Top 10 Lễ hội truyền thống ở Việt Nam

Hạ Lan Quân 7519 0 Báo lỗi

Việt Nam là một đất nước có rất nhiều lễ hội cổ truyền đa dạng, độc đáo ở khắp các vùng miền của đất nước. Tại mỗi vùng miền, sẽ có những lễ hội mang lại những ... xem thêm...

  1. Top 1

    Lễ hội đền Hùng (Phú Thọ)

    Đền Hùng nằm ở trên núi Nghĩa Lĩnh, Xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ là nơi hàng năm thường diễn ra lễ hội mang tính chất quốc gia để suy tôn các vua Hùng là người đã có công dựng nước. Lễ hội diễn ra từ ngày 01 đến hết ngày 10 tháng 3 âm lịch. Việc tế lễ được tổ chức rất trọng thể vào ngày chính hội (10/3), bắt đầu bằng lễ dâng hương có đại diện của Nhà nước, tại đền Thượng là nơi xưa kia vua Hùng tế trời đất. Ðồ tế lễ ngoài mâm ngũ quả còn có bánh chưng, bánh dày để nhắc lại sự tích Lang Liêu, cũng là nhắc nhở công đức các vua Hùng đã dạy dân trồng lúa. Phần rước, có nhiều cuộc rước thần, rước voi, rước kiệu... của các làng Tiên Cương, Hy Cương, Phượng Giao, Cổ Tích...Sau tế lễ còn có múa hát xoan (ở đền Thượng), hát ca trù (ở đền Hạ) và nhiều trò chơi khác. Hội đền Hùng không chỉ thu hút khách thập phương đến dự lễ bởi những nét sinh hoạt văn hoá đặc sắc mà còn ở tính thiêng liêng của một cuộc hành hương trở về cội nguồn dân tộc của các thế hệ người Việt Nam. Ðến hội, mỗi người đều biểu hiện một tình thương yêu, lòng ngưỡng mộ về quê cha đất tổ. Ðây là một tín ngưỡng đã ăn sâu vào tâm thức mỗi con người Việt Nam, cho dù họ ở bất cứ nơi đâu.


    Cũng như mọi lễ hội khác ở đồng bằng Bắc Bộ, ở lễ hội đền Hùng gồm có 2 phần : Phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm một số hoạt động: Dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng; giỗ Quốc Tổ Lạc Long Quân; dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ; dâng hương tại các di tích thờ Hùng Vương và các danh nhân, danh tướng thời Vương; lễ rước kiệu của các xã vùng ven Khu di tích sử Đền Hùng. Phần hội có các hoạt động như: Hội trại văn hoá, biểu diễn nghệ thuật, trưng bày sản vật và văn hoá ẩm thực; Đánh trống đồng, múa sư tử; Hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh dầy; Triển lãm ảnh: “Tín ngưỡng thờ cúng Vương - cội nguồn Tổ”; Triển lãm các tác phẩm ảnh nghệ thuật tiêu biểu về quê hương, con người Phú Thọ. Trải qua bao thời đại lịch sử Lễ hội đền hùng là phong tục đẹp trong truyền thống của người dân Việt Nam. Vùng đất đã trở thành “thánh địa linh thiêng “của cả nước, nơi cội nguồn của dân tộc. Điều này thể hiện rõ bản lĩnh phi thường và nền văn hiến lâu đời, đậm đà bản sắc dân tộc của người dân Việt Nam. Hội đền Hùng hay giỗ tổ Hùng Vương là ngày hội quần tụ, ca ngợi sự hưng thịnh của nòi giống, là biểu tượng của tinh thần cộng đồng. Người đến hội mang theo lòng ngưỡng mộ sâu đậm về quê cha đất tổ, một tín ngưỡng đã ăn sâu vào tâm thức người Việt Nam cho dù họ sống ở bất cứ phương trời nào.

