Top 7 Bài văn, đoạn văn cảm nhận văn bản Lẵng quả thông (Ngữ văn 6) hay nhất
Paustovsky là nhà văn với phong cách văn xuôi trữ tình đầy chất thơ. Bức tranh thiên nhiên Nga hiện lên trong “Lẵng quả thông” của Paustovsky mơ mộng, huyền ... xem thêm...diệu với những khu rừng phảng phất mùi nấm, với tiếng lá rì rào, với tiếng sóng vỗ bờ, với những hàng rêu từ trên cành cây xõa xuống mặt đất thật ấn tượng.
-
Bài tham khảo số 1
Vẻ đẹp của truyện ngắn Lẵng quả thông thể hiện trước hết ở bức tranh thiên nhiên bình dị mà vô cùng tráng lệ. Mùa thu, cánh rừng ở Becghen đẹp vô ngần với bầu không khí phảng phất mùi nấm, với tiếng lá rì rào. Rừng thu khoác bộ áo vàng lộng lẫy như được “chế tác tinh xảo” bằng tất cả đồng và vàng trên trái đất. Những chiếc lá mỏng manh đến độ “chỉ cần một tiếng chim hót thôi cũng đủ làm chúng run rẩy”. Mùa đông, sương mù bao phủ thành phố. “Những bông tuyết bay chênh chếch, cố bám lấy ngọn cây”, một bông tuyết rơi “ngập ngừng, lơ lửng giữa từng không”. Tiếng nước nhỏ giọt. Những con sơn tước trên cành huyên thuyên bối rối. Chú dế mèn nhìn Grigơ qua khe hở của chiếc lò sưởi… Paustovsky đã huy động sự tương giao của mọi giác quan để cảm nhận tinh tế mọi hình ảnh, đường nét, màu sắc, âm thanh, hương vị của tự nhiên. Ông đã cảm nhận thiên nhiên bằng trái tim nhạy cảm của một thi nhân, bằng cái nhìn mĩ cảm của một họa sĩ và nhạc cảm của một nhạc sĩ để nhận ra trạng thái run rẩy của những chiếc lá thu, dáng vẻ “ngập ngừng” của bông tuyết đang rơi, thấy tiếng vọng của rừng giống như một con khướu tinh nghịch chuyên “rình mò để chộp lấy” những tiếng động “rồi liệng lại qua những vách đá”; nỗi bối rối của con sơn tước, sự tò mò của chú dế mèn khi nghe tiếng đàn kì diệu,… Qua ngòi bút của nhà văn, thiên nhiên trong Lẵng quả thông có sự sống và linh hồn riêng. Cảnh rừng Na Uy trong truyện ngắn gợi nhớ đến vẻ đẹp nên thơ của thiên nhiên nước Nga như trong các tuyệt tác Mùa thu vàng, Cái yên tĩnh vĩnh hằng, Rừng bạch dương… của danh họa Levitan bởi nhà văn đã phổ vào đó linh hồn của thiên nhiên Nga yêu dấu. Vẻ đẹp đa dạng, sống động của bức tranh phong cảnh khiến người đọc rung động sâu sắc, giúp họ thoát khỏi những ưu tư phiền muộn thường ngày và tìm thấy sự cân bằng, thư thái nội tâm.
*Nguồn: Th.s Nguyễn Thị Khánh Xuân
-
Bài tham khảo số 2
Paustovsky là nhà văn với phong cách văn xuôi trữ tình đầy chất thơ. Chất thơ đó thể hiện qua nhiều khía cạnh, đặc biệt là những chi tiết miêu tả thiên nhiên đất nước Nga thấm đẫm chất thơ qua từng trang văn của truyện ngắn “Lẵng quả thông”.
Bức tranh thiên nhiên Nga hiện lên trong “Lẵng quả thông” mơ mộng, huyền diệu biết bao với những khu rừng tràn ngập bầu không khí phảng phất mùi nấm, với tiếng lá rì rào, với tiếng sóng vỗ bờ, với những hàng rêu từ trên cành cây xõa xuống mặt đất như những mái tóc xanh. Trời vào tháng 6, vạn vật được khoác trên mình chiếc áo vàng kiều diễm của buổi hòa nhạc với “những cây đèn lồng được khoác trong tán lá bồ đề” và tất cả những kí ức về thiên nhiên trong mát trở về trong tâm trí nhân vật với “những cánh rừng của nàng, quê hương nàng. Những tiếng tù và, tiếng động của biển quê”. Và khi bài hát ngân nga, “từng con tàu bằng thủy tinh làm nước sủi bọt, gió reo ca trong những dây buồm” và tiếng chim, tiếng gọi của trẻ con, tiếng người yêu,… tất cả những khung cảnh và âm thanh của thiên nhiên ấy đã khiến tâm hồn Dagny trở nên mát lành. Cô khóc, rồi cô cười – nụ cười biết ơn và hạnh phúc vì món quà nhỏ của người nhạc sĩ nhân hậu. Hình ảnh “những ngọn đèn trên những con tàu biển đang chậm rãi ngả nghiêng nơi nước xám và trong vắt” đã khép lại thiên truyện và mở ra những cảm giác thư thái, nhẹ nhàng trong lòng người đọc.
Có thể nói, không gian thiên nhiên nên thơ của truyện chính là tấm phông nền làm sáng lên hình ảnh đẹp đẽ trong sáng tựa thiên thần của nhân vật trong câu chuyện và góp phần to lớn làm nên thành công cho tác phẩm.
-
Bài tham khảo số 3
Đọc văn bản “Lẵng quả thông” trích từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Pao-tốp-xki là một trải nghiệm đáng nhớ, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc.
Tác phẩm kể về cuộc hành trình của nhân vật chính – cô bé Đa-ni, cùng với cô Mac-đa và chú Nin-xơ đến tham dự một buổi hòa nhạc đầy trang trọng. Lần đầu tiên Đa-ni được chìm đắm trong âm nhạc giao hưởng, cô cảm nhận như mình đang lạc vào một thế giới mơ màng, nơi âm nhạc trở thành ngôn ngữ của tâm hồn. Tiếng nhạc vang lên như một dòng sông bất tận, lan tỏa không gian với vẻ đẹp tinh tế và cảm xúc sâu sắc. Người đứng trên sân khấu chia sẻ rằng đây chính là tác phẩm của E-đơ-va Gờ-ric, một tác phẩm vĩ đại dành tặng cho cô bé Đa-ni Pơ-đơ-xơn. Điều này khiến cô bé không chỉ bị cuốn hút bởi vẻ đẹp âm nhạc mà còn bởi sự tôn vinh và động viên từ người nhạc sĩ tài hoa. Đa-ni không quên kỉ niệm đẹp về những khoảnh khắc ngọt ngào khi người nhạc sĩ mang đến cho cô một lẵng hoa thông thơm phức, tươi rói và đẹp đẽ. Chiếc lẵng đó không chỉ là một món quà, mà còn là biểu tượng của tình cảm và sự tôn trọng từ người sáng tạo đến người nghe. Sau cùng, khi buổi hòa nhạc kết thúc, Đa-ni cảm nhận cuộc sống bên bờ biển tươi đẹp, tràn đầy sức sống. Cô hiểu rõ hơn về ý nghĩa thực sự của việc cho và nhận quà. Đó không chỉ là hành động tặng quà, mà còn là cách thể hiện tình cảm chân thành và lòng biết ơn từ cả người tặng lẫn người nhận. Giống như cô bé Đa-ni trong câu chuyện, chúng ta cũng có thể tìm thấy niềm hạnh phúc và sự trân trọng trong những điều nhỏ bé. Món quà không cần phải lớn lao và đắt tiền, mà nó có thể đọng lại trong tâm hồn ta suốt đời.
Tác phẩm ca ngợi giá trị đích thực của âm nhạc, mở ra cho ta niềm tin yêu hạnh phúc với cuộc sống. Âm nhạc có tác dụng gắn kết con người với nhau, giúp chúng ta biết yêu thương, đồng cảm, sẻ chia.
-
Bài tham khảo số 4
Văn bản “Lẵng quả thông” trích trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Pao-tốp-xki đem đến một câu chuyện cảm động cho người đọc. Cô bé Đa-ni đã đi nghe một buổi hòa nhạc cùng cô Mac-đa và chú Nin-xơ. Lần đầu tiên nghe nhạc giao hưởng, Đa-ni cảm thấy giống như một giấc mộng. Đến khi người trên sân khấu nói đây là bản nhạc của E-đơ-va Gờ-ric viết tặng cô Đa-ni Pơ-đơ-xơn thì vô cùng xúc động. Cô nhớ lại kỉ niệm về người nhạc sĩ đã xách hộ cô chiếc lẵng đầy quả thông về tận nhà. Cô vừa nghe bản nhạc, vừa nhớ về quê hương của mình và khóc. Sau khi kết thúc buổi hòa nhạc, Đa-ni đi đến bờ biển và cảm nhận được sự đẹp đẽ của thế giới. Câu chuyện đơn giản, với lời kể nhẹ nhàng nhưng lại rất sâu sắc. Truyện đã giúp tôi nhận ra bài học về giá trị của những món quà, cũng như cách cho và nhận chúng.
-
Bài tham khảo số 5
Văn bản “Lẵng quả thông” đã đem đến cho người đọc nhiều cảm nhận. Nhân vật chính trong truyện là cô bé Đa-ni đang đến nghe một buổi hòa nhạc cùng cô Mac-đa và chú Nin-xơ. Lần đầu tiên nghe nhạc giao hưởng, Đa-ni thấy giống như một giấc mộng. Người trên sân khấu nói đây là bản nhạc của E-đơ-va Gờ-ric viết tặng cô Đa-ni Pơ-đơ-xơn. Cô nhớ lại kỉ niệm về người nhạc sĩ đã xách hộ cô chiếc lẵng đầy quả thông về tận nhà. Sau khi kết thúc buổi hòa nhạc, Đa-ni đi đến bờ biển và cảm thấy cuộc sống tươi đẹp hơn bao giờ. Từ văn bản trên, chúng ta nhận ra bài học ý nghĩa về cách cho và nhận quà. Cách cho và nhận quà cần phải hợp lí, thể hiện được tình cảm trân trọng, biết ơn của người cho và người nhận. Giống như cô bé Đa-ni trong câu chuyện, dù món quà nhận được chỉ là một bản nhạc, không có giá trị cao sang hay vật chất nhưng cũng đủ khiến tâm hồn cô hạnh phúc và tràn ngập năng lượng tích cực.
-
Bài tham khảo số 6
Khi đọc văn bản “Lẵng quả thông” trích trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Pao-tốp-xki đã để lại ấn tượng cho bạn đọc sâu sâu. Nhân vật chính trong tác phẩm - cô bé Đa-ni đi nghe hòa nhạc cùng với cô Mac-đa và chú Nin-xơ. Lần đầu tiên nghe nhạc giao hưởng, cô bé cảm thấy giống như một giấc mộng. Khi nghe người trên sân khấu nói đây là bản nhạc của E-đơ-va Gờ-ric viết tặng cô Đa-ni Pơ-đơ-xơn thì cô bé vô cùng xúc động và khóc. Cô bé vừa nghe, vừa nghĩ ngay đến quê hương của mình, cũng như nhớ lại kỉ niệm về người nhạc sĩ nọ. Kết thúc buổi hòa nhạc, Đa-ni đứng dậy và chạy đến bờ biển. Bà Mac-ca đã bảo chồng kín đáo đi theo xem cháu có làm sao không. Khi nghe được tiếng cười của cháu gái, ông Nin-xơn liền trở về nhà và tin rằng cuộc đời của cháu ông sẽ không trôi qua vô nghĩa. Qua câu chuyện về món quà của người nhạc sĩ dành tặng cho Đa-ni, chúng ta nhận ra ý nghĩa của quà tặng trong cuộc sống, giá trị của món quà nằm ở cách cho và cách nhận.
-
Bài tham khảo số 7
Khi đọc văn bản “Lẵng quả thông”, tôi đã có những cảm xúc thật tuyệt vời. Truyện kể về cô bé Đa-ni đến nghe một buổi hòa nhạc cùng cô Mac-đa và chú Nin-xơ. Lần đầu tiên nghe nhạc giao hưởng, Đa-ni thấy giống như một giấc mộng. Người trên sân khấu nói rằng bản nhạc vừa nghe là của nhạc sĩ E-đơ-va Gờ-ric viết tặng cô Đa-ni Pơ-đơ-xơn. Đa-ni mới nhớ lại kỉ niệm về người nhạc sĩ đã xách hộ cô chiếc lẵng đầy quả thông về tận nhà. Sau khi kết thúc buổi hòa nhạc, Đa-ni đi đến bờ biển và cảm thấy cuộc sống tươi đẹp hơn bao giờ. Qua văn bản, tôi cũng nhận ra bài học ý nghĩa về cách cho và nhận quà. Một món quà không nằm ở giá trị vật chất mà thể hiện được tình cảm trân trọng, sự biết ơn của người cho. Vì vậy, chúng ta cần nhận món quà với tấm lòng chân thành. Giống như cô bé Đa-ni trong câu chuyện, dù món quà nhận được chỉ là một bản nhạc, không có giá trị cao sang hay vật chất nhưng cũng khiến cô cảm thấy hạnh phúc.