Top 10 Địa điểm du lịch đẹp nhất tỉnh Lạng Sơn
Nằm ở vùng Đông Bắc của tổ quốc, Lạng Sơn hay còn được gọi trìu mến là xứ Lạng, thu hút du khách gần xa không chỉ bằng ẩm thực độc ... xem thêm...đáo, những khu chợ mua sắm tấp nập mà còn bằng nhiều địa danh, khu danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Bài viết sau đây, Toplist mời các bạn cùng điểm danh những địa điểm du lịch đẹp nhất xứ Lạng nhé.
-
Mẫu Sơn nằm cách trung tâm Lạng Sơn 30km về phía Đông Bắc, được biết đến như là một nơi ngắm tuyết rơi đẹp nhất Lạng Sơn mà bạn không thể bỏ qua. Thời tiết nơi đây vào mùa hè rất mát mẻ. Nhưng để có thể ngắm cảnh tuyết rơi thì thời điểm thuận lợi nhất là cuối mùa đông - khoảng tháng 12 đến tháng 2 năm sau. Khi mà không khí lạnh tràn về với cường độ mạnh cũng là lúc tuyết phủ trắng xoá cả những con đường.
Đỉnh Mẫu Sơn cao 1,541 mét, được bao bọc xung quanh bởi bao gồm một quần thể 80 ngọn núi lớn nhỏ với đỉnh cao nhất là Phia Po (1.541 m, còn gọi là đỉnh Công hay Công Sơn – nơi đặt cột mốc 42, biên giới Việt Trung). Diện tích khu Mẫu Sơn khoảng 550km², nằm cách trung tâm thị xã Lạng Sơn 30km về phía đông bắc,cách thành phố Lạng Sơn 30 km.
Đỉnh Mẫu Sơn là một nơi lý tưởng để nghỉ ngơi và thư giãn sau những ngày làm việc căng thẳng. Không khí rất trong lành và thiên nhiên phóng khoáng, tạo cảm giác gần gũi và thân thiết. Dọc đường đi, bạn còn có thể giao lưu với người dân tộc Dao, Tày, Mông, Nùng…đang gùi rau hay bó củi trên vai.
Về mùa đông có những năm nhiệt độ ở Mẫu Sơn xuống tới nhiệt độ âm và có thể có tuyết rơi, băng đá. Nhiệt độ trung bình ở đây là 15,5°C, đỉnh núi quanh năm có mây phủ. Mẫu Sơn nổi tiếng với các sản vật chè tuyết sơn, gà lôi sáu cựa, chanh rừng, ếch hương, rượu Mẫu Sơn…Địa chỉ: Cao Lộc, Lạng Sơn
-
Bắc Sơn là huyện miền núi thuộc cánh cung Bắc Sơn của vùng Đông Bắc Việt Nam. Đây là mảnh đất được đặt tên cho một nền văn hoá cổ xưa gọi là "Văn hoá Bắc Sơn", là nơi mang dấu tích của một nền văn hoá nổi tiếng trong khảo cổ học; là quê hương của nôi cách mạng anh hùng. Trên địa bàn huyện có các ngọn núi cao 500 - 1.200m, như ngọn núi Khau Pi Ao (cao 1.107m), ngọn núi Pa Lép (503m), núi Nà Lay, ... và nhiều địa điểm thú vị nữa.
Thung lũng hoa Bắc Sơn nằm ở thôn Lân Khoang, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn) đã trở thành một điểm hẹn lý tưởng cho những người yêu hoa ở vùng Đông Bắc bởi những loài hoa rực rỡ sắc màu, đua nhau khoe sắc cùng những cánh đồng hoa bất tận chạy dài dưới chân những ngọn núi hùng vĩ.
Tam Giác Mạch được người dân trồng tại xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn. Hoa nở rộ vào tháng 10, 11 thu hút đông khách tới tham quan, chụp ảnh. Hoa được người dân trồng tại các thung lũng, xung quanh là núi đá bao quanh. Để đến được ruộng hoa, du khách phải vượt qua những đoạn đường dọc theo bờ nương, vườn ngô của bà con.
Địa chỉ: Trấn Yên, Bắc Sơn, Lạng Sơn
-
Chùa Tam Thanh là ngôi chùa với nhiều vẻ đẹp độc đáo, cổ kính lại có nhiều hang động kì bí. Chùa có ba hang động lớn được đặt tên là Nhất Thanh, Tam Thanh và Nhị Thanh. Đặc biệt trong đó là hang động Tam Thanh lớn nhất và cũng có nhiều điểm thú vị để tham quan nhất. Vẻ đẹp trong hang vẫn được bảo tồn với vòm động cao, nhiều thạch nhũ đá thiên tạo sinh động, bắt mắt. Đi sâu vào trong động Tam Thanh, du khách sẽ bắt gặp hồ nước tên gọi là hồ Âm Ty (hay còn gọi là hồ Cảnh). Một hồ nước trong vắt tự nhiên và không bao giờ cạn.