    Lễ hội đền Hùng (Phú Thọ)
    Lễ hội đền Hùng (Phú Thọ)
    Lễ hội đền Hùng (Phú Thọ)
    Lễ hội đền Hùng (Phú Thọ)

  2. Top 2

    Lễ hội miếu Bà Chúa Xứ núi Sam (An Giang)

    Lễ hội Bà Chúa Xứ (còn gọi là lễ Vía Bà) được tổ chức hàng năm bắt đầu từ đêm 23/4 đến 27/4 âm lịch. Tại Miếu Bà Chúa Xứ thuộc phường Núi Sam (trước là xã Vĩnh Tế),thị xã Châu Đốc tỉnh An Giang. Phần lễ của lễ Vía Bà gồm năm lễ: Lễ tắm Bà, Lễ thỉnh sắc Thoại Ngọc Hầu về Miếu Bà, Lễ Túc Yết, Lễ xây chầu, Lễ Chánh tế. Lễ tắm Bà. Lễ này được tổ chức vào lúc 24 giờ đêm 23 rạng ngày 24. Nói là tắm bà, nhưng thực tế là lau lại bụi bặm trên tượng thờ và thay áo mão cho Bà. Nước tắm tượng là nước thơm, bộ y phục cũ của Bà được cắt nhỏ ra phân phát cho khách trẩy hội và được coi như lá bùa hộ mệnh giúp cho người khoẻ mạnh và trừ ma quỷ. Lễ tắm Bà thường kéo dài khoảng một giờ, sau đó mọi người được tự do lễ bái. Lễ thỉnh sắc Thoại Ngọc Hầu về Miếu Bà:Lễ này được tiến hành vào lúc 15 giờ ngày 24.Các bô lão trong làng và Ban quản trị lăng miếu lễ phục chỉnh tề sang lăng Thoại Ngọc Hầu nằm đối diện với miếu bà làm lễ Thỉnh Sắc rước bài vị của Ngọc Hầu Nguyễn văn Thoại, bà nhị phẩm Trương Thị Miệt, và bài vị Hội đồng. Khi vào đến Miếu Bà, các bài vị trên được an vị ngôi chính điện, Ban quản trị dâng hương thỉnh an, lễ thỉnh sắc kết thúc. Tục lệ thỉnh sắc Thoại Ngọc hầu đã có từ lâu để tỏ lòng biết ơn ông là người có công khai phá vùng đất hoang vu này.


    Phần hội diễn ra rất sôi nổi đan xen với phần lễ,các hoạt động văn hoá nghệ thuật dân gian được biểu diễn như múa lân, múa mâm thao, múa đĩa chén... thu hút nhiều du khách. Lễ hội Bà Chúa Xứ núi Sam là một lễ hội mang bản sắc dân tộc đậm nét, nhưng cũng chứa đựng nhiều màu sắc địa phương Nam Bộ. Lễ hội thực sự là một lễ hội văn hoá dân gian đáp ứng nhu cầu văn hoá xã hội, đời sống tinh thần của nhân dân. Năm 2014, Lễ hội đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) quốc gia. Tại Công văn số 4591/VPCP-KGVX của Văn phòng Chính phủ về việc dự kiến lập hồ sơ các DSVHPVT tiêu biểu của Việt Nam trình UNESCO, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan lập hồ sơ DSVHPVT Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam (tỉnh An Giang), trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đệ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Hiện UBND tỉnh An Giang và Trường ĐH Văn hoá TPHCM cùng cộng đồng tổ chức Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam đang chủ trì việc nghiên cứu lập hồ sơ trình UNESCO.

    Lễ hội miếu Bà Chúa Xứ núi Sam (An Giang)
    Lễ hội miếu Bà Chúa Xứ núi Sam (An Giang)
    Lễ hội miếu Bà Chúa Xứ núi Sam (An Giang)
    Lễ hội miếu Bà Chúa Xứ núi Sam (An Giang)
  3. Top 3

    Lễ hội chùa Hương (Hà Nội)

    Lễ hội chùa Hương hay Trẩy hội chùa Hương là một lễ hội của Việt Nam, nằm ở Mỹ Đức, Hà Nội. Trong khu thắng cảnh Hương Sơn, được xem hành trình về một miền đất Phật - nơi Quan Thế Âm Bồ Tát ứng hiện tu hành. Đây là một lễ hội lớn về số lượng các phật tử tham gia hành hương. Hàng năm,cứ mỗi độ xuân về,hoa mơ nở trắng núi rừng Hương Sơn, hàng triệu phật tử cùng nhau cúng bái, khách khắp bốn phương lại nô nức trẩy hội Chùa Hương, hành trình về một miền đất phật. Nơi trác tích Bồ Tát Quán Thế Âm ứng thiện tu hành, để dâng lên người một nén tâm hương, một lời nguyện cầu, hoặc thả hồn mình bay bổng hòa quyện với thiên nhiên, ở một vùng miền còn in dấu tích phật thoại và văn hóa tâm linh. Hội Chùa Hương diễn ra trên địa bàn xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội. Chùa Hương đã được Bộ Văn hoá (nay là Bộ văn hoá, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích Quốc gia ngày 8 tháng 4 năm 1962 tại Quyết định số 313 VH/VP. Nhân dân xã Hương Sơn và du khách thập phương khi trẩy hội thường gọi với cái tên dân dã là đi Chùa Hương, bởi theo "Truyện Phật Bà Chùa Hương" thì nơi đây là nơi tu trì và trác tích của đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát đã được Việt hoá và danh xưng là Chùa Hương.

