Thiết bị phản pháo thua... khúc gỗ
Câu chuyện kéo pháo của Chiến dịch Điện Biên Phủ có lẽ từ lâu đã nằm lòng trong mỗi chúng ta, đi vào thơ ca, sử sách. Nhưng mấy ai biết được rằng, để đối phó với các thiết bị phản pháo hiện đại của Pháp thời bấy giờ, quân ta đã sử dụng một cách rất... thô sơ. Các chỉ huy pháo binh đã lập trận địa nghi binh bằng cách dùng gỗ thui đen thành khẩu pháo giả, nghếch nòng lên, khi pháo thật phát hỏa thì chiến sĩ phụ trách nghi binh từ trong công sự, ném bộc phá, tung lên không trung, làm cho 80% bom đạn của Pháp dùng phản pháo đã dồn vào đánh pháo giả, từ đó bảo vệ được những trọng pháo quý giá của ta. Trong suốt chiến dịch, quân ta chỉ mất đúng một khẩu pháo 105 ly.
Do so sánh lực lượng, vũ khí trang bị còn kém hơn địch, nên bộ đội ta thường chọn cách đánh du kích, tìm nơi địch sơ hở, tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu. Nhưng ở Điện Biên Phủ, ta lại đánh vào nơi địch mạnh nhất và giành được thắng lợi. Trước đây, ta chỉ đánh tiêu diệt được một cứ điểm do một tiểu đoàn địch đóng giữ, thì đến Điện Biên Phủ, bộ đội đã đánh vào một tập đoàn cứ điểm với 49 cứ điểm liên hoàn, lúc cao nhất có tới 17 tiểu đoàn địch đóng giữ. Điều đó chứng tỏ thế và lực của cuộc kháng chiến đã phát triển cao; trình độ chỉ huy, tác chiến và khă năng của bộ đội cũng như vũ khí, trang bị đã lớn mạnh và tiến bộ rất nhiều.