Chùa Tam Thanh là một ngôi chùa đặc biệt, được bố trí trong hang đá, không có kiểu kiến trúc giống như những ngôi chùa khác. Qua cách sắp xếp bài trí tượng có thể thấy hệ thống thờ tự được sắp xếp theo kiểu “tiền Phật hậu Thánh”. Đặc biệt trong chùa còn lưu giữ bức phù điêu A Di Đà có niên đại vào thế kỷ XVII được tạc theo thế đứng vào vách đá trong hình một lá bồ đề là một nét độc đáo của di tích.
Đi sâu vào trong Động, ở khu trung tâm có hồ Âm Ty, nước không bao giờ vơi cạn, hồ tuy nhỏ nhưng nước chảy suốt ngày đêm, trên các trần hang có nhiều nhũ đá thiên tạo từ ngàn xưa với những hình tượng sinh động kỳ bí: cây Ngô Đồng, Tiên Ông, Sư Tử, Voi… Đi vào bên trong ta bắt gặp một sân khấu nhỏ, xung quanh có những nhũ đá nhiều hình thù khác nhau do thiên nhiên tạo nên, có hai cửa thông thiên, ánh sáng từ hai cửa này soi rọi vào động làm cho những nhũ đá đẹp lạ thường. Cạnh khu vực sân khấu có lối dẫn lên cổng trời, tại đây ta có thể đứng ngắm nhìn quang cảnh của một vùng nông thôn quanh khu vực di tích. Phía ngoài cửa động Tam Thanh hiện nay còn có nhà sàn và mô hình cọn nước, cối giã gạo đặc trưng của người dân tộc Tày Lạng Sơn.Địa chỉ: Tam Thanh, TP Lạng Sơn, Lạng Sơn
-
Bắc Xa là xã vùng núi cao nằm phía Đông Bắc thuộc huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn, có các đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu là Tày và Nùng cư trú. Từ thị trấn Đình Lập, đi theo con đường quốc lộ 31 và một vài điểm rẽ là đến trung tâm xã Bắc Xa. Tới nơi đây ắt hẳn bạn sẽ rất thích thú ngắm cảnh đẹp, bản làng mộc mạc ở hai bên đường với những cung đường ngoằn ngoèo, uốn lượn trong sương phất phơ xanh mướt của rừng thông, rừng lau.
Ngoài cảnh thiên nhiên đẹp đến nao lòng người, Bắc Xa còn được biết đến là xã có nhiều cột mốc biên giới (40 cột mốc), trong đó có những cột mốc đặc biệt nằm tít trên đỉnh đồi cao, được xây dựng kiên cố và có bậc thang dẫn tới tận đỉnh, như mốc 1297 và 1300. Hai mốc này cũng nổi tiếng về độ cao cũng như cảnh quan hùng vĩ. Để có thể ngắm nhìn và “check-in” ở 2 cột mốc này, du khách phải leo lên đồi, vượt qua con đường bậc thang lên khá dốc, với chiều dài gần 1km. Hai bên con đường bậc thang dẫn lên cột mốc, lau nở rộ mang đến khung cảnh nên thơ và lãng mạn, khiến bước chân du khách cứ dùng dằng chẳng muốn bước tiếp.
Địa chỉ: Đình Lập, Lạng Sơn
-
Thác Đăng Mò còn được gọi là thác Mũi Bò, hay thác Tiên Nữ, ẩn mình sâu thẳm trong chốn núi đá hiểm trở, rừng sâu hoang dã ở huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn. Thác Đăng Mò cách trong tâm thành phố Lạng Sơn khoảng 100 km, nhưng chỉ cách thị trấn Bắc Sơn chưa đầy 20 km. Để đến thác Đăng Mò, du khách có thể đi theo đường 1B, sau đó rẽ qua quốc lộ 279 và dừng lại ở vị trí km 11 trên đường quốc lộ này.
Thác Đăng Mò mang vẻ đẹp nên thơ, quanh năm tuôn chảy giữa núi rừng hoang sơ, thường được kết hợp trong chuyến du lịch Bắc Sơn. Dọc theo triền thác là những tảng đá lớn nhỏ chất chồng lên nhau, muôn hình đủ dạng, phủ lớp rêu xanh. Bên bờ, những gốc cây cổ thụ vươn cành phủ tán ra giữa lòng thác, càng khiến nơi này thêm phần bí ẩn và làm nổi bật lên dòng nước trắng xóa…
Địa chỉ: Hoàng Văn Thụ, Bình Gia, Lạng Sơn
-
Trên đỉnh núi Tô Thị hay còn gọi là núi Vọng Phu có tảng đá tự nhiên giống hình người phụ nữ đang bồng con nhìn về phương xa. Từ xưa, tảng đá hình người đã được gắn với câu chuyện cổ tích nàng Tô Thị chung thuỷ bồng con đứng chờ chồng đi đánh trận phương bắc. Chờ mãi không được, nàng cùng con đã hoá đá. Nên người đời đặt tên cho ngọn núi là núi Tô Thị. Truyền thuyết về nàng Tô Thị đã đi vào tâm khảm của dân tộc Việt Nam với hình tượng người mẹ ôm con đứng chờ chồng trên đỉnh núi cao, như một biểu tượng cho lòng thuỷ chung son sắt của người phụ nữ Việt Nam.
Không biết từ bao giờ, dân gian ta gọi đó là núi Vọng Phu (trông chồng) với nhiều câu chuyện đầy huyền thoại và lãng mạn. Trên đất nước ta, trí tưởng tượng phong phú của người dân đã đặt cho nhiều ngọn núi có cái tên vọng phu, như ở Bình Định, ở Khánh Hòa chẳng hạn. Nhưng không đâu bằng Lạng Sơn, nàng Tô Thị với núi Vọng Phu đã trở thành một biểu tượng của lòng sắt son, đã là nguồn thi hứng của bao danh nhân nho sĩ lỗi lạc.
Đá Vọng Phu nằm kề ngay bên động Tam Thanh, bạn có thể nhìn thấy rất rõ hình tượng người mẹ đang bồng con, gắn liền với truyền thuyết về nàng Tô Thị một lòng sắt son nuôi con chờ chồng như vẻ đẹp đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Hàng nghìn năm trôi qua nhưng nàng Tô Thị vẫn đứng đó và câu chuyện Đá Vọng Phu như sống mãi trong ký ức bao thế hệ người Việt Nam với mong ước một một lần đặt chân đến nơi này.
Địa chỉ: Tam Thanh, TP Lạng Sơn, Lạng Sơn
-
Đền Mẫu Đồng Đăng (Đồng Đăng linh tự), là nơi thờ Phật và Mẫu Thượng ngàn nằm trên địa bàn thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Trong dân gian lưu truyền, đền Mẫu chính là nơi diễn ra cuộc gặp gỡ giữa Mẫu Liễu Hạnh (một trong Tứ bất tử) và Trạng Bùng (Phùng Khắc Khoan), sau khi ông đi sứ từ Trung Quốc trở về. Tục truyền, Liễu Hạnh là con gái Ngọc Hoàng, tên là Quỳnh Hoa, do có duyên nợ với trần gian nên bà thường hiển linh giúp đỡ người dân nên được triều đình (thời Hậu Lê) sắc phong là công chúa Liễu Hạnh và phong làm Thượng đẳng Phúc thần. Trong những dịp hay ngao du sơn thủy đến các thắng cảnh của nhiều vùng, bà đã gặp gỡ, họa thơ với danh sĩ Phùng Khắc Khoan, trong đó có lần gặp nhau tại Đồng Đăng linh tự.
Đền Mẫu Đồng Đăng linh tự gồm có 5 gian thờ: Phía trong cùng là Tam bảo, nơi thờ Phật Chuẩn Đề và Phật bà Quan Âm; gian kế tiếp phía ngoài là Tam tòa Thánh mẫu, nơi thờ Mẫu đệ nhất Thượng thiên, Mẫu đệ nhị Thượng ngàn và Mẫu đệ tam Thoải phủ; tiếp theo là gian thờ Sơn trang gồm Chúa Thượng ngàn ở giữa, 2 bên là Chầu Mười Đồng Mỏ và Chầu Chín; gian giữa chính điện ngoài cùng thờ Chúa Liễu, hai bên là Chầu Bơ và Chầu Lục; gian bên trái thờ Chầu đệ tứ Khâm sai, ngoài ra còn thờ quan Trần Triều Đức Đại Vương, các thánh cô, thánh cậu…Hàng năm, vào ngày mùng 10 tháng giêng, tại đền Mẫu lại diễn ra lễ hội đầu xuân của các dân tộc xứ Lạng. Lễ hội Đồng Đăng trước đây được gọi là hội Lồng Tồng (xuống đồng). Trong lễ hội có các trò chơi như múa sư tử, võ dân tộc, thi đấu thể dục thể thao.
Địa chỉ: Đồng Đăng, Cao Lộc, Lạng Sơn
-
Ải Chi Lăng – vùng đất địa linh nhân kiệt và rực rỡ chiến công ở miền biên ải phía Bắc của Tổ quốc. Với địa thế hiểm yếu, ải Chi Lăng được coi là bức tường thành của kinh thành Thăng Long trong việc chặn đứng các cuộc viễn chinh khét tiếng từ phương Bắc tràn sang.
Chi Lăng là ải có quy mô hoành tráng và đồ sộ chạy dài gần 20km, rộng 3km nối liền hai huyện Chi Lăng và Hữu Lũng của tỉnh Lạng Sơn. Ải Chi Lăng là thắng cảnh được bao bọc bởi dãy núi đá Kai Kinh ở phía tây và dãy núi Bảo Ðài ở phía đông. Hai đầu ải có những ngọn núi đá độc lập, cao chót vót tạo thành thế hiểm. Lịch sử oai hùng của Chi Lăng gắn liền với những hoạt động của các nhà quân sự thiên tài như Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn và những thủ lĩnh tài năng của xứ Lạng: Phò mã Thân Cảnh Phúc, Thế Lộc, Hoàng Ðại Huề…
Thế kỷ 15, ải Chi Lăng lại ghi vào lịch sử Việt Nam một trang chói lọi, đó là chiến thắng 1427, giết chết Nguyên soái An Viễn hầu Liễu Thăng – chủ tướng của giặc cùng 1 vạn quân Minh, góp phần quyết định kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống quân Minh, giải phóng đất nước. Thế kỷ 18, dưới thời Hoàng đế Quang Trung – một nhà quân sự thiên tài, Chi Lăng lại một lần nữa cùng quân dân cả nước đánh tan tành quân xâm lược nhà Thanh… Vào các thế kỷ 19 và 20, ải Chi Lăng lại chứng kiến những chiến công đánh Pháp, đuổi Nhật của quân dân ta.
Địa chỉ: Cao Tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Chi Lăng, Lạng Sơn
-
Hang Gió còn có các tên gọi: Động Thông Gió hay Mai Sao Phong động. Khu di tích Hang Gió thuộc Lũng Khòm (thôn Sao Thượng B), xã Mai Sao, huyện Chi Lăng. Khu di tích danh thắng Hang Gió bao gồm một vùng rộng lớn, với nhiều núi đá, hang đá tự nhiên thuộc dãy núi Bó Nhàn từ thôn Sao Thượng tới trung tâm xã Mai Sao.
Trong đó hang động nổi bật nhất là hang Gió. Đây là hang động có quy mô lớn, chiều dài hàng trăm mét, rộng đến 50 – 70 m, chiều cao có chỗ lên đến 30 – 40 m. Hang có 2 tầng và một tầng hầm, ít ngách phụ, trong hang it hiểm trở đi lại dễ dàng. Sàn hang tương đối bằng phẳng, vòm hang cao rộng, thoáng mát mang dáng dấp vòm nhà thờ. Vách hang có nhiều nhũ đá mang hình thù kỳ dị.
Đến thăm khu danh thắng hang Gió trước tiên phải thăm Hang Gió (động Thông Gió) bước lên 392 bậc hình chữ chi nối dài mới đến được Hang Gió, sau đó mới thăm các hang khác xung quanh như: Hang Công Chúa (tức hang Sân Khấu), hang Hoàng Tử (tức hang Sáng), hang Thiên Đình, hang Dơi, động Thủy Tiên (tức hang Nước).
Địa chỉ: Mai Sao, Chi Lăng, Lạng Sơn
-
Là điểm nối giữa hai huyện Hữu Lũng – Bắc Sơn với tuyến giao thông liên huyện khá hoàn chỉnh, ngoài sự đa dạng về sinh học của khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia, đến với xã Hữu Liên các bạn sẽ được khám phá loại hình du lịch sinh thái và du lịch khám phá cảnh quan tự nhiên.
Không chỉ đa dạng về sinh cảnh với khu rừng đặc dụng quý hiếm, những hang động núi đá và thác nước hùng vĩ, Hữu Liên còn là điểm du lịch sinh thái, cộng đồng hấp dẫn với nhiều giá trị về di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội và các trò chơi dân gian. Dạo quanh xã Hữu Liên, nổi bật giữa những thung lũng lúa nước bằng phẳng là những nếp nhà sàn rộng rãi, thoáng mát nằm lưng chừng mây núi của rừng già tựa như một bức họa thủy mặc làm say đắm lòng người.
Địa chỉ: Hữu Liên, Hữu Lũng, Lạng Sơn