Đền Borobudur (Indonesia)
Ngôi đền này được xây dựng theo hình ảnh một bông hoa sen nổi trong một hồ nước lớn, giống như các Đức Phật được sinh ra. Ngôi đền nằm ở miền Trung đảo Java. Số phận của ngôi đền cũng rất long đong. Nó bị bỏ hoang một ngàn năm trước, rồi lại bị tro bụi bao phủ sau vụ phun trào núi lửa khủng khiếp Merapi. Ngôi đền được phát hiện năm 1814. Và sau đó được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Tại ngôi đền với còn 504 bức tượng Phật đặt ở các vị trí khác nhau. Đền Borobudur được coi là ngôi đền Phật giáo lớn và lâu đời nhất thế giới.
Nhìn từ xa, ngôi đền giống như một ngọn đồi hay một kim tự tháp với nhiều tượng Phật và bảo tháp. Viếng đền tháp Borobudur bắt đầu từ cổng phía Đông, đi theo chiều kim đồng hồ, mỗi tầng đều có bậc thang để trèo lên tầng cao hơn, hết tầng này tiếp nối tầng khác. Kiến trúc tổng quát của ngôi đền có thể chia làm ba phần từ thấp lên cao, tượng trưng cho ba cảnh giới của Ta-bà: các tầng thấp nhất là dục giới, tiếp theo là Sắc giới và những tầng trên cùng là Vô sắc giới. Ở trên vách đá các tầng thấp hiện ra những cảnh tượng điêu khắc của dục giới, phô bày những cảnh tượng của dục giới, gồm đủ loại chúng sinh như quỷ đói, súc sinh, loài người, các cảnh tượng tham lam, những xung năng thấp kém, tham dục và hận thù.
Các tầng trên là cảnh tượng của Sắc giới gồm những bậc thánh nhân, và sau hết là các thiên nhân thuộc Vô sắc giới. Những tầng cao hơn hết kể lại sự tích tiền thân của Đức Phật trong nhiều kiếp trước, sau đó là ngày đản sinh, ngày Đức Phật từ bỏ cung điện đi tìm đạo, ngày đạt được Giác ngộ, và ngày Đức Phật thành đạo…Đối với các tín đồ Phật giáo dưới vương triều Sailendra, thì Borobudur là đại diện cho Phật giáo thực nghiệm. Họ có thể dễ dàng hình dung quá trình tu luyện của bản thân qua kiến trúc đền.