    Ngày mùng 6 tháng giêng hàng năm là ngày khai hội Chùa Hương, ngày này vốn là ngày chùa mở cửa rừng,người dân địa phương sau này trở thành ngày khai hội. Lễ hội kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch. Chùa Hương là một danh thắng nổi tiếng, không chỉ bởi cảnh đẹp mà nó còn là một nét đẹp văn hóa tín ngưỡng đạo phật của người dân Việt Nam. Không giống bất kỳ nơi nào,Chùa Hương là một tập hợp nhiều đền chùa hang động gắn liền với núi rừng,và trở thành một quần thể thắng cảnh rộng lớn,với một kiến trúc hài hòa giữa thiên nhiên và nhân tạo.Tạo hóa đã khéo bày đặt cho nơi đây núi non sông nước hiền hòa và rồi con người đã thổi hồn vào những điều kỳ diệu đó nó trở lên lung linh, sinh động và nhiều màu sắc. Chính điều đó đã tạo nên một nét văn hóa của dân tộc, đó là nét văn hóa tín ngưỡng đạo phật. Có lẽ đã trải qua nhiều thế kỷ, nét văn hoá đã in đậm vào trong tâm thức của mỗi con người Việt Nam ta khi đến với Chùa Hương, để rồi những khách hàng năm lại nô nức về đây với mong muốn được thắp một nén tâm hương, để thoả ước nguyện của mình. Trước một danh thắng như vậy các vị Vua Chúa và các vị nho nhã đã không tiếc lời thán phục. Năm 1770 khi Chúa Trịnh Sâm tuần thú Hương Sơn có đề khắc năm chữ lên cửa động Hương Tích "Nam Thiên Đệ Nhất Động" (Động Đẹp Nhất Trời Nam), kỳ sơn tú thủy" (núi non đẹp lạ) và còn rất nhiều những thi nhân tới đây đã đề bút như: Chu Mạnh Trinh, Cao Bá Quát, Xuân Diệu. Chế Lan Viên, Hồ Xuân Hương...

    Lễ hội chùa Hương (Hà Nội)
    Lễ hội chùa Hương (Hà Nội)
    Lễ hội chùa Hương (Hà Nội)
    Lễ hội chùa Hương (Hà Nội)
  4. Top 4

    Lễ hội Nghinh Ông (thành phố Hồ Chí Minh)

    Truyền thuyết về cá Ông được lưu truyền phổ biến hiện nay là ngày 16 tháng 8 âm lịch, do cá Ông sao lãng nhiệm vụ, để chìm một chiếc ghe làm chết nhiều người trong một cơn bão, nên cá Ông bị Long Vương Thủy Tề trừng phạt, cho cá Đao chém làm ba khúc, xác tấp vào Thắng Tam (Vũng Tàu), Phước Tỉnh (Long Đất) và Cần Thạnh (Cần Giờ), mỗi làng thỉnh một bộ phận thi thể cá Ông về thờ cúng. Điều đó khẳng định rằng, Lễ hội Nghinh Ông hay tục thờ cúng cá Ông (tức cá Voi) đã được lưu truyền từ lâu đời trong đời sống văn hóa tinh thần và xã hội của ngư dân ven biển huyện Cần Giờ. Nguồn gốc lễ hội này gắn với truyền thuyết dân gian được du nhập vào Cần Giờ trong quá trình giao lưu văn hóa của ngư dân Cần Giờ với ngư dân các tỉnh ven biển từ Quảng Bình đến Hà Tiên. Đây là lễ hội truyền thống gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng cá Ông (cá Voi) nhằm cầu nguyện sự bình an khi ra biển và ước mong một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Lễ hội Nghinh Ông là lễ hội tổng kết một mùa đánh bắt trên biển của ngư dân và chuẩn bị cho một mùa đánh bắt mới với những ước vọng một mùa bội thu. Đây là lễ hội thể hiện tấm lòng thành kính, biết ơn, tạ ơn Thần Nam Hải (cá Ông) và Thần Biển của ngư dân huyện Cần Giờ.

    Đồng thời, lễ hội còn thể hiện tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, là dịp để ngư dân tưởng niệm về những người con Cần Giờ có công đầu trong việc chế tạo ra những phương tiện đi biển, ngư cụ đánh bắt thủy hải sản để phục vụ cho ngư dân nhưng đã qua đời và những người đã bỏ mình trong lòng biển sâu. Lễ hội còn là dịp để ngư dân nghỉ ngơi, vui chơi giải trí sau những ngày đi biển gian khổ, bạn bè gần xa có thời gian thăm hỏi, chúc tụng lẫn nhau và qua đó trao đổi những kinh nghiệm đi biển, nâng cao hiệu quả sản xuất, đánh bắt thủy hải sản. Vì vậy, lễ hội đã trở thành ngày Tết của ngư dân, ngày tết trung thu của thiếu nhi trong toàn huyện Cần Giờ. Lễ hội Nghinh Ông được tổ chức hàng năm một lần, tuy nhiên quy mô tổ chức lễ hội tùy vào hoàn cảnh kinh tế của ngư dân và kết quả đánh bắt trong năm mà họ tổ chức đơn giản hay long trọng. Tại di tích Lăng Ông Tủy Tướng, thị trấn Cần Thạnh, khoảng hơn 10 năm trở lại đây, lễ hội Nghinh Ông được tổ chức rất long trọng, nghi lễ chính được phục hồi và phát triển trở thành lễ hội lớn của nhân dân huyện Cần Giờ và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, thu hút ngày càng đông ngư dân ven biển và khách thập phương đến dự lễ.

    Lễ hội Nghinh Ông (thành phố Hồ Chí Minh)
    Lễ hội Nghinh Ông (thành phố Hồ Chí Minh)
    Lễ hội Nghinh Ông (thành phố Hồ Chí Minh)
    Lễ hội Nghinh Ông (thành phố Hồ Chí Minh)
  5. Top 5

    Lễ hội xuân Yên Tử (Quảng Ninh)

    Vùng núi Yên Tử nằm ở xã Thượng Yên Công, cách trung tâm của thị xã Uông Bí khoảng gần 14km. Đây cũng là một trong những điểm du lịch nổi tiếng tại Uông Bí. Trước khi có cái tên Yên Tử, ngọn núi này có tên gọi khác là núi Voi bởi hình dạng của ngọn núi này tựa như một chú voi khổng lồ. Quanh năm trên núi đều chìm trong mây trắng tựa chốn tiên cảnh. Đó có lẽ vì sao mà các triều đại vua chúa của nước ta đều xếp núi Yên Tử vào hạng “danh sơn” của cả nước. 1000 năm trước theo sổ sách ghi lại, Yên Tử được coi là phúc địa thứ 4 của Giao Châu. Đặc biệt, trong hững tài liệu cũ đã từng thống kê có ghi nhận: “năm Tự Đức thứ 3, núi Yên Tử được liệt vào hàng danh sơn, chép trong điển thờ”. Vì thế mà từ xưa các tín đồ đạo Phật Việt Nam đã đến Yên Tử để cầu kinh niệm Phật, tu hành và từ đây người ta cũng xây dựng nhiều chùa pháp và các công trình khác để có được quần thể kiến trúc như ngày nay.


    Lễ hội xuân Yên Tử được bắt đầu từ 8 giờ sáng ngày 10 tháng Giêng âm lịch đến hết tháng 3 âm lịch hàng năm tại Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử, xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí. Cứ mỗi độ xuân về là hành trình du xuân trở về miền đất Phật Yên Tử lại bắt đầu. Hàng ngàn, hàng vạn du khách đổ về đây để đến với ngôi chùa Đồng nằm cao chót vót trên đỉnh núi. Cảm giác như bạn tách biệt mình khỏi thế giới trần tục bên dưới để tịnh tâm và tìm về với Phật tổ! Quả thực là như vậy! Yên Tử được coi là chốn đất Phật linh thiêng, quần thể các công trình bao gồm 11 ngôi chùa cùng với hàng trăm am, tháp, mộ, bia... trải dài gần 20km và tạo thành một khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh nổi tiếng mang tầm cỡ quốc gia. Đến với nơi đây, bạn có cơ hội được chiêm ngưỡng những ngôi chùa, ngọn tháp ẩn hiện bên những rừng cây, con suối vô cùng độc đáo và thú vị.

