Thiếu nước
Nước là một thành phần không thể thiếu trong cơ thể của chúng ta, chiếm 70% trọng lượng cơ thể con người. Trong cơ thể, nước là yếu tố trung gian cần thiết cho các phản ứng để chất dinh dưỡng biến đổi thành dạng dễ tiêu hóa và hấp thu. Nó tham gia quá trình điều hòa thân nhiệt, làm chất đệm mô bào, tránh bị xây sát. Ở thai phụ, nó hình thành lớp đệm che chở cho bào thai (nước ối). Nước là "vật liệu" cấu trúc hầu hết các mô, là thành phần căn bản của máu và các dịch nội tiết, nước bọt, dịch dạ dày...
Một vai trò khác của nước là hòa tan các chất cặn bã và độc tố, giúp triệt tiêu và tống chúng ra ngoài cơ thể. Nó cũng cần thiết cho sự bài tiết phân, nước tiểu, hơi thở, mồ hôi. Một số món ăn mặn, thức uống lợi tiểu như: Trà, cà phê... làm đi tiểu nhiều nên khi dùng chúng, bắt buộc ta phải uống thêm nhiều nước. Mỗi người cần khoảng 1,5 lít nước/ ngày. Tuy nhiên, nhu cầu này thay đổi theo lối sinh hoạt, thời tiết, tình trạng lao động, tình trạng sinh lý (như mang thai, cho con bú) hoặc bệnh lý (như sốt, mắc bệnh nhiễm trùng, các bệnh rối loạn chuyển hóa). Càng cao tuổi thì lượng nước trong cơ thể càng ít đi. Ở trẻ sơ sinh, trung bình nước chiếm 75 - 80% cân nặng. Còn ở tuổi 60 - 70, chỉ số này chỉ còn 50%. Nếu bổ sung đủ nước cho cơ thể, nó sẽ giúp làn da tươi trẻ, cơ thể được khỏe mạnh do có khả năng tự đào thải các chất cặn bã và có hại. Khi cơ thể thiếu nước sẽ dẫn đến tình trạng mệt mỏi, khô da, nhiệt miệng. Vì thế, hãy bổ sung đủ từ 2 - 3 lít nước cho cơ thể mỗi ngày để giúp cơ thể luôn khỏe mạnh và tươi trẻ bạn nhé.