Suy hô hấp cấp
Bệnh suy hô hấp cấp ở trẻ em là tình trạng hệ hô hấp không thể duy trì và đáp ứng nhu cầu trao đổi khí của cơ thể, gây giảm lượng oxy và (hoặc) tăng CO2 máu. Hậu quả của suy hô hấp cấp là gây ra thiếu oxy cho nhu cầu biến dưỡng của các cơ quan quan trọng, đặc biệt là não, tim và dẫn đến ứ đọng CO2 gây toan hô hấp.
Triệu chứng lâm sàng của suy hô hấp cấp:
- Khó thở: trẻ khó thở, có tiếng thở rên, thở khò khè, thở chậm hoặc có lúc ngưng thở; Nhịp thở của bé có thể tăng trên 25 chu kỳ/phút, thường có co kéo cơ hô hấp phụ; đôi khi giảm dưới 12 chu kỳ/phút, không có co kéo do liệt hô hấp như trong ngộ độc barbituric. Trường hợp bé khó thở phải chỉ định thở máy ngay vì khi đó nhịp thở sẽ chậm dần, gây nguy hiểm đến tính mạng.
- Da xanh tím tái. Ở môi và các đầu chi xuất hiện dấu hiệu tím tái. Các đầu chi vẫn nóng ấm, khác với khi bị sốc. Không có xanh tím nếu thiếu máu. Dấu hiệu đỏ tía, vã mồ hôi nếu PaCO2 tăng nhiều tương tự như trong đợt cấp của viêm phế quản mạn.
- Rối loạn tim mạch. Thường gặp nhịp tim nhanh, huyết áp tăng ở giai đoạn đầu rồi giảm dần; ngưng tim… cần phải cấp cứu ngay bằng các phương pháp như bóp bóng, đặt ống nội khí quản, hút đờm, thở máy.
- Rối loạn thần kinh và ý thức. Khi bị thiếu oxy và tăng CO2 máu thì não là nơi chịu hậu quả sớm nhất. Rối loạn thần kinh: trẻ co giật, lẫn lộn, mất phản xạ gân xương. Rối loạn ý thức: trẻ tỏ ra lờ đờ, hôn mê.
- Đôi khi sẽ thấy dấu hiệu xẹp phổi và liệt hô hấp: Liệt cơ gian sườn (lồng ngực xẹp khi hít vào, trong khi cơ hoành vẫn di động bình thường), liệt màn hầu (Bé bị mất phản xạ nuốt và ứ đọng đờm dãi, khó thở do hít phải đờm dãi và dịch vị), tràn khí màng phổi (hay xảy ra trong quá trình thở máy hoặc sau khi đặt catheter dưới đòn).
Nguyên nhân gây suy hô hấp cấp ở trẻ em:
- Suy hô hấp cấp có thể xảy ra do sự rối loạn của các yếu tố ảnh hưởng đến hô hấp (thông khí phế nang, tuần hoàn của dòng máu trong phổi, khả năng khuyếch tán khí qua màng phế nang mao mạch).
- Trẻ có tiền sử mắc bệnh tim mạch, hen suyễn, viêm phế quản cấp, viêm phổi cấp hoặc viêm màng não.
- Trẻ có dị vật kẹt tại đường thở.
- Trẻ bị bại liệt, hội chứng Guillain-Barre, nhược cơ, rắn hổ cắn, chứng porphyrre cấp có thể gây liệt cơ hô hấp và gây suy hô hấp cấp.
Suy hô hấp ở trẻ rất nguy hiểm, biến chứng phức tạp nên cần được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời. Mức độ nguy hiểm của suy hô hấp được phân loại như sau:
- Suy hô hấp nặng: chủ yếu can thiệp bằng thuốc và thường đáp ứng hiệu quả với thuốc. Nếu triệu chứng không được giải quyết bằng thuốc điều trị, một số thủ thuật không đáng kể có thể được thực hiện tùy vào tình trạng tiến triển bệnh.
- Suy hô hấp nguy kịch: cần được cấp cứu ngay bằng các thủ thuật y khoa mới đem lại hiệu quả (thở máy, bóp bóng, đặt nội khí quản,…), tiến hành song song với dùng thuốc hoặc dùng thuốc sau.
Các phương pháp điều trị suy hô hấp ở trẻ:
Trẻ bị suy hô hấp cần được đưa đi cấp cứu để can thiệp y tế càng sớm càng tốt, điều trị bệnh cần tuân thủ các vấn đề sau:
- Can thiệp sớm giúp ngừa biến chứng suy hô hấp ở trẻ
- Đưa Oxy vào máu để cân bằng Oxy và CO2.
- Đảm bảo thông khí tốt nhằm đưa O2 và CO2 trong máu về mức ổn định một cách nhanh chóng.
- Điều trị nguyên nhân, cung cấp năng lượng đủ cho người bệnh duy trì sự sống.
- Duy trì và tăng cường khả năng của hệ thống vận chuyển oxy, kết hợp với sửa chữa, hàn gắn tổn thương, phục hồi chức năng của hệ hô hấp.
Mọi can thiệp thông đường thở, cung cấp oxy và điều trị khác ở trẻ bị suy hô hấp cần thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa với thiết bị y tế hỗ trợ.