Tránh những môi trường nhiều mùi
Thuật ngữ ốm nghén chắc không còn xa lạ gì khi bà mẹ mang thai. Ốm nghén được coi là những dấu hiệu dễ nhận thấy khi mẹ bắt đầu mang bầu. Vậy tại sao lại xuất hiện “vị khách không mời” này trên cơ thể của mẹ? Theo khoa học, khi bé con bắt đầu đến với chúng ta, hormoon trong cơ thể mẹ bắt đầu biến đổi. Ngoài việc tăng hormone đặc trưng thai kì HCG và hormone hỗ trợ phôi thai phát triển progesterone khiến dạ dày mẹ mẫn cảm hơn, dễ nôn nghén hơn thì hormone estrogen cũng gia tăng mạnh mẽ trong 3 tháng đầu. Chính sự gia tăng estrogen khiến khứu giác của mẹ trở nên khó tính hơn bao giờ hết, tình trạng nghén mùi cũng xuất hiện. Mẹ bắt đầu có hiện tượng nôn ói khi ngửi thấy mùi lạ trong bất kì khoảng thời gian nào trong ngày. Nhiều mẹ còn vì thế mà không ăn đủ chất, chán nản, sụt cân, thậm chí bị kiềm hóa máu do mất quá nhiều nước.
Khi bầu bí, mỗi mẹ có thể bị nghén các loại mùi khác nhau và ở mức độ khác nhau, điều này phụ thuộc vào cơ địa của mỗi mẹ. Thậm chí, một số mẹ nhạy cảm đến mức có thể phát hiện mùi từ xa, kéo theo là cơn buồn nôn khó chịu. Theo các cuộc khảo sát, những mùi mà mẹ hay mắc ói là mùi thức ăn, gia vị, mùi tàu xe, mùi chất đốt như xăng, than củi...Trong thời gian mang thai, bà bầu cần có một không gian thoáng đãng, trong lành, không có quá nhiều mùi vị hỗn hợp. Bởi các mùi khó chịu, nhất là các mùi nước tẩy rửa gia dụng, hay như mùi nước hoa nồng nặc cũng có thể ảnh hưởng đến tình trạng ốm nghén của bà bầu. Các yếu tố môi trường khác tác động tới chứng nghén mà bạn có thể điều chỉnh gồm nhiệt độ, ánh sáng và chất lượng không khí.