Tục gọi trâu về ăn tết của người Mường
Người dân tộc Mường có phong tục ăn Tết khá giống với Tết của người dân tộc Kinh. Tuy nhiên, người Mường cũng có những phong tục tập quán riêng vô cùng đặc sắc. Một trong những phong tục truyền thống đặc sắc của người Mường đó là tục hát "sac bua". "Sa bua" là cách hát chúc mừng năm mới theo cách của người dân tộc Mường. Ngày mùng một và mồng hai Tết, những đứa trẻ người dân tộc Mường sẽ cùng nhau đánh cồng chiêng và hát "sac bua".
Giống như những dân tộc thiểu số khác cùng chung sống đồng bào dân tộc Mường coi những nghi thức ngày lễ Tết là nghi thức quan trọng nhất và lớn nhất trong năm, trong đó có tục gọi trâu về ăn Tết. Với họ con trâu là “con của” là loài vật nuôi quan trọng, gần gũi trong đời sống lao động. Con trâu hay cái cày cũng cần được nghỉ Tết sau một năm vất vả trên đồng ruộng. Những ngày trước Tết họ chuẩn bị sẵn mõ để sau giao thừa, những đứa trẻ người Mường cầm đuốc, mõ ra đường, dạo quanh ngõ vài vòng chúng sẽ dừng lại giả vờ đếm “1, 2, 3, 4…” rồi tự bảo “Trâu nhà tôi đủ rồi”.
Mặc dù chỉ là nghi thức tượng trưng nhưng bọn trẻ lại cảm thấy rất hứng thú. Cùng với nghi thức đó người Mường ở đây cũng treo bánh ống lên các dụng cụ sản xuất như cày, bừa, đòn gánh để mời “những người bạn đồng hành” này về ăn Tết với gia đình. Tiếp đó, các thành viên trong gia đình sẽ xuống suối lấy nước về thắp hương tổ tiên trước khi đổ vào vại tích nước ăn. Người Mường tin rằng thứ nước thiêng lấy vào đêm giao thừa sẽ đem lại may mắn, gia đình làm ăn tấn tới trong năm mới.