Rượu cần của người Ê-đê
Rượu cần là loại rượu được nấu từ gạo hay nếp cẩm trộn với các loại men lá hoặc men bột rồi ủ trong những chiếc ché (chum) gốm. Khi uống, người ra sẽ dùng cần rượu (được làm bằng tre hoặc ống nứa nhỏ) cắm trực tiếp vào ché rượu để hút (nên được gọi là rượu cần). Rượu cần là một lễ vật dâng lên thần linh và là thức uống quan trọng của người Ê-đê để tiếp đãi các vị khách quý hoặc dùng trong sinh hoạt cộng đồng.
Để có những ché rượu cần ngon, công đoạn chuẩn bị nguyên liệu cũng như chế biến phải thật sự chu đáo và công phu:
- Nguyên liệu chuẩn bị bao gồm: chum, ché, các cần tre trúc dài cỡ một mét để làm cần rượu, gạo nếp (hoặc gạo tẻ), các loại men lá (củ riềng, rễ cam thảo, củ cây chít,...), trấu và gạo,...
- Đầu tiên, người Ê-đê dùng thường sẽ nếp cẩm hoặc nếp trắng nấu thành xôi, phơi bằng nong cho nguội rồi trộn men vào ủ kín. Men rượu làm bằng củ riềng, rễ cam thảo và củ cây chít, phơi khô - sau đó đem giã nhuyễn thành bột đem trộn với gạo.
- Tiếp theo cho một ít nước vào rồi nắm lại thành một nắm lớn bằng cái bát (chén), ủ cho đến khi lên mốc trắng là được. Khi đã lên men, trộn thêm trấu để sau này dùng cần hút dễ hơn.
- Sau đó cho tất cả vào ché đựng rượu theo nguyên tắc xếp lớp, cứ một lớp nguyên liệu lại một lớp trấu. Sau cùng người ta bịt miệng ché bằng lá chuối khô. Rượu ủ ba ngày là có thể dùng được, tuy nhiên ủ càng lâu rượu càng có độ nồng cao và càng thêm đậm đà.
- Công đoạn cuối cùng là làm cần rượu. Cây trúc hoặc cành tre nhỏ, được thông ruột ống, dài khoảng 1,3m tùy từng loại ché lớn nhỏ.
Ngày nay, dù có đa dạng các loại đồ uống song rượu cần của người Ê đê vẫn hiện hữu là một đồ uống đặc sản mang hương vị truyền thống dân tộc.