Top 10 Bài thơ hay của nhà thơ Hoàng Cầm
Hoàng Cầm tên thật là Bùi Tằng Việt, sinh ngày 22/2/1922 tại xã Phúc Tằng, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, quê gốc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc ... xem thêm...Ninh. Thuở nhỏ, ông học tiểu học, trung học đều ở Bắc Giang và Bắc Ninh, đến năm 1938 thì ra Hà Nội học trường Thăng Long. Năm 1940, ông đỗ tú tài toàn phần và bước vào nghề văn, dịch sách cho Tân dân xã của Vũ Đình Long. Từ đó, ông lấy bút danh là tên một vị thuốc đắng trong thuốc bắc: Hoàng Cầm. Ông nổi tiếng với vở kịch thơ Hận Nam Quan, Kiều Loan và các bài thơ Lá diêu bông, Bên kia sông Đuống. Bài thơ Bên kia sông Đuống được chọn vào giảng dạy trong giáo trình trung học phổ thông. Toplist.vn xin giới thiệu những bài thơ hay của ông
-
Bài thơ: Bên kia sông Đuống
Bên kia sông Đuống
Em ơi! Buồn làm chi
Anh đưa em về sông Đuống
Ngày xưa cát trắng phẳng lì
Sông Đuống trôi đi
Một dòng lấp lánh
Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ
Xanh xanh bãi mía bờ dâu
Ngô khoai biêng biếc
Đứng bên này sông sao nhớ tiếc
Sao xót xa như rụng bàn tay
Bên kia sông Đuống
Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp
Quê hương ta từ ngày khủng khiếp
Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn
Ruộng ta khô
Nhà ta cháy
Chó ngộ một đàn
Lưỡi dài lê sắc máu
Kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang
Mẹ con đàn lợn âm dương
Chia lìa trăm ngả
Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã
Bây giờ tan tác về đâu?
Ai về bên kia sông Đuống
Cho ta gửi tấm the đen
Mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên
Những hội hè đình đám
Trên núi Thiên Thai
Trong chùa Bút Tháp
Giữa huyện Lang Tài
Gửi về may áo cho ai
Chuông chùa văng vẳng nay người ở đâu?
Những nàng môi cắn chỉ quết trầu
Những cụ già phơ phơ tóc trắng
Những em sột soạt quần nâu
Bây giờ đi đâu, về đâu?
Ai về bên kia sông Đuống
Có nhớ từng khuôn mặt búp sen
Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu toả nắng
Chợ Hồ, chợ Sủi người đua chen
Bãi Trầm Chỉ người giăng tơ nghẽn lối
Những nàng dệt sợi
Đi bán lụa mầu
Những người thợ nhuộm
Đồng Tỉnh, Huê Cầu
Bây giờ đi đâu, về đâu?
Bên kia sông Đuống
Mẹ già nua còm cõi gánh hàng rong
Dăm miếng cau khô
Mấy lọ phẩm hồng
Vài thếp giấy đầm hoen sương sớm
Chợt lũ quỷ mắt xanh trừng trợn
Khua giầy đinh đạp gẫy quán gầy teo
Xì xồ cướp bóc
Tan phiên chợ nghèo
Lá đa lác đác trước lều
Vài ba vết máu loang chiều mùa đông
Chưa bán được một đồng
Mẹ già lại quẩy gánh hàng rong
Bước cao thấp trên bờ tre hun hút
Có con cò trắng bay vùn vụt
Lướt ngang dòng sông Đuống về đâu?
Mẹ ta lòng đói dạ sầu
Đường trơn mưa lạnh mái đầu bạc phơ
Bên kia sông Đuống
Ta có đàn con thơ
Ngày tranh nhau một bát cháo ngô
Đêm líu ríu chui gầm giường tránh đạn
Lấy mẹt quây tròn
Tưởng làm tổ ấm
Trong giấc thơ ngây tiếng súng dồn tựa sấm
Ú ớ cơn mê
Thon thót giật mình
Bóng giặc dày vò những nét môi xinh
Đã có đất này chép tội
Chúng ta không biết nguôi hờn
Đêm buông xuống dòng sông Đuống
Con là ai? - Con ở đâu về?
Hé một cánh liếp
- Con vào đây bốn phía tường che
Lửa đèn leo lét soi tình mẹ
Khuôn mặt bừng lên như dựng giăng
Ngậm ngùi tóc trắng đang thầm kể
Những chuyện muôn đời khôn nói năng
Ðêm buông sâu xuống dòng sông Ðuống
Ta mài lưỡi cuốc
Ta uốn lưỡi liềm
Ta vót gậy nhọn
Ta rũa mác dài
Ta xây thành kháng chiến ngày mai
Lao xao hàng cây bụi chuối
Im lìm miếu đổ chùa hoang
Chập chờn đom đóm bay ngang
Báo tin khủng khiếp
Cho giặc kinh hoàng
Từng từng tiếng súng vang vang
Trong đêm khuya thoảng cung đàn tự do
Thuyền ai thấp thoáng bến Hồ
Xoá cho ta hết những giờ thảm thương
Đêm đi sâu quá lòng sông Đuống
Bộ đội bên sông đã trở về
Con bắt đầu xuất kích
Trại giặc bắt đầu run trong sương
Dao loé giữa chợ
Gậy lùa cuối thôn
Lúa chín vàng hoe giặc mất hồn
Ăn không ngon
Ngủ không yên
Đứng không vững
Chúng mày phát điên
Quay cuồng như xéo lên đống lửa
Mà cánh đồng ta càng chan chứa
Bao nhiêu nắng đẹp mùa xuân
Gió đưa tiếng hát về gần
Thợ cấy đánh giặc, dân quân cày bừa
Tiếng bà ru cháu xế trưa
Chang chang nắng hạ võng đưa rầu rầu
“À ơi... cha con chết trận từ lâu
Con càng khôn lớn càng sâu mối thù”
Tiếng em cắt cỏ trại tù
Căm căm gió rét mịt mù mưa bay
“Thân ta hoen ố vì mày
Hờn ta cùng với đất này dài lâu...”
Em ơi, đừng hát nữa lòng anh đau
Mẹ ơi, đừng khóc nữa dạ con sầu
Cánh đồng im phăng phắc
Để con đi giết giặc
Lấy máu nó rửa thù này
Lấy súng nó cầm trong tay
Mỗi đêm một lần mở hội
Trong lòng con chim múa hoa cười
Vì nắng sắp lên rồi
Chân trời đã tỏ
Sông Đuống cuồn cuộn trôi
Để nó cuốn phăng ra bể
Bao nhiêu đồn giặc tơi bời
Bao nhiêu nước mắt
Bao nhiêu mồ hôi
Bao nhiêu bóng tối
Bao nhiêu nỗi đời
Bao giờ về bên kia sông Đuống
Anh lại tìm em
Em mặc yếm thắm
Em thắt lụa hồng
Em đi trẩy hội non sông
Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh.
Việt Bắc, tháng 4-1948
Bài thơ này được sử dụng trong chương trình SGK Văn học 12 giai đoạn 1990-2006.
Nguồn: Bên kia sông Đuống, NXB Văn hoá, 1983
-
Bài thơ: Lá diêu bông
Lá diêu bông
Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
Chị thẩn thơ đi tìm
Đồng chiều
Cuống rạ
Chị bảo
Đứa nào tìm được lá diêu bông
Từ nay ta gọi là chồng
Hai ngày em tìm thấy lá
Chị chau mày
Đâu phải lá diêu bông
Mùa đông sau em tìm thấy Lá
Chị lắc đầu
trông nắng vãn bên sông
Ngày cưới chị
Em tìm thấy lá
Chị cười xe chỉ ấm trôn kim
Chị ba con
Em tìm thấy lá
Xoè tay phủ mặt chị không nhìn
Từ thuở ấy
Em cầm chiếc lá
đi đầu non cuối bể
Gió quê vi vút gọi
Diêu bông hời...
...ới diêu bông...!
Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành bài hát cùng tên, và nhạc sĩ Trần Tiến phổ nhạc thành bài hátChuyện tình lá diêu bông. -
Bài thơ: Hận Nam Quan
Hận Nam Quan
Một đêm giăng mờ lạnh lẽo. Tiếng tiêu nào trên ngàn xa văng vẳng trong sương. Trên một khu rừng gần Ải Nam Quan, chi chít cây cối, có một bóng đen vạch cây, rẽ lá tìm đường.
Gần chỗ ấy, Nguyễn Phi Khanh bị giam trong một cái cũi lớn. Lúc đó đã nửa đêm. Bốn bề tịch mịch. Duy có tiếng tiêu vẫn réo rắt, não nùng. Thỉnh thoảng có tiếng mõ cầm canh xa xa. Hồi lâu, Phi Khanh hơi cử động và ngồi dậy.
Phi Khanh
Đây biên giới hai nước thù đẫm máu;
Đây Nam Quan... con mắt khép tình thâm
Lối qua lại của một loài cuồng khấu
Là Nam Quan... chua xót bóng nghìn năm.
Đây Nam Quan, bốn bề sương lạnh lẽo,
Hồn thuở xưa lay động bóng tinh kỳ
Ai đi sứ nơi quê người lẽo đẽo
Cỏ hoa rừng dâng lệ khóc phân ly?!
Đây Nam Quan, những u hồn thấp thoáng
Đứng đầu non, trông rõi bóng quê hương
Đây Nam Quan, anh hùng xưa lảng vảng
Trỏ sang Tàu, vẽ máu trên đường gươm.
Đây Nam Quan, nơi tướng quân họ Lý
Đuổi quân thù để cứu lấy dân sinh
Lại phóng xá cho giống người tiểu kỷ
Rút binh về, múa tít lưỡi gươm linh
Đây Nam Quan, quân Nguyên rời biển máu
Thoát rừng xương, tơi tả kéo nhau về
Say chiến công, tướng nhà Trần lảo đảo
Nắng chiều hôm rung động ánh gươm thề.
Màu thời gian phất phơ làn khói biếc
Bóng người xưa lồng lộng tít trời xanh
Đến bây giờ Thăng Long nằm đợi chết
Đau lòng ta tiếng gọi dưới trăng thanh
Nước phá, nhà tan, muôn dân u uất!
Biết bao giờ lau sạch máu trên đầu?
Mấy cha con như thần vụt tắt,
Đường xa xôi, huyết lệ chảy về đâu?
(Nguyễn Trãi đi đến, nép vào một bụi cây, lắng nghe)
Trãi
Góc trời Nam, ánh sao thần vụt tắt,
Thành Thăng Long nghi ngút chuyện thương đau
Phụ thân ôi! Chiến bào đầy nước mắt,
Biết bao giờ lau sạch máu trên đầu?!
Phi Khanh
Ai?
Trãi
Thưa phụ thân, con, đây Nguyễn Trãi!
Phi Khanh
Kìa, đêm khuya sao lại đến tìm cha?
Trãi
Đêm giá lạnh, quân canh vì trễ nải
Con băng rừng, tìm nẻo đến thăm cha.
Phi Khanh
Đây là chốn ải địa đầu nước Việt
Khắc trong lòng ghi nhớ hận Nam Quan
Bao năm trời nằm sương và gối tuyết
Cha hằng mong thiên hạ được bình an
Bên đất khách khi đến giờ nhắm mắt
Cha sẽ cầu con trả được thù chung
Ngày mai đây, tấm thân tàn sẽ mất
Nhưng linh hồn bay lại với non sông
Con về đi! Cha yên tâm chịu khổ!
Con về đi! Đúc thép chống giang san
Cha tin chắc đường gươm nơi đất Tổ
Sẽ có ngày sáng chói những vinh quang
Con về đi!
Trãi
Thưa cha đau đớn lắm,
Nỗi chia lìa tê buốt bóng trăng xa
Như thân con có quản gì bụi lấm
Xin theo hầu thân phụ đến Trung Hoa,
Để cùng cha, một mai cùng biết chết,
Cùng hai anh chia xẻ nỗi đau buồn.
Phi Khanh
A! Nguyễn Trãi! Hãy dẹp tình thảm thiết
Trông đằng sau: xương máu ngập giang sơn
Cha sinh con, nghĩa là gây sức mạnh
Cha nuôi con, là hy vọng về sau
Đến ngày nay, giữa đường cha đứt gánh
Thì con ôi! Tung kiếm cho quên sầu!
Con về đi! Cha vui lòng vĩnh biệt
Con về đi! Rửa nhục cho non sông
Con phải nhớ: con là dòng tuấn kiệt,
Trong người con cuồn cuộn máu anh hùng
Trãi
Nhưng bên trời, cha cùng anh tắm máu
Con lòng nào yên sống giữa quê hương
Ôi! Ðại Việt! vào tay loài thảo khấu,
Khói nghìn năm thoi thóp trên sa trường
Khắp non sông vừa tàn cơn ác mộng
Tình yên vui, trăm họ nén đau thương
Ai đồng chí trong đám người ham sống
Trên kinh thành lơ lửng một thanh gươm!
Kìa nghìn dặm trên đường về thui thủi
Lưới quân Minh căng đợi khách giang hồ
Một mãnh hổ chống sao đàn chó sói
Thân tan tành bêu máu chợ Kinh Đô
Con xin cha, cho con theo bóng áo,
Cùng ôm nhau, cùng chết dưới gươm thù
Không tận trung, thôi đành con tận hiếu,
Kiếp này mong khỏi thẹn với nghìn thu
Phi Khanh
Không thể được! Định sang Tàu chết nhục
Làm con ma uất hận giữa quê người!
Con hèn quá, con làm cha tủi cực,
Thôi! Mong gì báo đáp một ngày mai!
Giống Đại Việt không bao giờ hèn yếu,
Tự nghìn xưa ngẩng mặt lên trời cao
Ôi! Kiêu hãnh là những trang niên thiếu
Tự nghìn xưa không nhụt chí anh hào!
Gái cùng trai trên non sông gấm vóc
Đã thêu bằng huyết lệ, bằng gươm đao
Những trang sử đẹp như vàng với ngọc
Bóng muôn đời không thẹn với trăng sao!
Con là trai mà không bằng nhi nữ
Cha sinh con hổ thẹn với trời xanh
Mong chết uổng chỉ là người uý tử
Sống bẽ bàng thêm tủi mặt tài danh.
Người trượng phu nên tìm đường mà chết
Chết làm sao vang động khắp nghìn phương
Chết làm sao cho kẻ thù tiêu diệt!
Chết làm sao mà vạn thuở nhớ thương!
Kìa cái cchết bậc anh thư ngày trước
Muôn nghìn năm quốc sử ngát trầm hương
Con hãy trả xong thù nhà nợ nước,
Muốn theo cha thì chết trên sa trường!
Trãi
(mơ màng nhìn về phía xa)
Ôi! Bóng quê hương ngả nắng chiều
Những mùa thu cũ gợi thương yêu
Mái tranh xơ xác, thềm giăng lạnh
Sân mốc, vườn hoang, gió tịch liêu
Tre xanh san sát chuyện gươm đao
Đứng rũ tà huy nhuốm máu đào
Thép rỉ buồn tênh lời sắt đá,
Gươm cùn tựa nguyệt giấc chiêm bao
Chí khí phai dần trên kỷ niệm
Như đường tơ nhạt nếp thời gian
Bao giờ dứt lệ quên đau khổ
Tung kiếm nghìn thu quét bạo tàn.
Phi Khanh
Con yêu quý! Chớ xuôi lòng mềm yếu
Gác tình riêng, vỗ cánh trở về Nam!
Con về đi! Tận trung là tận hiếu
Đem gươm mài bóng nguyệt dưới khăn tang
Nếu trời muốn cho nước ta tiêu diệt
Thì lưới thù sẽ úp xuống đầu xanh
Không bao giờ! Không bao giờ con chết
Về ngay đi rồi chí toại công thành!
Nghĩ đến cha một phương trời ảm đạm
Thì nghiến răng vung kiếm quét quân thù
Trãi con ơi! Tương lai đầy ánh sáng
Cha đứng đây trông suốt được nghìn thu.
Trãi
(quỳ lạy)
Cha nói đến tương lai đầy ánh sáng
Khiến lòng con bừng tỉnh một cơn mê
Quỳ lạy cha, cha lên đường ảm đạm
Rời Nam Quan, theo gió, con bay về.
Phi Khanh
Ôi! Sung sướng, trời sao chưa nỡ tắt
Về ngay đi! Ghi nhớ hận Nam Quan
Bên Kim Lăng, cho đến ngày nhắm mắt
Cha nguyện cầu con lấy lại giang san.
Trãi
Hận Nam Quan, biết bao giờ phai nhạt,
Biết bao giờ cạn lệ khóc cha già
Lúc vĩnh biệt thật trăm nghìn chua xót!
Phi Khanh
Kìa con trông: nắng hé chân trời xa.
Trãi
Chân trời xa!
Phi Khanh
Về ngay đi Nguyễn Trãi
Nâng gươm thề, đem quốc sử mà soi.
Trãi
Đã đến giờ con lìa xa quan ải,
Kể từ nay Nam Bắc cách đôi nơi.
Phi Khanh
Đêm sắp cạn, về ngay đi Nguyễn Trãi,
Nhớ Nam Quan là vết máu trên đầu.
Trãi
Đêm Nam Quan là con dao hai lưỡi,
Trích lòng con thành một vết thương sâu
Trông phía Bắc thì xót thương dòng máu
Ngó về Nam thì tan tác gia hương
Càng thảm khốc, càng bền gan chiến đấu
Bụi hồng bay, quay tít một thanh gươm
Giống nòi ấy, nghe lời oanh liệt cũ
Sẽ vùng lên như trận gió điên cuồng!
Hỡi quân Minh! Sao không nhìn lịch sử
Mà vội vàng ngạo nghễ xuống Nam phương?
Hãy chờ đấy mà nếm mùi thất bại,
Tàn ác đi rồi trả nợ về sau!
Hãy chờ đấy, trông sao thần sáng chói,
Trong trần ai, ai dễ biết ai đâu!
Một ngày mai con tung gươm cất cánh
Trời quê hương rực lửa những đêm thiêng
Cha phù hộ cho con tròn sứ mệnh
Bại hay thành là theo lệnh Hoàng Thiên
Một ngày mai, khi Trãi này khởi nghĩa,
Kéo cờ lên, phấp phới linh hồn cha
Gạt nước mắt, con nguyện cầu cùng thiên địa,
Một ngày mai, con lấy lại sơn hà.
Phi Khanh
Máu anh hùng! Trôi đi mà rửa nhục,
Kìa con trông: nắng nhuộm chân trời xa.
Trãi
Con xin về, mài gươm chờ báo phục.
Phi Khanh
Cha mỉm cười nhắm mắt bên Trung Hoa.
Trãi
Tình phụ tử chia lìa, ai nín khóc
Bóng đêm tàn cay đắng tấm lòng con!
Trời thẳm xa, đoạt mất quyền hoạ phúc.
Phi Khanh
Kìa con trông: nắng xoã trên đầu non
Trãi
Trên ngọn núi, nắng phơi màu hy vọng
Con biết rồi, bóng dáng của nghìn xưa
Con hiểu rồi, linh hồn cha cao rộng
Sẽ bay về theo lớp gió mây đưa
Tiếng chim ca vang lừng, sao mãnh liệt!
Gió bình minh phơi phới tuổi thanh xuân
(lùi dần vào các khóm cây)
Kính chúc cha lên đường sang cõi chết,
Vui từ nay cho đến lúc ly trần.
(Tiếng tiêu vẫn mơ màng, gió sớm nổi lên, Phi Khanh quắc mắt nhìn theo con) -
Bài thơ: Nếu anh còn trẻ
Nếu anh còn trẻ
Nếu anh còn trẻ như năm cũ
Quyết đón em về sống với anh
Những buổi chiều buồn phơ phất lại
Anh đàn em hát níu xuân xanh
Nhưng thuyền em buộc bờ sông hận
Anh chẳng quay về bến trúc thương
Năm tháng em ca trong ánh nguyệt
Bao giờ em hết nợ Tầm Dương?
Nếu có ngày mai anh trở gót
Quay về thăm lại bến thu xa
Thì đôi mái tóc không xanh nữa
Mây trắng đêm vàng sẽ thướt tha
1941
Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành bài hátTình Cầm. -
Bài thơ: Quả vườn ổi
Quả vườn ổi
Em mười hai tuổi tìm theo Chị
Qua cầu bà Sấm, bến cô Mưa
Đi...
ngày tháng lụi
tìm không thấy
Giải yếm lòng trai mải phất cờ
Cách nhau ba bước vào vườn ổi
Chị xoạc cành ngang
Em gốc cây
- Xin chị một quả chín!
- Quả chín..
quá tầm tay
- Xin chị một quả ương
- Quả ương
chim khoét thủng
Lẽo đẽo Em đi vườn mai sau
Cúi nhặt chiều mưa dăm quả rụng. -
Bài thơ: Cây tam cúc
Cây tam cúc
Cỗ bài tam cúc mép cong cong
Rút trộm rơm nhà đi trải ổ
Chị gọi đôi cây
trầu cay má đỏ
kết xe hồng đưa Chị đến quê Em
Nghé cây bài tìm hơi tóc ấm
Em đừng lớn nữa Chị đừng đi
Tướng sĩ đỏ đen chui sấp ngửa
Ổ rơm thơm đọng tuổi đương thì
Đứa được
chinh chuyền xủng xoẻng
Đứa thua
đáo gỡ ngoài thềm
Em đi đêm tướng điều sĩ đỏ
đổi xe hồng đưa Chị đến quê Em
Năm sau giặc giã
Quan Đốc đồng áo đen nẹp đỏ
thả tịnh vàng cưới Chị
võng mây trôi
Em đứng nhìn theo Em gọi đôi -
Bài thơ: Lời của đá
Lời của đá
Người ơi đừng đập tan
Tôi có quyền được sống
Để khắc sâu không gian
Bằng ngày đêm lạnh nóng
Để ghi chép thời gian
Bằng mưa tan nắng đọng
Chỉ một màu rêu xanh
Biết vua Trần ngồi đó
Một đường vân vòng quanh
Biết Ức Trai oan khổ
Biển cồn anh hẳn nhớ
Tiếng nước nguồn Hải Vân
Nói những lời đá vỡ
Phận trắng chiều Ngọc Hân
Vẫn những lời của đá
Vạng vọng ngàn xưa sau
Giọt lệ tám vua Lý
Kết ngọc còn kêu đau
Nguồn: Hoàng Cầm - tác phẩm thơ, NXB Hội Nhà văn, 2003 -
Bài thơ: Ước nguyện
Ước nguyện
Gửi Mẹ và Chị
Cõi Âm
Bến Lú, bên kia sông Giác
H.C.
Bốn tám dáng Thơ đi tám nhịp
Tuần du chưa vợi khối ân tình
Ước sao sóng Mẹ bừng Công chúa
Chớp mắt nghiêng buồn…
kiếp ảo sinh
Ươc sao soi chị lim dim hát
Tay gió đàn
lơi
yếm trắng tinh
Ví chăng Em cứ bơ vơ nhớ
Nắng lượn cồn mây
Lá hiện hình
Thì thương cuốc lả
hồn Chiêu Thánh
Mõ giục chuông dồn
… lệ chép Kinh…
Hà Nội, tháng Vu Lan Giáp Tuất
19/8/1994 -
Bài thơ: Cỏ Bồng thi
Cỏ Bồng thi
Chị đưa Em đến bến này
Cheo leo mỏm đá
Trước vực
Sau khe
Thòng lọng tơ gì quấn gót
Tua khăn buông còn buộc búp hoa lan
Ù ù gió thổi
Em vọng ai đâu mà hóa đá
Không trói mà không đi
không canh gà
không thu không
Mắt không mở
đừng khép
Kìa dây muốn dại kín Em rồi
Lắc đầu hoa tím rụng
ngó rừng xanh Em hỏi ngọn nguồn
Biết rồi
Thôi
nghe hoa tím hát
Ngày mười bảy tuổi
Chót chơi đố cỏ Bồng Thi
Cỏ Bồng Thi phải cheo leo mỏm đá
Ù ù gió thổi
Không canh gà
Không thu không.