Top 7 Bài tóm tắt tác phẩm "Mùa lá rụng trong vườn" của Ma Văn Kháng hay nhất
Ma Văn Kháng thuộc thế hệ những người cầm bút trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông là nhà văn có khả năng xử lý nhiều mảng đề tài khác ... xem thêm...nhau. Văn phong ông nhẹ nhàng, chú trọng các tình tiết li kì, hấp dẫn. Với bút lực dồi dào, ông sáng tác rất nhiều tiểu thuyết và truyện ngắn. "Mùa lá rụng trong vườn" là một trong những tác phẩm nổi tiếng của nhà văn được trao giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam năm 1986. Đoạn trích trong SGK Ngữ Văn 12, rút từ chương 2 của tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườn. Chủ đề của đoạn trích viết về một cái tết sum họp trong đó các nhân vật tỏa ra những phẩm chất tốt đẹp đáng trân trọng như tình nghĩa, thủy chung, tình cảm truyền thống gia đình gắn bó,... Mời các bạn đọc tham khảo một số bài văn tóm tắt tác phẩm đã được Toplist tổng hợp trong bài viết sau để cảm nhận rõ hơn điều đó.
-
Tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườn - được viết ra nhằm chia sẻ với người đọc giữa đời về niềm lo lắng sâu sắc cho các giá trị truyền thống trước những biến động, đổi thay của thời buổi kinh tế thị trường - được Ma Văn Kháng hoàn thành vào năm 1985. Tác phẩm được xét tặng giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1986. Tác phẩm gồm 20 chương. Đoạn trích được chọn đưa vào Sách giáo khoa Ngữ văn 12 là một đoạn dẫn từ phần 4, chương II của tác phẩm. Bằng một giọng kể ấm áp và cảm động, khi thì qua trật tự tuyến tính dẫn dắt, khi thì qua ngôn ngữ đối thoại, khi thì để cho sự việc phơi trải giữa thời gian hiện tại, khi thì để sự tình xa xôi sau một bức màn hồi ức, tác giả đã đưa người đọc trở về với một buổi chiều cuối năm đầy bình yên và trầm hương. Trong buổi chiều cuối năm đầy thiêng liêng mang tính truyền thống đó, người đọc nhận ra những nét đẹp rất phương đông, rất Việt Nam của ngày Tết cổ truyền: Sự đoàn tụ, lễ cúng gia tiên và bữa cơm tất niên, những lời ước nguyện...
Có thể tiếp cận với không gian và thời gian đầy hương Tết của đoạn trích được dẫn ở ba toạ độ nghệ thuật sau:
Thứ nhất, chị Hoài và sự trở về trong buổi chiều ba mươi Tết. Chị Hoài - người vợ của một liệt sĩ. Chấp nhận sự vô thường, chị tái giá, nhưng vẫn giữ sự hằng thường: sự trong sáng thuỷ chung với gia đình nhà chồng (gia đình ông Bằng). Hết mùa lá rụng năm ấy, chị như chiếc lá tìm về cội nguồn, trở về thăm lại gia đình cũ đúng thời khắc buổi chiều tất niên. Chị Hoài (mà cái tên như ngầm gợi lên một cái gì ổn định, hằng thường, thuỷ chung) hiện lên trong tác phẩm và đoạn trích trong một lát cắt bất ngờ của đời sống, cũng là trong chặng cuối cuộc hành trình của một năm tàn tháng tận. Chị đem đến cho khu vườn của nhà chồng một tiết tấu bình yên - như bù lại cho những gì mà thế giới yên tĩnh ấy đã, đang và sẽ vừa bị tước đoạt vừa được bồi đắp mới để thích nghi trước một nhịp điệu gấp gáp của đời sống thị trường. Lời nhắn gọn gắn mà mênh mang biết bao, ít chữ mà nhiều nghĩa biết bao ở chương XX – chương cuối cùng của truyện - của chị Hoài sau một mùa lá rụng nữa như hoàn chỉnh thêm diện mạo tâm hồn của một người vợ liệt sĩ đã thanh thản chọn cho mình cách sống vì mọi người (trước hết là mọi người trong gia đình dù đó chỉ là một gia đình đã xưa cũ với chị mà chị hoàn toàn có quyền không phải chia sẻ trách nhiệm nữa): “Bao giờ cậu Cần cưới vợ, cô Phượng ở cữ, cô Lí về, nhớ điện cho tôi lên”.
Đúng như suy nghĩ của ba nhân vật Đông, Lí và Luận: “Quan hệ của chị ở gia đình này đã thuộc về quá khứ. Kỉ niệm của chị ở đây đẹp nhưng buồn. Chị có quyền quên mà không ai được trách cứ.” Nhưng đoạn trích đã cho người đọc đến với một nhân vật chị Hoài của hiện tại chứ không phải là của quá khứ. Vẫn còn đó trong mùa tết năm này của tác phẩm sự chu đáo, lo toan, nghĩa tình vẹn toàn của một người dâu trưởng. Điều đó làm tất cả mọi người trong gia đình ông Bằng đều cảm động. Qua cách miêu tả ấy của Ma Văn Kháng, người đọc cũng bất giác bồi hồi theo tâm hồn nhân hậu, cách sống vị tha, trong sáng nghĩa tình, thuỷ chung của người đàn bà đã một thời là dâu trưởng. Ma Văn Kháng đã ưu ái dành cho nhân vật đặc biệt này cả hai cách giới thiệu, miêu tả vừa trực tiếp (qua ngoại hình và diện mạo bình dị mà có nét tươi tắn: “một phụ nữ nông thôn trạc năm mươi, người thon gọn trong cái áo bông chần hạt lựu. Chiếc khăn len thắt nâu ôm một khuôn mặt rộng có cặp mắt hai mí đằm thắm và cái miệng tươi.”; qua hai con mắt “đậm nỗi bồi hồi” cảnh cũ người xưa; qua ngôn ngữ thô mộc dân dã mà không phải là không tinh tế: “Cô Phượng đấy như?”) vừa gián tiếp (qua hồi ức của mọi người: “Chị Hoài, vợ anh cả Tường liệt sĩ. Chị Hoài, dâu trưởng, nết na, thuỳ mị.”; qua cảm nhận của Phượng trong hiện tại: “Người phụ nữ tưởng đã cắt hết mối dây liên hệ với gia đình này, vẫn giao cảm, vẫn chia sẻ buồn vui và cùng tham dự cuộc sống cuả gia đình này”). Chín năm chưa gặp lại người cha chồng kính yêu. Phút gặp lại, chị Hoài “gần như không chủ động được mình, chị lao về phía ông Bằng, quên cả đôi dép...”. Ma Văn Kháng tinh tế và sắc sảo để chị “kịp hãm lại khi còn cách ông già hai hàng gạch hoa” - hai hàng gạch hoa của lễ giáo và sự xa cách của một lần tái giá. Chị thốt lên tiếng “Ông” nghe như một tiếng nấc. Nhưng đến lễ cúng gia tiên, chị Hoài đã thật sự trở về với niềm tin trong trẻo cũ. Người đàn bà đó đã giản dị một cách hồn nhiên để tin rằng chị vẫn là một phần không thể tách rời của cái gia đình xưa cũ. Vì vậy, ngay khi ông Bằng vừa khấn vái và buông tay chắp xong, chị liền “thế chân ông cụ, hai tay nâng lên trước ngực.” để cất lên lời khấn vái tổ tiên. Có phải chính từ hình tượng này mà Ma Văn Kháng đã muốn nói lên một điều không được nói ra nói tác phẩm: thì ra, con người ta có quyền vừa hội nhập với cái mới mà vẫn vừa giữ gìn được những nét tinh tuý hằng thường của cái xưa cũ.
Thứ hai, ông Bằng và cuộc gặp lại người con dâu. Qua cách khắc hoạ của Ma Văn Kháng, ông Bằng vừa là hiện thân vừa là biểu tượng cho giá trị mang tính chuẩn mực của đời sống gia đình. Ông tìm bình yên trong tiết tấu cổ điển của bản “Vườn khuya”. Nhưng giai điệu thong thả du dương êm đềm ấy cũng không giúp ông chống đỡ nổi sự biến động phức tạp đầy tăng tốc của đời sống thị trường. Ông phải chứng kiến dần dần sự đổ vỡ của gia đình: con trai (Cừ bỏ xí nghiệp và có tin là đã vượt biên), con dâu (Lí - vợ của Đông) đang có biểu hiện chê chồng lạc hậu để đua theo lối sống xa hoa phù phiếm. Khu vườn nhỏ và yên tĩnh của gia đình ông Bằng vừa phải đối mặt với quy luật rụng lá của thiên nhiên, vừa phải đối mặt với quy luật biến động của đời sống xã hội. Ông Bằng chưa chịu nhận ra một điều - mà điều này cho đến cuối tác phẩm, sẽ xuất hiện trong một chiêm nghiệm của con dâu ông là Phượng: “Ai có thể ngờ được căn nhà yên tĩnh, ở đầu cái phố dài yên tĩnh, lại chỉ có được sự yên tĩnh bề ngoài. Gia đình, cái giọt nước của biển cả, có ai ngờ lại là một vùng chứa nhiều sóng gió đến thế.”
Cuộc gặp mặt giữa ông Bằng và người dâu trưởng là chị Hoài là một cuộc gặp gỡ vừa vui mừng vừa xót xa. Trong một chừng mực nào đó, cuộc gặp lại này xoa dịu niềm cô đơn và tiếp thêm niềm tin cho ông Bằng trong cảnh ngộ gia đình hiện tại. Ngòi bút miêu tả tâm lí tinh tế của Ma Văn Kháng tỉ mẫn ghi lại cận cảnh phút giây rớm nước mắt đó: ông Bằng sững lại khi nhìn thấy chị Hoài, trên gương mặt còn vướng vất ưu tư của ông “thoáng một chút ngơ ngẩn”, rồi mắt ông “chớp liên hồi”, môi “lật bật không thành tiếng”. Tác giả nói thay người đọc và thay cho cả nhân vật người cha chồng giàu cảm xúc này là “có cảm giác ông sắp khóc oà”. Khi chị Hoài lao về phía cha, thốt lên tiếng “Ông” nghe như tiếng nấc, giọng ông Bằng nghẹn ngào đẫm nước mắt: “Hoài đấy ư, con?”. Đúng là một cuộc gặp gỡ nhiều tâm trạng, nhiều nỗi niềm mà một nhân vật trong truyện đã nhận ra: “Cảnh gặp gỡ vui mừng nhiễm một nỗi tiếc thương, đau buồn, ê nhức cả tim gan.”
Mùa lá rụng. Cây cối trong thiên nhiên lớn của đất trời và thiên nhiên hẹp là khu vườn của gia đình ông Bằng cũng đều chấp nhận quy luật vừa khắc nghiệt vừa thanh thản của tiết mùa cho một lần thay lá. Để lên non. Cũng như cây cối trong khu vườn nhà ông Bằng, những con người trong Mùa lá rụng trong vườn phải đối mặt cho một lần “lên đời” (cũng là một kiểu “thay lá”) để bước vào cuộc sống đầy năng động, đầy biến động của cơ chế thị trường. Trong cuộc sống tất bật để đi lên đó, một mặt những con người trong đoạn trích và tác phẩm phải phấn đấu để trang bị thêm những giá trị mới để thích nghi với cuộc sống mới; mặt khác, phải ra sức níu giữ, neo giữ những giá trị hằng thường đã trở thành chuẩn mực bất biến của đời sống. Giá trị cần được giữ gìn trong mùa lá rụng của tác phẩm và cũng chính trong đoạn trích là giá trị gia đình.
Thứ ba, mọi người trong gia đình ông Bằng và lễ cúng tất niên. Tất cả đều mong đợi chị Hoài lên thăm, chị Hoài trở về. Và “cầu được, ước thấy”. Niềm vui mừng của mọi người trong gia đình ông Bằng khởi phát từ tiếng reo to mừng rỡ của Phượng, tiếp theo là cảnh Đông, Lí, Luận hấp tấp vội vã từ phòng khách “ùa ra vệt đường lát xi măng đi qua vườn cây ra cổng...”. Cảnh Lí ôm chầm lấy chị Hoài. Rồi một loạt lời hỏi han, trao đổi rộn rã. Rồi cảnh người cha chồng và con dâu trưởng gặp lại nhau trong nghẹn ngào cảm xúc. Lễ cũng tất niên tràn ngập không khí trang nghiêm nhưng ấm cúng, lời khấn thành kính mà chân thành. Đứng trước bàn thờ tổ tiên, ông Bằng “như quên hết xung quanh và bản thể”. Ông thành tâm theo khói hương ngày Tết trôi về quá khứ hằng thường, cất lên lời vọng tưởng đầy tri ân với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, với người vợ đã qua đời, với người con trai cả đã xanh mồ. Để rồi từ quá khứ thiêng, ông trở về với hiện tại bề bộn. Hơn ai hết trong gia đình này, ông ý thức sâu sắc sự kết nối giữa truyền thống và hiện tại, giữa tổ tiên và con cháu. Mâm cỗ tất niên thịnh soạn được cả nhà - nhất là Lí - tươm tất chuẩn bị. Nỗi buồn năm cũ như qua đi, chỉ còn đó đêm trừ tịch đầy sự vui vẻ, hân hoan, ấm cúng của một gia đình tưởng chừng không bao giờ có thể chia cắt. Có lẽ người đọc tuy không nói ra nhưng đều cảm động hướng đến và sẻ chia suy nghĩ lặng thầm của ông Bằng trong đêm cuối năm lặng gió ấy ở cuối chương II: “Gia đình và sự sum họp đêm giao thừa, có gì đầm ấm, thiết tha hơn. Kỳ diệu thay thời khắc này.”
Tết, trong nỗi thiêng liêng thẳm sâu giản đơn mà huyền diệu đêm trừ tịch, sau những bổi hổi đoàn tụ, cuối những hoài niệm xao xác và khởi đầu thinh lặng những ước mơ, nghe vườn khuya rùng mình búng lá, nghe trước đường theo gió có ai đó lất phất xuyên qua trầm hương đi về hát khẽ lời “anh đến thăm em đêm ba mươi...” mà chợt làm huyên náo cả tách trà thơm, lặng thầm giở từng trang Mùa lá rụng trong vườn... Cũng là một cái thú giữa ngày xuân chăng!
-
Chiều 30 Tết năm Bính Tuất, ai trong nhà ông Bằng cũng mong chờ chị Hoài- vợ của anh Tường liệt sĩ cũng là con trai trưởng của cụ Bằng. Nay chị đã lấy chồng. Và như cầu được ước thấy, chị Hoài sau khi đi bộ một đoạn đường khá xa đã đến cổng nhà ông Bằng, tiếp đón chị đầu tiên là tiếng reo vui của Phượng, theo sau là Đông, Lý, Luận ai cũng tíu tít đón chị dâu cũ. Và nghẹn ngào nhất có lẽ chính là cảnh ông Bằng-cha chồng và con dâu trưởng gặp lại nhau với bao cảm xúc dâng trào.
Chị Hoài năm nay đã gần năm mươi tuổi, nhưng chị vẫn rất đẹp với dáng người thon gọn. Đôi mắt đen láy, khuôn miệng tươi cười và người chị rất gọn. Chị đi bước nữa với anh làm ở Ủy ban xã, chị đang làm chủ nhiệm của hợp tác xã đan dệt thảm ngô, họ có bốn đứa con. Chị Hoài về đây, mang theo rất nhiều quà quê từ gạo nếp, đến giò thủ, bột sắn dây, gói hạt giống mướp hương,… Chị Hoài và các em trai em dâu của nói chuyện, hỏi thăm nhau rôm rã, vui mừng vì lâu ngày mới được gặp nhau. Rồi sau đó, ông Bằng đi xuống, ông nhìn chị như chực trào nước mắt. Chị Hoài nhìn ông, và khóc, chị cất tiếng chào: “Ông” trong nghẹn ngào. Ông Bằng run run, giọng khàn đặc đáp lại “Hoài đấy ư, con?”. Nhìn cảnh đó, khiến Phượng không kìm được nước mắt. Ông Bằng lấy khăn giấy lau đi đôi mắt ướt của mình và hỏi thăm về gia đình chị.
Họ tiếp tục câu chuyện của mình, trong lúc đó, mâm cỗ cúng gia tiên đã bày biện tươm tất, xong xuôi. Lý mới ông Bằng khấn lễ cúng gia tiên. Trên bàn thờ, khói hương nghi ngút, ngọn đèn dầu cứ lim dim cháy. Mâm cỗ cúng của nhà Lý rất thịnh soạn có bánh chứng hai cái xếp bên cạnh mâm ngũ quả, với những chén rượu nhỏ được bày trước ảnh song thân và bên trái là ảnh bà Bằng, bên phải là ảnh anh cả Tường. Lễ khấn tràn ngập không khí trang nghiêm, ấm cúng. Ông Bằng lầm rầm khấn như quên hết sự đời, còn chị Hoài thì nhìn lên bàn thờ rồi chị thế chân cụ Bằng để khấn, hai tay chị nâng lên trước ngực.
Không khí của mâm cỗ không còn là những nỗi buồn xưa cũ, thay vào đó là sự hân hoan ấm cúng của một đại gia đình. Mọi người bước vào mâm cỗ với niềm vui và chào đón những gì thiêng liêng nhất.
-
Chiều 30 Tết năm Bính Tuất, chị Hoài đi bộ khá xa mới đến được cổng nhà cụ Bằng. Chị là vợ anh Tường liệt sĩ, con trưởng của cụ Bằng, nay chị đã phải đi bước nữa. Các em trai, em dâu anh Tường (Đông, Lý, Luận, Phượng) mừng rỡ, vồn vã, tíu tít đón người chị dâu cũ về thăm gia đình.
Chị Hoài nay đã trạc năm mươi, người thon gọn, mặc áo bông chần hạt lựu, cặp mắt đằm thắm, cái miệng cười tươi, Chị Hoài đã có một gia đình riêng, chồng chị làm ở Uỷ ban xã, chị làm chủ nhiệm hợp tác xã đan dệt thảm ngô, vợ chồng chị có bốn đứa con, đứa đầu đi bộ đội, ba đứa em còn đi học. Tay nải chị Hoài mang đến có bao thứ quà quê, nào là gạo nếp tăng sản, nào là giò thủ, nào là bột sắn dây,... và một gói hạt giống mướp hương... Chị em nói chuyện, hỏi thăm, mừng vui vì đã lâu ngày mới gặp gỡ. Ông Bằng từ trên gác xuống cầu thang, mắt chớp chớp liên hồi, môi ông lật bật, ông sắp khóc oà. Chị Hoài chạy đến, cất tiếng chào: "Ông!" sau tiếng nấc. Ông Bằng giọng bỗng khê đặc, khàn rè: "Hoài đấy ư, con?". Nhìn cảnh ấy, Phượng nghẹn ngào, mắt ngấn lệ. Ông Bằng nén xúc động, rút khăn tay, chấm kẽ mắt: "Anh ấy và các cháu vẫn khoẻ cả chứ, con?". Khi câu chuyện cảm động giữa ông Bằng và người con dâu cũ đang diễn ra, thì mâm cỗ cúng gia tiên đã bày biện xong. Lí rất ý tứ mời ông Bằng khấn cho lễ cúng gia tiên bắt đầu. Bàn thờ mờ ảo khói hương. Ngọn đèn dầu lim dim. Hai cái bánh chưng bọc lá tươi xanh, buộc lạt điều xếp cạnh mâm ngũ quả, những chén rượu xinh xinh. Ảnh song thân ở chính giữa, bên trái là ảnh bà Bằng mặt hoa da phấn, bên phải là ảnh anh cả Tường, áo trấn thủ, mũ ca lô, nét đã phôi pha.
Ông Bằng tóc bạc lầm rầm khấn. Chị Hoài đăm đắm ngước lên bàn thờ, rồi chị thế chân ông cụ, hai tay nâng lên trước ngực…
Mâm cỗ ngày Tết thật là sang. Mọi người vào mâm, hân hoan khác thường.
-
Mùa lá rụng trong vườn xoay quanh cuộc sống của gia đình ông Bằng, ông có 5 người con trai. Anh cả Tường đã hi sinh, vợ anh tên là Hoài đã tái giá nhưng vẫn liên lạc để thăm hỏi gia đình. Anh hai tên là Đông là trung tá xuất ngũ, có Lý cô con dâu. Đứa thứ 3 trong gia đình tên là Luận làm nhà báo, vợ anh là Phượng hiền lành tốt bụng, đứa thứ tư đó là Cừ ít chịu nghe lời cha mẹ. Cuối cùng là đứa con út tên Cần đang đi học ở Liên Xô chuẩn bị trở về quê hương.
Ông Bằng chung sống với gia đình Đông, Luận trong một ngôi nhà ở đầu phố không ồn ào mà yên tĩnh. Thời gian sau đứa thứ 4 đó là Cừ bỏ việc, bỏ lại vợ và con để trốn ra nước ngoài. Đây là cú sốc lớn với gia đình ông Bằng được xem là gia đình truyền thống và nghiêm khắc trong dạy dỗ con cái. Sau thời gian ở nước ngoài Cừ nhận ra sai lầm rồi tự tử, bà Bằng quá sốc dẫn đến qua đời. Vợ và con của Cừ bị sa thải khỏi nông trường, phải về ở nhà ông Bằng, chị Hoài. Thêm chuyện khác xảy đến đó là người vợ tên Lý trách móc chồng khi ham chơi, bỏ bê việc gia đình. Lý vốn ít học, thêm cảnh chán gia đình, bị cám dỗ nên đã bỏ nhà đi với tên trưởng phòng vào Sài Gòn để sinh sống. Khi xa gia đình chị Lý nhận ra được lỗi lầm và ăn năn muốn trở về nhà. Câu chuyện Mùa lá rụng trong vườn kết thúc khi mọi người sum họp với nhau đêm 30 Tết, đó cũng là thời điểm mọi người trong nhà nhận được thư của Lý gửi về.
Mùa lá rụng trong vườn - tiểu thuyết nổi tiếng với bối cảnh là gia đình ông Bằng một gia đình truyền thống trong thời điểm thập niên 80, thế kỷ 20, gia đình ông phải đối mặt với những sự thay đổi đáng kể trong thời điểm đất nước có nhiều sự thay đổi ảnh hưởng đến gia đình cả về mặt tích cực, lẫn tiêu cực.
-
Câu chuyện kể về chị Hoài, người phụ nữ trạc 50 tuổi, dáng người thon gọn, cặp mắt đằm thắm, cái miệng tươi cười và là người con dâu cũ của ông Bằng, đã đi bước nữa. Chiều 30 tết năm Bính Tuất, chị về thăm gia đình chồng cũ với bao thứ quà quê. Chị em mừng rỡ, ríu rít hỏi thăm nhau vì lâu ngày mới gặp. Ông Bằng nhìn thấy con dâu thì nén xúc động. Câu chuyện xúc động giữa ông Bằng và con dâu đang diễn ra thì mâm cỗ cúng gia tiên đã bày biện xong. Ông Bằng khấn lễ cúng gia tiên. Trên bàn thờ hương khói nghi ngút, mâm cỗ rất thịnh soạn với bánh chưng xanh, mâm ngũ quả, chén rượu và hình ảnh song thân và anh cả Tường. Lễ khấn rất trang nghiêm, ấm cúng. Chị Hoài nhìn lên ban thờ rồi thế chân ông Bằng để khấn... Mọi người vào mâm với sự hân hoa, ấm áp không khí gia đình.
-
Chồng cũ của chị Hoài là anh Tường, từng là dâu trưởng trong gia đình ông Bằng, giờ đây dù chồng mất từ lâu, chị cũng đã đi bước nữa nhưng ngày Tết vẫn dành thời gian về thăm ông Bằng và gia đình chồng.
Chị Hoài đã gần năm mươi tuổi, chị mang vẻ đẹp đằm thắm của người phụ nữ nông thôn. Chị mang theo rất nhiều quà quê từ gạo nếp, đến giò thủ, bột sắn dây, gói hạt giống mướp hương,… Gặp chị Hoài, mọi người trong gia đình đều vô cùng xúc động. Ông Bằng nghe tin chị Hoài lên, ông sững lại khi nhìn thấy Hoài, mặt thoáng một chút ngơ ngẩn. Rồi mắt ông chớp liên hồi, môi ông bật bật không thành tiếng, có cảm giác ông sắp khó oà, giọng ông bỗn khàn rè: “Hoài đấy ư, con?”. Nỗi vui mừng, xúc động không dấu giếm của ông khi gặp lại người đã từng là con dâu trưởng mà ông rất mực quý mến. Tiếng gọi của chị nghẹn ngào trong tiếng nấc “ông!”.
Khói hương, mâm cỗ đã đầy đủ, mọi người trong gia đình tề tựu, quây quần... Tất cả chuẩn bị chu đáo cho khoảnh khắc tri ân trước tổ tiên trong chiều ba mươi tết. Ông Bằng “soát lại hàng khuy áo, chỉnh lại cà vạt, ho khan một tiếng, dịch chân lại trước mặt bàn thờ”. Ông Bằng tóc bạc lầm rầm khấn. Chị Hoài nhìn lên bàn thờ, rồi chị thế chân ông cụ, hai tay nâng lên trước ngực…
Mâm cỗ ngày tết rất thịnh soạn, mọi người vào mâm, hân hoan khác thường
-
Mùa lá rụng trong vườn xoay quanh cuộc sống của gia đình ông Bằng, ông có 5 người con trai. Anh cả Tường đã hi sinh, vợ anh tên là Hoài đã tái giá nhưng vẫn liên lạc để thăm hỏi gia đình. Anh hai tên là Đông là trung tá xuất ngũ, có Lý cô con dâu. Đứa thứ 3 trong gia đình tên là Luận làm nhà báo, vợ anh là Phượng hiền lành tốt bụng, đứa thứ tư đó là Cừ ít chịu nghe lời cha mẹ. Cuối cùng là đứa con út tên Cần đang đi học ở Liên Xô chuẩn bị trở về quê hương.
Ông Bằng chung sống với gia đình Đông, Luận trong một ngôi nhà ở đầu phố không ồn ào mà yên tĩnh. Thời gian sau đứa thứ 4 đó là Cừ bỏ việc, bỏ lại vợ và con để trốn ra nước ngoài. Đây là cú sốc lớn với gia đình ông Bằng được xem là gia đình truyền thống và nghiêm khắc trong dạy dỗ con cái. Sau thời gian ở nước ngoài Cừ nhận ra sai lầm rồi tự tử, bà Bằng quá sốc dẫn đến qua đời. Vợ và con của Cừ bị sa thải khỏi nông trường, phải về ở nhà ông Bằng, chị Hoài.
Thêm chuyện khác xảy đến đó là người vợ tên Lý trách móc chồng khi ham chơi, bỏ bê việc gia đình. Lý vốn ít học, thêm cảnh chán gia đình, bị cám dỗ nên đã bỏ nhà đi với tên trưởng phòng vào Sài Gòn để sinh sống. Khi xa gia đình chị Lý nhận ra được lỗi lầm và ăn năn muốn trở về nhà. Câu chuyện Mùa lá rụng trong vườn kết thúc khi mọi người sum họp với nhau đêm 30 Tết, đó cũng là thời điểm mọi người trong nhà nhận được thư của Lý gửi về.
Mùa lá rụng trong vườn - tiểu thuyết nổi tiếng với bối cảnh là gia đình ông Bằng một gia đình truyền thống trong thời điểm thập niên 80, thế kỷ 20, gia đình ông phải đối mặt với những sự thay đổi đáng kể trong thời điểm đất nước có nhiều sự thay đổi ảnh hưởng đến gia đình cả về mặt tích cực, lẫn tiêu cực..