Top 10 Hành động khó chịu thường gặp nhất khi tham gia giao thông
Hàng ngày, bằng bất cứ phương tiện gì chúng ta đều phải di chuyển từ nhà đến nơi làm việc, trường học, siêu thị, chợ rồi lại về nhà. Tuy nhiên, ý thức của ... xem thêm...nhiều người khi tham gia giao thông vẫn còn quá kém đối với một xã hội ngày càng phát triển như hiện nay. Vì thế, khi di chuyển ra đường, ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh khó chịu trên đường nhưng không biết phải làm như thế nào. Hãy cùng xem những điều đấy là gì nhé.
-
Ngược chiều "yêu thương"
Để rút ngắn một đoạn đường đi mà những người đi ngược chiều trên đường đã cố tình đặt mình và các phương tiện giao thông khác vào tình thế nguy hiểm, đặc biệt trên các tuyến đường được lưu thông với tốc độ cao. Khi có phương tiện khác bất ngờ xuất hiện trên đường một chiều, lái xe rất khó xử lý và phản ứng với tình huống bất ngờ xảy ra, dễ dàng dẫn đến tai nạn giao thông.
Hãy tưởng tượng khi đang bon bon trên đường mà bắt gặp hình ảnh một chiếc xe gắn máy chạy ngược chiều với mình xem nào. Đường vắng, ít xe qua lại dù biết là sai nhưng vẫn có thể thông cảm, nhưng đến đường xe đông đúc mà vẫn cố gắng luồn lách đi ngược chiều thì hỡi ôi, cảm giác vô cùng khó chịu.
Đừng cố gắng rút ngắn một đoạn đường hay một vài nghìn tiền xăng xe mà gây khó chịu cho người khác bạn nhé. Hãy lái xe thật văn minh, mỗi người một ý thức nhỏ sẽ góp phần giảm đi tình trạng tắt đường, kẹt xe hay chỉ đơn giản thể hiện mình là một người có văn hóa.
-
Chở hàng hóa cồng kềnh che khuất tầm nhìn
Việc nhiều người sử dụng xe môtô, xe gắn máy làm phương tiện để chở hàng hóa cồng kềnh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn và gây tai nạn giao thông trên đường. Thế nhưng, hiện nay trên các tuyến đường ở thành phố tình trạng vi phạm này vẫn còn diễn ra nhiều. Dẫu biết rằng không phải tự dưng mà người ta lấy hàng chất lên thật nhiều rồi chở đi ra phố, mọi thứ đều có lý do của nó. Đó cũng có thể là chuyến hàng chở đi rồi mang về vài chục nghìn tiền cơm áo của người lao động...
Nhưng dù lý do gì thì việc chở hàng cồng kềnh mang lại rất nhiều phiền toái cho người đi đường xung quanh, thậm chí là gây nguy hiểm có thể dẫn đến tai nạn. Theo quy định của Luật GTĐB, xe môtô, xe gắn máy không được chất hàng hóa, hành lý vượt quá tải trọng giá chở hàng hay thiết kế của nhà sản xuất, mỗi bên cho phép 0,3m, vượt quá phía sau giá chở hàng là 0,5m, chiều cao xếp hàng hóa tính từ mặt đường lên xe chạy là 2m. Thế nhưng, nhiều người vẫn cố tình vi phạm, mặc cho hàng hóa che khuất tầm nhìn không quan sát được và thực tế cũng đã xảy ra nhiều vụ tái nạn giao thông từ xe chở hàng cồng kềnh.
-
Đỗ xe lấn chiếm lòng đường
Nguyên nhân của việc đỗ xe dưới lòng đường là gì ? Đầu tiên là do ý thức kém của con người, nhiều người còn tiết kiệm vài chục nghìn tiền gửi xe mà đỗ xe lung tung. Có nhiều trường hợp phải nhận cái kết đắng khi đỗ xe không ý thức, đỗ trước nhà, trước ngõ hẻm ra vào của người khác.
Thứ hai, các xe đỗ ra lòng đường đa số là các xe tải, xe chở hàng cỡ lớn của các công ty, xí nghiệp nhưng không có khoảng không gian để đỗ xe hoặc nơi đó không thuận lợi cho việc xe ra vào một cách dễ dàng dẫn đến việc đỗ xe ra lòng đường, vào giờ cao điểm dễ gây tắc đường, kẹt xe.
Điểm đỗ thiếu trong khi nhu cầu của người dân ngày càng tăng cao khiến những người có ô tô chỉ biết than trời mỗi khi dừng, đỗ xe. Bí quá hóa liều, nhiều chủ xe đành phải đỗ “bừa” trước cửa nhà, lối đi dù biết rằng việc này ảnh hưởng đến việc đi lại, di chuyển của người dân. Rõ ràng đỗ xe không khó, cái khó là làm sao để đỗ xe một cách văn minh, lịch sự và không gây ảnh hưởng đến mọi người xung quanh.
-
Sử dụng điện thoại khi lái xe
Ngày nay, điện thoại di động đã trở thành vật bất ly thân đối với nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ. Họ sử dụng điện thoại để nghe, gọi, chụp ảnh, nhắn tin, lên mạng, facebook… mọi lúc mọi nơi, thậm chí cả khi đang tham gia giao thông. Vừa điều khiển phương tiện giao thông vừa nghe điện thoại, nhắn tin là hình ảnh dễ dàng bắt gặp trên các tuyến đường hàng ngày.
Đối với xe máy, lái bằng một tay không thể chắc chắn và an toàn bằng 2 tay. Hơn nữa tay trái cầm điện thoại sẽ khiến bạn không thể sử dụng hệ thống phanh kết hợp ở xe tay ga. Giật mình trước những tình huống bất ngờ sẽ khiến bạn sử dụng phanh trước mạnh và đột ngột, gây tai nạn là điều khó tránh khỏi.
Đã có người vì mải mê nghe điện thoại mà qua đường thiếu quan sát, chuyển hướng không báo hiệu, đèn đỏ quên dừng lại… gây bất bình cho những phương tiện cùng lưu thông, thậm chí xảy ra tai nạn. Dù nghe hay gọi, nhắn hay trả lời tin nhắn… thì họ vẫn không dừng xe lại để đảm bảo an toàn cho mình và người khác. Thêm đó, khi sử dụng điện thoại lúc lái xe, tốc độ xe chạy của bạn trở nên "rùa bò" hơn bao giờ hết khiến những người xung quanh cảm thấy khó chịu. -
Dàn hàng ngang
Ắt hẳn ai cũng từng bắt gặp hình ảnh người khác đi xe dàn hàng ngang trên đường, chiếm phần lớn phần đường, gây khó khăn cho việc di chuyển của các xe phía sau.
Theo ghi nhận thì bạn có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh những nhóm học sinh đi xe đạp hay xe đạp điện tụ tập, dàn hàng ngang trên đường, vừa đi vừa cười đùa, mặc kệ các phương tiện khác phía sau. Thậm chí, nhiều em vừa nắm tay, vừa đạp xe khi lưu thông trên đường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Việc lái xe dàn hàng ngang không chỉ lấn chiếm lòng đường, cản trở giao thông, gây ùn tắc, có thể va quẹt với những xe xung quanh mà còn khiến nhiều người ném cặp mắt khó chịu về phía bạn. Khi lái xe, hãy tập trung vào việc chạy xe đến nơi mình muốn, chứ không phải vừa chạy vừa "tám chuyện" trên trời dưới đất cho vui. Hành động trên vừa thể hiện bạn là một người vô văn hóa, coi thường pháp luật và rất phản cảm. Hơn hết, để đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình và cho người xung quanh, các em học sinh hãy tham gia giao thông một cách thông minh và nghiêm túc.
-
Người lái xe có sử dụng rượu bia
Đây là một vấn đề mà nhiều người tham gia giao thông tại Việt Nam mắc phải không chỉ ở xe máy mà còn cả ở ô tô. Chính vì thế, bên cạnh việc lên án hành vi sử dụng rượu bia trước khi lái xe đối với phương tiện xe ô tô thì ngay cả những người đi xe máy cũng cần phải nhớ rằng "đã uống rượu bia, thì không lái xe" để bảo đảm an toàn cho bản thân cũng như cho người khác.
Chất cồn trong rượu bia sẽ khiến não bộ xử lý thông tin chậm chạp, phản xạ có điều kiện theo đó cũng suy giảm, vì vậy làm tăng nguy cơ dẫn đến tai nạn. Chẳng hạn, khi thấy một người đi ngang đường bất ngờ cần phải phanh xe gấp, não của bạn sẽ mất một khoảng thời gian lâu hơn để đưa ra quyết định. Khi uống rượu bia, khả năng phối hợp giữa các bộ phận trên cơ thể như mắt, tay, chân bị ảnh hưởng. Những dấu hiệu của tình trạng này bao gồm đi đứng loạng choạng, ngồi không vững, thậm chí còn khó khăn để ngồi lên xe. Uống rượu có thể làm tổn thương các mô của mắt từ giác mạc, kết mạc đến võng mạc và thần kinh thị giác gây giảm thị lực, thậm chí không điều khiển được mắt. Khi thị lực giảm khiến người lái xe không nhìn thấy rõ các vật thể xung quanh từ đó dễ gây tai nạn.
-
Sang đường không bật xi nhan
Đèn xi nhan (đèn báo rẽ, đèn chuyển hướng) được dùng khi người điều khiển muốn phát ra thông báo chuẩn bị chuyển hướng, chuyển làn cho xe cùng lưu thông. Khi nhận tín hiệu này, các phương tiện trên đường sẽ chủ động nhường đường để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, một số người điều khiển phương tiện giao thông vẫn vẫn còn mắc lỗi không xi nhan dẫn tới bị phạt hành chính hoặc xảy ra va chạm không đáng có.
Đây là hành động thường gặp nhất của chị em phụ nữ. Đang chạy nhưng cứ thích sang đường là rẽ thôi, không có đèn tín hiệu gì cả. Nhiều người "ý thức" hơn khi xi nhan tầm 2 3 giây trước rồi rẽ sang đường luôn. Kiểu lái xe này rất nguy hiểm, xe đằng sau không trở tay kịp là tai nạn như chơi. Khi di chuyển trên đường mà muốn sang đường, hãy chú ý bật tín hiệu xi nhan rồi qua dần dần bạn nhé. Tuân thủ luật giao thông chính là đang bảo vệ chính bản thân bạn.
-
Không đảm bảo khoảng cách an toàn với các phương tiện khác
Trong tham gia giao thông, người lái xe máy là đối tượng sử dụng xe cơ giới ít được bảo vệ nhất trước các tác động bên ngoài. Thế nhưng nhiều người lái xe máy lại có thói quen đi gần hoặc đôi khi là tạt đầu các phương tiện giao thông cỡ lớn khác như xe tải, xe ben, xe container hay xe buýt.
Với các phương tiện cỡ lớn, tầm nhìn sẽ rất hạn chế vì nhiều điểm trên thân xe. Nếu không giữ khoảng cách an toàn, người lái xe máy có thể rơi vào điểm mù của người lái xe to và xảy ra những va chạm đáng tiếc do không thể quan sát được. Ngay cả trong những tình huống mà các xe cỡ lớn đang lùi hoặc quay đầu, nhiều người lái xe máy còn cố gắng luồn ra phía sau xe để đi trước và không ít vụ tai nạn đáng tiếc đã xảy ra.
Những vụ tai nạn thương tâm giữa xe máy với các loại phương tiện cơ giới cỡ lớn trong suốt thời gian qua chính là bài học cho những người điều khiển xe máy. -
Bấm còi khi đèn đỏ còn 4 - 5 giây
Hành động này rất thường gặp ở các trụ đèn giao thông, khi đèn chỉ còn 4 - 5 giây để chuyển sang đèn xanh thì các xe đằng sau lập tức bấm còi inh ỏi giục các xe phía trước di chuyển mặc dù tín hiệu đèn vẫn đỏ. Nhiều người dừng xe phía trước khi nghe tiếng còi, giật mình mà rồ ga chạy, gây mất an toàn giao thông.
Đã chờ đèn đỏ gần 1 phút rồi, vậy còn tiếc chi 4 5 giây còn lại mà bấm còi inh ỏi. Thế nhưng, nhiều người bấm còi như một thói quen, bất chấp mọi tình huống. Việc này lan dần lan dần như hiệu ứng domino từ người này sang người khác, họ bấm còi được, mình cũng bấm còi được. Hành vi thiếu ý thức trên làm rất nhiều người khó chịu và bực bội khi tham gia giao thông.
-
Đậu xe chắn lối cho phép rẽ phải
Nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông, thời gian gần đây, thành phố đã đưa vào vận hành nhiều làn đường được phép rẽ phải khi đèn đỏ tại các giao lộ lớn, có lưu lượng giao thông đông đúc.
Theo đó, người tham gia giao thông được phép rẽ phải khi đèn đỏ nếu thấy vạch kẻ đường có mũi tên chỉ hướng phải (hoặc đường kẻ dài màu vàng còn gọi là vạch mắt võng) và biển báo phụ ghi nội dung: “Đèn đỏ được phép rẽ phải” hoặc “cấm dừng và cấm đỗ”.
Nhưng hiện nay tại nhiều ngã ba, ngã tư, các điểm giao nhau…, rất nhiều người điều khiển phương tiện giao thông đi thẳng hoặc rẽ trái thản nhiên lấn chiếm và dừng xe trên vạch mắt võng này. Tình trạng này không chỉ gây ùn tắc giao thông mà tiềm ẩn xung đột giữa những người tham gia giao thông với nhau.