Top 7 Lưu ý quan trọng nhất khi bọc răng sứ
Dân gian vẫn có câu "Cái răng cái tóc là góc con người" nhưng không phải ai cũng có cái "góc con người" được như ý muốn. Vì vậy nhiều người đã tìm đến các biện ... xem thêm...pháp thẩm mỹ như bọc răng sứ để chỉnh sửa hàm răng của mình cho đẹp hơn mà chưa hiểu đúng hay chưa được cảnh báo đúng về ảnh hưởng của chúng đến sức khỏe. Toplist hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn đọc có góc nhìn khách quan nhất, đầy đủ nhất trước khi quyết định bọc răng sứ hay không!
-
Bọc răng sứ chắc chắn phải "mài răng thật" đi
Hiểu một cách đơn giản, bọc răng sứ là bác sĩ sẽ tiến hành mài răng của bạn nhỏ đi và dùng răng giả (bằng sứ hoặc kim loại) để bọc lên răng thật đã bị mài.
Nói đến điều này, có một điều bạn đọc nhất định phải lưu ý: "Bác sĩ sẽ mài răng đến mức nào là tùy thuộc vào trình độ và lương tâm của người bác sĩ." Theo nguyên tắc, bác sĩ sẽ chỉ được mài men răng, chứ không được đi quá vào tủy hay ngà răng để tránh ảnh hưởng đến răng thật.
Tuy nhiên quá trình làm răng không được quay hay chụp lại, cũng không có gương cho bạn soi, việc bác sĩ mài răng đến mức nào hoàn toàn phụ thuộc vào bác sĩ và bạn không hề biết. Có nhiều nơi, họ sẽ mài răng nhiều cho dễ lắp mà không quan tâm đến việc sau khi mài sẽ ảnh hưởng sức khỏe như nào.
Nếu muốn làm, hãy chọn nơi đủ uy tín để có thể gửi gắm hàm răng của mình bạn nhé, đừng vội thấy rẻ mà ham!
-
Trước đây, bọc răng sứ CHỈ được chỉ định cho "răng đã hỏng"
Trong y học, kỹ thuật bọc răng sứ ra đời nhằm khắc phục những khiếm khuyết của răng, giúp cải thiện đời sống cho những bệnh nhân đã bị hỏng 1-2 răng như hình thể răng không cân đối, răng mất men, mòn mặt nhai, răng mọc chen chúc, hô, lệch lạc, quá thưa... Vì răng thật của họ đã bị sâu, hỏng tủy, họ không còn lựa chọn nào tốt hơn là bọc răng sứ, nên việc bác sĩ chỉ định như thế quá hợp lý. Không ai phủ nhận vai trò thẩm mỹ mà bọc răng sứ đem lại cho các bệnh nhân.
Nhưng ngày nay, việc bọc răng sứ trở thành trào lưu, bất chấp mọi chỉ định và hậu quả. Nhiều người đã quyết định bọc cả những chiếc răng "không đến nỗi nào" của mình để trở nên đẹp hơn nữa, kể cả khi răng thật của họ vẫn còn quá tốt.
-
Bọc răng sứ rất ít khi chỉ bọc một răng
Không tính đến các trường hợp bọc răng sứ vì răng bị hỏng, nếu mục đích để thẩm mỹ cả hàm răng, thường sẽ phải bọc răng sứ ít nhất 2-3 răng liền kề, thậm chí cả hàm răng. Nếu chỉ bọc 1 răng sẽ dẫn đến tình trạng răng không đều màu hoặc không đủ để chỉnh cho cả hàm răng đều nhau. Tùy bác sĩ khám sẽ tư vấn nên bọc mấy răng, cũng có nhiều nơi để thu về nhiều lợi nhuận hơn, sẽ tư vấn khách hàng nên bọc nhiều răng hơn.
Vậy nên khi bọc răng sứ, bạn không chỉ mài một răng, mà phải mài 3-4 răng, thậm chí cả hàm răng thật. Nếu mài một răng ảnh hưởng 1, thì mài cả hàm sẽ ảnh hưởng 100. Nếu răng của bạn thật sự đang khỏe mạnh, việc mài cả hàm đi như thế có thật sự cần thiết không?
-
Sau khi bọc răng sứ, răng sẽ không thể trở lại như ban đầu
Khi bọc răng sứ, bác sĩ sẽ dùng sứ hoặc kim loại để bọc lên răng thật. Việc sử dụng sứ hay kim loại đều có thời hạn, đến một lúc nào đó, chúng sẽ bị vàng đi, hỏng đi, không thể tiếp tục sử dụng. Thời hạn đó thường là 5-10 năm tùy chất lượng răng sứ bạn sử dụng.
Khi đó, vì răng thật đã mài của bạn không thể tiếp tục phát triển to ra như ban đầu, bạn buộc phải tiếp tục thay và bọc răng sứ khác. Việc đó sẽ kéo dài suốt cả cuộc đời sau này của bạn. Không kể đến việc xuất hiện biến chứng khi bọc răng sứ, chỉ việc đó thôi cũng có thể thấy bạn sẽ phải chấp nhận đánh đổi rất nhiều thứ.
Với răng thật, khi đến tuổi già, do chất lượng răng suy giảm, có thể răng cũng sẽ hỏng và rụng đi, nhưng không phải cả hàm răng. Còn với răng sứ, bạn cần thường xuyên đến nha khoa để kiểm tra và thay răng sứ khi cần. Vậy nên hãy quyết định thật sáng suốt bạn nhé! Vì mọi thứ sẽ không bao giờ trở lại như ban đầu được đâu!
-
Khi kỹ thuật bọc răng sứ không được đảm bảo thì biến chứng là điều khó tránh khỏi
Có 2 biến chứng hay gặp khi bọc răng sứ mà bạn nhất định phải nắm được trước khi quyết định:
- Tổn thương tủy răng: Khi mài răng, các bác sĩ sẽ luôn cố gắng để mài ít nhất có thể, bảo toàn mô răng tối đa cho bạn, hạn chế động chạm vào tủy ở bên trong. Sự "quá đà" chỉ xảy ra khi kỹ thuật viên không để tâm hoặc không có nhiều kinh nghiệm.
- Ảnh hưởng tổ chức nha chu: Khi bọc răng sứ, giữa răng thật và răng sứ bọc ở ngoài sẽ có mối nối để giữ răng sứ khít sát răng thật. Nếu răng sứ không sát với răng thật, thức ăn sẽ đọng ở chỗ nối đó và trở thành vị trí thuận lợi để vi khuẩn phát triển, trong khi răng đã mài không thể khỏe mạnh như răng ban đầu nên càng dễ dàng gây viêm nhiễm và một loạt hệ quả kéo theo như hôi miệng, lung lay răng, sâu răng, viêm lợi, viêm tủy,...
Những biến chứng này hay gặp nhất khi bạn lựa chọn một cơ sở không uy tín hoặc kỹ thuật viên thiếu kinh nghiệm.
-
Về bản chất, răng sứ vẫn là răng giả
Răng sứ được tạo ra thường khá cứng cỏi, có độ chịu lực lớn, nhưng về bản chất, răng sứ vẫn là răng giả, là một khối tách biệt với cơ thể. Trong khi răng thật được tủy răng nuôi sống mỗi ngày, tạo nên những cảm giác, những đặc trưng sinh lý mà một răng giả không thể có được.
Tuy ai cũng biết rằng đồ thật luôn tốt hơn đồ giả nhưng khi đã lắp lên hàm răng của mình thì dù là giả cũng vẫn thuộc về cơ thể mình, và vì không được nuôi dưỡng như răng thật, bạn càng cần chăm sóc và bảo quản răng nhiều hơn. Một số điều nên làm như:
- Không ăn đồ quá cứng
- Không ăn đồ quá nóng hay quá lạnh
- Đánh răng nhẹ nhàng với bàn chải lông mềm
- Khám nha khoa thường xuyên để bác sĩ kiểm tra độ khít của răng sứ...
-
Những phương pháp khác nên cân nhắc trước khi bọc răng sứ
Việc bọc răng sứ vừa có ưu, vừa có nhược, đôi khi sẽ khiến con người ta rơi vào trạng thái "tiến thoái lưỡng nan", không biết nên quyết định như nào. Nếu bạn cũng trong trường hợp đó, có thể cân nhắc một số phương pháp khác.
Cụ thể như sau:
- Nếu răng bạn lệch lạc nhiều, cách tốt nhất là niềng răng: Niềng răng tuy mất thời gian hơn nhưng lại có thể bảo tồn răng thật của bạn, cả cuộc đời bạn không cần lo lắng răng thật, răng giả hay biến chứng đi kèm nữa. Hiện nay có niềng răng bằng mắc cài sứ, niềng răng hàm trong, niềng răng trong suốt... giúp bạn đảm bảo thẩm mỹ kể cả trong quá trình niềng. Sau khi niềng có thể tẩy trắng răng để đẹp như răng sứ.
- Nếu răng bạn lệch lạc ít, có thể cân nhắc dán sứ veneer: Về bản chất, dán sứ veneer và bọc răng sứ là hai giải pháp song hành nhau trong y khoa, bác sĩ sẽ tùy trường hợp để chỉ định, không phải ai cũng có thể dán veneer. Nhưng việc dán sứ veneear, răng chỉ cần mài một lượng rất nhỏ, thậm chí không cần mài, chỉ phù hợp nếu bạn lệch lạc ít và vẫn phải để bác sĩ có chuyên môn sâu khám.
- Tẩy trắng răng cũng là một lựa chọn tốt: Có nhiều răng không lệch lạc nhiều, chỉ là bị vàng, việc làm trắng răng cũng đã khiến tổng thể hàm răng thẩm mỹ hơn rất nhiều, mà không hề động chạm đến răng thật hay ảnh hưởng răng quá nhiều.