Top 12 Điểm du lịch văn hóa tâm linh nổi tiếng ở ngoại thành Hà Nội

Gia Trinh Tran 5106 1 Báo lỗi

Hà Nội nổi tiếng là thủ đô văn hiến, nơi gìn giữ và bảo tồn các di tích lịch sử và văn hóa dân tộc, các đền chùa linh thiêng luôn được người dân thủ đô gìn giữ ... xem thêm...

  1. Top 1

    Chùa Hương

    Chùa Hương là một trong những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh Hà Tây cũ, nay thuộc ngoại thành Hà nội, đây là một trong những địa điểm du lịch tâm linh chúng ta không thể không nhắc đến khi có ý định thực hiện chuyến hành trình du lịch tâm linh đầu năm, nhất là đối với các bạn trẻ. Tới chùa Hương du khách vừa được tham gia vào hành trình văn hóa tâm linh, vừa được chiêm ngưỡng những khung cảnh non xanh nước biếc của quần thể hàng chục ngôi đình, chùa mang đậm văn hóa tín ngưỡng nông nghiệp. Hiện nay, Chùa Hương được mệnh danh là “Nam thiên đệ nhất động”, bởi nơi đây quy tụ rất nhiều động, nhiều chùa trong một tổng thể kết hợp vừa thiên nhiên vừa nhân tạo bao gồm: Nam Thiên Môn, chùa Thiên Trù, động Tiên Sơn, suối Giải Oan, động Hương Tích... chùa Hương xứng đáng là ngôi chùa đáng ghé thăm nhất trong chuyến hành trình đầu xuân.


    Điểm thú vị khi đến với Chùa Hương là du khách được ngồi thuyền xuôi theo dòng suối Yến thơ mộng. Trên dòng suối Yến, hoa súng nở rực rỡ, soi bóng xuống làn nước trong vắt, cúi xuống bạn sẽ nhìn thấy cả rong rêu dày đặc xen kẽ nhau, hai bên dòng suối là những dãy núi trập trùng nhấp nhô. Khi thuyền cập bến, bạn sẽ phải leo bộ một quãng khá xa để lên đến động Hương Tích, nếu mệt bạn có thể đi bằng cáp treo để lên được đến đỉnh. Hàng năm, cứ mỗi độ xuân về, chùa Hương lại tấp nập các phật tử hành hương về cõi đất phật để dâng lên các loại hoa thơm trái ngọt, cầu mong cho một năm an lành thuận buồm xuôi gió.


    Địa chỉ: Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội

    Chùa Hương
    Chùa Hương
    Chùa Hương
    Chùa Hương

  2. Chùa Mía là một ngôi chùa nằm trong khu di tích Làng cổ Đường Lâm, nếu như phố cổ Hà Nội, phố cổ Hội An là “Bảo tàng của lối sống đô thị” thì làng cổ Đường Lâm được coi là “Bảo tàng của lối sống nông nghiệp” bởi nơi đây đặc biệt thu hút du khách ở vẻ đẹp mộc mạc giản dị đậm “chất quê” với bờ ao sen đầu làng, cánh đồng cỏ xanh mướt và những công trình kiến trúc nhà ở đậm chất truyền thống. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử vùng đất này còn lưu giữ khá nhiều di tích lịch sử có giá trị văn hóa như: Di chỉ khảo cổ Bến Mả (Văn Miếu) thuộc thời đại Đá mới, các di tích thời các vị anh hùng dân tộc, đình thời Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, đền và lăng Ngô Quyền, nhà thờ Thám Hoa Giang Văn Minh…


    Chùa Mía được mệnh danh là ngôi chùa lưu giữ nhiều tượng nghệ thuật nhất Việt Nam, do Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công bố. Trên các bức tượng, mỗi vị mỗi vẻ, nhưng đều toát lên vẻ uy nghiêm, thanh tịnh như Động Quán Âm Nam Hải là một bức tượng thuộc loại quý hiếm, ít thấy trong các chùa ở miền Bắc cũng như cả nước; tượng Quan Âm tống tử, thường gọi là tượng bà Thị Kính cao 0,76 m; 18 tượng La Hán được tạo đắp diện tướng khác nhau, nhiều vẻ mặt nhưng đều với trạng thái từ bi đôn hậu; ngoài ra còn có tòa bảo tháp Cửu phẩm Liên Hoa cao 13 m thờ vọng Xá Lợi đức Phật. Với kiến trúc độc đáo và những tác phẩm điêu khắc có giá trị, chùa Mía được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.


    Địa chỉ: Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội

    Cổng Chùa Mía
    Cổng Chùa Mía
    Chùa Mía - Làng cổ Đường Lâm
    Chùa Mía - Làng cổ Đường Lâm
  3. Top 3

    Chùa Thầy

    Chùa Thầy cùng với vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên và những giá trị văn hóa lịch sử thật sự tạo nên một điểm du lịch hấp dẫn. Trên khung cảnh núi non hùng vĩ của Sài Sơn, chùa Thầy hiện ra trong sự yên tĩnh, dưới những làn sương mờ mờ ảo ảo hay trong những dòng người tấp nập đi lễ chùa. Nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 20km, chùa Thầy tọa lạc dưới chân núi Sài Sơn hay còn gọi là núi Thầy, núi Phật Tích, thuộc xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Tây cũ. Trong không gian của núi, đồi hùng vĩ, chùa Thầy lại mang vẻ thanh bình, tĩnh mịch. Ngôi chùa này gắn liền với vị thiền sư Từ Đạo Hạnh, người có công lớn trong việc dạy học, chữa bệnh cho dân và sáng lập ra bộ môn múa rối nước.


    Ngôi chùa cổ, mái ngói cong được xây dựng khá khang trang với lối kiến trúc độc đáo kiểu chữ Tam gồm chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng song song với nhau. Bao quát chùa là không gian thoáng đãng với hồ nước trong xanh có hoa khoe sắc nở, có thủy đình, nơi múa rối nước và hai chiếc cầu nhỏ là Nhất tiên kiều trông vào đền Tam phủ, còn Nguyệt tiên kiều nối với đường lên núi. Chùa Hạ là nơi lễ bái của các tăng ni phật tử và là nơi giảng đạo của các nhà sư, còn chùa Trung là nơi thờ Tam Bảo. Lớn nhất, to nhất là chùa Thượng - nơi đặt ba pho tượng chuyển kiếp của thiền sư Từ Đạo Hạnh. Ở chính giữa là ngôi bảo điện đồ sộ được trang hoàng rất nguy nga. Phía trên đặt hòm sắc linh triều tôn phong của thiền sư. Chùa Thầy còn thờ tượng cha mẹ thiền sư Từ Đạo Hạnh là ông Từ Vinh và bà Tăng Thị Loan cùng hai người bạn đồng đạo thân thiết của thiền sư là thiền sư Minh Không và thiền sư Giác Hải. Hai bên chùa là hành lang dài thờ mười tám vị La Hán, phía sau là gác chuông, gác trống.


    Địa chỉ: Thôn Đa Phúc và thôn Thụy Khuê, Quốc Oai, Hà Nội

    Chùa Thầy
    Chùa Thầy
    Chùa Thầy
    Chùa Thầy
  4. Khu di tích đền Sóc được nhà nước xếp hạng khu di tích lịch sử văn hoá vào năm 1962, được xây dựng từ thời Tiền Lê (năm 980), gồm có 6 công trình kiến tạo, mỗi công trình có một giá trị lịch sử, giá trị nghệ thuật riêng biệt. Tâm điểm của tập hợp các di tích này là đền Thượng – nơi thờ Đức Thánh Gióng với quy mô đồ sộ, kiến trúc theo kiểu chuôi vồ, bên ngoài ngôi đền gồm năm gian hai trái, bên trong là hậu cung. Cách bài trí trong đền, cách sắp xếp đồ thờ, khí tự … tạo ra sự linh thiêng của nơi thờ cúng thần linh. Tương truyền sau khi đánh thắng giặc Ân với sự giúp sức của Thánh Gióng, vua Hùng sai dựng đền thờ để ghi nhớ công ơn của Thánh Gióng. Vua phong sắc ghi hiệu thần là Phù Đổng Thiên Vương. Đền Thượng là ngôi đền thờ Thánh Gióng đầu tiên.


    Ngoài Đền Thượng khu di tích này còn có Đền Mẫu thờ mẹ của Thánh Gióng, Chùa Đại Bi; Đền Hạ (Đền Trình) thờ sơn thần thổ địa (các vị thần cai quản núi Sóc). Bên phải đền lùi về phía sau, trên lưng chừng núi có tấm bia 8 mặt kể chuyện Thánh Gióng có niên đại Dương Đức thứ nhất (1672); Chùa Non Nước (tên chữ là Sóc Thiên Vương Thiền Tự) là nơi tọa lạc của pho tượng Phật tổ Như Lai bằng đồng đúc liền khối lớn nhất tại Việt Nam. Tượng nặng 30 tấn, cao 6,50m; Tượng đài Thánh Gióng với chiều cao 9,9m, rộng 13,5m trọng lượng hơn 60 tấn, được đúc bằng đồng mô tả hình ảnh Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt về trời từ trên đỉnh núi. Đứng trên đỉnh núi nhìn ra xa ngút tầm mắt là một khoảng không gian bao la với bát ngát ruộng đồng, rừng cây xanh mướt và quan trọng hơn là du khách đã vượt qua một quãng đường leo núi thật là dài và gian nan để được hiểu thêm, cảm nhận sâu hơn về truyền thống hào hùng của dân tộc.


    Địa chỉ: Phù Linh, Sóc Sơn, Hà Nội

    Chính điện Đền Sóc
    Chính điện Đền Sóc
    Tượng đài Thánh Gióng - Phù Đổng Thiên Vương
    Tượng đài Thánh Gióng - Phù Đổng Thiên Vương
  5. Top 5

    Khu di tích Thành Cổ Loa

    Thành Cổ Loa là di tích lịch sử nổi tiếng nằm trên địa phận huyện Ðông Anh cách trung tâm Hà Nội khoảng 17km về phía Tây Bắc, là một vùng thành trì lớn, một dấu tích vật chất về kiến trúc quân sự và thành cổ hiếm có cách đây hơn 2 thiên niên kỷ. Ðây chính là thủ đô thứ hai của Việt Nam, sau Phong Châu (tỉnh Phú Thọ hiện nay - là thủ đô thời các vua Hùng dựng nước). Thành Cổ Loa gắn liền với câu chuyện An Dương Vương và Nhà nước Âu Lạc cuối thời Hùng Vương. Tuy phải làm chứng cho một câu chuyện buồn về sự mất cảnh giác để nước rơi vào tay giặc, song trải qua thời gian, thành Cổ Loa vẫn luôn mãi là niềm tự hào của người Việt Nam về lịch sử chống ngoại xâm.


    Theo truyền thuyết đình/đền Cổ Loa được xây dựng trên nền cũ của điện ngự triều, nơi bá quan triều hội ngày xưa, bên trong đình còn tấm hoành phi “Ngự triều di quy”. Cạnh đình là Am Bà Chúa tức là miếu thờ công chúa Mỵ Châu, nằm nép dưới gốc đa già cổ thụ. Miếu am bé bỏng như cuộc đời ngắn ngủi của nàng công chúa đáng thương “trái tim lầm chỗ để lên đầu”. Trong am có một tảng đá hình người cụt đầu. Ai cũng bảo đó là tượng Mỵ Châu. Qua am Mỵ Châu tới đền Thượng (tức đền An Dương Vương), trong đền có tượng An Dương Vương. Trước đền là giếng Ngọc, tương truyền là nơi Trọng Thuỷ tự tử vì hối hận, theo dân gian nước giếng này mà đem rửa ngọc trai thì ngọc sáng bội phần.


    Địa chỉ: Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội

    Cổng đền Cổ Loa
    Cổng đền Cổ Loa
    Đền An Dương Vương (Đền Thượng)
    Đền An Dương Vương (Đền Thượng)
  6. Top 6

    Khu đền thờ Nguyễn Trãi

    Nguyễn Trãi là danh nhân văn hóa thế giới, nhà chính trị, nhà quân sự, nhà ngoại giao, nhà thơ, nhà văn thời Lê (thế kỷ XV). Đền thờ Nguyễn Trãi (còn có tên gọi là Đền Ông Khai Quốc), tại xã Nhị Khê, huyện Thường Tín từ lâu đã là địa chỉ đỏ để người dân Thủ đô đến thăm, viếng mỗi độ Xuân đến, Tết về. Nơi đây không chỉ lưu giữ những giá trị văn hóa lịch sử của Người anh hùng, danh nhân văn hóa Thế giới Nguyễn Trãi mà còn là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ những truyền thống tốt đẹp về lịch sử hào hùng của cha ông một thời. Hiện nay, quần thể di tích Nguyễn Trãi gồm nhiều hạng mục như ngôi Mộ Tổ, tương truyền do một vị tiền bối của dòng họ thiên di từ Chi Ngại, Chí Linh, Hải Dương chuyển về, đặt tại nơi đắc địa, huyệt phát tích khoa bảng, khu Trại Ổi - Ao Huê tương truyền là nơi cụ Nguyễn Phi Khanh mở trường dạy học từ năm 1387 đến 1400. Khu văn chỉ, là nơi đặt bia đá ghi danh các vị khoa bảng của làng trong đó có tên và tước vị của 2 cha con Nguyễn Trãi, Nguyễn Phi Khanh.


    Ngôi đền thờ do vua Lê Thánh Tông sau khi minh oan đã cho xây dựng để thờ phụng và tưởng niệm Nguyễn Trãi, di tích đã được Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch ra quyết định xếp hạng di tích cấp quốc gia. Đến đây, du khách được chiêm ngưỡng Tượng đài Nguyễn Trãi, Pho tượng Nguyễn Trãi tay phải cầm bút, tay trái cầm sách... đầy trang nghiêm nhưng không kém phần gần gũi, thân quen, Nhà trưng bày thân thế, sự nghiệp Nguyễn Trãi... Đặc biệt, giữa đền có tấm biển sơn son khắc chữ Hán, đề “Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo” do vua Lê Thánh Tông (năm Quang Thuận thứ năm - 1464) ban cho Nguyễn Trãi khi minh oan cho ông năm 1442. Hậu cung của đền có bức chân dung lớn thờ Nguyễn Trãi, người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, là biểu tượng sáng ngời của tinh thần yêu nước.


    Địa chỉ: Nhị Khê, Thường Tín, Hà Nội

    Khu Đền thờ Nguyễn Trãi
    Khu Đền thờ Nguyễn Trãi
    Tượng đài Nguyễn Trãi - Danh nhân văn hóa thế giới
    Tượng đài Nguyễn Trãi - Danh nhân văn hóa thế giới
  7. Với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" sau khi Hai Bà Trưng tạ thế, nhân dân ở nhiều nơi đã lập đền thờ để ghi nhớ công đức của Hai Bà. Trong số 103 nơi thờ Hai Bà Trưng và các tướng lĩnh ở 9 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó, đền Hai Bà Trưng ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh là có ý nghĩa quan trọng nhất bởi ở đây không chỉ là nơi lưu lại dấu thiêng về 2 vị nữ anh hùng thời thơ ấu, lúc bình sinh, mà còn là nơi lưu niệm về quá trình chuẩn bị khởi nghĩa Hai Bà Trưng của dân tộc hồi đầu Công nguyên, là nơi xưng vương và lập đô sau khi đã đánh tan giặc ngoại xâm.


    Trong tâm thức người Việt, hình ảnh Hai Bà Trưng cưỡi voi dẫn đầu đoàn quân xung trận, đánh tan quan quân nhà Hán giành độc lập cho dân tộc sau hơn hai thế kỷ bị phong kiến nước ngoài đô hộ là một kỳ tích trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Sử sách đã hết lời ca tụng Hai Bà. Người Việt Nam xem Hai Bà là anh hùng của dân tộc nên đã lập đền thờ ở nhiều nơi. Đền thờ Hai Bà Trưng là di tích lịch sử văn hoá linh thiêng không chỉ của người dân Mê Linh mà còn với người dân cả nước. Đây là minh chứng cho tinh thần yêu nước, bất khuất của người phụ nữ Việt Nam. Lễ hội là hoạt động tưởng nhớ công ơn Hai Bà, cũng là hoạt động thiết thực nhằm giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ.


    Địa chỉ: Mê Linh, Hà Nội

    Khu đền thờ Hai Bà Trưng
    Khu đền thờ Hai Bà Trưng
    Bia đá khắc ghi lời thề của Hai Bà Trưng
    Bia đá khắc ghi lời thề của Hai Bà Trưng
  8. Top 8

    Chùa Diên Phúc

    Chùa Diên Phúc là ngôi chùa có lịch sử hơn 1000 năm, đây là ngôi chùa đã ghi dấu ấn trong sử sách là nơi bà Phạm Thị - thân mẫu của vua Lý Công Uẩn - đã cư ngụ và nghe giảng đạo trong một thời gian dài, cũng là nơi các vị vua nhà Lý thường đến bái yết Thánh mẫu. Đây là một ngôi chùa cổ, sự ra đời của ngôi chùa gắn liền với sự phát triển của vương triều nhà Lý, một vương triều rất thịnh trị trải qua hơn 125 năm với 8 vị vua anh minh. Vương triều nhà Lý cũng là một trong những triều đại mà Phật giáo phát triển rất hưng thịnh, Phật giáo đã trở thành Quốc Giáo.


    Hiện ngôi chùa còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý như chuông, tượng Quan Âm, tượng Đức Thánh Trần và hơn 2.000 bộ kinh khác nhau. Trước đây chùa Diên Phúc có qui mô kiến trúc lớn và là một thắng cảnh nổi tiếng trong vùng. Trải qua bao thăng trần cùng lịch sử, với sự hủy hoại, phong hóa của khí hậu và thời gian đã làm cho kiến trúc của chùa thu hẹp lại. Hiện tại kiến trúc của chùa gồm bốn nếp nhà ngang dọc tạo thành. Các bộ phận này được quy hoạch quanh một sân gạch vuông nhỏ: Tiền đường tọa lạc ở phía trước, Thượng Điện nằm ở sân sau, nhà Thờ Mẫu và nhà Tổ nằm theo một trục thẳng phái sau Thượng Điện, Lầu Quan Âm nằm song song với Tiền Đường và trước cửa nhà Tổ.


    Địa chỉ: Thái Bình, Mai Lâm, Đông Anh, Hà Nội

    Tam quan chùa Diên Phúc
    Tam quan chùa Diên Phúc
    Chính điện Chùa
    Chính điện Chùa
  9. Theo sử sách và truyền thuyết dân gian, cụm di tích đền - chùa Bà Tấm được xây dựng từ thời Lý. Sự ra đời của di tích gắn với Nguyên Phi, Hoàng thái Hậu Ỷ Lan - một nhân vật kiệt xuất của vương triều nhà Lý. Sử cũ cho biết, nguyên phi Ỷ Lan giỏi việc trị nước (hai lần nhiếp chính), khiến nhân tâm hoà hợp, đất nước thanh bình, dân gian sùng Phật, tôn bà là Phật Bà Quan Âm. Các huyền thoại, truyền thuyết về Bà phủ trùm lên một vùng văn hoá lịch sử của xứ kinh Bắc xưa. Bà được dân gian gọi là bà Tấm - là hiện thân của lòng bao dung, đức độ và những điều tốt lành. Cụm di tích chùa - đền Bà Tấm vốn được xây dựng trên một gò đất cao, rộng, nằm bên hữu ngạn dòng sông Thiên Đức nổi tiếng (phía bên Tả ngạn là chùa Báo Ân thời Trần, gắn liền với cuộc đời tu hành của vua Trần Nhân Tông). Trải qua quá trình tồn tại, mặt bằng di tích có nhiều thay đổi, còn có chùa, đền và nhà thờ mẫu cùng một số đơn nguyên kiến trúc kề cận.


    Hiện nay, trong chùa bà chúa Tấm còn lưu giữ nhiều di vật quý, phản ánh lịch sử và quá trình tồn tại, các lần trùng tu, sửa chữa di tích... Đáng chú ý nhất là 2 tượng sư tử (bệ thờ), kích thước rất lớn, 1 thành bậc trang trí sấu, chim phượng, cúc dây nổi tiếng được nhiều nhà nghiên cứu biết tới, cùng các di vật đất nung trang trí kiến trúc thời Lý đang được lưu giữ. Ngoài ra, còn có nhiều bia đá và nhiều di vật khác thời Lê - Nguyễn. Nhận thấy những giá trị lịch sử - văn hoá đang tiềm ẩn nơi đây, trong chương trình nghiên cứu khảo cổ học kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phối hợp với Sở Văn hoá - Thông tin Hà Nội, VP. Ban Chỉ đạo Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã tiến hành điều tra, thám sát và khai quật khảo cổ học tại cụm di tích này.


    Địa chỉ: Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội

    Cụm di tích Đền - Chùa bà chúa Tấm
    Cụm di tích Đền - Chùa bà chúa Tấm
    Cụm di tích Đền - Chùa bà chúa Tấm
    Cụm di tích Đền - Chùa bà chúa Tấm
  10. Top 10

    Chùa Bối Khê

    Bối Khê là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Bắc Bộ, với niên đại 600 năm, lưu giữ nhiều nét độc đáo. Tương truyền, chùa được xây dựng từ năm 1338 dưới thời Trần. Chùa thờ Phật, Tam Tòa Thánh Mẫu, thờ Đức thánh Bối Nguyễn Đình An - người có công đánh giặc phương Bắc, và cũng lưu giữ nhiều dấu tích tôn giáo của phái Trúc Lâm, Đạo giáo, Khổng giáo. Chùa được xây trên một khu đất khá rộng rãi, với phần cổng tách biệt bên ngoài, qua cây cầu gạch và một con đường rồi mới vào đến chùa. Cổng chùa cũng là loại năm cổng - ngũ quan (ngũ môn), khác với cổng tam quan thường thấy, phía trên có gác mái và có lối lên. Cây cầu bắc qua hào nước nhỏ, tương truyền là một phần của sông Đỗ Động.


    Được xây dựng đầu thế kỷ 14, chùa Bối Khê trải qua tám đợt trùng tu lớn vào các đời Lê Sơ, Mạc, Lê Trung Hưng và Nguyễn. Hiện nay, kiến trúc và phần nhiều các mảng chạm của chùa mang dáng dấp thời Nguyễn. Có thể nói, chùa hội tụ rất nhiều những nét kiến trúc, mỹ thuật tiêu biểu của nhiều thời kỳ, một phần do yếu tố trùng tu có giữ lại những vật liệu của thời kỳ trước để tận dụng. Bậc thềm phía trước thượng điện còn lưu giữ vết tích của gạch cả thời Mạc và thời Lê, với hoa văn và linh vật trang trí chạm nổi còn gần như nguyên vẹn. Các mảng chạm gỗ của chùa phần lớn là từ thời Nguyễn. Các mảng chạm này độc đáo ở chỗ, thay vì những mô típ quen thuộc như tùng, cúc, trúc, mai, sen, rồng, phượng, hay tiên…


    Địa chỉ: Tam Hưng, Thanh Oai, Hà Nội

    Nghi môn chùa Bối Khê hay còn gọi là Ngũ Không môn
    Nghi môn chùa Bối Khê hay còn gọi là Ngũ Không môn
    Cảnh quan trong chùa
    Cảnh quan trong chùa
  11. Top 11

    Chùa Tự Khoát

    Chùa Tự Khoát tên chữ là Hưng Phúc Tự, tọa lạc tại thôn Tự Khoát, xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Năm 1988, Bộ Văn hóa - Thông tin đã công nhận chùa là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. Theo truyền thuyết, dưới thời Lý có hai chị em công chúa là Từ Thục và Từ Huy xuất gia tu hành ở am Đông Phù đều thuộc vùng Ngũ Hiệp. Hai bà đã chia ruộng đất cho dân nghèo và giúp họ vốn liếng để trồng lúa, trồng dâu, mở lò rèn… Khi vua cha gọi về triều để gả cho thổ hào vùng biên giới, hai bà nhất quyết không tuân lệnh. Nhà vua nổi giận cho đốt am nhằm triệt chỗ nương thân của con song hai bà lại được dân làng Tự Khoát đón về, dựng lại am trên gò Trúc Lĩnh, rồi mở mang am thành chùa, nên gọi là chùa Tự Khoát (chùa mở rộng). Hai bà hóa vào ngày 15 tháng Ba âm lịch.


    Chùa Tự Khoát đã trải qua nhiều lần trùng tu lớn nhỏ vào các năm 1830, 1865, 1907, 1939, 1995 và gần đây nên dáng vẻ hoàn toàn mang phong cách nghệ thuật kiến trúc của cuối thời Nguyễn. Chùa Tự Khoát quay mặt về hướng Nam, nhìn ra một đầm sen hình vuông. Từ đường làng có lối đi rộng rãi vào cổng ngách mới mở ở bên hữu tam quan. Chùa Tự Khoát hiện giữ được 2 con rồng đá trước cửa, 52 pho tượng tròn, 1 quả chuông, 3 tấm bia đá, nhiều hoành phi, câu đối, kiệu rước, long ngai, bát hương…Trên các tầng của điện Phật tính từ trong ra có đặt các pho tượng Tam thế, A Di Đà tam tôn, Thích Ca đắc đạo, Di Lặc, Thích Ca sơ sinh (Cửu Long) với hai bên là Nam Tào, Bắc Đẩu. Ngoài tiền đường, sát tường hậu và ở hai bên bày các tượng Tuyết Sơn, Quan Âm tống tử, Khuyến Thiện, Trừng Ác. Hai bên gian sát tường hồi còn có tượng Giám Trai, Đức Ông và bàn thờ hậu. Nhà thiêu hương bày bộ tượng Thập điện Diêm Vương. Hầu hết hiện vật đều mang các nét đặc trưng của nghệ thuật thời Lê Trung hưng và thời Nguyễn.


    Địa chỉ: Thôn Tự Khoát, Ngũ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội

    Chính điện chùa Tự Khoát
    Chính điện chùa Tự Khoát
    Toàn cảnh chùa Tự Khoát
    Toàn cảnh chùa Tự Khoát
  12. Những ngày đầu năm mới, hàng ngàn du khách thập phương đổ về chùa Bia Bà (Hà Đông, Hà Nội) để thắp hương cầu tài, cầu lộc với quan niệm “Cầu duyên thì đến chùa Hà, cầu tài, cầu lộc thì đi Bia Bà”. Cụm di tích La Khê gồm đình La Khê, chùa Diên Khánh và đền Đức Thánh Bà, trong đó Đền Đức Thánh Bà nổi tiếng linh thiêng với những ai muốn cầu tài, cầu lộc. Nơi đây thờ bà Trần Thị Hiền, con gái cụ đô lực sĩ, dung quận công Trần Chân. Bà là đệ nhị vương phi, vợ vua Mạc Đăng Doanh. Hiện tại, đình La Khê lưu giữ khá nhiều di vật quý, trong đó có những di vật có giá trị được tạo tác công phu, tỉ mỉ như án giang, hương án, kiều, hoành phi, câu đối, long ngai bài vị. Trong đình (tòa Trung cung) có hai cỗ long ngai, bài vị của Đức Ông và Đức Bà. Ngoài ra còn có một tấm bia thờ 10 vị Tổ sư nghề dệt the. Đình đã được các triều vu từ thời Lê đến thời Nguyễn ban 28 đạo sắc phong. Nhà Nguyễn đã ban sắc 10 vị Tổ nghề the là “Dực Bảo tôn thần”.


    La Khê còn nổi tiếng với địa chỉ tín ngưỡng dân gian Bia Đức thánh Bà - nơi thờ bà Trần Thị Hiền con gái cụ đô lục sĩ, dũng quận công Trần Chân. Bà là đệ nhị vương phi, vợ vua Mạc Đăng Doanh. Bà vừa xinh đẹp dịu dàng vừa đức thục đoan trang. Lúc còn sống Bà hay giúp đỡ người nghèo khó, hướng dẫn người dân cách làm ăn, mở mang nghề dệt,…Trước khi mất, Bà trao lại toàn bộ ruộng vườn, tài sản cho nhân dân. Đến với cụm di tích La Khê, du khách không chỉ được chiêm bái những di tích lịch sử - văn hóa của địa phương mà còn có những trải nghiệm thú vị trong cuộc hành hương về quá khứ. Sự thâm nghiêm cổ kính của đình Bia Bà và sự linh ứng của lời nguyện cầu phát tài phát lộc đã thu hút nhiều người đến đây. Năm 1998, đình Bia Bà - La Khê đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật.


    Địa chỉ: Làng La Khê xưa, nay là phường La Khê, Hà Đông, Hà Nội

    Cụm di tích đình, chùa, bia Bà La Khê
    Cụm di tích đình, chùa, bia Bà La Khê
    Chính điện Chùa Diên Khánh
    Chính điện Chùa Diên Khánh




Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy