Bài tham khảo số 1
Vẻ đẹp của truyện ngắn Lẵng quả thông thể hiện trước hết ở bức tranh thiên nhiên bình dị mà vô cùng tráng lệ. Mùa thu, cánh rừng ở Becghen đẹp vô ngần với bầu không khí phảng phất mùi nấm, với tiếng lá rì rào. Rừng thu khoác bộ áo vàng lộng lẫy như được “chế tác tinh xảo” bằng tất cả đồng và vàng trên trái đất. Những chiếc lá mỏng manh đến độ “chỉ cần một tiếng chim hót thôi cũng đủ làm chúng run rẩy”. Mùa đông, sương mù bao phủ thành phố. “Những bông tuyết bay chênh chếch, cố bám lấy ngọn cây”, một bông tuyết rơi “ngập ngừng, lơ lửng giữa từng không”. Tiếng nước nhỏ giọt. Những con sơn tước trên cành huyên thuyên bối rối. Chú dế mèn nhìn Grigơ qua khe hở của chiếc lò sưởi… Paustovsky đã huy động sự tương giao của mọi giác quan để cảm nhận tinh tế mọi hình ảnh, đường nét, màu sắc, âm thanh, hương vị của tự nhiên. Ông đã cảm nhận thiên nhiên bằng trái tim nhạy cảm của một thi nhân, bằng cái nhìn mĩ cảm của một họa sĩ và nhạc cảm của một nhạc sĩ để nhận ra trạng thái run rẩy của những chiếc lá thu, dáng vẻ “ngập ngừng” của bông tuyết đang rơi, thấy tiếng vọng của rừng giống như một con khướu tinh nghịch chuyên “rình mò để chộp lấy” những tiếng động “rồi liệng lại qua những vách đá”; nỗi bối rối của con sơn tước, sự tò mò của chú dế mèn khi nghe tiếng đàn kì diệu,… Qua ngòi bút của nhà văn, thiên nhiên trong Lẵng quả thông có sự sống và linh hồn riêng. Cảnh rừng Na Uy trong truyện ngắn gợi nhớ đến vẻ đẹp nên thơ của thiên nhiên nước Nga như trong các tuyệt tác Mùa thu vàng, Cái yên tĩnh vĩnh hằng, Rừng bạch dương… của danh họa Levitan bởi nhà văn đã phổ vào đó linh hồn của thiên nhiên Nga yêu dấu. Vẻ đẹp đa dạng, sống động của bức tranh phong cảnh khiến người đọc rung động sâu sắc, giúp họ thoát khỏi những ưu tư phiền muộn thường ngày và tìm thấy sự cân bằng, thư thái nội tâm.
*Nguồn: Th.s Nguyễn Thị Khánh Xuân