Đặc sắc tết “bỏ mả” của dân tộc Gia Rai
Tết “bỏ mả” của dân tộc Gia Rai giống với tục tảo mộ Tết thanh minh của người Kinh nhưng được tổ chức lớn hơn nhiều. So với các ngày hội mùa, hội mừng sức khỏe, hội đâm trâu thì tết “bỏ mả” là ngày hội lớn nhất của đồng bào Gia Rai. Già làng và các bô lão có chức vị sẽ là những người chủ trì, thực hiện nghi lễ cúng mồ. Họ thay mặt người trong làng cầu chúc cho năm mới an lành, mùa màng bội thu, con cháu đầy đàn, cuộc sống yên ổn suốt năm.
Mùa hội xuân của người Gia Rai được gọi là Ning Nơng ở đây có phong tục đặc biệt là ăn Tết với người chết. Đồng bào Gia Rai đặc biệt coi trọng người đã khuất, vì thế khi gia đình, dòng tộc có người thân mất đi, họ sẽ làm những ngôi nhà mồ công phu, cầu kỳ để thờ cúng. Bên cạnh khu nhà mộ thường có một căn nhà gỗ được gọi là “nhà uống rượu” – nơi để các trưởng lão và thanh niên trai tráng trong làng thưởng thức rượu cần, ăn cơm ăn thịt. Việc nấu nướng cho bữa tiệc cũng được thực hiện ở ngay gần khu nhà mộ, đồng bào còn đốt lửa hội ở giữa khu mộ.
Người Gia Rai không ấn định ngày chính thức để đón Tết riêng cho dân tộc mình mà chọn tháng Tết là tháng một, tức tháng tư âm lịch. Tùy vào địa lý, thời tiết của mỗi vùng mà người Gia Rai ở mỗi nơi sẽ tổ chức Tết vào những ngày khác nhau. Mặt khác, tết của người Gia Rai cũng có thể được tổ chức vào ngày theo ý ý định của mỗi gia đình.