùa Việt Nam Quốc tự để bảo vệ, vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.

    Hòa thượng Thích Quảng Đức được các Phật tử tôn vinh là Bồ Tát bởi sự hi sinh to lớn vì Đạo Pháp, dân tộc và chúng sinh
    Hòa thượng Thích Quảng Đức được các Phật tử tôn vinh là Bồ Tát bởi sự hi sinh to lớn vì Đạo Pháp, dân tộc và chúng sinh
    Lửa Tam Muội đã khiến trái tim Thầy Quảng Đức thành kim cương bất hoại
    Lửa Tam Muội đã khiến trái tim Thầy Quảng Đức thành kim cương bất hoại
  5. Chùa Tiêu (Bắc Ninh) vốn có tên Thiên Tâm, dựng từ thời Tiền Lê, là nơi thiền sư Vạn Hạnh tu thiền, giảng đạo và dạy dỗ vị vua đầy huyền thoại Lý Công Uẩn. Trải qua lịch sử hàng nghìn năm, nơi đây là chốn lưu giữ nhục thân của Thiền sư Như Trí - một vị cao tăng đắc đạo của Phật Giáo.


    Cơ duyên một ngày nọ, khi nhà chùa dọn cỏ ở tháp Viên Tuệ, thì một viên gạch rơi ra. Nhà chùa cầm viên gạch ghép lại chỗ cũ, thì phát hiện thấy dòng chữ in trên viên gạch: Hòa thượng Như Trí, viên tịch năm 1723 (Bảo Thái năm thứ tư triều Lê Dục Tông). Qua khe hở do viên gạch rơi ra, ni sư tên Đàm Chính ghé mắt nhìn vào và giật mình suýt ngã khi thấy rõ ràng một xác người đang ngồi thiền trong tháp. Đó chính là “nhục thân” của nhà sư Như Trí. Sau sự kiện một người chăn trâu lên tháp tìm vàng bạc, chọc thủng pho tượng thiền sư, nhục thân của Ngài được công bố và phục dụng lại.


    Trong quá trình tu bổ pho tượng táng này, TS. Nguyễn Lân Cường đã phát hiện ra một khối hợp chất bằng quả bưởi nằm trong bụng thiền sư Như Trí. Sau khi chuyển đến Viện Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc Gia phân tích mẫu, khẳng định đây chính là các chất còn lại của phần phủ tạng của thiền sư Như Trí.


    Với sự xâm hại nghiêm trọng của thời tiết, vi khuẩn, côn trùng hàng mấy trăm năm, lẽ ra toàn thể nhục thân của ngài đã phải về với cát bụi, thế nhưng, vì sao ngài vẫn còn nguyên vẹn, thậm chí cả khối vật chất của phủ tạng cũng vẫn còn nguyên vẹn? Câu hỏi này chưa có lời giải đáp. Việc tu bổ pho tượng táng nhục thân thiền sư Như Trí đã hoàn thành từ năm 2004. Thiền sư đã trở lại dáng vẻ gần như ban đầu và tiếp tục "ngồi kiết già" trong nhà thờ Tổ với sự bảo quản vô cùng kỹ lưỡng của khoa học hiện đại.

    Xá lợi nhục thân bất hoại của Thiền sư Như Trí đã tồn tại được hơn 300 năm vẫn còn nguyên vẹn
    Xá lợi nhục thân bất hoại của Thiền sư Như Trí đã tồn tại được hơn 300 năm vẫn còn nguyên vẹn
    Chùa Tiêu là nơi tu thiền và giảng pháp của nhiều cao tăng thời Lý, như Thiền sư Vạn Hạnh
    Chùa Tiêu là nơi tu thiền và giảng pháp của nhiều cao tăng thời Lý, như Thiền sư Vạn Hạnh
  6. Thiền sư Từ Đạo Hạnh là cao tăng nổi tiếng thời Lý, ngay từ nhỏ, vị thiền sư đã tỏ ra là một người thích du ngoạn, có chí lớn, đặc biệt trong con người đã ẩn chứa khí cốt tiên phật. Chùa Thầy là nơi tu hành và thành đạo của thiền sư với nhiều cây chuyện kỳ bí về sự thần thông và đắc đạo của Ngài. Tương truyền rằng, sau khi thác 300 năm thì nhục thân của ngài đã được hóa và người dân địa phương đã dùng tro cốt của thiền sư bỏ vào trong lòng bức tượng gỗ. Bức tượng ấy cho đến ngày hôm nay vẫn được bảo quản rất cẩn thận, hàng năm chỉ có một ngày vào 7/3 âm lịch, nhà chùa mới được phép tắm rửa cho bức tượng ấy.


    Lại có một câu chuyện khác được người dân kể lại, gần 300 sau khi thác, quân Minh tràn vào bờ cõi nước Nam, chúng dùng củi đốt 3 ngày, 3 đêm nhưng thân thể thiền sư vẫn còn nguyên vẹn. Do quá hoảng sợ trước sự kiện linh dị này, chúng liền bỏ chạy. Sau đó, người dân khu vực chùa Thầy ngày nay nằm mộng và được thiền sư Từ Đạo Hạnh cho biết chân thân của ngài đã trải qua hàng trăm năm, vì thế muốn thiêu được thì phải dùng củi thơm là gỗ trầm hương trên núi Sài Sơn để đốt.


    Quả nhiên làm theo điềm báo, chân thân của thiền sư đã được đốt cháy, sau đó người dân đã thu lấy phần tro cốt (được coi là xá lợi) để tạo nên bức tượng thiền sư Từ Đạo Hạnh hiện nay. Bức tượng ấy cho đến ngày hôm nay vẫn được bảo quản rất cẩn thận, hàng năm chỉ có một ngày vào 7/3 âm lịch, nhà chùa mới được phép tắm rửa cho bức tượng ấy. Tất cả đều được thực hiện vô cùng nghiêm ngặt và chỉ số ít cao niên trong làng mới được chứng kiến nghi lễ linh thiêng này.

    Hình ảnh nguyên bản của thiền sư Từ Đạo Hạnh hiện đang được lưu giữ tại chùa Thầy (Hà Nội)
    Hình ảnh nguyên bản của thiền sư Từ Đạo Hạnh hiện đang được lưu giữ tại chùa Thầy (Hà Nội)
    Chân thân của Thiền sư đã được đốt cháy, sau đó người dân đã thu lấy phần tro cốt (được coi là xá lợi) để tạo nên bức tượng Thiền sư Từ Đạo Hạnh hiện nay
    Chân thân của Thiền sư đã được đốt cháy, sau đó người dân đã thu lấy phần tro cốt (được coi là xá lợi) để tạo nên bức tượng Thiền sư Từ Đạo Hạnh hiện nay
  7. Chùa Keo ngàn năm tuổi gắn liền với những bí ẩn về cuộc đời và quá trình đắc đạo của vị thiền sư nổi tiếng nước Việt - Thiền sư Không Lộ. Ngài là sư tổ đời thứ 9 của Thiền pháo Ngôn Thông, xuất gia tại chùa Am (Thái Bình) năm 28 tuổi lấy hiệu là Không Lộ. Năm 1059, Thiền sư Không Lộ cùng với hai người bạn đồng môn của mình là Thiền sư Từ Đạo Hạnh và Thiền sư Giác Hải đã đồng lòng cùng nhau sang Tây Thiên học Phật Pháp. Sau khi tu hành, lĩnh hội Phật pháp tại đó, 3 vị thiền sư trở về nước và trở thành 3 vị Thiền sư nổi tiếng nhất Việt Nam cho đến ngày nay.


    Tương truyền, sau khi tu hành đắc đạo Thiền sư Không Lộ có thể bay lên không trung và đi trên mặt nước giống như Sư tổ Đạt Ma. Những pháp thuật cao siêu của Thiền sư không thể đo định được, bởi thế, Thiền sư có thể nhìn thầy trước tương lai.


    Theo sách “Trùng san Thần Quang tự Phật tổ bản hành thiền uyển ngữ lục tập yếu”, cùng với truyền thuyết từ dân gian; sau khi tu hành khổ hạnh Thiền sư Không Lộ đã trở về cõi tây phương cực lạc vào ngày 3/6/1094, đời vua Lý Nhân Tông.


    Trong thời gian lâm bệnh, chúng đệ tử và người dân trong làng đã dùng gỗ trầm hương để tạc chân dung Thiền sư. Nhưng mới hoàn thành xong phần đầu và phần trước, sau đó thì dừng lại không tạc nữa bởi Thiền sư đã viên tịch khi bức tượng về mình còn chưa kịp hoàn thành.


    Sau khi thác, môn đồ của Thiền sư đã làm lễ hỏa táng ngài; lúc bấy giờ bầu trời tự nhiên tối sầm lại, mây đen kéo đến kín cả bầu trời. Điều kỳ lạ, giữa đám mây đen ấy lại xuất hiện một đám mây vàng chiếu thẳng xuống đàn hỏa thiêu. Người ta cho rằng sau khi viên tịch Thiền sư đắc đạo đã hóa vào bức tượng đang còn tạc dang dở, người dân đã lấy áo cà sa đắp lên bức tượng gỗ thì bức tượng bỗng nhiên hóa thành bức tượng hoàn thiện. Mọi người gọi là “Thánh tượng” từ đó; hiện nay “Thánh tượng” đang được lưu giữ tại nhà Thánh của chùa.

    Sau thời gian tu hành và đắc đạo, Thiền sư Không Lộ đã chọn chùa Keo làm nơi phát tích, giảng đạo
    Sau thời gian tu hành và đắc đạo, Thiền sư Không Lộ đã chọn chùa Keo làm nơi phát tích, giảng đạo
    Bức “Thánh tượng” được gìn giữ rất cẩn thận phía trong hậu cung.
    Bức “Thánh tượng” được gìn giữ rất cẩn thận phía trong hậu cung.
  8. Phật Tích là ngôi chùa nổi tiếng của Việt Nam, gắn liền với thời đại hưng thịnh nhất của Phật Giáo trong lịch sử. Thiền sư Chuyết Chuyết - cố trụ trì của chùa là vị cao tăng nổi tiếng khi để lại toàn thân xá lợi minh chứng cho việc mình đắc quả Thánh. Ông họ Lý, pháp danh là Viên Văn, bắt đầu xuất gia từ năm 15 tuổi. Sau 16 năm thuyết pháp tại Campuchia, năm 1623 ông đến Quảng Nam hoằng Pháp cho nhân dân tại đây.


    Mười một năm sau, nhà sư Viên Văn cùng đệ tử khất thực ra đến kinh thành Thăng Long. Sau khi yết kiến vua Lê và chúa Trịnh, ngài được mời về trụ trì chùa Khán Sơn ở Thăng Long để giảng dạy Phật pháp. Từ đó, ngài được gọi là Chuyết Công hoặc Chuyết Chuyết. Năm 1634, ngài trở thành trụ trì chùa Phật Tích.


    Năm 1644, khi cảm nhận được số mệnh sắp tận, Thiền sư viên tịch trong im lặng, nhẹ tựa hư không. Sau khi thiền sư mất, một hiện tượng lạ là cả tháng đó khắp chùa có mùi hương thơm rất lạ. Đệ tử chân truyền là Thiền sư Minh Hành đã dùng kỹ thuật tượng táng phổ biến thời bấy giờ để bó cốt thầy, rồi đặt ngài vào tháp Báo Nghiêm. Nhiều người cho rằng, đó biểu hiện của việc thiền sư Chuyết Chuyết đã đắc đạo.


    Một thời gian sau, thiền sư Minh Hành đưa nhục thân thiền sư Chuyết Công vào một ngôi chùa tận trong Thanh Hóa để tránh bị hủy hoại bởi chiến tranh, loạn lạc. Đến năm 1989, người ta phát hiện nhục thân của thiền sư Chuyết Chuyết trong tháp Báo Nghiêm và nhóm của PGS. TS Nguyễn Lân Cường đã phục chế lại. Từ xưa đến nay, Phật Tích vẫn được biết đến là cái nôi Phật Giáo xứ kinh bắc, hàng năm thu hút hàng trăm Phật tử đến lễ bái và thăm quan cảnh Phật.

    Nhục thân và cuộc đời và những bí mật tu hành của Thiền sư Chuyết Chuyết vẫn còn vô vàn ẩn số
    Nhục thân và cuộc đời và những bí mật tu hành của Thiền sư Chuyết Chuyết vẫn còn vô vàn ẩn số
    Phật Tích - nơi gắn với nhiều câu chuyện huyền bí
    Phật Tích - nơi gắn với nhiều câu chuyện huyền bí
  9. Tại Việt Nam, vua Trần Nhân Tông là vị minh quân, cũng là vị cao tăng nổi tiếng. Người từng tu hành theo môn phái Trúc Lâm, ngài đắc đạo rất nhanh và khi ngài mất đi cũng để lại xá lợi và một số hiện tượng đặc biệt. Năm Đinh Mùi (1307), sau khi truyền giảng phật pháp cho đệ tử, Phật Hoàng rời núi Yên Tử và lên tu tại một am nhỏ trên đỉnh núi Ngọa Vân.


    Sau một thời gian tu hành tại núi Ngoạ Vân, ngày 19/10/1308 Phật Hoàng bảo thị giả Pháp Không lên am Tử Tiêu trên núi Yên Tử; truyền gọi đệ tử Bảo Sát đến gấp. Nghi có điều bất thường xảy ra, Bảo Sát vội vàng lên đường nhưng núi non hiểm trở, mãi đến ngày 21/10 mới đến được am Ngọa Vân. Sau khi trông thấy đệ tử, Phật Hoàng cười rồi bảo: Ngươi sao đến chậm thế? Ta sắp đi đây. Trong phật pháp có điều gì còn chưa tỏ thì hãy nói gấp đi".


    Sau khi giảng những điều cuối cùng cho đệ tử Bảo Sát, thì trời đất bỗng mù mịt tối tăm, gió bão nổi lên ầm ầm, muôn thú kêu gào quanh am. Nhưng giữa đêm 1/11/1308 tự nhiên trời quang mây tạnh, sao sáng đầy trời. Phật Hoàng liền gọi đệ tử Bảo Sát lại mà rằng: Bây giờ là giờ gì? Giờ tý - Bảo Sát thưa. “Đã đến giờ ta đi đấy” - Phật Hoàng nói tiếp. Xong xuôi, Ngài bèn nằm như sư tử lặng lẽ mà tịch, đó là vào niên hiệu Hưng Long thứ 16 (1308), Ngài thọ năm mươi mốt tuổi.


    Tương truyền sau khi Phật Hoàng viên tịch, theo di nguyện của Ngài, đệ tử Pháp Loa đã rước ngọc thể lên đàn hỏa thiêu. Khi đó, ngọc thể của Phật Hoàng tỏa ra một mùi hương thơm ngát, cùng lúc trên bầu trời xuất hiện những tiếng nhạc lớn, và nhiều đám mây ngũ sắc tụ lại thành hình tròn che kín nơi hỏa thiêu. Sau khi hỏa táng, Pháp Loa dùng nước thơm tưới lên hỏa đàn và thu ngọc cốt của Phật Hoàng.


    Điều kỳ lạ, trong khi thu ngọc cốt của Tổ Trúc Lâm, đệ tử Pháp Loa đã phát hiện hơn 3000 hạt ngũ sắc lấp lánh. Đó chính là xá lợi để lại của Ngài, minh chứng cho công phu tu hành đắc đạo của Phật Hoàng tại trần thế. Tháng 9 năm 1310, ngọc cốt được đưa về an trí tại lăng Quy Đức (Thái Bình). Còn xá lợi của Ngài được phân phát đi nhiều nơi. Bởi chính sự thiêng liêng ấy, Ngọa Vân đã trở thành thành địa của Phật giáo Trúc Lâm cho đến tận ngày nay.

    Phật Hoàng Trần Nhân Tông để lại hơn 3000 viên xá lợi vô cùng kỳ diệu
    Phật Hoàng Trần Nhân Tông để lại hơn 3000 viên xá lợi vô cùng kỳ diệu
    Khi nhập Niết bàn, Phật hoàng ở tư thế sư tử nằm trên một tảng đá lớn tại am Ngoạ Vân ngày nay
    Khi nhập Niết bàn, Phật hoàng ở tư thế sư tử nằm trên một tảng đá lớn tại am Ngoạ Vân ngày nay



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy