Top 8 Tông phái Phật giáo chính tại Việt Nam
Phật giáo Việt Nam được truyền bá bởi các nhà tu hành Ấn Độ và Trung Hoa từ rất sớm. Tuy nhiên, khi vào lãnh thổ nước ta đã được hình ... xem thêm...thành các hệ phái riêng biệt mang dấu ấn dân tộc. Mỗi hệ phái của Phật Giáo Việt Nam được hình từ chính các vị tổ sư, thánh tăng nước Việt. Cùng Toplist.vn tìm hiểu những dòng phái Phật giáo chính đang có mặt trên lãnh thổ đất nước ta.
-
Thiền Tông
Mục đích tối thượng của người tu tập theo Thiền tông là lĩnh ngộ phật tính, thấu suốt bản tâm thanh tịnh của chính mình, thoát khỏi sinh tử luân hồi và sống với bản tâm thanh tịnh ấy, nếu có nhân duyên thì hoằng hóa giúp người cũng tu tập ngộ đạo như mình, làm lợi lạc quần sinh.
Thiền Tông được Tổ Bồ Đề Đạt Ma là vị Tổ thứ 28 truyền thừa từ đệ nhất Tổ Ca Diếp, từ Ấn Độ sang Trung Hoa hoằng dương chánh pháp mà lập lên, Ngài trở thành đệ nhất Tổ Thiền Tông Trung Hoa. Nhiều thiền sư đã sang Việt Nam truyền bá thiền tông, trong số đó có Tỳ Ni Đa Lưu Chi, đệ tử của đệ tam Tổ Tăng Xán sang Việt Nam năm 520, thành lập phái thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi, đệ tử của đệ cửu Tổ Bá Trượng Hoài Hải là Vô Ngôn Thông sang Việt Nam năm 820, thành lập phái thiền Vô Ngôn Thông, đệ tử của thiền sư Tuyết Đậu Minh Giám (980-1052) thuộc phái Văn Môn, là ngài Thảo Đường bị bắt làm tù binh khi vua Lý Thánh Tôn chinh phạt Chiêm đem về Thăng Long năm 1069, sau đó phát hiện ngài là thiền sư liền được thả ra, ngài đã thành lập phái Thiền Thảo Đường và vua đã phong ngài làm Thảo Đường Quốc Sư. Tuy nhiên các phái thiền trên đều thất truyền.
Đến thời Trần, Trần Nhân Tông tham vấn Thiền với Tuệ Trung Thượng Sĩ được đốn ngộ Phật tính, sau đó nhường ngôi vua cho con và xuất gia, hoằng pháp với hiệu là Trúc Lâm Đầu Đà, sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử mang đậm bản sắc của dân tộc Việt Nam. Là sự kết hợp và kế thừa Tư tưởng của ba thiền phái là Tì-ni-đa-lưu-chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường. Ba vị tổ quan trọng nhất của Thiền phái này là Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang.
Thế kỷ thứ 17, có ngài Nguyên Thiều thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 33, từ Trung Hoa sang Đồng Nai rồi lần ra Bình Định, Huế truyền bá Thiền Tông. Tiền bán thế kỷ thứ 18, có ngài Liễu Quán Thiệt Diệu đệ tử của ngài Tử Dung Minh Hoằng cũng thuộc dòng Lâm Tế truyền thừa do nguồn gốc của hai vị Thiền Sư này, có hai bài kệ truyền thừa, theo đó có thể biết được vị nào thuộc đời thứ mấy của dòng Lâm Tế.
Ngày nay ở nước ngoài, có thiền sư Nhất Hạnh rất nổi tiếng không những trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại mà cả ở người ngoại quốc nữa, thiền sư Nhất Hạnh có du học ở Mỹ, vào thập niên 60 thiền sư lập dòng tu "Tiếp Hiện". Ngài là giám đốc Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội, thuộc viện Đại Học Vạn Hạnh. Ngài còn được biết như một nhà văn lớn, những hoạt động chống chiến tranh của Thiền sư và cho một nền hòa bình ở Việt Nam đã được nhà lãnh tụ da đen của Mỹ, Martin Luther king, Jr. đề nghị giải Nobel về Hoà Bình, thiền của ngài thuộc Như Lai Thiền.
Ở trong nước có thiền sư Thanh Từ, trước ngài ở trong đoàn Như Lai sứ giả của Giáo Hội tăng già Nam Việt, cùng với ngài Huyền Vi đi thuyết pháp khắp lục tỉnh. Sau này thiền sư Thanh Từ chuyên giảng dạy về thiền. Ngài lập ra những tu viện Chơn Không, Thường Chiếu, Linh Chiếu... Thiền của Ngài có khuynh hướng Tổ sư Thiền.
-
Tịnh Độ Tông
Tịnh Độ Tông là một tông phái lấy pháp môn niệm danh hiệu A Di Đà, để cầu được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc do Đức Phật A Di Đà là Giáo Chủ, tông này lấy Kinh Vô Lượng Thọ, Quán Vô Lượng Thọ, và Tiểu Bản A Di Đà làm căn bản. Tịnh Độ tông lại chú trọng đến “tha lực”, nhờ Phật lực để mong được vãng sinh. Thế giới Tây phương Cực lạc vì thế ngay từ đầu có sức hấp dẫn kỳ lạ đối với tất cả mọi người về một đời sống an lạc vĩnh cửu ở kiếp sau.
Tại Việt Nam Tịnh độ tông xuất hiện gắn liền với sự kiện sư Đàm Hoằng (? – 455), một vị cao tăng Trung Quốc tu hành Tịnh độ tông đến chùa Tiên Sơn nước ta tu tập và truyền bá pháp môn này được chép trong Cao tăng truyện của Huệ Hạo 12. Tuy nhiên, giai đoạn tiếp theo, tức từ sau sư Đàm Hoằng đến nửa đầu thế kỷ thứ IX, chúng ta hiện không có tư liệu nào để lại đề cập đến Tịnh độ, mà mãi đến năm 826, nó mới được nhắc đến trong bài kệ của sư Vô Ngôn Thông (759 - 826) nói cho đệ tử là sư Cảm Thành (?- 860). Trong bài kệ có câu : "Tây Thiên là đất này, Đất này là Tây Thiên". Chữ Tây Thiên ở đây có thể hiểu theo hai nghĩa, chỉ cho thế giới Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà, đồng thời cũng có thể hiểu đó là nước Ấn Độ, quê hương của Phật giáo.
Từ giữa thế kỷ thứ XI trở đi, khuynh hướng Tịnh độ được phổ biến rộng rãi, với sự hình thành của nhiều ngôi Tam bảo, đạo tràng. Đặc biệt là vào thời vua Lý Thánh Tông (1023 -1072), nhà vua tuy thuộc thế hệ thứ 1 dòng thiền Thảo Đường, nhưng đã cho tạc một pho tượng Phật A Di Đà độc đáo có một không hai trong lịch sử nghệ thuật điêu khắc của dân tộc hiện nay vẫn còn (2) và cho dựng một ngôi tháp để thờ tại chùa Vạn Phúc.
Sự phát triển này ngày mỗi mạnh mẽ, nhất là từ cuối thế kỷ XVI trở đi. Nhiều tác phẩm về Tịnh độ được viết, phiên âm và chú giải nhằm truyền bá cho trào lưu này. Có thể kể một vài tên tuổi như Viên Văn (1590-1644) viết tác phẩm Bồ đề yếu nghĩa, thuyết minh về Tự tính Di Đà; thiền sư Minh Châu Hương Hải (1628-1708) phiên âm A Di Đà kinh sớ sao của Châu Hoằng; thiền sư Chân Nguyên (1647-1726) với nhiều tác phẩm mang đặc điểm tư tưởng Tịnh độ của Trung Hoa như Phật tâm luận, đặc biệt là đã cho thiết kế ba đài Liên hoa cửu phẩm làm pháp khí trong lễ nghi thực hành niệm Phật...
Ở miền Nam, có cư sĩ Minh Trí thành lập "Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam", tổ đình đặt tại Minh Hưng Tự số 101 đường Lý Chiêu Hoàng, quận 6, Tp. Hồ Chí Minh, xây cất năm 1934. Hội này chọn phương pháp Phước Huệ song tu lấy pháp môn niệm Phật làm căn bản. Năm 1955, Hòa Thượng Chơn Mỹ trụ trì chùa Giác Hải Phú Lâm Chợ Lớn, Hòa Thượng Chơn Minh, trụ trì chùa Giác Chơn, Chợ Lớn cùng ông Lý Trung Hiếu đã thành lập Giáo Hội Tịnh Độ Tông Việt Nam, trụ sở đặt tại chùa Giác Hải, sau dời về Liên Tông Tự (quận 1, TP. Hồ Chí Minh). Hệ thống hơn 50 chùa phái Non Bồng do sư ni Huệ Giác thống lãnh thực hành rất tốt pháp môn niệm Phật. Tịnh Độ Tông ngày nay có lẽ hệ phái Non Bồng, là một hệ phái lớn nhất có nhiều chùa từ miền Tây, miền Đông và miền Trung Việt Nam.
Sự phát triển đó được tiếp nối cho đến ngày nay, chúng ta có thể thấy tín ngưỡng và pháp môn niệm Phật A Di Đà cầu vãng sinh Cực lạc là một trong những khuynh hướng tín ngưỡng lớn, nếu không nói là chủ yếu, của Phật giáo nước ta hiện tại.
-
Mật Tông
Mật tông là một tông phái Phật giáo chủ trương sử dụng những phép tu tụng niệm các mật chú để đạt đến chân lý giác ngộ. Tương truyền rằng Mật tông do đức Phật Đại Nhật khởi xướng. Mật tông có hai bộ kinh cơ bản là Đại Nhật kinh và Kim cương bát-nhã-ba-la-mật-đa kinh.
Mật tông vốn truyền vào Việt Nam từ khá sớm. Theo Thiền uyển tập anh, vào thế kỷ thứ VI, Tỳ Ni Đa Lưu Chi, người Ấn Độ, đã đến Việt Nam và dịch kinh Đại thừa phương quảng tổng trì tại chùa Pháp Vân. Đây là một bộ kinh của Mật giáo, và liên hệ rất nhiều đến Thiền. Vào thời Đinh và Tiền Lê, Mật tông đã khá thịnh hành tại Việt Nam. Những trụ đá được phát hiện tại Hoa Lư, Ninh Bình vào các năm 1963, 1964, 1978 - dựng vào năm 973, thời Đinh; có trụ dựng năm 995, thời Lê Đại Hành - điêu khắc bản kinh Phật đỉnh Tôn thắng Đà La Ni (Usnisavijaya dharani), một bản kinh rất phổ biến của Mật giáo, đã chứng minh cho điều đó.
Một thiền sư Việt, ngài Sùng Phạm (mất năm 1087), đời thứ 11 của thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, đã đến Ấn Độ chín năm, sau mở trường dạy tại chùa Pháp Vân. Đệ tử của ngài có sư Từ Đạo Hạnh nổi tiếng về phù chú và sư Trì Bát cũng thấm nhuần Mật giáo. Đại Việt sử ký toàn thư cũng ghi chép về một vị Tăng sĩ Ấn Độ, vào năm 1311, đến nước ta, xưng là 300 tuổi, theo Mật giáo, có thể ngồi xếp bằng nổi trên mặt nước. Năm 1318, vua Anh Tông mời một Tăng sĩ Ấn Độ, tên Ban Để Đa Ô Sa Thất Lợi đến dịch một bộ kinh Mật giáo tên là Bạch Tán Thần chú kinh.
Khu vực phía nam, có Hòa Thượng Nhẫn Tế thế danh Nguyễn Văn Tạo (Bình Dương), hâm mộ đạo Phật từ nhỏ, năm 1904, được 16 tuổi ngài đến chùa Thiên Tôn trong vùng, quy y với Hòa Thượng Ấn Thành - Từ Thiện, pháp danh Chơn Phổ. Sau khi học hành xong, Ngài đi làm việc nhưng vì có bệnh nên xin nghỉ dưỡng bệnh. Năm 1935, Ngài lên tàu đi sang Ấn độ, chiêm bái và học Phật, có sang Nepal nhận được Xá lợi Phật, rồi sang Tây Tạng, được yết kiến Nhiếp chính Quốc vương Tây Tạng, được Lạt ma Nhiếp chánh nhận là tu sĩ Tây Tạng, ban cho pháp danh Thubten Osall Lama (Huệ Phát), ngài đắc pháp Mật Tông Tây Tạng. Tháng 10 năm 1936, Ngài rời khỏi Tây Tạng, trở lại Ấn độ học hỏi thêm một thời gian rồi mới trở về xứ. Ngài đặt chân lại am thất cũ của mình tại Bình Dương tại Tây Tạng tự, từ đó Ngài tu và truyền bá Mật tông, nhưng vì Phật giáo thời đó, nên Mật Tông của ngài Nhẫn Tế không lan rộng, không lập nên Giáo Hội.
Hòa thượng Nhẫn Tế viên tịch ngày 17-5-1951, thọ 63 tuổi đời, đắc 25 hạ lạp, là một Lama Việt Nam đầu tiên, được chính Nhiếp chính quốc vương Tây Tạng ấn chứng.
Ở Huế có Mật tông lưu truyền, thập niên 60, Hội Phật Học Nam Việt có thỉnh chư Tăng từ Huế vào chùa Xá Lợi làm lễ Trai Đàn Cứu Tế, những vị Tăng này đã hành lễ theo nghi thức Mật Tông Trung Hoa.
-
Phật giáo Nguyên Thủy
Theo sử liệu, Phật giáo nguyên thủy (Nam tông) chỉ mới được du nhập vào Việt Nam từ khoảng những năm cuối thập kỷ 1930. Phật giáo Nguyên Thủy tu hành theo nguyên bản Phật giáo thời kỳ sơ khai, khi Đức Phật mới thành đạo, đòi hỏi sự tu tập chuyên sâu, tập trung; Niết - bàn là mục tiêu tối hậu; A- la hán là Thánh quả cao nhất; Tập trung vào Thiền định; Trí tuệ là đệ nhất.
Trong số những người tiên phong truyền bá đạo Phật Nguyên Thủy vào Việt Nam có một vị bác sĩ thú y trẻ tên là Lê Văn Giảng. Ông sinh ra ở miền Nam, nhưng đi học ở Hà Nội, và sau khi tốt nghiệp, ông được cử sang làm việc tại Phnom Penh. Trong thời gian đó, ông bắt đầu để tâm đến đạo Phật. Ông theo học các pháp môn Tịnh độ và Mật tông, nhưng không thỏa mãn. Tình cờ ông gặp vị Phó Tăng Thống Cam Bốt, và được vị sư này giới thiệu một quyển sách tiếng Pháp, viết về Bát Chánh Đạo. Ông rất xúc động khi đọc những lời giảng rõ ràng trong quyển sách đó và quyết tâm hành trì theo truyền thống này. Ông học pháp hành thiền quán hơi thở (anapanasati) từ một vị tăng Cam Bốt tại chùa Unalom và đạt được mức thiền định rất cao. Ông tiếp tục hành trì theo pháp môn này và vài năm sau quyết định xuất gia, với pháp danh là Hộ Tông.
Vào năm 1940, khi được một người bạn thân, ông Nguyễn Văn Hiểu, và một số Phật Tử Việt thỉnh mời, Tỳ kheo Hộ Tông trở về Việt Nam và giúp thiết lập chùa Bửu Quang ở Gò Dưa, Thủ Đức. Đây là ngôi chùa đầu tiên của Phật Giáo Nguyên Thủy Việt Nam. Sau đó, Hòa Thượng Chuon Nath, vị Tăng Thống Phật Giáo Cam Bốt cùng với 30 vị tỳ kheo Cam Bốt đã đến ngôi chùa này để làm lễ kết giới Sima. Năm 1951, tại chùa Bửu Quang, ngài Hộ Tông cùng với các vị tỳ kheo Việt khác, trước đó đã thọ giới và tu học tại Cam Bốt, như quý ngài Thiện Luật, Bửu Chơn, Kim Quang, Giới Nghiêm, Tịnh Sự, Tối Thắng, Giác Quang, Ẩn Lâm, bắt đầu truyền giảng Phật Pháp bằng tiếng Việt. Ngài cũng phiên dịch nhiều kinh điển từ kinh tạng Pali, và từ đó, Phật Giáo Nguyên Thủy trở thành một trong những hoạt động của Phật Giáo Việt Nam.
Vào năm 1949-1950, ngài Hộ Tông cùng với ông Nguyễn Văn Hiểu và một số cư sĩ thiện tâm đứng ra xây dựng chùa Kỳ Viên tại Bàn Cờ, Quận Ba, Sài Gòn. Từ đó, Kỳ Viên Tự trở thành một trung tâm chính của các hoạt động Phật Giáo Nguyên Thủy, và càng ngày càng thu hút nhiều Phật tử. Năm 1957, Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam chính thức được thành lập, và Tăng đoàn Nguyên Thủy đề cử ngài Hộ Tông làm vị Tăng Thống đầu tiên của Giáo Hội. Từ Sài Gòn, đạo Phật Nguyên Thủy được truyền bá đến các tỉnh thành khắp miền nam và miền trung nước Việt và nhiều chùa được thiết lập.
-
Giáo Phái Khất Sĩ
Giáo Phái Khất Sĩ với phương châm “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”, gìn giữ truyền thống mà Đức Phật Thích ca Mâu ni đã vạch. Phái này dung hợp mọi tinh hoa của Phật giáo Nam tông và Phật giáo Bắc tông.
Giáo phái này do Tổ Sư Minh Đăng Quang thành lập. Tổ sư thế danh là Nguyễn Thành Đạt tự Lý Huờn (quê quán tỉnh Vĩnh Long). Năm 1937, được 14 tuổi, Ngài xin phép phụ thân lên Phnom Pênh tầm sư học đạo. Ngài tu học ở đây đến năm 1941, được 4 năm rồi trở về nhà lập gia đình để lo tròn chữ hiếu. Năm sau 1943, được 20 tuổi, Ngài quyết chí đi tu, vân du vùng Thất Sơn tầm sư học đạo. Mùa Xuân năm 1944, Ngài ở Hà Tiên tham thiền, thâm nhập lý pháp. Tháng 7 cùng năm, Ngài được thỉnh về trụ trì tại chùa Linh Bửu Tự (Mỹ Tho) và bắt đầu khai đạo từ đó.
Năm 1946, Ngài bắt đầu dẫn đoàn Du Tăng đi hành đạo ở Mỹ Tho, Gò Công, Long An, Thủ Thừa, Bến Lức, Phú Lâm, Chợ Lớn, Bà Chiểu, và các tỉnh miền Đông. Năm 1953, một tịnh xá đầu tiên được xây dựng tại Đồng Ông Cộ (Bà Chiểu, Gia Định). Tháng 2, 1954 từ Vĩnh Long du hóa sang Cần Thơ, đến Bình Minh, địa phận của tướng Trần văn Soái thì Ngài bị bắt cùng với một chú tiểu, chú tiểu về sau được thả ra, còn Tổ sư mất tích từ đó.
Năm 1965, bên Tăng chúng thành lập năm đoàn du tăng so Trưởng Lão Giác Tánh và các Thượng Tọa Giác Chánh, Giác An, Giác Nhơn, Giác Lý làm trưởng đoàn. Bên Ni chúng cũng có 5 đoàn do quý Ni Cô Huỳnh Liên, Ngân Liên, Trí Liên, Diệu Liên, Tạng Liên làm trưởng đoàn. Các đoàn đã du hóa khắp Nam phần và Miền duyên hải Trung phần. Năm 1966, Giáo Hội tăng Gìa Khất Sĩ Việt Nam được thành lập, có pháp viện Minh Đăng Quang ở ngã ba Cát Lái, xa lộ Biên Hòa. Hội đồng lãnh đạo trung ương gồm Viện Chỉ Đạo do Thượng Tọa Giác Nhiên làm Tổng Trị Sự. Sau ngày 30 - 4 -1975, chư Tăng Ni Khất Sĩ về an trú tại những ngôi tịnh xá tinh tấn tu hành theo giáo huấn của Tổ sư. Một số vị nương theo thời duyên di chuyển đến các xứ Âu, Mỹ, Úc để phát triển mối đạo. Từ năm 1980, ánh đạo Y Bát chơn truyền của Tổ sư Minh Đăng Quang đã có mặt ở nhiều nơi trên thế giới. Gần đây các giáo đoàn không còn đi khất thực nữa.
Giáo phái khất sĩ mặc y và du hóa như Nam Tông. Tăng Ni trường chay, kinh điển viết theo lối văn vần. Sau 10 năm hành đạo, tổ sư Minh Đăng Quang lưu lại giáo lý gồm có: Bồ Tát Giáo, và bộ sách CHÂN LÝ.
Ngày nay, vì các ngài Giác Chánh tuổi cao nên Thượng Tọa Giác Toàn điều hành giáo hội khất sĩ. Trụ sở tại Trung Tâm Tịnh Xá Gia Định. Có khoảng 300 ngôi tịnh xá khắp miền Nam, ở hải ngoại Hòa Thượng Giác Nhiên là Pháp Chủ Giáo Hội Tăng Gìa Khất Sĩ Thế Giới, có trên 20 tịnh xá thuộc giáo phái này ở Hoa Kỳ.
-
Phật Giáo Hòa Hảo
Phật giáo Hòa Hảo dựa trên những lời giáo huấn, cầu nguyện, tiên tri do Đức thầy truyền dạy, chép thành từng cuốn gọi là Sấm giảng viết theo dạng thơ văn truyền ngôn, giản dị dễ nhớ. PGHH được coi là đạo Phật không thờ cốt Phật, Sấm giảng giáo lý chủ yếu dựa vào hình thức tín ngưỡng thần bí, vào các câu sấm giảng của Trạng Trình. Giáo lý của PGHH được gói gọn trong 4 chữ: Học Phật tu nhân và cốt lõi của học Phật tu nhân là báo đáp tứ ân.
Người sáng lập PGHH là ông Huỳnh Phú Sổ (1920-1947) sinh tại làng Hoà Hảo, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc (nay là thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang). Sau khi tốt nghiệp tiểu học ông phải bỏ học vì mắc nhiều bệnh. Quá trình lên núi chữa bệnh cũng là thời kỳ ông bắt đầu học đạo, học làm thuốc. Khi chưa tròn 18 tuổi, ông tuyên bố mình là bậc "Sinh nhi tri", biết được quá khứ nhìn thấu tương lai, xuống hạ giới có nhiệm vụ truyền bá cho dân chúng tư tưởng Bửu Sơn Kỳ Hương để Chấn hưng Phật giáo, cứu độ chúng sinh khỏi sông mê, biển khổ và "đưa nhơn loại đi vào vòng hạnh phúc".
Ông chữa bệnh cho người dân bằng các bài thuốc nam do ông kê hoặc nước lã, giấy vàng, lá xoài, lá ổi, hoa mẫu đơn, hoa cúc vạn thọ, đồng thời qua đó ông truyền dạy giáo lý bằng những bài sám giảng (còn gọi là sấm giảng) do ông soạn thảo. Vì vậy chỉ trong vòng 2 năm từ 1937 đến 1939 số người tin theo ông đã khá đông và ông trở nên nổi tiếng khắp vùng. Ngày 18/5 năm Kỷ Mão (tức ngày 04/7/1939), ông Huỳnh Phú Sổ tổ chức lễ khai đạo tại tư gia, khi ông chưa tròn 20 tuổi. Ông đã lấy tên ngôi làng Hòa Hảo - nơi mình sinh ra để đặt tên cho tôn giáo do mình sáng lập là “Phật giáo Hòa Hảo”. Sau đó, ông được tín đồ PGHH suy tôn là “Thầy tổ”, và được gọi “Đức Tôn Sư”, “Đức Thầy”, "Đức Huỳnh Giáo chủ".
Từ năm 1940 đến 1945, Ngài đi giảng pháp độ sinh khắp các tỉnh Nam Bộ. Năm 1946, sau biến cố Ngài mất tích cho đến nay. Năm 1964, Ban Trị sự PGHH nhiệm kỳ I do ông Lương Trọng Tường là Hội trưởng chính thức hoạt động. Sau 25 năm, từ khi ra đời, đây là mốc mở đầu cho thời kỳ PGHH có tổ chức hành chính đạo.
Ngày 11/6/1999, Ban Tôn giáo của Chính phủ (nay là Ban Tôn giáo Chính phủ) ban hành Quyết định số 21/QĐ/TGCP về việc công nhận tổ chức và hoạt động của Ban Đại diện PGHH (nay là Ban Trị sự Trung ương giáo hội PGHH). Đây là một sự kiện đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa to lớn vừa thể hiện tính đúng đắn về chủ trương, chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta, vừa tạo luồng sinh khí mới đối với đời sống tinh thần, tâm linh của toàn thể tín đồ PGHH. Đại hội đại biểu toàn đạo lần thứ II tháng 6/2004, đã xây dựng Hiến chương, tiếp tục khẳng định đường hướng hành đạo của PGHH trong giai đoạn mới là: "Vì đạo pháp, vì dân tộc"; kiện toàn tổ chức, bao gồm Ban Trị sự 2 cấp hành chính đạo: cấp toàn đạo và cấp cơ sở. Ban Trị sự trung ương PGHH - tổ chức đại diện hợp pháp duy nhất của đồng bào theo PGHH. Hiện nay, PGHH có hơn 4 triệu tín đồ trên khắp cả nước.
-
Bửu Hương Kỳ Sơn
Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương lấy giáo pháp "Học Phật-tu nhân" và việc báo đáp "Tứ đại trọng ân" tức là ân Trời, Phật; ơn quân vương; ân cha mẹ và ân sư phụ. Tứ đại trọng ân chi phối tư tưởng, đời sống của mọi tín đồ. Việc quan niệm "học Phật" có nghĩa là tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương phải noi theo gương đức Phật, với việc trì niệm danh hiệu Phật A - Di - Đà. Tuy nhiên, phái này không coi việc học Phật là yếu tố cốt lõi đối với tín đồ khi tu hành, mà đây được xem là nền tảng mang tính định hướng cho tín đồ hướng tới khi tự tu nhân.
Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương do ông Đoàn Minh Huyên (còn gọi là Phật Thầy Tây An) khai lập vào cuối năm 1849 tại Cốc ông Đạo Kiến (nay là Tây An cổ tự, xã Long Kiến, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang).
Năm 1849, ở Nam Kỳ xảy ra vụ mất mùa và đại dịch (kéo dài đến 1850), đã làm nhân dân lâm vào cảnh cùng cực, khổ đau và chết chóc. Trong hoàn cảnh ấy, Đoàn Minh Huyên từ Tòng Sơn (nay thuộc huyện Lấp Vò, Đồng Tháp) vào Tràm Dư, rồi đến vùng Kiến Thạnh (nay là làng Long Kiến, Chợ Mới, An Giang) trổ tài trị bệnh cho dân. Từ chỗ chữa trị bệnh có kết quả, ông dìu dắt được nhiều bệnh nhân và người thân của họ nghe theo những điều răn dạy của ông.
Thấy người tin theo ngày một đông, nên ngay năm 1849, ông đã sáng lập ra đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, và tồn tại cho đến ngày hôm nay. Phật Thầy Tây An viên tịch ngày 10 tháng 9 năm 1856, lúc 49 tuổi. Hiện mộ ông ở phía sau chùa Tây An (Châu Đốc), không đấp nấm theo lời căn dặn của ông.
Về việc hành đạo, tuy lấy đạo Phật làm gốc, nhưng tín đồ đạo này không cần thờ tượng Phật (trên ngôi thờ Tam bảo chỉ cần thờ tấm trần điều màu đỏ, không cần phải ly gia cắt ái, không cần ăn chay, cạo râu tóc, gõ mõ tụng kinh,...và không cần phải dâng cúng những lễ vật tốn kém (bông hoa, nước lã là đủ). Theo quan niệm của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương thì tấm Trần Điều thể hiện tấm lòng từ bi, bác ái, đoàn kết, yêu mến đồng bào, nhân loại.
Nhiều nhà nghiên cứu, trong đó có Sơn Nam cho rằng đây là lối tu theo thuyết "vô vi", tức là không chú trọng đến hình thức, không dụng tâm bày đặt ra cái này cái khác.
Hiện nay, theo thống kê của Ban Tôn giáo - Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố đạo Bửu Sơn Kỳ Hương có khoảng 15.000 tín đồ sinh sống tập trung ở các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Bà Rịa- Vũng Tàu, Long An, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Tiền Giang và Bến Tre. -
Tứ Ân Hiếu Nghĩia
Tứ Ân Hiếu Nghĩa chú trọng phát triển Phật giáo theo hình thức "cư sĩ", nghĩa là tín đồ không cần "ly gia cắt ái" hay "đầu tròn áo vuông", tín đồ mặc áo vạt hò, quần lá nem, bới tóc hoặc để xõa tự nhiên và tu đâu cũng được... Ít quan tâm đến giáo lý mà chú tâm nhiều đến việc thờ cúng, bố thí và lấy việc "Tu Nhân - Học Phật" làm nền tảng cho sự hành đạo.
Tông phái này do Ngô Lợi (thường được tín đồ gọi là Đức Bổn Sư) sáng lập. Buổi đầu, đạo là một trong những phong trào Cần Vương, nhưng dùng hình thức tôn giáo để qui tập tín đồ và để che mắt thực dân Pháp. Sau khi vua Hàm Nghi bị đày, Ngô Lợi mất, phong trào tan rã chỉ còn lại những hoạt động tín ngưỡng.
Theo tín đồ đạo Hiếu Nghĩa, thì ngày Đức Bổn Sư (Ngô Lợi) bỗng nhiên "bất tỉnh, để trở thành người ‘giải thoát tẩy trần tâm, giáo nhơn tùng thiện đạo’" (rũ sạch lòng trần, dạy người theo đạo lành), chính là ngày khai sáng đạo của mình. Tuy nhiên, theo sách Địa chí An Giang (tập 2) thì đạo Hiếu Nghĩa ra đời tại núi Tượng (Ba Chúc, Tri Tôn, An Giang) vào năm 1876, tức là năm Ngô Lợi đưa một số đệ tử vào nơi đấy để khai hoang, lập chùa miếu và mở thôn ấp mới.
Khi mới ra đời, đạo Hiếu Nghĩa được Ngô Lợi gọi là đạo Thờ ông bà, sau này tín đồ gọi đạo của mình là đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Để truyền tải tôn chỉ "Tu Nhân - Học Phật" Ngô Lợi đã là thể hiện tất cả nội dung qua các bộ kinh hoặc chuyển thành các thể thơ dưới dạng sấm giảng với lời lẽ bình dị, mộc mạc dễ nhớ và dễ đi vào lòng người, rất phù hợp với trình độ của người dân lúc bấy giờ. Do đó, đạo Hiếu Nghĩa nhanh chóng được người nông dân tiếp nhận.
Sau khi Đức Bổn Sư viên tịch tại núi Tượng (1890), đạo Hiếu Nghĩa không có người kế vị, các mối đạo đều giao cho ông Trò, ông Gánh[6] phụ trách. Không lâu sau, một số ông Gánh rời vùng Thất Sơn đi các nơi khác truyền đạo. Vì vậy, đạo Hiếu Nghĩa hình thành 2 hệ thống: Một hệ thống được duy trì ở các làng được coi là thánh địa của đạo Hiếu Nghĩa như: An Định, An Hòa, An Thành, An Lập thuộc vùng Thất Sơn (An Giang). Tín đồ ở các làng này được gọi là tín đồ nội thôn (hiện nay có 24 Gánh). Hệ thống thứ hai là tín đồ ở những nơi mà các ông Gánh đi truyền đạo như Kiên Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Tiền Giang, Cần Thơ, Bà Rịa – Vũng Tàu... hệ thống này được gọi là ngoại thôn (hiện nay có 15 Gánh).
Theo luật của đạo, chỉ có ông Gánh (tức trưởng Gánh) mới có quyền thu nhận tín đồ, nhưng không quá cách biệt giữa giáo phẩm (ông Trò, ông Gánh) và giáo dân (tín đồ). Người tín đồ ngoài việc hành xử theo "Tứ trọng ân" và "Thập nhị giáo điều" (còn được gọi "Thập Nhị lệ sự"), còn phải lễ lạy (vào hai thời: sáng từ 3 giờ đến 5 giờ sáng, công phu (tụng kinh có chuông mõ. Kinh đọc được rút ra từ bộ "kinh Siêu độ" của đạo) và niệm pháp.
Và trong nền đạo Hiếu Nghĩa, "sự thờ cúng" được coi là nguồn ân phúc thiêng liêng, giúp tín đồ tăng thêm lòng chánh tín, lấy hình thức chuyển vào nội tâm, đem nghi lễ hướng con người đến việc thực thi phúc lợi chân chánh.
Nhìn chung, hơn 140 năm hình thành và phát triển, đạo Hiếu Nghĩa đã qui tụ gần 80.000 tín đồ, sống rải rác ở nhiều tỉnh, thành thuộc Nam Bộ, nhưng nhiều nhất là ở huyện Tri Tôn. Đây là đạo thuần túy nội sinh, tín đồ đa phần là nông dân.