    Lễ hội xuân Yên Tử (Quảng Ninh)
    Lễ hội xuân Yên Tử (Quảng Ninh)
    Lễ hội xuân Yên Tử (Quảng Ninh)
    Lễ hội xuân Yên Tử (Quảng Ninh)
  6. Top 6

    Lễ vía Ngũ Hành Nương Nương tại miếu Bà Ngũ Hành (Long An)

    Long An là một vùng đất được lưu dân người Việt khai phá sớm, có nhiều tín ngưỡng dân gian, trong đó có tục thờ Ngũ Hành Nương Nương - dân gian còn gọi là Bà Ngũ hành, 5 vị phúc thần quyền năng: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ; bảo hộ cộng đồng cư dân nông nghiệp trong buổi đầu khai phá vùng đất Nam Bộ đầy khắc nghiệt. Ra đời trong công cuộc khai hoang lập làng của cộng đồng địa phương, Miếu Bà Ngũ hành ở xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An thờ 5 vị phúc thần được triều đình sắc phong (năm Duy Tân thứ 8) là: Kim Đức Thánh Phi, Mộc Đức Thánh Phi, Thủy Đức Thánh Phi, Hỏa Đức Thánh Phi, Thổ Đức Thánh Phi. Ngoài ra, trong miếu còn thờ Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh, Quan Thánh Đế Quân, các vị Tiền Hiền, Hậu Hiền, Tả Ban, Hữu Ban… Hàng năm, lễ hội diễn ra từ ngày 18 - 21 tháng Giêng. Ngày 18 là lễ Khai môn thượng kỳ, mở cửa chính của miếu, thượng cờ, người dân cùng nhau quét dọn, bày biện, trang trí, treo đèn, kết hoa để chuẩn bị cho đại lễ. Tiếp đến là lễ Mộc Dục, tắm rửa thần vị của Ngũ Hành Nương Nương (người thực hiện việc tắm Thần mặc áo dài, khăn đóng, pha nước hoa, dùng khăn sạch nghiêm cẩn lau rửa 5 vị Thánh Phi).


    Lễ Khai chung cổ là nghi lễ đánh những tiếng chuông và tiếng trống đầu tiên trong lễ Kỳ yên/Cầu an. Sau đó, khai mạc lễ hội Miếu Bà. Tối cùng ngày là nghi thức tụng kinh cầu an do một vị sư trụ trì chùa hành lễ cùng một vị Hương cả, quỳ trước bàn thờ, khấn Bồ Tát phù hộ cho bá tánh an cư lạc nghiệp, nhà nhà hạnh phúc ấm no. Lễ vật cúng Kỳ yên ở Miếu Bà Ngũ hành ở Long Thượng là những sản phẩm nông nghiệp do địa phương sản xuất, ngoài ra còn có heo Yết (heo dùng để tế Bà). Ngày 19 tháng Giêng, cùng với nghi lễ là các trò diễn dân gian như hát bóng rỗi, múa bóng ca tụng sự linh hiển và công đức của Bà. Tiết mục Hát bóng rỗi diễn ra trước sân miếu, những người diễn xướng, người hát và múa mặc trang phục đặc trưng với áo, mũ, khăn, váy, ngạch quan và trang điểm cầu kỳ. Hát bóng rỗi có ý nghĩa như một bản nhạc khai tràng cúng Bà, có dàn nhạc diễn tấu các điệu nhạc lễ và đệm cho các điệu hát; sau các điệu nhạc lễ khai tràng là những bài hát bóng rỗi chầu mời Ngũ Hành Nương Nương, chư tiên, chư thánh, các chiến sĩ… về dự lễ. Người diễn xướng, thường gọi là “bóng”, hát những bài bản có sẵn hoặc ứng tác nội dung phù hợp với đối tượng mời, bằng các làn điệu như tuồng, lý, kể vè… Sau khi hát chầu mời, các “bóng” bắt đầu trình diễn điệu múa dâng mâm vàng một cách nghiêm trang và thành kính.

    Lễ vía Ngũ Hành Nương Nương tại miếu Bà Ngũ Hành (Long An)
    Lễ vía Ngũ Hành Nương Nương tại miếu Bà Ngũ Hành (Long An)
    Lễ vía Ngũ Hành Nương Nương tại miếu Bà Ngũ Hành (Long An)
    Lễ vía Ngũ Hành Nương Nương tại miếu Bà Ngũ Hành (Long An)
  7. Top 7

    Lễ hội chùa Bái Đính (Ninh Bình)

    Khu tâm linh núi chùa Bái Đính nằm trong Quần thể Danh thắng Tràng An, cách thành phố Ninh Bình khoảng 15 km, là ngôi chùa lớn nhất Việt Nam, được biết đến với nhiều kỷ lục như tượng Phật bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á, chuông đồng lớn nhất Đông Nam Á, hành lang có nhiều tượng Phật nhất… Hàng năm, lễ hội chùa Bái Đính bắt đầu khai mạc vào ngày mùng 6 tháng Giêng và kéo dài đến hết tháng 3 Âm lịch tại chùa Bái Đính, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn. Đây là một trong các lễ hội lớn nhất miền Bắc những ngày đầu xuân, buổi lễ mở đầu cho những lễ hội hành hương về vùng đất cố đô Hoa Lư, Ninh Bình. Phần lễ: gồm các nghi thức thắp hương thờ Phật, tưởng nhớ công đức Thánh Nguyễn Minh Không, lễ tế thần Cao Sơn và chầu thánh Mẫu Thượng Ngàn.


    Lễ hội được bắt đầu bằng nghi thức rước kiệu mang bài vị Thần Cao Sơn, Đức Thánh Nguyễn và Bà chúa Thượng Ngàn từ khu chùa cổ ra khu chùa mới để tiến hành phần hội. Phần hội có các hoạt động mang tính chất văn hóa tâm linh như: rước kiệu, viết thư pháp; các trò chơi dân gian; thăm thú hang động, vãn cảnh chùa, thưởng thức nghệ thuật hát Chèo, Xẩm, Ca trù đất Cố Đô, tổ chức các hoạt động triển lãm tranh ảnh văn hóa nghệ thuật giới thiệu về chùa Bái Đính, khu du lịch sinh thái Tràng An. Đại biểu, tăng ni và du khách cùng tham gia nghi lễ thả chim phóng sinh, cầu nguyện cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, đất nước phồn vinh, no ấm. Lễ hội Bái Đính hàng năm luôn thu hút đông đảo khách du lịch đến tham gia. Du khách đến đây không chỉ chiêm bái, dâng hương lễ Phật mà còn du xuân, vãn cảnh, chiêm ngưỡng cảnh sắc kỳ vĩ, hòa mình cùng không gian thiêng rộng lớn, thanh tịnh nơi cõi Phật.

    Lễ hội chùa Bái Đính (Ninh Bình)
    Lễ hội chùa Bái Đính (Ninh Bình)
    Lễ hội chùa Bái Đính (Ninh Bình)
    Lễ hội chùa Bái Đính (Ninh Bình)
  8. Top 8

    Lễ hội đền Trần (Nam Định)

    Không biết từ bao giờ câu ca "Tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ" luôn vương vấn trong tâm thức của mỗi người dân đất Việt như một lời nhắc nhở để mỗi dịp tháng ba, tháng tám hàng năm lại tìm về cội nguồn, cùng hoà mình vào những lễ nghi trang nghiêm, những lễ hội tưng bừng, tưởng nhớ Thánh, Mẫu đã có công sáng lập và gìn giữ vùng đất thiêng này. Lễ hội đền Trần được tổ chức trong các ngày từ ngày 15 đến ngày 20 tháng tám âm lịch hàng năm tại phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định nhằm tri ân công đức của 14 vị vua Trần. Theo hồi cố của các bô lão, vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu, đúng rằm tháng giêng, trước sân đền Thượng tổ chức nghi lễ Khai ấn với sự tham gia của bảy làng: Vọc, Lốc, Hậu Bồi, Bảo Lộc, Kênh, Bái, Tức Mặc. Các làng rước kiệu các vị thần về tụ tập ở đền Thượng để tế các vua Trần. Nghi lễ này phản ánh một tập tục nghi lễ cổ: sau những ngày nghỉ tết, từ rằm tháng giêng thì triều đình trở lại làm việc bình thường. "Khai ấn" là mở đầu ngày làm việc của một năm mới. Đến nay, nghi thức khai ấn vẫn được giữ nguyên với những lễ nghi truyền thống, thu hút hàng vạn người từ khắp mọi miền Tổ quốc về tham quan, xin ấn mỗi năm với mong muốn một năm mới thành đạt và phát tài.


    Hội đền Trần diễn ra từ ngày 15 đến ngày 20 tháng tám âm lịch hàng năm. Những năm chẵn hội mở to hơn năm lẻ. Song không đợi đến chính hội, khách thập phương đã nô nức về trẩy hội đền Trần. Hành hương về cội nguồn ai cũng mong muốn điều tốt lành, thịnh vượng. Trước sân đền phấp phới lá cờ đại - lá cờ truyền thống với năm màu rực rỡ biểu trưng cho ngũ hành, hình vuông biểu tượng đất (âm), rìa tua hình lưỡi liềm biểu tượng trời (dương). Chính giữa cờ hội thêu chữ "Trần" bằng chữ Hán do hai chữ "Đông" và "A" ghép lại.Lễ hội được cử hành trang nghiêm. Nghi lễ được diễn ra với các lễ rước từ các đình, đền xung quanh về dâng hương, tế tự ở đền Thượng thờ 14 vị vua Trần. Lễ dâng hương có 14 cô gái đồng trinh, đội 14 mâm hoa đi vào đền trong tiếng nhạc lễ dâng lên 14 ngai vua. Nghi lễ này là hồi ảnh của cung cách triều đình phong kiến xa xưa. Phần hội có nhiều hình thức sinh hoạt văn hoá phong phú, độc đáo như chọi gà, diễn võ năm thế hệ, đấu vật, múa lân, chơi cờ thẻ, đi cầu kiều, hát văn, múa bài bông. Chính những nét sinh hoạt văn hoá độc đáo này đã tạo cho hội Đền Trần sức hấp dẫn và cuốn hút du khách thập phương. Lễ hội Đền Trần là một trong những lễ hội truyền thống lớn, niềm tự hào của mỗi người dân Nam Định khi nhớ về cội nguồn dòng giống của các bậc đế vương và của dân tộc Việt Nam.

    Lễ hội đền Trần (Nam Định)
    Lễ hội đền Trần (Nam Định)
    Lễ hội đền Trần (Nam Định)
    Lễ hội đền Trần (Nam Định)
  9. Top 9

    Lễ hội Tháp Bà Ponagar (Khánh Hòa)

    Lễ hội Tháp Bà Pônagar ở tỉnh Khánh Hòa còn gọi là Lễ hội Thiên Y A Na Thánh Mẫu hay Lễ vía Bà là di sản văn hoá phi vật thể, thuộc loại hình Lễ hội truyền thống, đã được Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia (năm 2012). Lễ hội Tháp Bà diễn ra hàng năm tại di tích lịch sử - văn hóa quốc gia Tháp Bà Pônagar, trên đồi Cù Lao, thuộc phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ngoài người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận tham gia lễ hội, còn có sự tham gia của người Kinh (Việt) và một số dân tộc thiểu số khác ở các tỉnh thuộc khu vực miền Trung và Tây Nguyên: Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, Đắc Lắc, Gia Lai, Lâm Đồng, Thừa Thiên - Huế ... Nữ thần Pônagar là Mẹ xứ sở của người Chăm, có tên gọi đầy đủ là Yang Pô Inư Nagar. Vốn mang trong mình tâm thức thờ Mẫu, khi người Việt vào sinh sống ở vùng đất Khánh Hòa (khoảng năm 1653) đã “tiếp biến” tín ngưỡng này và gọi là Thiên Y A Na Thánh Mẫu. Các truyền thuyết về Thiên Y A Na Thánh Mẫu đã được ông Phan Thanh Giản, một vị quan Thượng thư bộ Lễ dưới triều Nguyễn ghi chép, tổng hợp, biên soạn và cho khắc bia dựng vào năm 1856 ở tại di tích Tháp Bà Pônagar. Các vua triều Nguyễn đã ban các sắc phong cho Thiên Y Thánh Mẫu là Thượng đẳng thần.

    Lễ hội diễn ra từ ngày 20 đến 23 tháng 3 Âm lịch hàng năm
    , gồm nhiều nghi lễ thức chính. Lễ thay y: được tiến hành đúng giờ Ngọ ngày 20 tháng 3. Vị chủ tế dâng trầm hương, nhang, hoa, trái cây và khấn vái. Các thành viên trong đội thay y thực hiện việc sắp xếp đồ lễ trong dinh và cởi xiêm y, mũ miện để tắm tượng. Nước dùng để tắm tượng được nấu từ rượu với nước và các cánh hoa có mùi thơm (5 loại). Sau khi tắm, tượng Mẹ được mặc xiêm y và mũ miện mới do người dân dâng cúng. Những bộ xiêm y sau khi thay được giặt sạch, rồi đưa ra trưng bày để du khách và nhân dân chiêm ngưỡng. Nước và khăn dùng để tắm tượng cho Mẹ xong được người dân xin về để lấy phước hoặc rửa mặt hay tắm cho trẻ con, hoặc tưới lên ghe thuyền... với mong muốn để trừ tà, trẻ con hay ăn và khỏe mạnh, người bệnh mau lành, những ghe, thuyền ra khơi gặp nhiều may mắn... Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đời sống nhân dân ngày một nâng lên, đã tạo điều kiện cho nhu cầu sáng tạo và thưởng thức văn hóa ngày càng phong phú. Do đó, lượng người đổ về dự lễ hội ở Tháp Bà cũng ngày một tăng cao.

    Lễ hội Tháp Bà Ponagar (Khánh Hòa)
    Lễ hội Tháp Bà Ponagar (Khánh Hòa)
    Lễ hội Tháp Bà Ponagar (Khánh Hòa)
    Lễ hội Tháp Bà Ponagar (Khánh Hòa)
  10. Top 10

    Hội Lim (Bắc Ninh)

    Lịch sử Hội Lim được truyền miệng lại với rất nhiều phiên bản khác nhau. Có quan niệm cho rằng: Hội Lim có nguồn gốc từ hội chùa, hội hát, liên quan đến tiếng hát của chàng Trương Chi mà dấu xưa để lại là hình vết dòng sông Tiêu Tương khá rõ ở các làng quê vùng Lim. Giả thuyết này căn cứ vào truyền thuyết Trương Chi - Mỵ Nương. Hội Lim vốn có lịch sử rất lâu đời, và phát triển tới quy mô hội hàng tổng (tổng Nội Duệ). Trên cơ sở lễ hội truyền thống của các làng trong tổng Nội Duệ (bao gồm 6 xã phường: Nội Duệ (Đình Cả và Lộ Bao), Nội Duệ Khánh, Nội Duệ Nam, Lũng Giang, Xuân Ổ và phường hát cửa đình Tiên Du (sau là Duệ Đông) với nhiều nghi lễ rước, tế lễ và các hoạt động nghệ thuật dân gian hết sức phong phú. Như: hát trống quân, hát chèo, ca trù, hát tuồng và hát quan họ…viên quận công Đỗ Nguyên Thụy - người thôn Đình Cả, Nội Duệ, xứ Kinh Bắc đã tự hiến nhiều ruộng vườn và tiền của cho tổng Nội Duệ trùng tu đình chùa, mở mang hội hè, gìn giữ thuần phong mỹ tục. Ông đã quy định lễ nhập tịch cầu phúc vào dịp tháng Giêng hàng năm, theo truyền thống “xuân thu nhị kỳ”. Như vậy, quận công Đỗ Nguyên Thụy là người có công phát triển từ lễ hội đình tế thần cầu phúc của các làng xã vùng Lim lên lễ hội hàng tổng Nội Duệ vào dịp mùa thu, tháng Tám, với những quy định chung, đồng thời ông cũng chính là người xây dựng bước đầu những lệ tục của lễ hội vào mùa xuân, tháng Giêng.


    Không gian lễ hội lấy đồi Lim làm trung tâm, có chùa Lim - nơi thờ ông Hiếu Trung Hầu - người sáng lập tục hát Quan họ và diễn ra tại 3 địa phương bao quanh là: xã Nội Duệ, xã Liên Bão và thị trấn Lim. Hội Lim thường được kéo dài trong khoảng 3 ngày (từ ngày 12 đến 14 tháng Giêng âm lịch hàng năm), trong đó ngày 13 là chính hội với nhiều hoạt động tập trung. Bởi vậy mà du khách cũng tập trung du lịch Bắc Ninh vào ngày 13 để có mặt tại hội Lim trong chính hội. Hội Lim bắt đầu bằng một lễ rước. Thành phần đoàn rước là những người dân được mặc bộ lễ phục thời xưa với màu sắc sặc sỡ. Trong ngày lễ chính (ngày 13 tháng Giêng) với các nghi thức rước, tế lễ các thành hoàng các làng, các danh thần liệt nữ của quê hương tại đền Cổ Lũng, lăng Hồng Vân, lăng quận công Đỗ Nguyên Thụy, dâng hương cúng Phật, cúng bà mụ Ả ở chùa Hồng Ân. Ngoài phần lễ, hội còn có nhiều trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm… và đặc sắc hơn cả là phần hát hội. Hội Lim là một lễ hội truyền thống chắc chắn những người yêu thích du lịch hay cả những người yêu nét đẹp văn hóa dân tộc cũng nên trải nghiệm

    Hội Lim (Bắc Ninh)
    Hội Lim (Bắc Ninh)
    Hội Lim (Bắc Ninh)
    Hội Lim (Bắc Ninh)



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy