Top 8 Đặc sản nổi tiếng nhất của các dân tộc thiểu số Việt Nam

Triệu Triệu Thành 158 0 Báo lỗi

Không được bày biện trên những mâm cơm sang trọng, tinh tế; không tìm đến những nguyên liệu cao cấp đắt tiền; không phải trào lưu ai cũng tích cực chạy theo; ... xem thêm...

  1. Xôi ngũ sắc là món ăn quan trọng, không thể thiếu trong các dịp lễ hội, Tết của người Tày. Xôi có 5 màu sắc chính đó là trắng, xanh, đỏ, tím và vàng. Món ăn thơm ngon, màu sắc sáng tạo với các nguyên liệu tự nhiên có nguồn gốc địa phương nên vô cùng an toàn.


    Màu trắng là màu tự nhiên của gạo , còn các màu khác được tạo nên bằng cách ngâm gạo trong nước của các loại lá và củ trong rừng.

    • Màu đỏ được nhuộm từ cây mồng tơi lá đỏ, lá cây chắm ché hoặc vỏ cây vàng đỏ.
    • Màu tím nhuộm từ cây chắm ché tím hoặc lá cây sau sau.
    • Màu xanh lam nhuộm từ lá dứa hoặc lá gừng.
    • Màu vàng nhuộm từ cây hoa “Bjoóc phón” – loại cây mọc tự nhiên phổ biến trong rừng nơi núi cao.

    Tất cả các loại lá cây rừng này sẽ được người dân đem đi hòa với nước đun sôi cho ra màu, rồi lấy nước ngâm với gạo. Sau 5 - 6 tiếng, vớt gạo ra cho vào chõ đồ tới khi chín vừa, cơm xôi sẽ cho ra những màu rất đẹp.


    Mỗi màu sắc đều có ý nghĩa riêng, tượng trưng cho nguyện vọng, ước mơ mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Màu đỏ biểu tượng của lửa, mong ước cuộc sống ấm no hạnh phúc. Màu tím đại diện cho đất đai trù phú. Màu vàng biểu tượng của cây lúa, ngô, thóc, mong ước cuộc sống no đủ. Màu trắng mang ý nghĩa tình yêu chung thủy. Màu xanh lam gắn liền với trang phục truyền thống của người Tày.

    Xôi được đồ riêng để không bị pha màu
    Xôi được đồ riêng để không bị pha màu
    Xôi ngũ sắc của người Tày
    Xôi ngũ sắc của người Tày

  2. Thắng cố là món ăn đặc trưng, truyền thống của người H'mông, nổi tiếng ở Sapa và Hà Giang. Đây là món ăn có nguồn gốc từ Trung Quốc, sau đó du nhập vào Việt Nam. Được biết tới là món ăn đặc sản, dân dã của người H'mông trong những ngày quan trọng như: lễ hội, chợ phiên,... Thắng cố dần được khách du lịch biết đến và truyền tai nhau, và để rồi trở thành món ăn được khách thập phương săn lùng mỗi khi đến mảnh đất Tây Bắc này.


    Thắng cố có nghĩa là canh thịt, canh xương, bao gồm các loại thịt thường được chế biến như là ngựa, trâu, bò và lợn. Ban đầu, thịt nấu Thắng cố theo truyền thống là ngựa, nhưng hiện tại thịt ngứa khá hiếm và đắt, nên đa phần các quán phục vụ thịt bò, trâu, lợn để thay thế.


    Món ăn này đặc trưng bởi có sự pha trộn của tất cả các bộ phận nội tạng như lòng, tim, gan, phổi, tiết, thịt,... và cả xương. Toàn bộ lục phủ ngũ tạng, thịt, xương đều được cho vào chảo nấu nhừ cùng 12 loại thảo mộc núi rừng như thảo quả, quế, hồi,...


    Điều gây ấn tượng với Thắng Cố chính là mùi thơm nồng của ruột non động vật, đặc biệt là những thứ bên trong khiến nhiều người ngần ngại lắc đầu không dám thử.Tuy nhiên, một khi đã thử và quen với hương vị lạ này, thực khách khó lòng mà dừng đũa.

    Thắng cố
    Thắng cố
    Từ món ăn dân dã đã trở thành món lẩu Thắng cố
    Từ món ăn dân dã đã trở thành món lẩu Thắng cố
  3. Nậm pịa được xem như là món ăn truyền thống của dân tộc Thái ở Việt Nam. Từ "nậm" trong tiếng Thái nghĩa là nước, "pịa" là chất sền sệt trong ruột non của động vật (trâu, bò, dê,...). Hay còn gọi là "phân non" - dịch tiêu hóa, thức ăn chưa được tiêu hóa hoàn toàn của động vật. Người Tây ăn sữa con bò, còn người Thái thì ăn chính chất nuôi bản thân con vật đó. Ngoài ra, món ăn này sẽ cho thêm một số nội tạng của động vật ăn cỏ như tiết, lòng, tim, gan, dạ dày,...


    Việc chuẩn bị nguyên liệu khá cầu kỳ, còn công đoạn nấu món này cũng công phu không kém:

    • Đầu tiên họ sẽ lấy phần ruột non (chất dịch tiêu hóa pịa) ra khỏi động vật ăn cỏ trâu, bò, dê,...
    • Sau đó họ buộc chặt hai đầu của ruột non lại, để chất dịch tiêu hóa đo không bị pha lẫn các tạp chất không khí khác.
    • Công đoạn tiếp theo là đun sôi nước, ninh nhừ xương cùng với thịt và các nội tạng khác.
    • Ninh xương trong vài tiếng, người ta tiến hành cắt phần ruột non, lấy phần dịch cho vào nồi, phần ruột non thì cắt thành nhiều khúc, thả vào nồi cùng rau thơm, sả, mác khến (loại quả giống hạt tiêu), tỏi, ớt,...
    • Công đoạn cuối cùng là khuấy đều, cho tới khi hỗn hợp sền sệt trở thành một màu vàng nâu, hay nâu sẫm là hoàn thành.

    Mặc dù được coi là một món ăn đặc sản,nhưng không phải ai cũng ăn được món này. Phần lớn thì mới đầu hơi khó ăn, nhưng sau đó họ lại khen ngon.

    Quy trình lấy phần dịch ra ngoài
    Quy trình lấy phần dịch ra ngoài
    Nậm pịa
    Nậm pịa
  4. Thịt chua (Thịt lợn muối chua) là món ăn truyền thống độc đáo của dân tộc Dao. Thịt chua thường được làm món ăn trên mâm cỗ của người Dao trong những ngày đặc biêt (ngày rằm, ngày Tết,...). Ngoài ra, họ còn dùng để tiếp đón khách quý bởi họ coi đây là món ăn đặc biệt trong ẩm thực truyền thống của dân tộc mình.


    Nguyên liệu để làm thịt chua khá đơn giản, chỉ có thịt lợn, muối tinh và cơm tẻ. Để chọn thịt muối chua, người dân thường chọn loại thịt ba chỉ, thịt nửa nạc nửa mỡ. Thịt đã chọn được cắt thành từng miếng, mỗi miếng khoảng nửa kilogram, trên mỗi miếng, dùng dao sắc khía thành từng phần dày 2 - 3cm, tránh làm đứt phần da. Sau đó đem thịt đã cất ướp thật nhiều muối, dùng tay chà mạnh để ngấm vào từng thớ thịt, bởi độ mặn của muối chính là gia vị làm chín món thịt và không bị hư hỏng. Thịt sau khi ướp muối được đưa vào chum sành bảo quản.


    Trước khi cho thịt vào chum, lót một lớp cơm tẻ mỏng, rồi đặt lớp thịt lên phía trên, có tác dụng giúp thịt có độ thông thoáng và chín đều, cứ như vậy đến khi thịt và cơm được xếp đầy miệng chum. Phần trên cùng là một lớp cơm khá dày, được ấn chặt nhằm tránh không khí lùa gây hỏng thịt. Miệng chum được bịt kín bằng lá dong. Sau khoảng 15 ngày, khi kiểm tra thấy thịt đã dậy mùi thơm thì úp miệng chum lại để chắt hết phần nước ra ngoài. Sau đó tiếp tục thêm một lớp cơm phía miệng chum ấn chặt và bịt kín.


    Thịt lợn chua có thể dành hàng năm trời mà chết lượng vẫn tốt.

    Thịt lợn chua của người Dao Tiền
    Thịt lợn chua của người Dao Tiền
    Đặc sản thịt lợn muối chua
    Đặc sản thịt lợn muối chua
  5. Thịt trâu gác bếp hay còn gọi là thịt trâu khô, thịt trâu sấy, thịt trâu hun khói. Đây là một món ăn truyền thống nổi tiếng của dân tộc Thái vùng núi phía Bắc nước ta. Món ăn có vị tê cay từ mác khén (một loại quả, giống hạt tiêu của người Kinh), ngọt đậm từ thịt trâu tươi và mùi khói bếp khiến ai ăn cũng phải mê mẩn.


    Bản chất của món thịt gác bếp này đó là do ngày xưa chưa có tủ lạnh hiện đại để bảo quản thực phẩm, người Thái đã nghĩ ra cách ướp thịt trâu rồi gác lên bếp để có thể bảo quản được lâu. Món ăn này được cơi như là thực phẩm khô dự trữ trong những ngày mưa gió, hoặc đi rừng xa săn bắt

    • Về nguyên liệu: đặc sản thịt trâu gác bếp thường được chọn lọc kỹ lưỡng từ phần thịt thăn và bắp của con trâu khỏe mạnh, được chăn thả nơi núi đồi Tây Bắc.
    • Về công đoạn chế biến: món ăn này không khó nhưng khâu chế biến thịt lại rất đặc biệt. Thịt trâu sau khi lọc lấy thịt nạc như thăn, bắp và lưng sẽ được cắt thành từng miếng dài 12-15cm, dày 1,5-2cm. Sau đó được tẩm ướp với ớt, gừng, tần bì… và không thể thiếu một món gia vị đăng trưng của người Thái chính là mác khén.
    • Sau khi ướp đầy đủ gia vị, thịt trâu sẽ được mắc, treo lên giàn bếp thay vì được rán hay nướng trực tiếp với lửa. Khói tự nhiên sẽ làm từng miếng thịt khô lại. Gia vị cũng từ đó mà ngấm và thấm đều bên trong từng thớ thịt. Miếng thịt dần quắt lại, có màu nâu sẫm và trên bề mặt có vài hạt ớt khô và tiêu.

    Đây là một món ăn độc lạ và đặc biệt thơm ngon. Món ăn đặc sản này bề ngoài có màu nâu sẫm nhưng bên trong lại có màu đỏ. Cầm trên tay miếng thịt này, bạn sẽ cảm nhận được mùi thơm của khói và mùi thơm đặc trưng của hạt mác khén.

    Công đoạn thịt trâu được mắc, treo trên giàn bếp
    Công đoạn thịt trâu được mắc, treo trên giàn bếp
    Đặc sản thịt trâu gác bếp
    Đặc sản thịt trâu gác bếp
  6. Bún nước lèo là đặc sản của tỉnh Sóc Trăng và là món ăn đặc trưng xuất xứ từ người Khmer. Từ lâu, Sóc Trăng được ví như là “thủ phủ” của bún nước lèo. Sở dĩ người ta gọi tên là bún nước lèo là vì đây là món ăn của sự đoàn kết; là sự kết hợp hài hòa của nước dùng là mắm và thịt cá lóc của người Khmer, bắp chuối và rau muống thái sợi của người Kinh, thịt quay béo giòn của người Hoa. Bún nước lèo Sóc Trăng là một trong top 100 món ăn đặc sản của Việt Nam

    • Tinh túy của món ăn này chính là nước lèo - một loại súp được chế biến từ sự hòa quyện giữa mắm, sả và ngải bún (loại củ giống củ nghệ). Để nấu được nồi nước dùng thơm và ngọt, trong bếp thường pha nhiều loại mắm khác nhau, tuy nhiên một loại mắm mà không thể thiếu đó là mắm bò hóc - món mắm cá đặc trưng cho người Khmer Nam Bộ. Nước mắm được chế biến riêng, đun sôi và chỉ lọc lấy nước trong. Sau đó, nước dùng này được đun nhỏ lửa với sả và ngải bún trong một thời gian mà người nấu cảm nhận được hương vị hòa quyện. Cuối cùng cho thêm nước cốt dừa để nước lèo thêm ngọt và trong.
    • Nguyên liệu ăn kèm với bún nước lèo cũng được chế biến khá cầu kỳ, chủ yếu được chia làm ba phần: cá lóc luộc chín, gỡ thịt, bỏ xương; tép đất luộc chín lột vỏ và thịt heo quay cắt miếng - món ăn quen thuộc với người Hoa. Ngoài ra, bún nước lèo còn được ăn kèm với các loại rau như giá, rau muống, bắp chuối,...

    Có thể nói, bún nước lèo Sóc Trăng rất dễ làm xiêu lòng những du khách sành ăn. Tại Sóc Trăng, không khó để kiếm những quán bún nước lèo ngon như: Cá Đồng, Cây Nhãn, Thảo - Phú Lợi, cô Hạnh, bà Xím…

    Món bún nước lèo
    Món bún nước lèo
    Thịt heo quay trong món bún nước lèo
    Thịt heo quay trong món bún nước lèo
  7. Mèn mén hay còn gọi là cơm ngô, là món ăn độc đáo của người H'mông. Cây lượng thực chính của người Mông là cây ngô nên món ăn được làm từ những hạt ngô tẻ của địa phương và là món ăn thường xuyên của họ. Cứ sau mỗi lần thu hoạch, ngô lại được đem đi treo trên hiên nhà hoặc gác bếp, chờ đến khi thật khô mới đem đi làm mèn mén.


    Đầu tiên ngô sẽ được tách hạt, loại bỏ những hạt mốc, sâu, chỉ giữ lại những hạt tròn và đẹp. Từ hạt ngô, đồng bào xay thành bột khá mịn, rồi mang đi sàng, sẩy sạch sẽ, bỏ bột vào nia để trộn cùng một chút nước, lấy tay xoa cho bột ngấm đều nước, cho bột vào chõ đặt lên bếp đồ lần thứ nhất. Sau khi hơi nước bốc lên qua bột ngô độ 20 phút, người ta đổ bột ngô ra mẹt và lại tiếp tục quy trình vẩy nước vào bột xoa cho bột tiếp tục ngấm nước, rồi lại đồ tiếp, cho đến khi hơi nước bốc lên qua bột ngô độ 20 phút là được, bột ngô đã chín.


    Quy trình vẩy nước đòi hỏi người có kinh nghiệm nấu nướng cho gia đình. Bởi vì, bột khô quá sẽ khó chín khi hấp, bột vón quá thì món ăn sẽ bị nát, không ngon.

    Món mè mén của người Mông
    Món mè mén của người Mông
    Quy trình vẩy nước và trộn đều
    Quy trình vẩy nước và trộn đều
  8. Rượu cần là loại rượu được nấu từ gạo hay nếp cẩm trộn với các loại men lá hoặc men bột rồi ủ trong những chiếc ché (chum) gốm. Khi uống, người ra sẽ dùng cần rượu (được làm bằng tre hoặc ống nứa nhỏ) cắm trực tiếp vào ché rượu để hút (nên được gọi là rượu cần). Rượu cần là một lễ vật dâng lên thần linh và là thức uống quan trọng của người Ê-đê để tiếp đãi các vị khách quý hoặc dùng trong sinh hoạt cộng đồng.


    Để có những ché rượu cần ngon, công đoạn chuẩn bị nguyên liệu cũng như chế biến phải thật sự chu đáo và công phu:

    • Nguyên liệu chuẩn bị bao gồm: chum, ché, các cần tre trúc dài cỡ một mét để làm cần rượu, gạo nếp (hoặc gạo tẻ), các loại men lá (củ riềng, rễ cam thảo, củ cây chít,...), trấu và gạo,...
    • Đầu tiên, người Ê-đê dùng thường sẽ nếp cẩm hoặc nếp trắng nấu thành xôi, phơi bằng nong cho nguội rồi trộn men vào ủ kín. Men rượu làm bằng củ riềng, rễ cam thảo và củ cây chít, phơi khô - sau đó đem giã nhuyễn thành bột đem trộn với gạo.
    • Tiếp theo cho một ít nước vào rồi nắm lại thành một nắm lớn bằng cái bát (chén), ủ cho đến khi lên mốc trắng là được. Khi đã lên men, trộn thêm trấu để sau này dùng cần hút dễ hơn.
    • Sau đó cho tất cả vào ché đựng rượu theo nguyên tắc xếp lớp, cứ một lớp nguyên liệu lại một lớp trấu. Sau cùng người ta bịt miệng ché bằng lá chuối khô. Rượu ủ ba ngày là có thể dùng được, tuy nhiên ủ càng lâu rượu càng có độ nồng cao và càng thêm đậm đà.
    • Công đoạn cuối cùng là làm cần rượu. Cây trúc hoặc cành tre nhỏ, được thông ruột ống, dài khoảng 1,3m tùy từng loại ché lớn nhỏ.

    Ngày nay, dù có đa dạng các loại đồ uống song rượu cần của người Ê đê vẫn hiện hữu là một đồ uống đặc sản mang hương vị truyền thống dân tộc.

    Rượu cần của người Ê-đê
    Rượu cần của người Ê-đê
    Cách người Ê-đê thưởng thức rượu cần
    Cách người Ê-đê thưởng thức rượu cần




Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy