Top 12 ông bố tuyệt vời nhất trong thế giới động vật
Những ông bố trong thiên nhiên hoang dã không phải luôn vô tâm như chúng ta vẫn nghĩ. Có những ông bố rất tuyệt vời, hy sinh và yêu thương con hết mực. Hãy ... xem thêm...cùng toplist điểm mặt vài ông bố lý tưởng của thiên nhiên bạn nhé.
-
Cá ngựa
Cá ngựa có tên khoa học là Hippocampus, chúng sinh sống ở những vùng biển nông và phân bố rộng rãi trên khắp thế giới. Đây hẳn là loài động vật đặc biệt nhất trong danh sách vì người phải "mang nặng đẻ đau" trong quá trình sinh sản là con đực chứ không phải con cái.
Trước bụng cá ngựa đực có một khoang hay còn gọi là túi ấp, có chức năng y hệt như tử cung nghĩa là chiếc túi này có thể cung cấp oxi và chất dinh dưỡng cho các con non. Khi đến mùa sinh sản, sau khi kết đôi, cá ngựa cái sẽ đẻ trứng vào chiếc túi ấp này. Trứng sẽ được thụ tinh và nuôi dưỡng cho đến khi cá ngựa con phát triển hoàn toàn, khoảng từ 10-30 ngày. Sau thời gian này, cá ngựa đực sẽ "sinh" con ra bằng cách co bóp cơ bụng. Mỗi túi ấp có khả năng chứa được từ 10-300 con non tùy theo loài cá ngựa. Thật là ông bố tuyệt vời.
-
Cá Úc
Cá Úc hay còn gọi là cá Trê biển có tên khoa học là Ariidae, là loài cá sinh sống ở biển hoặc những vùng nước lợ. Chúng sinh sống phổ biến ở những vùng nước ôn đới ấm và nhiệt đới. Loài cá này thường sinh sản vào tháng 9 hàng năm. Mỗi lần sinh sản cá cái sẽ đẻ từ 20-65 trứng.
Các ông bố cá Úc sẽ ngậm trứng mà cá mẹ đẻ ra vào miệng để bảo vệ trứng cho đến khi chúng nở. Tất nhiên là chúng sẽ không thể ăn uống gì được trong khoảng thời gian này. Thời gian cần để trứng của loài cá này nở thường là khoảng 30 ngày. Sau khi trứng nở, cá đực sẽ tiếp tục trông giữ cá non thêm khoảng 2-4 tuần nữa để chúng đủ cứng cáp. Cá đực sẽ theo sát bầy cá con và nhanh chóng lùa chúng vào miệng để bảo vệ khi thấy có nguy hiểm. Những ông bố này cũng thường không dám ăn gì trong giai đoạn này vì sợ sẽ nuốt nhầm cá con. Như vậy, ông bố cá Úc đã phải nhịn ăn hoàn toàn trong khoảng thời gian gần hai tháng. Thật là một sự hy sinh lớn lao.
-
Gà cát Namaqua
Gà cát Namaqua có tên khoa học là Pterocles Namaqua, chúng sinh sống ở những vùng đất khô cằn nằm ở phía tây nam châu Phi. Gọi là gà nhưng thực tế ngoại hình của Namaqua giống chim nhiều hơn, chúng cũng có thể bay khá tốt. Đặc điểm đặc trưng của gà cát Namaqua là vòng lông màu trắng quanh cổ. Gà cát Namaqua là loài có tính xã hội cao, chúng thích tụ tập thành bầy và đùa nghịch trong các hồ nước.
Mùa sinh sản của gà cát Namaqua tùy thuộc vào lượng mưa vì chúng cần có nước để nuôi dưỡng con non. Khi đến mùa sinh sản, gà trống sẽ làm tổ với lá cây khô hoặc cỏ khô trong các hố đất. Mỗi con mái đẻ được từ 2-3 trứng. Thời gian ấp trứng là khoảng 22 ngày. Gà mái sẽ ấp trứng vào ban ngày và đến đêm thì tới phiên gà trống ấp trứng. Sau khi chim non nở, cặp gà sẽ cùng nhau nuôi dạy chúng.
Gà cát Namaqua trống còn đảm nhiệm một vai trò quan trọng. Đó là cung cấp nước cho vợ con. Mỗi ngày, ông bố Namaqua sẽ bay đi tìm các hồ nước, đắm mình trong đó để cho nước thấm vào phần lông đặc biệt trước ngực và mang nước về cho con. Vì nước ở nhũng vùng đất khô hạn rất hiếm nên có khi, gà trống phải bay đến 80km mỗi ngày để tìm nước.
-
Bọ nước khổng lồ
Bọ nước khổng lồ có tên khoa học là Indentatus Abedius. Chúng là loài có kích thước to lớn nhất trong số những loài bọ sống ở vùng nước ngọt. Kích cỡ tối đa của bọ nước khổng lồ có thể lên đến 12cm. Loài này phân bố rộng khắp trên toàn thế giới.
Vào mùa sinh sản, để bảo vệ trứng, con cái sẽ đẻ trứng lên cánh con đực, mỗi con cái đẻ được khoảng từ 30-100 trứng. Con đực sẽ mang theo số trứng này bên mình cho đến khi trứng nở, thường mất khoảng từ 1-3 tuần. Trong thời gian này, bọ nước khổng lồ đực gặp rất nhiều nguy hiểm vì nó không thể bay được và dễ bị các loài khác tấn công.
Tuy phải mang theo mình gánh nặng như vậy nhưng ông bố bọ nước không hề ghét bỏ con mình. Các nhà khoa học đã quan sát được những hành vi chăm sóc trứng của bọ nước đực như: làm sạch trứng, phơi nắng cho trứng được ráo, loại bỏ các ký sinh trùng trên trứng...Sau khi trứng đã nở hết, ông bố này sẽ rũ bỏ những vỏ trứng thừa, tìm bạn tình và tiếp tục một chu kỳ sinh sản mới.
-
Cá Lumpsucker
Cá Lumpsucker tên khoa học là Cyclopterus Lumpus. Đây là một loài cá có vẻ ngoài rất đáng yêu. Chúng có một giác hút nhỏ bên dưới bụng để bám vào các cục đá hay các rạn san hô dưới đáy biển. Loài cá này sinh trưởng ở các vùng nước lạnh thuộc Bắc Cực, Bắc Đại Tây Dương và Bắc Thái Bình Dương. Chúng thường sinh sản vào khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 12 hàng năm.
Vào mùa sinh sản, cá đực sẽ tìm đến những chỗ nước nông để chuẩn bị tổ. Tổ của cá Lumpsucker thường nằm giữa các hốc đá hẹp. Khi tổ đã được chuẩn bị sẵn sàng, các con cái sẽ đến và chọn cho mình chiếc tổ ưng ý nhất rồi để trứng vào đó. Mỗi con cái có thể đẻ từ 100.000 đến 350.000 trứng. Đây là chiến lược "số lượng bù chất lượng", càng nhiều trứng, khả năng có con con sống sót càng cao.
Cá cái khi đẻ trứng xong sẽ bỏ đi. Còn với những ông bố Lumpsucker, nhiệm vụ của chúng là canh giữ tổ cho đến khi trứng nở. Chúng sẽ sử dụng phần giác hút dưới bụng để neo lại bên cạnh tổ và canh gác. Không chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ, ông bố này còn phải liên tục cung cấp oxi cho trứng bằng cách dùng vây để quạt nước vào tổ. Công việc thật vất vả nhưng chắc hẳn cá bố sẽ rất hạnh phúc khi thấy các con ra đời khỏe mạnh.
-
Chim Jacana
Jacana là một loài chim nước có tên khoa học là Irediparra Gallinacea. Loài chim này còn có một tên gọi khác là chim Jesus vì khả năng đi lại trên mặt nước của chúng. Chính xác hơn, loài chim này có khả năng đi trên bề mặt của các loài cây thủy sinh như súng hay sậy nhờ vào cẳng chân và các ngón chân dài giúp phân tán bớt trọng lượng. Chim Jacana sinh sống chủ yếu ở những vùng nhiệt đới.
Cũng giống như chim Rẽ nước, chim Jacana đực có trách nhiệm làm tổ, ấp trứng và chăm sóc chim non. Tuy nhiên, những ông bố Jacana có phần may mắn hơn người anh em của mình vì bà mẹ Jacana đã nhận trách nhiệm bảo vệ tổ thay vì đi lang chạ như người chị em Rẽ nước. Chim Jacana đực còn có một kỹ năng đặc biệt là giấu chim non vào trong cánh khi phát hiện nguy hiểm (các bạn có thể quan sát hành vi này trên video kèm theo). Có thể nói, ở loài chim nước Jacana, vai trò của con đực và con cái đã bị hoán đổi.
-
Cá Ba Gai
Cá Ba Gai là loài cá sinh sống phổ biến ở hầu hết các vùng nước ngọt trên toàn thế giới. Nó có tên khoa học là Gasterosteus Aculeatus. Đặc điểm nhận dạng đặc trưng của loài cá này là ba gai nhọn trên lưng.
Cá Ba Gai thường sinh sản vào cuối tháng 4 hàng năm. Khi mùa sinh sản đến, cá đực sẽ làm tổ bằng các loài cây thủy sinh. Tổ của cá Ba Gai thường có nhiều đường hầm để có thể chứa trứng của nhiều cá cái khác nhau. Mỗi tổ như vậy chứa được khoảng từ 40-300 trứng.
Sau khi cá cái đẻ trứng vào tổ, cá đực sẽ thụ tinh cho trứng rồi canh gác bên ngoài miệng tổ để bảo vệ trứng. Vất vả hơn, cá đực phải liên tục đẩy nước vào tổ để cung cấp oxi cho trứng bằng cách quạt các vây nằm ở hai bên mang. Sau khoảng 7-8 ngày trứng cá sẽ nở, các con non tiếp tục được ông bố tận tụy chăm nom cho đến khi đủ sức sống tự lập. Ông bố Ba Gai sẽ trông chừng lũ con và lùa chúng vào hang khi phát hiện nguy hiểm.
-
Cú sừng
Cú sừng là một loài cú lớn có nguồn gốc từ châu Phi sau đó được đưa sang khu vực bắc Mỹ và hiện đã phát triển ở cả châu Á. Tên khoa học của loài cú này là Bubo Virginianus. Cú sừng thường sinh sản vào khoảng từ tháng 10 đến tháng 12 hàng năm. Đây cũng là loài chung thủy vì chúng kết đôi theo kiểu một vợ một chồng.
Vào mùa sinh sản, con trống sẽ làm tổ trên những hốc cây hay tận dụng các tổ có sẵn của những loài chim khác. Con mái sẽ chọn bạn tình dựa trên những chiếc tổ này. Sau khi đã kết đôi, chim mái sẽ đẻ trứng và ở lì trong tổ để ấp trứng. Mỗi con cú mái có thể đẻ được trung bình là 2 trứng và thời gian ấp trứng trong khoảng từ 28-37 ngày. Suốt thời gian này, vì chim mái không rời khỏi tổ nên chim trống sẽ nhận lãnh trách nhiệm săn mồi cho cả hai.
Do chim mái thường có kích thước lớn hơn nên chim cú sừng trống phải săn lượng mồi gấp 1.5 lần ngày thường. Quả là một công việc vất vả.
-
Ếch Darwin
Ếch Darwin có tên khoa học là Rhinoderma Darwinii, nó được đặt tên theo tên của nhà khoa học Charles Darwin, người đầu tiên phát hiện ra nó. Ếch Darwin sinh sống ở các khu vực sông suối thuộc Chile và Argentina.
Khi sinh sản, ếch cái sẽ đẻ trung bình khoảng 40 trứng xuống thềm lá ẩm của rừng. Ếch đực sẽ ở bên canh gác cho đến khi phôi thai thành hình, khoảng 3-4 tuần. Sau đó, nó sẽ nuốt các phôi này vào trong chiếc túi đặc biệt nằm trong thanh quản. Sau ba ngày, nòng nọc thành hình. Ếch đực tiếp tục giữ nòng nọc con trong túi cho đến khi chúng phát triển hoàn toàn, tức là trở thành một chú ếch con khỏe mạnh. Trong thời gian ở trong túi, nòng nọc sẽ được nuôi dưỡng bằng chất dinh dưỡng được tiết ra từ thành túi. Sau khi ếch con đã đủ sức tự lập, ếch bố sẽ "khạc" chúng ra qua đường miệng.
-
Chim rẽ nước
Chim Rẽ nước có tên khoa học là Phalaropes, là một loài chim nước sinh sống ở vùng ôn đới. Kích thước trung bình cơ thể của chim rẽ là 18 - 19 cm, chiều dài sải cánh 31 - 34 cm. Mỏ màu đen và nhọn. Chân màu đen và các đốt chân có màng. Với đặc điểm này chim có thể bơi lội rất giỏi trong môi trường nước. Ở loài chim này, chim mái thường lớn hơn và có màu sáng hơn chim trống.
Vào mùa sinh sản, chim trống làm tổ trên các bụi cỏ gần sông hay hồ nước. Chim mái sau khi đẻ trứng xong sẽ bỏ đi để tìm bạn tình khác còn chim trống giữ trách nhiệm ấp trứng và nuôi dưỡng chim non. Thời gian ấp trứng của loài chim này là khoảng 20 ngày và mỗi con cái đẻ được tối đa là 4 trứng.
-
Đà điểu Nam Mỹ
Đà điểu Nam Mỹ có tên khoa học là Rhea, chúng phân bố chủ yếu ở các quốc gia thuộc khu vực Nam Mỹ. Chúng là loài có kích thước trung bình, không quá lớn như đà điều châu Phi, cũng không quá nhỏ như đà điểu châu Úc.
Ở loài đà điểu này, mỗi con đực thường có từ hai đến mười hai bà vợ, nói vui là chúng sinh hoạt theo chế độ đa thê. Vào mùa sinh sản, các con đực gom cỏ khô và lá khô lại làm tổ. Tổ của đà điểu Nam Mỹ khá to, có thể chứa được từ 10 đến 60 trứng. Sở dĩ con đực làm tổ to như thế vì tất cả các bà vợ của nó sẽ cùng đẻ trứng vào trong chiếc tổ này. Sau khi đà điểu cái đẻ trứng xong, các ông bố đà điểu này sẽ đuổi bà vợ đi rồi tự mình ấp trứng và chăm sóc con non. Thường thì trứng sẽ nở sau khoảng ba ngày ấp. Như vậy, với loài đà điểu Nam Mỹ, con đực đã đảm nhiệm hết vai trò của con cái trong việc nuôi dưỡng thế hệ tương lai.
-
Chim cánh cụt Hoàng Đế
Chim cánh cụt Hoàng Đế có tên khoa học là Aptenodytes Forsteri. Chúng sinh sống ở vùng biển Nam Cực và cũng là loài cánh cụt có kích thước to lớn nhất. Chim cánh cụt Hoàng Đế sinh sản vào mùa đông của châu Nam Cực, tức là vào khoảng tháng 3 đến tháng 4 hàng năm. Đây cũng là một loài chim chung thủy, kết đôi theo chế độ một vợ một chồng.
Sau khi kết đôi, chim mái sẽ đẻ trứng và trứng này sẽ được giao cho chim trống ấp, mỗi chim mái chỉ đẻ một trứng. Chim mái sau khi đẻ trứng sẽ bắt đầu tiến ra biển kiếm mồi. Vì khoảng cách từ nơi đẻ trứng đến nơi tìm thức ăn khá xa nên thường chim mái sẽ mất tới hai tháng cho cả lượt đi và về. Chim trống sẽ ấp trứng trong túi ấp bên dưới bụng, giữ trứng cân bằng trên hai chân. Việc này phải được làm thật cẩn thận vì chỉ cần tiếp xúc với mặt băng là chim non trong trứng sẽ chết do không chịu được lạnh. Thời gian ấp trứng của chim cánh cụt Hoàng Đế là khoảng 64 ngày. Sau khi chim non nở ra mà chim mẹ vẫn chưa quay lại, chim trống sẽ tiết một chất dịch dinh dưỡng từ thực quản để nuôi sống chim non.
Trong suốt hai tháng trời ròng rã chờ vợ trở về, các con trống thường quây lại với nhau để giữ ấm và chống đỡ các cơn gió. Ước tính mỗi chim cánh cụt trống có thể mất đến 20kg trọng lượng vì đói và phải chống chịu với cái lạnh cắt da và những cơn gió mạnh đến 200km/h. Sau khi chim mái trở về, chim trống sẽ giao con cho chim mái, chúng sẽ thay phiên nhau trông con và kiếm ăn.
Vi Võ 2016-12-16 12:13:43
Bài viết đã được chọn làm video youtube. Cám ơn tác giả !