Top 7 Bài văn phân tích bài thơ Mẹ ốm của Trần Đăng Khoa (Ngữ văn 6) hay nhất

Thai Ha 4851 0 Báo lỗi

Nhà thơ Trần Đăng Khoa được mệnh danh là “Thần đồng thơ trẻ”. Bởi từ khi lên 8 tuổi, ông đã có một số sáng tác thơ ca được đăng trên báo chí. Hai năm sau, khi ... xem thêm...

  1. Mở đầu bài thơ Mẹ ốm, tác giả đã miêu tả cảnh mẹ ốm bằng hình ảnh so sánh:


    “Mọi hôm mẹ thích vui chơi.

    Hôm nay mẹ chẳng nói cười được đâu”


    Thường ngày mẹ hay ăn trầu, đôi má lúc nào cũng đỏ hồng lên. Thế mà hôm nay mọi cảnh vật trong nhà thật buồn bã. Lá trầu cũng như lặng đi và héo khô trong cơi trầu. Những lúc rỗi rãi mẹ thường ngâm nga Truyện Kiều, giờ mẹ bị ốm nên “Truyện Kiều gấp lại trên đầu…”.


    Mẹ vốn là người lam làm tần tảo. Khi mẹ ốm thì “Ruộng vườn vắng mẹ cuốc cày sớm trưa”. Cả cuộc đời mẹ vất vả gian nan nay bị ốm, tác giả đã cảm nhận được và thể hiện qua hình ảnh:


    “Nắng mưa từ những ngày xưa

    Lặn trong đời mẹ đến giờ chưa tan”.


    Tác giả – một em thiếu niên 10 tuổi đã liên tưởng từ hình ảnh “nắng mưa” mà thấy được sự vất vả, những thăng trầm của cuộc sống mà người mẹ đã phải trải qua. Vì vậy mà tác giả như hiểu được người mẹ đang phải chịu sự “đau buốt, nóng ran” khi bị ốm.


    Rồi tình làng nghĩa xóm, sự quan tâm của mọi người tới mẹ cũng được nhà thơ thể hiện rất mộc mạc, giản dị mà thắm đượm tình người:


    “Mẹ ơi, cô bác xóm làng đến thăm.

    Người cho trứng, người cho cam

    Và anh y sĩ đã mang thuốc vào”.


    Điều đó chứng tỏ rằng, hàng ngày mẹ sống tốt với mọi người nên khi mẹ ốm mọi người quý mến và thương cảm tới mẹ. Còn nhà thơ – em bé thiếu niên Trần Đăng Khoa bấy giờ đã thấu hiểu nỗi vất vả cực nhọc của mẹ trong cuộc sống lam lũ mà em đã từng chứng kiến và cảm nhận được:


    “Cả đời đi gió, đi sương

    Bây giờ mẹ lại lần giường tập đi”.


    “Cả đời đi gió đi sương” là hình ảnh ẩn dụ diễn tả sự vất vả, gian khổ của người mẹ. Trong cuộc sống lao động cực nhọc, mẹ đã từng trải qua và vượt lên tất cả để vì cuộc sống và vì tương lai tốt đẹp của các con. Khoa còn hiểu được qua thành ngữ “đi gió đi sương” là nói lên được sự vất vả gian khổ, lao động trong những điều kiện thời tiết khắc nghiệt, sớm tối lặn lội. Cảm nhận được như vậy, chứng tỏ tác giả rất yêu thương mẹ, muốn làm tất cả những gì để mẹ vui lòng mà chóng khỏi ốm:


    “Mẹ vui con có quản gì

    Ngâm thơ, kể chuyện rồi thì múa ca”.


    Khoa còn làm được cả những việc vượt ngoài khả năng mà trước đây bản thân chưa làm được: “Một mình con sắm cả ba vai chèo” – một em thiếu niên thật là ngoan ngoãn, có thể lúc trước còn nhõng nhẽo, hay vòi vĩnh mẹ nhưng bây giờ mẹ ốm đã biết thể hiện sự hiếu thảo của mình qua sự chăm sóc mẹ. Nhìn những nếp nhăn hằn trên khuôn mặt của mẹ, Khoa rất cảm động và thấy vô cùng biết ơn mẹ:


    “Vì con mẹ khổ đủ điều

    Quanh đôi mắt mẹ đã nhiều nếp nhăn”.

    Vì vậy mà trong lòng của nhà thơ lúc nào cũng ước:

    “Con mong mẹ khoẻ dần dần

    Ngày ăn ngon miệng đêm nằm ngủ say”.


    Thật cảm động biết bao trước tình cảm đẹp đẽ của một người con – một cậu bé chưa đầy 10 tuổi trước cảnh “Mẹ ốm”. Bài thơ còn hay ở câu kết mà tác giả đã nói hộ chúng ta về lòng biết ơn vô hạn của những đứa con với các bà mẹ:


    “Mẹ là đất nước, tháng ngày của con”.


    Phải chăng đó cũng là tình cảm của mỗi chúng ta khi nghĩ về mẹ: Con yêu mẹ nhất trên đời, con yêu mẹ như yêu đất nước và mẹ chính là Tổ quốc của riêng con!

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ

  2. Bài thơ Mẹ ốm được viết vào năm 1966, ngôn ngữ chứa đựng đầy những cảm xúc của những em bé dành cho người mẹ của mình. Bài thơ đã được tác giả khắc hoạ rõ tình cảm thiêng liêng ấy.


    Mở đầu bài thơ là một câu kể rất ngây thơ của một em bé.

    Mọi hôm mẹ thích vui chơi

    Hôm nay mẹ chẳng nói cười được đâu


    Bên cạnh cách nghĩ của bé đó là một câu so sánh dành cho mẹ mình, câu này chỉ mang ý nghĩa là một câu nói vui đùa. Vì ở tuổi trẻ con, các bé thích khám phá những cái mới mẻ, cứ nghĩ người lớn giống mình giống suy nghĩ của em. Nhưng thật ra đó là một cái nhìn nhận về sự đau ốm của mẹ.


    Ở hai câu tiếp theo, tác giả lại gởi tả những ngày mẹ không ốm mẹ sẽ tem trầu, không để trầu khô. Và mẹ còn kể chuyện Truyện Kiều cho bé nghe. Hôm nay mẹ ốm nên mẹ gấp để Truyện Kiều lại.


    Lá trầu khô giữa cơi trầu

    Truyện Kiều gấp lại trên đầu bấy nay


    Đó là những suy nghĩ của một em bé rất hồn nhiên vô tư. Trong tiềm thức của em bây giờ đó là không được nghe mẹ kể chuyện thôi. Ở khổ thơ tiếp theo đó là em bé suy nghĩ về những ngày tháng mẹ cực khổ. Mẹ không khoảng thời gia, dù nắng hay mua mẹ vẫn làm, mẹ không màng đến thời gian dù cho trời tối. Cậu bé đã ý thức sâu sắc đến thế về những chịu đựng, hy sinh trời bể của người mẹ thật đã khiến cho không chỉ người mẹ, mà ngay cả người đọc chúng ta cũng không giấu nổi cảm động.


    Cánh màn khép lỏng cả ngày

    Ruộng vườn vắng mẹ cuốc cày sớm trưa

    Nắng mưa từ những ngày xưa

    Lặn trong đời mẹ đến giờ chưa tan


    Và tiếp theo ở khổ thơ kế tiếp đó là sự quan tâm của hàng xóm khi mẹ bị ốm. Được tác giả thể hiện một cách khái quát bằng nhưng hình ảnh rất giản dị mộc mạc. Đó cũng như là một lời động viên để giúp mẹ của em mau khỏi bệnh.


    Khắp người đau buốt, nóng ran

    Mẹ ơi! Cô bác xóm làng đến thăm

    Người cho trứng, người cho cam

    Và anh bác sĩ đã mang thuốc vào


    Điều này chứng tỏ thường ngày mẹ sống rất tốt với hàng xóm, nên giờ mẹ ốm hàng xóm vào thăm cho quà. Hơn thế nữa, em bé lại thấu hiểu được sự vất vả của mẹ mình qua những ngày mẹ ốm.


    Cả đời đi gió đi sương

    Bây giờ mẹ lại lần giường tập đi


    Hai câu thơ trê là ẩn dụ để tác giả nói lên được sự vất vả, gian nan của mẹ để lo hi sinh vì các con. Dù trời mưa nắng mẹ vẫn phải làm việc vất vả. Qua các hình ảnh trên cho thấy tác giả là một người rất yêu thương mẹ mình. Và muốn làm những gì mẹ muốn để động viên giúp mẹ mau khỏi bệnh.


    Mẹ vui, con có quản gì

    Ngâm thơ, kể chuyện rồi thì múa ca

    Rồi con diễn kịch giữa nhà

    Một mình con sắm cả ba vai chèo


    Ở các câu thơ tiếp theo đó là sự trách bản thân thân mình. Vì mình mà mẹ khổ đủ điều, vì sự cực khổ đó mà trên mặt mẹ đã hiện bao nhiêu là né nhăng. Tất cả đều vì thương yêu con mình, muốn cho con có cái ăn cái mặc, có giấc ngủ say. Đây là những lời rất cảm động của tác giả dành cho mẹ mình, đó là lời cảm ơn, đó là những tấm lòng của người con dành cho mẹ.


    Vì con mẹ khổ đủ điều

    Quanh đôi mắt mẹ đã nhiều nếp nhăn

    Con mong mẹ khoẻ dần dần

    Ngày ăn ngon miệng, đêm nằm ngủ say


    Ở câu kết tác giả đã ví mẹ mình như đất nước điều này chứng tỏ được sự biết ơn dành cho mẹ mình.


    Rồi ra đọc sách, cấy cày

    Mẹ là đất nước, tháng ngày của con…


    Bài thơ đã được tác giả khái quát hoá một cách rất cụ thể và chân thành. Đó là tình yêu dành cho người mẹ cũng như là những vất vả cực khổ mà mẹ phải gành chịu. Không chỉ có thể vì tình yêu thương con mình, với mong muốn con có được giấc ngủ, cái ăn cái mặc mà mẹ phải hi sinh tất cả.


    Qua bài thơ này, tác giả muốn nói lên tình cảm của mình dành cho người mẹ của mình thông qua đó nói lên được tình yêu dành cho quê hương đất nước.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  3. Bài thơ Mẹ ốm khắc hoạ hình ảnh người mẹ ốm ăn không ngon, ngủ không yên nhận được nhiều tình cảm yêu thương của xóm làng. Điều đó có nghĩa là mẹ đã sống tử tế, đối xử tốt với mọi người, nên khi ốm đau mẹ được hàng xóm hỏi thăm, cho trứng, cam. Những món quà tuy nhỏ bé, nhưng chứa đựng cả tấm lòng, tình nghĩa xóm giềng. Còn bác sĩ thì tận tình khám bệnh cho thuốc. Từ khi mẹ ốm tác giả miêu tả mọi thứ trở nên vô nghĩa, buồn hiu.


    Tình yêu bao la vô bờ bến của người mẹ dành cho con, vì con mà lưng còng, hao gầy, đôi mắt nhiều nếp nhăn. Những hình ảnh chân thực ấy hiện lên khiến độc giả không khỏi thương xót, ngậm ngùi, bồi hồi. Tình mẹ dành cho con thật to lớn, vì lo cho con mà cuộc đời mẹ vất vả trăm bề. Những lúc con phạm hay không nghe lời, mẹ vẫn hiền hòa bao dung, vị tha, nhân hậu bỏ qua và tha thứ hết tất cả mọi lỗi lầm. Đó chính là tấm lòng mẹ dành con không gì có thể sánh bằng hay đo lường được.


    Rồi khi mẹ ốm, con nghĩ đến công lao chăm lo của mẹ dành cho con nên con chăm sóc, hiếu thảo với mẹ. Đó chính là bổn phận, trách nhiệm của con cái đối với mẹ đã sinh thành, nuôi dưỡng con lớn khôn. Tất cả tình yêu thương ấy đều được tác giả tái hiện thông qua bài thơ sâu sắc, giàu tính nhân văn.


    Tình cảm thương yêu của đứa con dành cho mẹ thật xúc động, nghẹn ngào, đáng được ca ngợi. Tác giả miêu tả những chi tiết, hình ảnh vô cùng chân thực, gần gũi, giản dị mà ấm áp tình yêu thương. Qua bài thơ, Trần Đăng Khoa khuyên nhủ những người con hãy yêu thương mẹ khi còn có thể, hãy sống là đứa con hiếu thảo đối với đấng sinh thành. Cả cuộc đời mẹ tần tảo, vất vả, hy sinh vì con cái mà chưa một lần nghĩ đến bản thân.


    Tác giả muốn giáo dục những ai đang là con, hãy là đứa con hiếu thảo, làm tròn bổn phận, trách nhiệm làm con, biết kính trên nhường dưới, biết những phép tắc cơ bản. Hãy sống tử tế, đối xử chân thành với mọi người như mẹ đã đối xử tốt với xóm làng.


    Những hình ảnh, chi tiết trong bài thơ giúp ta có cái nhìn chân thực, sâu rộng, mở mang tầm nhìn về tình yêu thương của người mẹ dành con, tấm lòng hiếu thảo của con cái dành cho mẹ khiến bao người đọc bài thơ cũng không khỏi xúc động.


    Tác giả sáng tác bài này với mong muốn củng cố tinh thần yêu thương của con cái dành cho mẹ, tình yêu thương đó được nuôi nấng, dạy dỗ, giáo dục từ nhỏ đến lớn lên, hình thành nên tính cách tốt, sống có đạo đức, biết điều hay lẽ phải.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  4. Nhà thơ Trần Đăng Khoa được mệnh danh là “Thần đồng thơ trẻ”. Bởi từ khi lên 8 tuổi, ông đã có một số sáng tác thơ ca được đăng trên báo chí. Hai năm sau, khi 10 tuổi, Trần Đăng Khoa đã xuất bản tập thơ đầu tiên mang tên “Từ góc sân nhà em” (1968). Không dừng lại đó, cũng năm đó, tác giả tiếp tục ra mắt tập thơ thiếu nhi thứ hai với nhan đề “Góc sân và khoảng trời” do NXB Kim Đồng ấn hành.

    Bài thơ “Mẹ ốm” rút ra trong tập thơ “Góc sân và khoảng trời” đó. Có nghĩa là tác phẩm này do một cậu bé 10 tuổi viết. Là một tác phẩm trẻ con viết cho trẻ con đọc nhưng lại mang tới nhiều bài học mà người lớn cũng phải suy nghĩ.Nhà thơ Trần Đăng Khoa được mệnh danh là “Thần đồng thơ trẻ”. Bởi từ khi lên 8 tuổi, ông đã có một số sáng tác thơ ca được đăng trên báo chí. Hai năm sau, khi 10 tuổi, Trần Đăng Khoa đã xuất bản tập thơ đầu tiên mang tên “Từ góc sân nhà em” (1968). Không dừng lại đó, cũng năm đó, tác giả tiếp tục ra mắt tập thơ thiếu nhi thứ hai với nhan đề “Góc sân và khoảng trời” do NXB Kim Đồng ấn hành.

    Bài thơ “Mẹ ốm” rút ra trong tập thơ “Góc sân và khoảng trời” đó. Có nghĩa là tác phẩm này do một cậu bé 10 tuổi viết. Là một tác phẩm trẻ con viết cho trẻ con đọc nhưng lại mang tới nhiều bài học mà người lớn cũng phải suy nghĩ.


    Khi viết bài thơ này, tác giả mới chỉ là cậu bé lên 9, lên 10. Do đó, cậu có cái nhìn thật trẻ thơ, trong treo với việc mẹ. Với cậu, những ai thích vui chơi, thích nói cười là những người không ốm. Những ai còn nhai trầu, còn đọc truyện Kiều là không ốm. Thế nhưng, hôm nay mẹ ốm thật rồi. Vì mẹ đã không làm những việc thường ngày đó.


    “Mọi hôm mẹ thích vui chơi

    Hôm nay mẹ chẳng nói cười được đâu

    Lá trầu khô giữa cơi trầu

    Truyện Kiều gấp lại trên đầu bấy nay”


    Sẽ rất nhiều em bé thấy mẹ ốm. Tuy nhiên không phải ai cũng nghĩ, cũng ví von một cách tinh tế như nhà văn Trần Đăng Khoa. Mặc dù chỉ là những hành động giản đơn, việc làm quen thuộc nhưng có thể thấy, nhà thơ rất để tâm tới từng thói quen của mẹ. Ông quan sát kỹ và ghi nhớ nó như một dấu hiệu nhận biết. Qua đây, cũng thấy được tình cảm mẹ con thân thiết của ông. Người mẹ ấy ngoài thời gian làm việc còn dành thời gian vui chơi, cười đùa, đọc truyện cùng nhà thơ. Thật là một người mẹ có tư tưởng tiến bộ.

    Không dừng lại đó, nhà thơ tiếp tục miêu tả việc mẹ ốm bằng những hình ảnh như “Cánh màn khép lỏng cả ngày/ Ruộng vườn vắng mẹ cuốc cày sớm trưa”. Nhà thơ không chỉ dành thời gian quan sát khi mẹ ở cạnh mình mà ngay cả khi mẹ làm việc nơi xa. Thế nên ông mới biết, mẹ vẫn thường xuyên ra ruộng ra vườn. Từ đó ông cũng ngờ ngợ nhận ra “Nắng mưa từ những ngày xưa/ Lặn trong đời mẹ đến giờ chưa tan”.


    Thật khó có thể tin nỗi đây là lời thơ từ một cậu bé thiếu nhi. Chỉ có thể là một cậu bé có suy nghĩ sâu sắc, có trái tim yêu thương mẹ tha thiết, có sự tinh tế trong cách quan sát và có vốn từ sâu rộng mới làm được. Hai câu thơ thể hiện rõ rệt rằng, nhà thơ dù bé nhưng đã sớm ý thức được nỗi vất vả của mẹ, đức hy sinh của mẹ. Điều đó, khiến bài thơ không chỉ trở nên ấm áp tình mẹ con hơn mà còn khiến độc giả vô cùng cảm động.


    Không chỉ dừng lại ở việc miêu tả tình cảnh mẹ ốm ra sao, tác giả còn viết thêm câu chuyện về tình người, tình hàng xóm láng giềng. Nhà thơ cho hay:


    “Khắp người đau buốt, nóng ran

    Mẹ ơi! Cô bác xóm làng đến thăm

    Người cho trứng, người cho cam

    Và anh bác sĩ đã mang thuốc vào”


    Phân tích bài thơ Mẹ ốm của Trần Đăng Khoa, độc giả chợt thấy những chi tiết việc làm hàng ngày bỗng trở nên thật thơ, thật ý nghĩa. Tác giả nhắc tới sự quan tâm của hàng xóm khi mẹ bị để chứng tỏ rằng, khi khỏe mạnh mẹ rất được mọi người yêu quý. Mẹ yêu thương người khác nên khi nghe tin mẹ ốm, không chỉ con mà tất cả mọi người trong xóm làng đều lo lắng, quan tâm.


    Những lần thăm hỏi, những món quà dân giã quả trứng, quả cam nhưng chan chứa tình người. Đó cũng là niềm hãnh diện của người con khi có một người mẹ tốt, được mọi người tôn trọng. Qua đây, cũng thể hiện lòng biết ơn của cậu bé đối với những người láng giềng. Dù còn bé nhưng cậu đã biết lễ nghĩa, để rồi dù là một sự quan tâm nhỏ của họ cũng trở thành niềm vui trong mắt của trẻ thơ.


    Không hổ danh là “thần đông thơ trẻ”, khi gần cuối bài tác giả đã thổ lộ tấm lòng hiếu thảo của mình bằng những câu thơ hết sức trong trẻo:


    “Sáng nay trời đổ mưa rào

    Nắng trong trái chín ngọt ngào bay hương

    Cả đời đi gió đi sương

    Bây giờ mẹ lại lần giường tập đi”.


    Điều này có thể thấy, dường như từ khi mẹ ốm, tác giả không rời mẹ nửa bước. Mỗi sự thay đổi của mẹ đều được tác giả ghi nhận. Không những thế, để mẹ nhanh khỏe hơn, tác giả đã ngâm thơ, kể chuyện rồi múa ca. Tác giả không ngần ngại một mình sắm cả ba vai chèo để mua vui cho mẹ. Những việc làm đó xuất phát từ trái tim, từ tâm của người con.


    Bởi tác giả hiểu “Vì con mẹ khổ đủ điều/ Quanh đôi mắt mẹ đã nhiều nếp nhăn”. Vì thế, khi mẹ ốm, tác giả không cầu mong gì hơn ngoài việc mẹ nhanh khỏe, để ăn ngon miệng để ngủ ngon giấc hơn, rồi đọc sách với con, để lao động…


    Tất cả những hình ảnh, những câu thơ ấy đã tuôn trào một cách tự nhiên trong mạch cảm xúc của một cậu bé. Khiến người đọc cũng như được trở về tuổi thơ, được một lần nhớ lại những ngày thơ ấu khi chứng kiến mẹ ốm.


    Nhưng đặc biệt nhất là ở câu thơ cuối, tác giả đã viết “Mẹ là đất nước, tháng ngày của con…” Câu thơ là phép so sánh ẩn dụ hình tượng người mẹ với đất nước, với tháng ngày trưởng thành của người con. Khá khen thay cho một tâm hồn trẻ thơ sâu sắc và nhạy cảm như Trần Đăng Khoa. Bởi không phải đứa trẻ nào cũng hiểu được “đất nước” là gì, “tháng ngày” là gì.


    Câu kết như một lời cảm ơn chân thành của người con dành cho mẹ. Bởi tác giả hiểu, đất nước là cội nguồn. Cũng như mẹ là người đã có công sinh thành và dưỡng dục. Đúng như câu ca “quê hương là mẹ, mẹ là quê hương”.


    Tình cảm ấy được nhà thơ viết không phải lúc mẹ khỏe mạnh, mà chính là lúc mẹ ốm. Ông viết để một phần giúp mẹ khỏe hơn một phần bày tỏ nỗi lòng lo lắng, cũng như tình yêu của bản thân dành cho mẹ. Dưới con mắt của trẻ thơ, dưới ngòi bút của một cậu bé, những lời thơ hiện ra thật trong sáng và hồn nhiên. Dù không đao to búa lớn, nhưng những câu thơ hình ảnh mộc mạc thân thương ấy lại mang đến nhiều giá trị tinh thần cho độc giả, không riêng gì các độc giả nhỏ tuổi.


    Qua tác phẩm này, tác giả không chỉ muốn ca ngợi đức hy sinh của người mẹ dành cho con, không chỉ là tình cảm yêu thương con dành cho mẹ mà còn có cả tình yêu quê hương đất nước.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  5. Mẹ ốm là bài thơ lục bát của Trần Đăng Khoa đọc lên nghe thật cảm động. Bài thơ là tấm lòng ân tình sâu nặng, là tình thương mẹ thiết tha của đứa con thơ giàu lòng hiếu thảo đối với mẹ hiền.


    Mọi hôm, mẹ thích vui cười. Mẹ vẫn thích ăn trầu và đọc Kiều. Thế mà hôm nay, mẹ bị ốm, mẹ chẳng nói cười được nữa. Lá trầu, trang Kiều cũng trở nên cô đơn buồn thương:


    Lá trầu khô giữa cơi trầu

    Truyện Kiều gấp lại trên đầu bấy nay


    Mẹ nằm liệt giường, liệt chiếu. Ruộng vườn nhớ mong mẹ sớm trưa:


    Cánh màn khép lỏng cả ngày

    Ruộng vườn vắng mẹ cuốc cày sớm trưa


    Con thương mẹ ngã bệnh “đau buốt, nóng ran”. Bà con xóm làng, anh y sĩ…tất cả đến thăm hỏi ân cần chăm sóc. Tình nghĩa anh em bà con như bát nước đầy:


    Mẹ ơi! Cô bác xóm làng đến thăm

    Người cho trứng, người cho cam

    Và anh y sỹ đã mang thuốc vào


    Đứa con khi nhìn mẹ “lần giường tập đi” mà thương mẹ, người mẹ tần tảo, vất vả cả đời đi gió về sương, người mẹ đã dành tất cả cho đàn con thơ:


    Vì con, mẹ khổ đủ điều

    Quanh đôi mắt mẹ đã nhiều nếp nhăn.

    Thương mẹ ốm đau, đứa con thơ chỉ cầu mong:

    Con mong mẹ khoẻ dần dần

    Ngày ăn ngon miệng, đêm nằm ngủ say


    Với con thơ, mẹ là cuộc đời, mẹ là hạnh phúc, mẹ là quê hương đất nước của con. Biết bao yêu mến, biết ơn và tự hào về mẹ:


    Mẹ là đất nước tháng ngày của con


    Có tấm lòng nào bao la bằng tấm lòng của mẹ hiền? Có tình thương nào tha thiết, sâu nặng bằng tình con thương mẹ. Bài thơ Mẹ ốm của Trần Đăng Khoa cho ta cảm thấy sâu sắc hơn tình mẫu tử ở đời.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  6. Bài thơ Mẹ ốm Trần Đăng Khoa là một trong những sáng tác tiêu biểu của nhà thơ. Bài thơ này được đăng tải trong tập Góc sân và khoảng trời. Nó được viết năm 1966 với mạch cảm xúc và ngôn ngữ của những em bé dành cho mẹ của mình. Và thông qua các vần thơ này ta có thể dễ dàng cảm nhận được tình cảm thiêng liêng, tình mẫu tử ấy.


    Bài thơ Mẹ ốm được viết dưới góc nhìn của một em bé khi ấy còn rất nhỏ nên trong đó nó chứa đựng sự hồn nhiên và vui tươi của lứa tuổi ấy. Bên cạnh đó khắc họa trong bài thơ chính là tình cảm gia đình ấm áp, là những yêu thương mà con dành cho mẹ. Để rồi qua bài thơ này ta cảm nhận được tình cảm của bản thân dành cho mẹ của mình.


    Bài thơ Mẹ ốm được mở đầu bằng một câu kể đầy hồn nhiên và ngây thơ. Đó cũng chính là một câu so sánh mà em bé dành cho mẹ của mình. Nó mang ý nghĩa như là một câu nói đùa. Bởi ở lứa tuổi trẻ con các em bé thích khám phá sự mới mẻ nên cũng nghĩ rằng những người lớn cũng có suy nghĩ như vậy. Tuy nhiên đó cũng chính là một cách nhìn nhận về sự đau ốm của mẹ.


    Mọi hôm mẹ thích vui chơi

    Hôm nay mẹ chẳng nói cười được đâu

    Lá trầu khô giữa cơi trầu

    Truyện Kiều gấp lại trên đầu bấy nay

    Cánh màn khép lỏng cả ngày

    Ruộng vườn vắng mẹ cuốc cày sớm trưa

    Nắng mưa từ những ngày xưa

    Lặn trong đời mẹ đến giờ chưa tan


    Khi mẹ ốm mẹ cũng sẽ không têm trầu và để trầu khô. Và mẹ cũng không còn kể Truyện Kiều cho bé nghe. Đó là những suy nghĩ rất hồn nhiên và ngây ngô của một đứa trẻ. Trong tiềm thức của đứa bé ấy cũng chỉ là việc không được nghe mẹ kể chuyện mà thôi.


    Ở khổ tiếp theo em bé đã suy nghĩ về những ngày tháng bất vả và sư hy sinh của mẹ. Mẹ đã không quản nắng mưa mà vẫn làm mọi thứ, từ sáng cho tới tối. Đó là một sự suy nghĩ sâu sắc mà không phải đứa bé nào ở độ tuổi ấy cũng có thể làm được. Đó là ý thức về những chịu đựng vất vả của mẹ làm người đọc không khỏi xót xa.


    Khắp người đau buốt, nóng ran

    Mẹ ơi! Cô bác xóm làng đến thăm

    Người cho trứng, người cho cam

    Và anh bác sĩ đã mang thuốc vào


    Mẹ cũng là một người được hàng xóm quan tâm chăm sóc. Đó cũng chính là lời động viên dể mẹ nhanh khỏi bệnh. Điều này cũng chứng tỏ bình thường mẹ sống rất tốt với hàng xóm nên họ đến và cho mẹ quà. và qua đó bé cũng thấu hiểu được những điều vất vả của mẹ thông qua những ngày mẹ bị ốm.


    Bởi mẹ vất vả và hy sinh vì các con. Dù nắng mưa mẹ vẫn làm việc và đã cho con một cuộc sống ấm no hơn. Qua các hình ảnh đó ta cảm nhận được tác giả là một người rất yêu thương mẹ mình. Cũng chính vì điều đó nên đã thúc đầy mong muốn làm điều gì đó cho mẹ nhanh khỏe.


    Đọc những vần thơ tiếp theo ta không khỏi xót xa. Bởi lẽ mẹ vất vả cũng là vì bản thân mình. Và sự vất vả ấy in hằn trên khuôn mặt mẹ. Điều này cũng bởi vì mẹ yêu thương con mình và mong muốn cho con có được một cuộc sống ấm no hạnh phúc. Và cũng chính sự yêu thương làm con người ta có thể cảm nhận được những vần thơ mà tác giả viết lên rất xúc động. Đó cũng chính là lời cảm ơn mà tác giả dành cho mẹ của mình. Đó cũng chính là tấm lòng và là tình cảm của người con.


    Vì con mẹ khổ đủ điều

    Quanh đôi mắt mẹ đã nhiều nếp nhăn

    Con mong mẹ khoẻ dần dần

    Ngày ăn ngon miệng, đêm nằm ngủ say


    Ở câu kết của bài thơ tác giả đã ví mẹ mình như là đất nước. Qua đó ta cảm nhận được tình cảm và sự biết ơn. đó cũng chính là tình yêu thương gia đình và rộng hơn là tình yêu quê hương đất nước.

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ
  7. Mẹ tôi vốn vui tính, thích nói thích cười, dẫu cho công việc nhà nông hằng ngày vất vả. Vậy mà mấy hôm nay, mẹ ốm phải nằm một chỗ.


    Mẹ nằm thiêm thiếp sau cánh màn buông lỏng. Ruộng vườn vắng bóng dáng cặm cụi cuốc cày của mẹ. Chắc là nắng mưa bao năm lặn trong đời mẹ giờ đây đã làm cho mẹ ốm. Khắp người mẹ nóng ran, đau nhức, khiến mẹ khó chịu vô cùng.


    Cô bác trong làng kéo đến hỏi thăm. Người cho trứng, người cho cam. Anh y sĩ ở trạm y tế cũng vào khám bệnh và phát thuốc. Mẹ cố gượng cười cảm ơn. Nhìn vẻ tiều tuỵ của mẹ, em thương đứt ruột!


    Sáng nay, bất chợt trời đổ mưa rào. Cơn mưa ập đến rất nhanh và tạnh cũng rất nhanh. Mặt trời lại toả nắng giữa không trung bao la. Trong vườn, ríu rít tiếng chim và thơm ngát mùi trái chín đầu mùa. Chừng như cảm thấy cơn bệnh đã lui, mẹ bước xuống, lần giường tập đi từng bước. Đôi chân cả đời đi gió đi sương, giờ run rẩy đỡ tấm thân gầy của mẹ.Tự đáy lòng, em cầu mong mẹ mau hết bệnh, ngày ăn ngon miệng, tối ngủ ngon giấc, để rồi mẹ lại tiếp tục những công việc đồng áng quen thuộc, lại đọc Kiều, ngâm Kiều và kể chuyện cổ tích cho em nghe.


    Mẹ ơi! Mẹ là những gì quý giá nhất! Mẹ là quê hương, đất nước, tháng ngày của con!

    Hình minh hoạ
    Hình minh hoạ




Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy