Mì Chũ
Đi dọc quốc lộ 31, cách thành phố Bắc Giang 40km về phía đông, bạn sẽ đến thôn Thủ Dương, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn và được người dân nơi đây giới thiệu đến làng nghề mì gạo Nam Dương, còn gọi là mì Chũ ngon nức tiếng gần xa. Cảm nhận đầu tiên khi đặt chân đến vùng đất này là màu trắng của những giàn bánh tráng phơi dựa vào các tường xây bao quanh nhà ở, vườn cây của các gia đình.
Để tạo ra những sợi mì vừa dai, vừa ngọt bùi, người làng Thủ Dương phải qua rất nhiều công đoạn hết sức công phu. Quan trọng nhất là khâu lựa chọn nguyên liệu. Loại gạo được dùng là gạo bao thai Hồng. Giống lúa tạo ra loại gạo này được trồng trên vùng đất đồi Chũ. Đặc trưng của loại gạo này là tạo ra được những sợi mì có độ dẻo dai, độ trắng và hương thơm đặc trưng. Những hạt gạo trắng trong, căng mẩy được nhặt sạch, đem ngâm 6 - 8 tiếng, sau đó xay ra thành bột cho thật dẻo và sánh, lọc đi lọc lại nhiều lần rồi ủ qua một đêm.
Một mẻ bánh thường có ít nhất ba người làm, mỗi người thạo một khâu riêng. Người tráng bánh lo cho bánh chín đúng độ, người cắt bánh lo cắt sao cho đều, người đem phơi, đem ủ và thái thành những sợi mì đều đặn… Ngay cả việc cuộn và bó sao cho các sợi mì sóng đều, mượt trông đẹp như búi tóc của người thiếu nữ cũng là cả một nghệ thuật mà không phải là người làm mì nào cũng thực hiện được. Thường phụ nữ đảm nhận khâu này để sao cho bó mì chắc, đẹp và đều nhất. Tổng cộng từ các nguyên liệu, người thợ phải thực hiện rất nhiều quy trình trong hơn 36 giờ mới cho ra đời những sợi mì đặc sản dẻo, dai và mỏng manh.