Top 12 Bệnh về đường hô hấp thường gặp ở trẻ em
Trẻ em là một trong những đối tượng nhạy cảm do sức đề kháng còn non nớt, cơ thể chưa phát triển đầy đủ các chức năng. Trong đó, bệnh hô hấp là một trong những ... xem thêm...bệnh khá thường gặp ở trẻ nhỏ, chiếm đến hơn 50% bệnh lý. Các bệnh hô hấp có thể nguy hại đến tính mạng nếu không phát hiện sớm và có cách chữa trị hợp lý. Sau đây, hãy cùng Toplist tìm hiểu về những bệnh hô hấp thường gặp ở trẻ em và cách phòng tránh.
-
Cảm lạnh
Cảm lạnh thông thường (hay còn gọi là nhiễm trùng đường hô hấp trên) là bệnh hô hấp do virus gây ra, phổ biến nhất là Rhinovirus. Đây là một bệnh hô hấp ở trẻ em khá phổ biến và hầu hết các bé sẽ bị cảm lạnh từ sáu đến tám lần mỗi năm, đặc biệt là vào mùa mưa lạnh.
Nguyên nhân dẫn đến cảm lạnh ở trẻ:- Nguyên nhân dẫn đến bệnh cảm lạnh ở trẻ có thể bắt nguồn từ một bệnh viêm đường hô hấp trên (mũi, miệng và cổ họng). Bệnh này gây ra bởi nhiều loại virus khác nhau. Trẻ nhỏ có hệ thống miễn dịch chưa hoàn chỉnh nên rất dễ bị cảm lạnh.
- Theo các chuyên gia về nhi khoa cho biết. Các bé có thể bị nhiễm cảm lạnh do lây từ người bị cảm.( Khi mà người đó ho, hắt hơi làm bắn virus cảm lạnh vào không khí và khiến bé hít phải). Bệnh cũng có thể được truyền qua tiếp xúc bằng tay. Bệnh này rất dễ lây nhiễm từ người bị bệnh sang người khỏe mạnh.
Các triệu chứng cảm lạnh thường thấy là:
- Chảy nước mũi, chảy nước mắt
- Hắt xì hơi liên tục
- Đau họng, ho, nghẹt mũi
- Có thể sốt hoặc không
- Ngoài những dấu hiệu kể trên, trẻ cũng có thể gặp phải hiện tượng tiêu chảy, nôn mửa, dễ cáu gắt, đau đầu và khó chịu, mệt mỏi. Sau đó, các chất nhầy ở mũi cô đặc lại, bé sẽ không còn khó chịu nữa.
Ngăn ngừa cảm lạnh cho bé:
- Mẹ nên cho con bú trên 12 tháng hoặc ít nhất là 6 tháng. Bởi đây là một trong những cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe cho bé. Sữa mẹ chứa kháng thể, giúp bé chống nhiễm trùng. Thường thì trẻ được bú mẹ sẽ ít bị cảm lạnh hay nhiễm trùng hơn.
- Cách ly bé với những người đang bị ho hay cảm lạnh. Cần rửa tay sạch trước khi bế con.
- Tránh và hạn chế cho bé tới nơi có người đang hút thuốc lá. Bởi những bé sống với người thân hút thuốc thường dễ bị cảm lạnh. Cùng với đó thì cơn cảm lạnh cũng kéo dài hơn.
Cách điều trị:
- Khi bé bị cảm lạnh nhẹ cha mẹ có thể điều trị cho bé tại nhà. Bằng cách khá đơn giản là giữ ấm cho bé, nhất là các bộ phận dễ bị nhiễm lạnh như chân, tay và cổ họng của bé.
Cho trẻ uống nhiều nước và những thức ăn dạng lỏng, tuy nhiên cần tránh những loại nước uống có ga. - Sau khi bé bị sốt cao, ra mồ hôi nhiều. Cha mẹ nên thay áo quần ngay cho bé. Để tránh tình trạng cảm lạnh của bé bị nặng thêm. Đồng thời dùng khăn sạch nhúng nước ấm lau mình cho bé để hạ sốt. Khi lau cho bé cha mẹ cần nhớ chú ý đến vùng cổ, da bẹn và hai bên nách của bé.
- Ngoài ra cha mẹ cần chú ý tuyệt đối không dùng nước đá để chườm cho bé. Bởi vì khi nhiệt độ lạnh quá sẽ khiến cho các mạch máu của bé bị co lại.
- Nếu bạn không vệ sinh cho bé trong thời điểm này. Có thể sẽ dẫn đến da của bé có thể bị nhiễm trùng, nổi rôm sảy. Ngoài ra, trẻ còn có thể cảm thấy ngứa ngáy và khiến tình trạng bệnh càng nặng thêm.
- Nếu bé đã ăn dặm thì bạn nên cho bé uống nhiều nước lọc và thức ăn dạng lỏng để tránh bé bị mất nước và làm hạ sốt nhanh.
Bệnh cảm lạnh tuy không ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của trẻ nhiều. Nhưng nếu không biết cách điều trị thì tình trạng của bệnh rất khó lành và dễ kéo dài. Sẽ làm cho bé rất mệt mỏi và khó chịu.
-
Bệnh cảm cúm
Cảm cúm là bệnh rất dễ nhầm lẫn với cảm lạnh, song lại do virus cúm A và B gây ra. Đây là một bệnh lây do bị nhiễm khuẩn ở đường hô hấp, có thể lây từ trẻ này sang trẻ khác chỉ cần chi tiết giao tiếp nhỏ cũng gây nên bệnh. Đa số trẻ nào cũng gặp phải bệnh này, tuy nhiên bệnh không có nguy hại gì lắm, nhưng các bạn nên chú ý và chăm sóc trẻ tốt như vậy sẽ giúp trẻ nhanh khỏi hơn.
Trẻ bị cảm cúm thường có các triệu chứng như sau:
- Sốt cao trên 38 độ C từ 3-7 ngày
- Lạnh run, ớn lạnh
- Sổ mũi, hắt hơi, đau họng
- Bé có dấu hiệu mệt mỏi, đau nhức các cơ
- Tiêu chảy, nôn mửa, quấy khóc
- Phần lớn các bé ngủ li bì, bỏ ăn hoặc ăn ít, người yếu ớt.
- Diễn tiến bình thường, sau từ 4-7 ngày, bệnh cúm sẽ tự khỏi dần, sốt và các triệu chứng khác thường biến mất nhưng ho và tình trạng mệt mỏi vẫn kéo dài. Tuy nhiên có trường hợp nặng, bệnh để lại nhiều biến chứng nguy hiểm.
Phòng ngừa bệnh cảm cúm:
- Tiêm phòng văc-xin cúm
- Không cho trẻ tiếp xúc với trẻ đang mắc bệnh
- Cho trẻ ăn uống đủ dinh dưỡng và tham gia các hoạt động thể chất lành mạnh
- Vệ sinh cá nhân và nhà cửa hàng ngày. Hướng dẫn trẻ rửa tay đúng cách trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Cách điều trị cảm cúm cho trẻ:
- Cảm cúm có thể khỏi sau vài ngày nên phần lớn chỉ điều trị triệu chứng mà không cần dùng thuốc. Tuy nhiên, khi thấy trẻ có dấu hiệu bị lây bệnh cần đưa đi bác sĩ để chữa kịp thời để không bị nặng hơn.
- Cho trẻ ăn uống đủ dinh dưỡng, ăn chín, uống sôi, uống nhiều nước
- Vệ sinh cá nhân cho trẻ sạch sẽ
- Dùng nước muối sinh lý NaCl 0,9% rửa mũi cho bé
- Đo thân nhiệt mỗi 3 - 4 giờ. Nếu không hạ nhiệt trong vòng 36h thì đưa bé đến gặp bác sĩ. Đặc biệt, nếu bé sốt cao, ho nhiều, đau ngực, đau tai, nước mũi vàng thì có thể bị nhiễm trùng phổi, viêm tai giữa, cần nhanh chóng đưa bé đến gặp bác sĩ.
- Cách hạ sốt cho trẻ: chườm ấm, cho bé mặc thoáng mát, kê gối cao, uống nhiều nước để làm mát cơ thể,...
-
Bệnh viêm thanh, khí phế quản
Bệnh viêm thanh, khí phế quản (còn gọi là croup) ở trẻ là bệnh xảy ra phổ biến ở trẻ, gây ra tình trạng phù nề vùng hạ thanh môn (thanh, khí phế quản) ở trẻ cản trở đường dẫn khí gây khó thở. Vết sưng khiến không khí không thể vào phổi trơn tru, từ đó tạo ra tiếng rít khi hít thở sâu. Giọng của người bị viêm thanh khí phế quản cũng có thể khàn hơn bình thường.
Bệnh croup thường ảnh hưởng đến trẻ nhỏ dưới 4 tuổi và có các triệu chứng đặc trưng là ho khan, khàn và suy hô hấp.
Nguyên nhân:
Những trẻ bị viêm thanh khí phế quản cấp thường có đến 70% xuất phát điểm do virus Parainfluenza gây ra, sau đó là RSV, Adenovirus, Influenza virus, đôi khi do vi trùng như Mycoplasma pneumoniae. Những trẻ trong độ tuổi từ 1-2 tuổi là đối tượng hay bị mắc bệnh này nhất.
Các triệu chứng của bệnh:- Bệnh viêm thanh khí phế quản cấp rất nguy hiểm vì nó có thể gây ra việc nghẽn tắc đường thở, đặc biệt nguy hiểm khi trẻ trở nên quấy khóc do đau và mệt hoặc chỉ ngủ lả đi, phản ứng chậm lại trước lời gọi của bố mẹ hoặc anh chị.
- Ho, sốt, thở rít... chính là dấu hiệu đầu tiên và rõ ràng nhất.
- Một vài triệu chứng khác có thể bao gồm rát cổ họng, chảy nước mũi hoặc sốt cao, khó nuốt; cơ thể tím tái, xanh xao.
- Ngoài ra, trẻ có thể bị khàn giọng, ho khan, thở gấp, khi hít thở trẻ có thể tạo ra âm thanh như tiếng rít hay tiếng gió. Các triệu chứng này trở nên rõ ràng hơn lúc trẻ nằm và đặc biệt là vào buổi tối.
- Nếu không được chữa trị kịp thời, còn có nguy cơ dẫn đến tắc nghẽn đường thở nặng như lơ mơ, tím tái, vẻ mệt và kiệt sức, co lõm ngực nặng.
Cách phòng, điều trị bệnh:.
- Vệ sinh sạch sẽ cho trẻ nhất là đường hô hấp, nên súc miệng nước muối cho trẻ.
- Nên tránh các tác nhân gây bệnh như: vi khuẩn, bụi bặm, nguồn nước thải,..
- Không tiếp xúc nhiều với trẻ đang bị bệnh tránh tình trạng lây nhiễm.
- Khi trẻ bị viêm thanh khí phế quản hãy cho trẻ uống nhiều nước. Ngoài nước lọc, cha mẹ có thể cho trẻ uống nước ép trái cây, rau xanh, sinh tố hoa quả để cân bằng điện giải, cung cấp năng lượng và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
- Cho trẻ tắm nước mát, không tắm nước lạnh và chườm khăn để hạ thân nhiệt.
- Với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi cũng như trẻ lớn, mẹ đều nên chia nhỏ bữa ăn và cố gắng cho trẻ ăn uống, bú sữa đầy đủ. Việc đó sẽ tăng cường khả năng miễn dịch cũng như cung cấp năng lượng cho cơ thể trẻ. Tránh để tình trạng trẻ biếng ăn, ăn ít trong thời gian mắc bệnh có thể khiến triệu chứng chuyển biến nặng nề và dễ gây biến chứng suy hô hấp.
- Nên cho trẻ xông hơi với tinh dầu để làm thông đường thở, giảm phù nề niêm mạc hô hấp và loại bỏ tắc nghẽn ở hốc mũi.
Khi trẻ được điều trị và chăm sóc đúng cách, bệnh viêm thanh khí phế sẽ thuyên giảm sau 3 - 5 ngày.
-
Bệnh viêm họng
Viêm họng ở trẻ em là tình trạng phần niêm mạc ở trong hầu họng xảy ra viêm nhiễm, các tổn thương xuất hiện bởi vi khuẩn, nấm hoặc virus.
Viêm họng phần lớn do trẻ nhiễm lạnh, nhiễm virut vi khuẩn, đây là nguyên nhân chính khiến đến 80% trẻ trong độ tuổi 3-15 tuổi dễ mắc phải vì chúng còn có khả năng lây lan cao do virut có thể truyền qua đường nước bọt. Ngoài ra, các tác nhân có thể có nguồn gốc từ môi trường ô nhiễm, nhiều hóa chất, không khí có lượng bụi bẩn cao.
Bệnh viêm họng ở trẻ được chia làm 2 mức độ:- Viêm họng cấp tính: gồm viêm họng đặc tính, viêm họng giả mạc, viêm họng thể đỏ cấp hoặc viêm họng loét.
- Viêm họng mãn tính: Bệnh sẽ tái phát khá nhiều lần trong năm và biểu hiện thường gặp nhất là loại viêm họng hạt, xuất tiết, viêm họng mủ hoặc thể mãn tính xơ teo,…
Những biểu hiện thường thấy:
- Bé bắt đầu ho nhiều, khi ho có thể kèm với đờm hoặc không, bé bị khàn tiếng.
- Các cơn sốt khá cao, thường từ 38 - 40 độ, cơ thể mệt mỏi, con khóc nhiều và biếng ăn.
- Các bé sẽ bị thở khò khè, nghẹt mũi dẫn đến khó thở hoặc bị sổ mũi, hắt hơi.
- Cổ họng lúc này khi quan sát sẽ thấy hiện tượng sưng đỏ, vòm họng còn có thể xuất hiện thêm những đốm trắng xung quanh.
- Trên cổ có thêm hạch sưng to.
Cách điều trị:
- Lau người cho con bằng khăn ấm, chú ý ở vùng nách, bẹn và cổ.
- Cho con ăn các món nhiều dinh dưỡng và dễ ăn như cháo, súp,… uống nhiều nước, ăn thêm nhiều hoa quả và có thể bổ sung thêm nước muối pha loãng.
- Chú ý giữ ấm cơ thể nhưng không để con mặc quá nhiều áo quần.
- Cần vệ sinh không gian sống thật sạch sẽ, không để con tiếp xúc với lông thú, bụi bẩn,…
- Ra đường nên bịt khẩu trang cho trẻ, không cho trẻ chơi ở nơi ô nhiễm không trong lành
-
Bệnh viêm phổi
Viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng bên trong phổi, xuất hiện khi vi khuẩn hay virus mắc kẹt trong cơ quan này, chúng sinh sôi nảy nở và tạo ra những ổ nhiễm trùng. Vi khuẩn thường gặp nhất là phế cầu khuẩn, và một số loại virus khác cũng gây nên bệnh này. Đây là căn bệnh nếu không được phát hiện sớm và chữa trị kịp thời có thể là nguyên nhân gây tử vong cao ở trẻ dưới 5 tuổi.
Nguyên nhân gây bệnh viêm phổi ở trẻ:
- Trẻ trên 5 tuổi thường gặp viêm phổi do các loại vi khuẩn không điển hình như: Mycoplasma Pneumonia, Chlamydia Pneumoniae, phế cầu, các loại siêu vi hô hấp.
- Trẻ dưới 5 tuổi thường gặp viêm phổi do vi khuẩn: Phế cầu, tụ cầu vàng, liên cầu pyogenes, HiB.
- Trẻ dưới 2 tháng tuổi thì ngoài các vi khuẩn như của trẻ dưới 5 tuổi còn có thể gặp một số vi khuẩn đường ruột như: E.Coli, Proteus,... do mẹ truyền qua.
- Hay gặp ở trẻ dưới 1 tuổi, đẻ non, trẻ có sức đề kháng kém, suy dinh dưỡng, trẻ em ở các nước nghèo, điều kiện kinh tế, vệ sinh, chăm sóc y tế kém. Trẻ thường xuyên hít phải khói thuốc lá ở người lớn. Tuổi đi học mẫu giáo hay nhà trẻ, nơi đông người,... là những đối tượng trẻ có tỷ lệ mắc viêm phổi cao.
Các triệu chứng:
- Trẻ bị viêm phổi thường có các triệu chứng lâm sàng: sốt, ho, thở nhanh, khó thở: Ho vừa đến nặng, thường là ho nặng tiếng, thở nhanh liên tục (khác với biểu hiện thở nhanh nhất thời khi trẻ bị sốt cao). Trẻ được coi là thở nhanh nếu thở trên 60 lần/phút (đối với trẻ dưới 2 tháng tuổi), trên 50 lần/phút (đối với trẻ từ 2 tháng-1 tuổi) hoặc trên 40 lần/phút (với trẻ trên 1 tuổi).
- Thở gắng sức: cánh mũi phập phồng, thở rên, co kéo cơ liên sườn (vị trí phần mềm giữa các xương sườn lõm vào khi trẻ hít vào), co rút hõm ức, rút lõm lồng ngực.
- Sốt vừa đến sốt cao nhưng đôi khi không có ở trẻ có hệ miễn dịch yếu.
- Nôn không chỉ sau những cơn ho mạnh mà cả giữa các cơn ho.
- Tím tái quanh môi và ở mặt do trẻ bị thiếu oxy.
Nếu trẻ có một vài trong các triệu chứng trên thì nhiều khả năng trẻ đã bị viêm phổi. Quan trọng nhất là ba triệu chứng ho, sốt và thở nhanh hay thở gắng sức.
Cách phòng ngừa bệnh viêm phổi:
- Tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch các vắc xin như: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, Hib, cúm, phế cầu...
- Vệ sinh sạch sẽ, tránh lây lan, không hút thuốc, đun nấu trong phòng có trẻ nhỏ. Cách ly trẻ với người bị bệnh để tránh lây lan thành dịch.
- Phát hiện sớm các biểu hiện của bệnh viêm đường hô hấp như: Ho, sốt, chảy nước mũi, khó thở,... và các rối loạn khác như tiêu chảy, ăn kém, chậm tăng cân để biết cách chăm sóc và điều trị kịp thời.
- Nên cho trẻ bú mẹ từ ngay khi sinh ra đến khi 2 tuổi để cơ thể trẻ được phát triển toàn diện và khả năng chống lại bệnh tật tốt hơn.
Điều trị viêm phổi cho trẻ:
- Khi thấy trẻ có các triệu chứng như trên, nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế, chụp X-quang, xét nghiệm máu và điều trị kháng sinh kịp thời; tuyệt đối không tự ý điều trị kháng sinh tại nhà.
- Hạ sốt cho trẻ: Chườm ấm tích cực. Nếu trẻ sốt trên 38,5 độ C, có thể cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ. Tăng cường uống nước để giảm sốt và làm loãng đờm.
- Vỗ lưng và giúp trẻ bài tiết đờm hiệu quả: Phương pháp này giúp lưu thông tuần hoàn máu của phổi, giúp đờm trong phế quản long ra và thải ra ngoài dễ dàng. Cha mẹ thực hiện vỗ lưng tốt nhất là trước bữa ăn hoặc sớm nhất là 1 giờ sau khi ăn để tránh gây nôn, bằng cách gập bàn tay ở chỗ cổ tay rồi khum bàn tay lại. Giữ cho ngón cái ép vào ngón trỏ. Vỗ bên trái rồi sang bên phải, làm khoảng 3-5 phút ở mỗi khu vực. Chú ý không được vỗ vào vùng dạ dày, xương ức hay xương sống.
- Hướng dẫn trẻ ho: Ho sẽ làm thông thoáng đường thở, đẩy chất xuất tiết ra khỏi phổi. Với trẻ lớn, yêu cầu trẻ ho sau khi được vỗ ở từng khu vực. Khi trẻ chưa ngừng cơn ho thì chưa được vỗ tiếp.
- Vệ sinh mũi miệng: Nếu dùng khăn giấy mềm lau sạch nước mũi, dãi rồi vứt bỏ khăn ngay sau khi sử dụng. Nếu dùng khăn xô phải đặc biệt chú ý giữ vệ sinh khăn. Việc dùng đi dùng lại khăn xô đã nhiễm bẩn và không được giặt sạch sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn/virus bám trên khăn quay trở lại cơ thể bé.
- Vệ sinh nhà cửa, đồ chơi, đồ dùng của trẻ. Người chăm sóc cần phải rửa tay sạch sẽ khi chăm sóc và chuẩn bị đồ ăn cho trẻ.
- Cho trẻ ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, mềm, dễ tiêu, dễ nuốt.
-
Bệnh viêm amidan cấp
Viêm amidan là tình trạng biểu mô phủ của hạch bạch huyết sau cổ họng bị nhiễm trùng, sưng tấy lên, gây đau nhức kèm theo nhiều triệu chứng khó chịu. Người bệnh có thể viêm amidan 1 bên hoặc cả 2 bên. Bệnh diễn tiến theo các cấp độ viêm amidan cấp tính và mãn tính.
Viêm amidan có thể xuất hiện ở mọi đối tượng từ trẻ em cho tới người lớn. Trong đó đối tượng dễ mắc bệnh nhất là trẻ em từ 5 tuổi đến 15 tuổi.
Viêm amidan gây ra bởi nhiều nguyên nhân như sau:
- Nhiễm khuẩn: Một số loại thường gặp như khuẩn cầu thận, tụ cầu khuẩn tan huyết nhóm A, yếm khí…
- Nhiễm virus: Nhóm virus thường gặp là eppstein-barr, Adenovirus, Rhinovirus, Hemophilus và Streptococcus.
- Môi trường ô nhiễm: Môi trường nhiều chất độc hại, hóa chất, bụi bẩn ảnh hưởng tới đường hô hấp, trước hết là amidan và họng.
- Cấu trúc bất thường của amidan: Amidan có nhiều hốc tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Nhiều trẻ em có hệ thống bạch huyết phát triển bất thường sẽ làm tăng hạch ở vùng cổ họng. Do đó amidan bị viêm và sưng.
Triệu chứng thường gặp:
- Viêm amidan cấp tính: Sốt cao, mạch đập nhanh và mạnh, cơ thể mệt mỏi, xuất hiện các chấm đỏ hoặc mảng mủ trắng trên niêm mạc amidan; mảng mủ mềm, dễ nát khi tác động đồng thời không bám chắc vào tố chức amidan; hạch cổ thường không sưng (trừ những trường hợp nặng); trong nước tiểu có ít Albumin, không tìm thấy trực khuẩn Klebs-Loeffer.
- Viêm amidan mãn tính: Ngoài những triệu chứng kể trên như viêm amidan cấp tính, trường hợp amidan mãn tính còn xuất hiện thêm biểu hiện nuốt khá đau, có cảm giác như trong họng có dị vật, cơn đau có thể lan lên tai và đầu, hơi thở có mùi hôi, khàn tiếng, ho, ngủ ngáy. Trên bề mặt amidan xuất hiện nhiều khe, hốc chứa đầy chất như bã đậu và mủ trắng.
Các biện pháp phòng ngừa:
- Súc miệng và họng bằng nước muối 1 lần mỗi ngày trước khi đi ngủ.
- Uống nhiều nước ấm nhằm điều hòa nhiệt độ cơ thể và độ ẩm vùng họng, bổ sung thêm nước hoa quả để tăng cường nước và dinh dưỡng cho cơ thể.
- Khi thời tiết thay đổi, người bệnh nên giữ ấm nhiệt độ cơ thể, nhất là vùng họng hầu và ngực.
- Đeo khẩu trang khi đi ra đường nhằm tránh bụi bẩn và tác nhân gây hại
Cách chữa trị:
- Bằng các phương pháp dân gian: Súc miệng nước muối hàng ngày, uống bột nghệ, mật ong, sử dụng trám chua và huyền sâm, húng chanh và đường phèn,...
- Uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ như thuốc kháng sinh, giảm đau, thuốc giảm xung huyết, phù nề,...
- Phẫu thuật cắt amidan: Đây là cách chữa viêm amidan mãn tính hiệu quả và triệt để nhất. Tuy nhiên chỉ thực hiện khi thật cần thiết (viêm nhiễm tái phát nhiều lần, gây biến chứng nghiêm trọng, viêm quá phát ảnh hưởng đến chức năng nuốt và thở, nhất là khi người bệnh bị thở cơn ngắn, thở gấp hoặc ngưng thở khi ngủ). Người bệnh có thể đối mặt với nhiều rủi ro tiềm ẩn như: chảy máu không cầm được trong hoặc sau phẫu thuật, sốc phản vệ, nhiễm trùng.
- Sử dụng các bài thuốc Đông y giúp cơ thể cân bằng âm dương, hồi phục chính khí. Khi cơ thể ở trạng thái cân bằng, tà khí sẽ bị đẩy lùi viêm nhiễm cũng bị triệt tiêu. Đồng thời, phương pháp đông y cũng giúp bồi bổ chức năng các cơ quan của cơ thể, nhờ vậy khả năng phòng ngừa bệnh của cơ thể được nâng cao.
- Chế độ ăn uống hợp lý: nên ăn thức ăn mềm như cháo, bún, sữa chua, rau củ luộc chín nhừ, rau củ và trái cây tươi, thức ăn giàu đạm và kẽm: thịt nạc, sữa, trứng, cá…
Bên cạnh đó, người bệnh nên kiêng ăn những thực phẩm sau: món ăn cay nóng nhiều ớt và tiêu, đồ ăn sống, thực phẩm cứng, giòn khó nuốt, đồ ăn thức uống lạnh, rượu bia và chất kích thích, đồ ăn nhiều mỡ và đường,...
- Nhiễm khuẩn: Một số loại thường gặp như khuẩn cầu thận, tụ cầu khuẩn tan huyết nhóm A, yếm khí…
-
Bệnh hen suyễn
Bệnh hen suyễn ở trẻ em là bệnh mãn tính thuộc về đường hô hấp, có tên gọi khác là bệnh hen phế quản. Tình trạng viêm này làm cho đường thở trở nên rất nhạy cảm với các chất kích thích khác nhau. Khi tiếp xúc với các chất kích thích này, đường thở (chủ yếu là phế quản) sẽ phù nề, co thắt, chứa đầy chất nhầy nên bị tắc nghẽn khiến cho bệnh nhân có cơn ho, khò khè, khó thở. Hen là bệnh có tính chất gia đình, di truyền và hoàn toàn không phải là bệnh lây lan, truyền nhiễm.
Triệu chứng hen suyễn ở trẻ:
Triệu chứng hen suyễn ở trẻ em nhất là với trẻ sơ sinh thường khó nhận biết, bởi nó rất giống nhiều bệnh lý khác như viêm phổi hay cảm lạnh. Phụ huynh cần lưu ý nhận biết những triệu chứng đặc trưng sau để sớm đưa trẻ đi khám và tránh những hậu quả đáng tiếc sau này:
- Ho, đặc biệt là ho vào ban đêm: Ở trẻ em nếu hiện tượng ho khan tái phát lặp đi lặp lại hoặc kéo dài trong một khoảng thời gian, ngày càng ho nặng lên về đêm hoặc đi kèm với ho là trình trạng khò khè và gặp rất nhiều khó khăn khi thở.
- Hơi thở khò khè: khò khè là âm thanh không bình thường phát ra khi thở, không khí đi qua phổi bị cản trở bởi ống phế quản bị phù nề sẽ tạo nên âm thanh khò khè. Hiện tượng này tái phát trong khi ngủ hoặc khi có yếu tố thúc đẩy như gắng sức, cười, khóc, tiếp xúc với khói thuốc lá hoặc không khí ô nhiễm…
- Khó thở: là hiện tượng được gây ra bởi đường thở bị thu hẹp khiến cho người bệnh khó thở. Xảy ra khi gắng sức, cười hoặc khóc (thở nhanh, thở co kéo lồng ngực, co kéo cơ vùng cổ, cánh mũi phập phồng,…).
Cần nghi ngờ trẻ mắc bệnh hen khi trẻ bị ho tái đi tái laị nhiều lần (đặc biệt là ho về đêm), khò khè, khó thở xuất hiện hay nặng hơn khi trẻ tiếp xúc với các yếu tố khởi phát như:
- Khi thời tiết chuyển mùa: Biểu hiện chính của bệnh là sự co thắt phế quản và sự gia tăng tiết chất nhầy ở niêm mạc phế quản, và triệu chứng này càng nặng khi trẻ bị nhiễm lạnh, đặc biệt là trong thời tiết lạnh của mùa đông, khi thời tiết giao mùa; cộng thêm trẻ không được giữ ấm, tắm trong phòng có gió lùa, đùa nghịch mồ hôi ra mà cha mẹ không để ý, vô tình gây thấm ngược trở lại.
- Khi trẻ ăn các món lạ: như măng tây, thịt gà, hải sản, ăn thức ăn có tính nóng, thịt bò…thì trẻ có những biểu hiện khó thở, ho nhiều, tức ngực.
- Khi tiếp xúc với thú nuôi: hoặc khi hít phải mùi ẩm mốc, mùi xăng dầu, khói bụi, trẻ có biểu hiện trở nên khó thở, và thở một cách mệt nhọc.
Khi có một trong những triệu chứng này, phụ huynh nên nhanh chóng đưa trẻ đến khám với bác sĩ chuyên khoa hô hấp để có thể được chẩn đoán và có hướng điều trị phù hợp.
Biện pháp chăm sóc trẻ bị hen:
- Tránh những nguyên nhân có thể làm khởi phát cơn hen: Không để vật nuôi trong nhà, diệt gián; không hút thuốc lá gần trẻ; không để những chất nặng mùi trong nhà; tránh dùng các loại thuốc xịt như nước hoa xịt phòng, thuốc xịt muỗi, côn trùng; tránh nhang khói,...
- Nơi ngủ của trẻ: cần được dọn dẹp sạch sẽ, ngăn nắp, không nên trải thảm. Thường xuyên giặt khăn trải giường và chăn mền bằng nước nóng, phơi khô ngoài nắng. Không nên cho trẻ chơi thú nhồi bông cũng như không cho thú vật vào nơi trẻ ngủ.
- Dùng cửa sổ (đóng hay mở) để duy trì không khí sạch và trong lành.
- Bổ sung chế độ ăn uống cho trẻ để nhanh khỏi bệnh, tăng cường sức khỏe.
Bổ sung thực phẩm giàu magie như rau xanh, ngũ cốc nguyên cám, cà chua, sữa, đậu (nếu bé không bị dị ứng)… giúp hỗ trợ làm giãn các cơ bao quanh khí phản. Bổ sung các chất chống oxy hóa: Vitamin C, vitamin E, glutathione, beta-caroten là tiền chất vitamin A,…có tác dụng bảo vệ và tăng cường sức đề kháng và chức năng hô hấp rất tốt cho trẻ bị hen suyễn (có nhiều trong dầu thực vật và các loại hạt, rau ngót, ớt vàng to, gấc, cà rốt cam quýt, ổi, rau xanh). Bổ sung chất béo omega 3 từ rau xanh, dầu hạt cải, viên dầu cá hoặc các loại cá biển như: cá hồi, cá trích, cá mòi, cá thu, cá ngừ,…
Cách chữa bệnh hen ở trẻ:
Sau khi thăm khám, việc điều trị sẽ được bác sĩ chuyên khoa chỉ định phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và tần suất xuất hiện các triệu chứng hen suyễn của trẻ. Vì vậy, phụ huynh cần theo dõi số lần trẻ lên cơn hen vào ban ngày và ban đêm để báo cáo cho bác sĩ. Có 2 loại thuốc thường được sử dụng trong điều trị hen suyễn ở trẻ:
- Thuốc cắt cơn: thường phổ biến ở dạng bình hít hoặc xịt, sử dụng khi trẻ có lên cơn hen suyễn.
- Thuốc phòng ngừa lâu dài: được chỉ định sử dụng mỗi ngày bởi bác sĩ ở những trẻ bị hen suyễn nặng. Loại thuốc này giúp giảm tình trạng viêm lâu dài ở đường hô hấp, giảm tần suất xuất hiện cơn hen của trẻ.
Trường hợp thuốc cắt cơn không có tác dụng hoặc chỉ có tác dụng ngắn, trẻ vẫn còn khó thở, nói năng khó nhọc, co kéo vùng xung quanh xương sườn và cổ khi thở, cánh mũi phập phồng; tím tái môi hay đầu ngón tay, cần đưa trẻ đến bệnh viện cấp cứu ngay.
-
Bệnh viêm mũi dị ứng
Viêm mũi dị ứng ở trẻ em là tình trạng niêm mạc (màng lót bên trong mũi) bị viêm do dị ứng với các tác nhân trong và ngoài cơ thể như như bụi bẩn, phấn hoa, lông chó, mèo, bào tử nấm, khói thuốc lá và khi thời tiết thay đổi. Khi tiếp xúc với các tác nhân dị ứng, cơ thể sẽ giải phóng histamin, gây ngứa, sưng và tích tụ chất lỏng bên trong mũi.
Có hai loại viêm mũi dị ứng theo mùa và viêm quanh năm. Chúng rất hay tái phát mỗi khi thời tiết thay đổi, gây khó chịu cho sinh hoạt và cuộc sống của trẻ.
Các triệu chứng thường gặp:
- Trẻ bị ngứa mũi, ngứa mắt: Trẻ có triệu chứng bị ngứa từng cơn do dị nguyên hoặc cũng có thể ngứa do các yếu tố bảo vệ gây ra. Bên cạnh đó, lớp niêm mạc mũi của trẻ bị kích ứng nên gây ra hiện tượng hắt xì liên tục.
- Chảy nước mũi, ngạt mũi: nước mũi chảy nhiều, có màu vàng hoặc xanh đậm gây nghẹt mũi, kèm hắt hơi sinh ra đau họng nếu không được điều trị kịp thời.
- Trẻ bỏ bú: Nếu tình trạng nghẹt mũi tiếp diễn trong thời gian dài, trẻ sẽ không thể thở bằng mũi mà chuyển sang thở bằng miệng gây viêm họng, viêm thanh quản, ho. Hai hốc mũi trẻ sẽ bị ứ đọng nhiều dịch và sung huyết đỏ.Trẻ sẽ khó bú bởi vì mỗi lần ngậm vú trẻ thường bị ngạt thở dẫn đến tình trạng bỏ bú.
- Ngoài các triệu chứng điển hình trên, trẻ em cũng có thể mắc phải các triệu chứng như sốt, người bứt rứt khó chịu, biếng ăn, quấy khóc, thậm chí có trường hợp trẻ bị tiêu chảy 2 – 3 ngày hoặc bị nôn ói. Bên cạnh đó, trẻ có thể có biểu hiện mệt mỏi, cơ thể lã đi, đau họng và chảy nước mắt,…
- Những trẻ bị viêm mũi dị ứng quanh năm có thể bị nhiễm trùng tai, ngáy, thở bằng miệng, ù tai, nhức đầu,...
Cách phòng ngừa và điều trị:
- Rửa mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý. Ngoài ra, nên tắm gội cho trẻ sạch sẽ để loại hết tác tác nhân gây dị ứng (trên tóc, da).
- Luôn giữ cho nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng, giặt giũ thường xuyên chăn, màn, mền và cả gối. Đồng thời không nên cho trẻ tiếp xúc với thú cưng hay vật nuôi trong nhà để tránh các dị vật gây dị ứng cho trẻ.
- Hạn chế đưa con đến những nơi công cộng có nhiều khói bụi, khói thuốc lá… Cho trẻ mang các thiết bị bảo hộ như khẩu trang, khăn trùm… khi ra ngoài.
- Những lúc giao mùa, thời tiết thay đổi từ nóng sang lạnh, cần chú ý giữ ấm cơ thể cho trẻ, nhất là vùng cổ, mũi và đôi chân.
- Nâng cao sức đề kháng tự nhiên của trẻ, giảm sự nhạy cảm của cơ thể bằng các yếu tố dinh dưỡng, vi lượng và khoáng chất… Cần cho trẻ nhỏ ăn uống đủ chất, ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi; đồng thời khuyến khích trẻ vận động thể dục thường xuyên.
- Không nên tự mua thuốc điều trị mà nên đưa bé đến bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám, xác định nguyên nhân gây bệnh và có phương pháp điều trị an toàn.
-
Bệnh viêm xoang cấp
Bệnh viêm xoang (còn được gọi là nhiễm trùng xoang) là một bệnh hô hấp ở trẻ em xảy ra khi các mô nằm trong xoang bị viêm hoặc sưng gây tích tụ dịch trong túi khí sau mắt và mũi, dẫn đến nhiễm trùng. Chứng này thường đi kèm với bệnh cảm lạnh hoặc cúm hoặc có thể do dị ứng gây ra.
Triệu chứng:
Các triệu chứng của tình trạng viêm xoang cấp ở trẻ em khá rõ ràng nhưng một số cha mẹ có thể nhầm lẫn với bệnh lý viêm mũi do dị ứng hoặc virus gây ra. Dưới đây là các dấu hiệu cảnh báo viêm xoang cấp ở trẻ:
- Trẻ bị ngạt mũi kéo dài: Nếu trẻ có dấu hiệu bị ngạt mũi, tắc mũi kéo dài trên 10 ngày thì có thể là triệu chứng của viêm xoang cấp. Lúc này, trẻ có thể bị ngạt 1 bên hoặc cả 2 bên mũi. Cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám, điều trị kịp thời.
- Trẻ có dịch mũi có màu bất thường: Khi trẻ xuất hiện nhiều dịch mũi có màu bất thường như màu vàng – xanh và đặc hơn so với dịch mũi thông thường thì có thể trẻ bị viêm xoang cấp.
- Trẻ có triệu chứng sốt, chán ăn và mệt mỏi: Khi bị viêm xoang, nhiễm khuẩn trong xoang có thể khiến trẻ bị sốt cao. Đây là triệu chứng điển hình của trẻ kèm theo tình trạng chán ăn, mệt mỏi.
- Trẻ bị đau đầu và chóng mặt: Nếu trẻ thường xuyên kêu bị đau đầu, chóng mặt, đau nhức vùng gáy lan đến đỉnh đầu thì cha mẹ cần lưu ý đến bệnh lý viêm xoang ở trẻ.
- Trẻ bị sưng phù mắt và tấy đỏ xung quanh: Đây cũng là biểu hiện thường gặp khi trẻ bị viêm xoang hàm hoặc xoang sàng. Hai xoang này có vị trí gần ổ mắt nên ảnh hưởng đến dây thần kinh thị giác.
- Trẻ ho nhiều và đau rát họng: Viêm nhiễm dẫn tới sinh ra nhiều đờm mủ trong hệ hô hấp khiến trẻ liên tục ho và đau rát họng .
Nguyên nhân dẫn đến viêm xoang ở trẻ:
- Môi trường ô nhiễm: không khí ô nhiễm do khói bụi, các chất thải, môi trường sống không trong lành, bụi bẩn nấm mốc cư trú tại chăn ga gối đệm….
- Dị ứng: lông của thú cưng như chó, mèo… lọt vào hốc xoang gây dị ứng rồi dẫn tới viêm xoang. Ngoài ra những thực phẩm như: trứng, sữa, các loại hải sản… rất dễ gây dị ứng cho xoang mũi.
- Sức đề kháng kém, cơ thể trẻ không thể chống chọi lại được các loại vi khuẩn gây bệnh khi xâm nhập vào cơ thể gây bệnh đường hô hấp, từ đó dẫn tới viêm xoang. Thêm nữa với yếu tố thời tiết thay đổi thất thường, thời khắc giao mùa khiến trẻ không thích nghi kịp vì vậy rất dễ mắc phải các căn bệnh về đường hô hấp nói chung và bệnh viêm xoang nói riêng.
- Vệ sinh kém. Trẻ hay nô đùa, nghịch đất cát, bụi bẩn, đồ chơi chứa nhiều bụi bẩn, vi khuẩn mà không năng rửa tay, không vệ sinh cá nhân đầy đủ. Trẻ có cảm giác ngứa mũi lại đưa tay lên ngoáy mũi làm cho vi khuẩn dễ xâm nhập gây viêm mũi sau đó đến viêm xoang.
Phòng ngừa và điều trị viêm xoang cấp cho trẻ:
- Vệ sinh cơ thể cho bé sạch sẽ để tránh sự xâm nhập của vi khuẩn gây bệnh vào cơ thể. Với trẻ lớn hơn cha mẹ nên dạy bé cách tự vệ sinh tay chân mỗi khi nô đùa, nghịch bẩn, vệ sinh tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Vệ sinh xoang mũi cho bé thường xuyên để tránh sự cư trú, ẩn náu lâu ngày của vi khuẩn.
- Không nuôi vật nuôi trong nhà, tránh trồng nhiều hoa xung quanh nhà.
- Không cho bé ăn những thực phẩm dễ gây dị ứng, đồ hải sản. Có chế độ ăn dinh dưỡng cho trẻ để tăng sức đề kháng, cho trẻ uống nhiều nước.
- Giữ vệ sinh sạch sẽ nơi ở, nơi học tập cho bé, vệ sinh nơi ở, chăn ga gối đệm định kỳ tránh vi khuẩn gây bệnh cư trú.
- Cần đeo khẩu trang cho bé mỗi khi ra ngoài.
- Khi bé có những triệu chứng về bệnh mẹ cần cho bé đến các trung tâm y tế để kiểm tra để được các bác sĩ chuyên khoa tư vấn phương pháp điều trị hợp lý: Trường hợp bé bị nhiễm trùng do vi khuẩn, bác sĩ còn có thể kê đơn thuốc kháng sinh. Các bé bị viêm xoang kéo dài có thể cần phẫu thuật để làm sạch các khu vực tắc nghẽn.
-
Viêm phế quản
Viêm phế quản là hiện tượng viêm các ống thở lớn trong phổi, thường do virus gây ra, phát triển sau khi trẻ bị cúm hoặc nhiễm trùng đường hô hấp trên.
Viêm phế quản trẻ em là viêm nhiễm đường thở dưới, dân gian còn gọi là sưng cuống phổi, bệnh chưa tấn công vào nhu mô phổi, tuy nhiên khi sẽ gây triệu chứng kích thích ho nhiều và nếu không được điều trị tích cực thì có thể lan xuống nhu mô phổi dẫn đến viêm phổi. Đây là một bệnh có tỷ lệ mắc và tử vong rất cao ở trẻ em, đứng hàng thứ hai sau bệnh tiêu chảy.
Các triệu chứng:
- Giai đoạn khi bệnh mới khởi phát, trẻ sẽ có các triệu chứng như sốt nhẹ, ho khan, ngạt mũi, hắt hơi, chảy nước mũi và hay quấy khóc. Nếu để lâu không chữa trị, trẻ sẽ bị sốt cao hơn, khó thở bình thường mà phải thở bằng miệng, toàn thân tím tái kèm theo các triệu chứng rối loạn tiêu hóa.
- Giai đoạn bệnh trở nặng: trẻ thường sốt cao từ 38 - 40 độ kèm triệu chứng mệt mỏi, môi khô, đổ nhiều mồ hôi. Xuất hiện các cơn ho kéo dài, có thể là ho khan hoặc ho có đờm. Trẻ bị khó thở, có thể thấy dấu hiệu bị co rút lồng ngực rất rõ. Trẻ bị tím tái tại đầu các chi, vùng môi hoặc toàn thân. Xuất hiện các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như chán ăn, hay nôn mửa, đi ngoài phân lỏng. Khi bệnh đã chuyển nặng, trẻ sẽ co giật, vật vã hôn mê, tim nhanh, mạch nhỏ.
Khi thấy bé xuất hiện các triệu chứng này, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Nguyên nhân gây bệnh:
- Tác nhân gây bệnh ban đầu thường là virus, sau đó có thể bị bội nhiễm vi khuẩn. Chúng thường xuyên có ở mũi - họng, khi sức đề kháng của cơ thể bị giảm sút thì chúng hoạt động mạnh lên, tăng độc tính và gây bệnh. Chúng còn có thể thường trực khắp nơi (từ trong không khí, thức ăn, môi trường làm việc…) do đó chúng sẵn sàng tấn công và gây viêm nhiễm đường thở của trẻ.
- Yếu tố thời tiết: Thời tiết thay đổi bất thường, trẻ không kịp thích ứng, cơ thể sẽ phản ứng lại thông qua các biểu hiện của viêm phế quản.
- Yếu tố cơ địa: trẻ là đối tượng cơ sức đề kháng còn non nớt so với các lứa tuổi khác. Tùy theo thể trạng của bé mà mức độ nặng nhẹ khác nhau.
- Môi trường sống ô nhiễm, chứa nhiều bụi bẩn, chất dị ứng… thì đó chính là cơ hội để các mầm bệnh sinh sôi, phát triển và chờ thời cơ để xâm nhập vào hệ hô hấp của trẻ.
- Yếu tố bệnh lý: Viêm phế quản có thể xuất hiện từ sự biến chứng của các bệnh lý khác: Viêm xoang, viêm họng hạt, viêm tai giữa…
Cách phòng bệnh:
- Luôn luôn giữ ấm cơ thể cho trẻ, đặc biệt là những vị trí nhạy cảm như mũi, ngực, bụng, tay chân…
- Có chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung lúc này là các loại hoa quả, rau xanh giàu vitamin như cà chua, cà rốt, bông cải xanh, khoai tây…. các loại thực phẩm cung cấp can xi như tôm, cá hồi…
- Giữ vệ sinh răng miệng, tay chân, cơ thể cho trẻ.
- Tạo một môi trường sống thông thoáng, sạch sẽ vệ sinh cho trẻ.
Điều trị viêm phế quản cho trẻ:
- Nguyên tắc cơ bản nhất là phải giữ ấm cho cơ thể trẻ. Đồng thời giúp trẻ loại bỏ đờm để tạo sự thông thoáng cho đường phế quản.
- Việc sử dụng các loại thuốc chữa viêm phế quản cho trẻ không đơn giản. Chỉ dùng thuốc cho trẻ khi có sự chỉ định của bác sỹ chuyên khoa. Trường hợp nếu có kèm sốt cao cần sử dụng biện pháp hạ sốt ngay tức thì. Sau đó mới tìm cách loại bỏ triệu chứng viêm phế quản.
- Cho trẻ uống thật nhiều nước: Việc làm này sẽ giúp cải thiện vấn đề tắc nghẽn tại đường hô hấp. Hỗ trợ bệnh nhân dễ thở hơn, các cục đờm cũng được làm loãng để đẩy ra ngoài dễ dàng.
- Cho trẻ ăn thức ăn lỏng dễ tiêu, như nước súp, nước cháo,...Bổ sung các loại Vitamin như A, C , E; các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng như trứng gà, đậu phụ, ngũ cốc ...có thể ăn thêm nhiều sữa chua, các thực phẩm nhiều canxi, protein.. giúp trẻ tăng sức đề kháng.
- Cho bé uống một ít mật ong (uống trực tiếp hoặc pha với nước ấm), dùng cho trẻ trên 1 tuổi. Mật ong có đặc tính kháng virus và kháng khuẩn nên có tác dụng làm dịu cổ họng, tăng cường hệ thống miễn dịch.
- Sử dụng nước muối sinh lý: Đây là biện pháp tương đối dễ dàng và bảo đảm an toàn cho đường hô hấp của trẻ.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng: giúp không khí trong phòng dễ chịu hơn, không còn tình trạng không khí khô, các bé sẽ hô hấp được thuận lợi. Tuy nhiên trong quá trình sử dụng, cần thường xuyên vệ sinh loại máy này để tránh sự tác động của các mầm bệnh.
- Cho bé nghỉ ngơi: dành cho bé một không gian nghỉ ngơi thật yên tĩnh và thoải mái.
-
Suy hô hấp cấp
Bệnh suy hô hấp cấp ở trẻ em là tình trạng hệ hô hấp không thể duy trì và đáp ứng nhu cầu trao đổi khí của cơ thể, gây giảm lượng oxy và (hoặc) tăng CO2 máu. Hậu quả của suy hô hấp cấp là gây ra thiếu oxy cho nhu cầu biến dưỡng của các cơ quan quan trọng, đặc biệt là não, tim và dẫn đến ứ đọng CO2 gây toan hô hấp.
Triệu chứng lâm sàng của suy hô hấp cấp:
- Khó thở: trẻ khó thở, có tiếng thở rên, thở khò khè, thở chậm hoặc có lúc ngưng thở; Nhịp thở của bé có thể tăng trên 25 chu kỳ/phút, thường có co kéo cơ hô hấp phụ; đôi khi giảm dưới 12 chu kỳ/phút, không có co kéo do liệt hô hấp như trong ngộ độc barbituric. Trường hợp bé khó thở phải chỉ định thở máy ngay vì khi đó nhịp thở sẽ chậm dần, gây nguy hiểm đến tính mạng.
- Da xanh tím tái. Ở môi và các đầu chi xuất hiện dấu hiệu tím tái. Các đầu chi vẫn nóng ấm, khác với khi bị sốc. Không có xanh tím nếu thiếu máu. Dấu hiệu đỏ tía, vã mồ hôi nếu PaCO2 tăng nhiều tương tự như trong đợt cấp của viêm phế quản mạn.
- Rối loạn tim mạch. Thường gặp nhịp tim nhanh, huyết áp tăng ở giai đoạn đầu rồi giảm dần; ngưng tim… cần phải cấp cứu ngay bằng các phương pháp như bóp bóng, đặt ống nội khí quản, hút đờm, thở máy.
- Rối loạn thần kinh và ý thức. Khi bị thiếu oxy và tăng CO2 máu thì não là nơi chịu hậu quả sớm nhất. Rối loạn thần kinh: trẻ co giật, lẫn lộn, mất phản xạ gân xương. Rối loạn ý thức: trẻ tỏ ra lờ đờ, hôn mê.
- Đôi khi sẽ thấy dấu hiệu xẹp phổi và liệt hô hấp: Liệt cơ gian sườn (lồng ngực xẹp khi hít vào, trong khi cơ hoành vẫn di động bình thường), liệt màn hầu (Bé bị mất phản xạ nuốt và ứ đọng đờm dãi, khó thở do hít phải đờm dãi và dịch vị), tràn khí màng phổi (hay xảy ra trong quá trình thở máy hoặc sau khi đặt catheter dưới đòn).
Nguyên nhân gây suy hô hấp cấp ở trẻ em:
- Suy hô hấp cấp có thể xảy ra do sự rối loạn của các yếu tố ảnh hưởng đến hô hấp (thông khí phế nang, tuần hoàn của dòng máu trong phổi, khả năng khuyếch tán khí qua màng phế nang mao mạch).
- Trẻ có tiền sử mắc bệnh tim mạch, hen suyễn, viêm phế quản cấp, viêm phổi cấp hoặc viêm màng não.
- Trẻ có dị vật kẹt tại đường thở.
- Trẻ bị bại liệt, hội chứng Guillain-Barre, nhược cơ, rắn hổ cắn, chứng porphyrre cấp có thể gây liệt cơ hô hấp và gây suy hô hấp cấp.
Suy hô hấp ở trẻ rất nguy hiểm, biến chứng phức tạp nên cần được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời. Mức độ nguy hiểm của suy hô hấp được phân loại như sau:
- Suy hô hấp nặng: chủ yếu can thiệp bằng thuốc và thường đáp ứng hiệu quả với thuốc. Nếu triệu chứng không được giải quyết bằng thuốc điều trị, một số thủ thuật không đáng kể có thể được thực hiện tùy vào tình trạng tiến triển bệnh.
- Suy hô hấp nguy kịch: cần được cấp cứu ngay bằng các thủ thuật y khoa mới đem lại hiệu quả (thở máy, bóp bóng, đặt nội khí quản,…), tiến hành song song với dùng thuốc hoặc dùng thuốc sau.
Các phương pháp điều trị suy hô hấp ở trẻ:
Trẻ bị suy hô hấp cần được đưa đi cấp cứu để can thiệp y tế càng sớm càng tốt, điều trị bệnh cần tuân thủ các vấn đề sau:
- Can thiệp sớm giúp ngừa biến chứng suy hô hấp ở trẻ
- Đưa Oxy vào máu để cân bằng Oxy và CO2.
- Đảm bảo thông khí tốt nhằm đưa O2 và CO2 trong máu về mức ổn định một cách nhanh chóng.
- Điều trị nguyên nhân, cung cấp năng lượng đủ cho người bệnh duy trì sự sống.
- Duy trì và tăng cường khả năng của hệ thống vận chuyển oxy, kết hợp với sửa chữa, hàn gắn tổn thương, phục hồi chức năng của hệ hô hấp.
Mọi can thiệp thông đường thở, cung cấp oxy và điều trị khác ở trẻ bị suy hô hấp cần thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa với thiết bị y tế hỗ trợ.
-
Bệnh viêm VA
VA là tổ chức lympho ở vòm mũi họng, cùng với amidan để thực hiện chức năng bắt giữ các vi sinh vật có hại đi qua mũi hoặc miệng. VA cũng sản sinh ra kháng thể để chống lại vi khuẩn.
Viêm VA (sùi vòm mũi họng) là tình trạng VA bị vi khuẩn, vi rút tấn công gây ra viêm nhiễm, làm suy yếu khả năng miễn dịch của cơ thể, khiến người bệnh mệt mỏi, dễ mắc phải các bệnh lý về hô hấp. Khi tổ chức này bị viêm và quá phát thành khối to sẽ cản trở việc lưu thông không khí và có thể dẫn đến nhiễm khuẩn hô hấp.
Viêm VA là bệnh lý thường gặp ở trẻ em, nhất là ở trẻ nhỏ từ 1 – 6 tuổi. Trẻ có thể mắc VA liên tục khoảng 4-6 đợt viêm cấp mỗi năm, VA sẽ bị quá phát và xơ hóa và trở thành mãn tính.Viêm VA cấp tính: thường ở trẻ độ tuổi từ 1 - 4 tuổi, có các dấu hiệu như sau:
- Thường bị nghẹt mũi, nặng dần cả 2 bên khiến trẻ thở khó khăn, phải há miệng để thở, khi thở có tiếng khò khè, khụt khịt.
- Trẻ nhỏ có thể bỏ bú hoặc bú ngắt quãng do không thở được.
- Ho thường xuất hiện muộn hơn sau khi trẻ bị ngạt mũi do dịch từ mũi chảy xuống họng hoặc do bị khô cổ khi phải thở bằng miệng.
- Hơi thở có mùi hôi.
- Mệt mỏi, biếng ăn, quấy khóc.
- Một số bé có biểu hiện rối loạn tiêu hóa như đau bụng, nôn trớ và đi ngoài phân lỏng.
- Trong các đợt viêm cấp có thể xuất hiện sốt từ 38-39 độ C.
Viêm VA mãn tính: là tình trạng xảy ra khi VA bị viêm cấp tính tái phát nhiều lần. Lúc này, VA đã mất đi tác dụng “vô hiệu hóa” vi khuẩn, virus và nấm mà thay vào đó lại bị xơ hóa và trở thành nơi “cư trú lý tưởng” của vi khuẩn. Khi bị viêm VA mãn tính, trẻ thường có các dấu hiệu như:
- Chảy mũi thường xuyên, nhiều hoặc ít, dịch khi trong khi đục, nhiều khi chảy mũi xanh kéo dài.
- Do nghẹt mũi kéo dài nên trẻ thường ngủ không ngon giấc, hay quấy khóc, ngủ ngáy và có thể xuất hiện những cơn ngừng thở khi ngủ vô cùng nguy hiểm.
- Rối loạn phát triển khối xương mặt - hậu quả của việc thở bằng miệng kéo dài trong thời kỳ khuôn mặt đang phát triển.
Nguyên nhân bệnh Viêm VA:
- VA nằm ở cửa mũi sau, là vùng khó thấy nên khi thăm khám và tầm soát thông thường rất dễ bị bỏ sót.
- VA phải “đối mặt” 24/24 với những mầm bệnh. Do đó, chỉ cần sức đề kháng của trẻ suy yếu hoặc VA phải “làm việc” quá tải thì tình trạng viêm dễ dàng xảy ra.
- Việc sử dụng thuốc kháng sinh không tuân theo bất cứ chỉ định nào của bác sĩ gây ra hiện tượng kháng thuốc kháng sinh, dẫn đến việc trẻ mắc VA uống thuốc mà không khỏi khiến bệnh kéo dài hoặc tái đi tái lại.
- VA có khả năng “đặc biệt” là tạo ra các chất màng bao bọc tổ chức của nó. Tuy nhiên, khi trẻ mắc bệnh, chính khả năng tạo ra các chất màng lại ngăn chặn tác dụng của thuốc. Do đó, việc sử dụng thuốc không đúng chỉ định sẽ gây ảnh hưởng đến việc điều trị không hiệu quả.
Phương pháp phòng ngừa và điều trị viêm VA:
- Nguyên tắc của việc phòng ngừa là nâng cao sức đề kháng như ăn uống lành mạnh, uống nhiều nước, ngủ đủ giấc… Sử dụng các biện pháp vệ sinh tốt cũng giúp làm giảm nguy cơ nhiễm khuẩn.
- Phương pháp tốt nhất để chẩn đoán viêm VA là khám VA bằng nội soi qua đường miệng hoặc đường mũi. Dựa vào phương pháp này, bác sĩ có thể đánh giá được kích thước VA và phân độ viêm VA quá phát.
- Đối với viêm VA cấp tính: trẻ cần được điều trị nội khoa, phối hợp uống các loại thuốc kháng sinh, kháng viêm theo chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không được cho trẻ sử dụng lại đơn thuốc cũ hoặc dùng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ.
- Đối với viêm VA mãn tính: tùy vào mức độ viêm, bác sĩ sẽ chỉ định nạo VA cho trẻ trong các trường hợp: VA bị nhiễm trùng tái phát nhiều lần (trên 5 lần/năm), kéo dài, đã đi kèm biến chứng khác. VA quá phát, phì đại to gây nghẹt mũi kéo dài, không đỡ dù đã được điều trị nội khoa, dùng thuốc; Có chứng ngưng thở khi ngủ; Khó nuốt và khó nói.