Top 7 Kinh nghiệm dạy học sinh lớp 1 nhanh biết đọc - biết viết mà giáo viên tiểu học nên biết

Phương Trinh 31609 0 Báo lỗi

Làm sao để học sinh lớp 1 nhanh biết đọc - biết viết? Luôn là câu hỏi mà rất nhiều các bậc phụ huynh cũng như các thầy cô giáo đang cố gắng tìm kiếm câu trả ... xem thêm...

  1. Học sinh tiểu học đặc biệt là đối tượng học sinh lớp 1, các em còn mang tính hiếu động, thích bắt chước, tự do, chưa có ý thức, khó làm chủ bản thân. Bên cạnh đó do sự nuông chiều từ phía một số gia đình nên dẫn đến ở một số em rơi vào tình trạng học tập tự do và không có ý thức kỉ luật. Để có một lớp học tốt thì ổn định nề nếp luôn là bước đầu tiên. Vậy phải ổn định như thế nào? Để Toplist mách bạn vài mẹo nhỏ:


    • Ân cần, nhẹ nhàng đôi khi cũng phải nghiêm khắc
    • Cho các em học các nguyên tắc trong lớp học
    • Học sinh chỉ được phép phát biểu khi được cho phép
    • Yêu cầu học sinh nói nhỏ giọng
    • Kết hợp với phụ huynh
    • Kết hợp với giáo viên bộ môn
    • Rèn nề nếp cho học sinh thông qua khen thưởng, kỉ luật
    • Rèn nề nếp lớp thông qua đội ngũ cán bộ lớp
    • Hãy bao dung và chấp nhận

    Giáo viên có thể tham khảo thêm ở bài viết này: https://toplist.vn/top-list/bien-phap-ren-ne-nep-quan-ly-hoc-sinh-lop-mot-ma-giao-vien-chu-nhiem-nen-biet-26846.htm


    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)

  2. Cái gì cũng vậy, để tìm được giải pháp thì phải phải biết lý do từ đâu, nguyên nhân là gì. Với câu chuyện dạy học sinh lớp 1 cũng thế. Có thể là khó khăn đấy, nan giải đấy nhưng một khi các thầy các cô đã tìm được nguyên nhân và áp dụng các biện pháp phù hợp thì có lẽ "dấu chấm hỏi' này cũng sẽ được giải đáp một phần nào.


    Có 4 nguyên nhân chính dẫn đến yếu – kém trong học đọc – viết ở học sinh lớp 1:


    • Do hoàn cảnh gia đình.
    • Do mất kiến thức căn bản.
    • Chưa nhận thức được nhiệm vụ học tập, chưa chăm học.
    • Do khả năng nhận thức còn hạn chế.

    Do hoàn cảnh gia đình: Với học sinh lớp 1, đa số các gia đình rất quan tâm đến các con và đặc biệt bây giờ các con học ở trường cả ngày, vì vậy nguyên nhân này ít xảy ra. Trừ một số trường hợp học sinh không ở cùng bố mẹ do một vài nguyên nhân có thể ảnh hưởng đến tâm lí của các em. Trong những trường hợp này giáo viên cần tìm hiểu để trao đổi với bố mẹ hoặc ông bà để gia đình cùng hỗ trợ, kèm cặp kịp thời. Giáo viên cần trao đổi rõ các biện pháp, việc làm cần thiết để giúp đỡ học sinh. Với trường hợp này, giáo viên vừa là cô; vừa là mẹ, yêu quý; động viên; khích lệ, đôi lúc đến nắm chặt bàn tay, hay xoa đầu, .. để các em cảm nhận được tình yêu thương khi đến lớp. Từ đó, các con sẽ yêu quý, tin tưởng người dẫn dắt, dạy bảo mình.


    Do mất kiến thức căn bản: Trong trường hợp này cần phải bù bài thôi, giáo viên trao đổi với phụ huynh về thời gian cũng như biện pháp hỗ trợ. Với lớp 1, việc học sinh mất kiến thức căn bản cũng hạn chế vì lượng kiến thức và thời gian học tập chưa nhiều, nếu phải bù cũng không khó khăn lắm.


    Chưa nhận thức được nhiệm vụ, chưa chăm học: Có một số em hỏi bố mẹ: “Sau này con có thể làm nghề gì mà không cần học chữ được không?” hay “Học chữ để làm gì ạ?” … Ngay khi học sinh không đề cập đến vấn đề này thì thầy cô và cha mẹ cũng cần giúp các em nhận thức được lợi ích của việc biết đọc, biết viết để các em có động cơ học tập.


    Ví dụ: Giáo viên hỏi: “Khi bà sang chơi, con muốn theo về nhà bà mà để bố mẹ biết con đi đâu và không phải lo lắng đi tìm, con sẽ phải viết lại tin nhắn cho bố mẹ biết, nếu không biết chữ, con có viết được không? Bây giờ con có thể viết tin nhắn – Bố mẹ, con đi nhà bà nhé - được chưa?” hay “Con muốn lắp ghép một cái xe hay một siêu nhân, nếu con không biết chữ, con có thể đọc hướng dẫn để lắp ghép được không?,….” Hay giáo viên có thể giới thiệu một cuốn sách và cho biết trong đó có những nội dung gì hấp dẫn, các con có muốn đọc không? hoặc kể cho các con nghe câu chuyện “Văn hay chữ tốt” nói về việc luyện chữ của ông Cao Bá Quát,….


    Vậy giáo viên cần thường xuyên tạo động cơ học tập cho học sinh qua các câu chuyện để các em có hứng thú học tập.


    Do khả năng nhận thức còn hạn chế:


    • Với những em có nhận thức khá tốt mà không đọc viết được, nguyên nhân là ở lớp các em không tập trung, giáo viên ít để ý đến việc thay đổi hình thức dạy học và kiểm tra để các em có cơ hội đọc vẹt và coi chép, trường hợp này giáo viên cần trao đổi với phụ huynh để bổ sung kiến thức kịp thời bằng cách giáo viên và phụ huynh cũng hỗ trợ, chỉ từng chữ cho các em tập đọc, tích cực đọc cho các em viết; có thể kèm trên lớp, kèm cặp riêng.
    • Với các em nhận thức chậm, khó nhớ các chữ cái, đánh vần chậm, quán âm không tốt (VD có em đánh vần: c – a – ba) đặc biệt là khó nhớ các phụ âm ghép (gh, ng, nh,…) và khó nhớ vần. Trường hợp này cần cho các em tập đánh vần, đọc viết nhiều từ có cùng âm, vần ấy: ví dụ học âm “nh” , học sinh viết nhiều tiếng, từ có âm “nh” (như: nhà, nhả, nhạ, nhã, nhà lá, nhả ra, nho, nhô,..…), khi chuyển sang âm khác, các em lại quên âm cũ, hãy kiên trì gợi ý các em đánh vần để viết, không quát mắng làm các em bị rối trí mà cần động viên, tin tưởng “Con cố nhớ sẽ được, con nhớ rồi đấy, viết thêm nhé”,… đặc biệt giúp các em có điểm tựa để nhớ âm (“nh – nhà” ; “th – thỏ”, “gh – ghế” ,… nghĩa là cứ đánh vần “nh” là các em nhớ đến chữ “nh” trong tiếng “nhà”. Cứ kiên trì như thế, các em sẽ ghi nhớ tốt hơn.
    • Giáo viên trao đổi với phụ huynh trường hợp đặc biệt như thế để có biện pháp hỗ trợ, có thể hướng dẫn phụ huynh cách dạy đánh vần, chia sẻ các bài đọc bổ sung (các từ câu mới theo từng bài ở trên trang đã hệ thống) để phụ huynh cho con luyện nhiều âm, vần đó giúp ghi nhớ tốt hơn. Vì học sinh nhận thức chậm nên giáo viên và phụ huynh cho con đọc 3 đến 5 từ một lượt, đọc đi đọc lại, thay đổi vị trí để con ghi nhớ kĩ. Để con nhớ tốt hơn, có thể cho đọc xong thì nhớ viết ngay các từ ấy rồi lại tiếp tục luyện với những từ khác (chú ý giải nghĩa từ, phân biệt chính tả nếu cần thiết). Giáo viên, phụ huynh cố gắng kiên trì giúp các em biết đọc, biết viết, tránh để các em đọc viết kém mà vẫn cho lên lớp sẽ tái mù.
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  3. Để học sinh đọc viết tốt hơn, ngay từ đầu, giáo viên nên thu xếp thời gian dạy trên lớp để cho học sinh tập đánh vần (có video hướng dẫn) và cho các em đọc viết thêm nhiều từ mới (có hệ thống từ theo từng bài), tập cho học sinh luyện đọc theo yêu cầu: đọc to, đọc nhỏ, đọc thầm, đọc ghi nhớ (giáo viên có kí hiệu riêng chỉ huy các em đọc theo từng yêu cầu. Ví dụ: đọc to _ khum tay rộng trước miệng, đọc nhỏ _ khum tay hẹp hơn, đọc thầm _ chỉ tay vào mắt, đọc ghi nhớ _ chỉ tay vào đầu) nhằm giúp học sinh ghi nhớ thật tốt vần, âm của bài học hôm ấy đồng thời ôn lại được nhiều các âm, vần đã học.


    Giáo viên cần thay đổi vị trí, thứ tự đọc các từ để tránh đọc vẹt, đọc từ ngoài sách để tránh việc học sinh nhìn hình đọc chữ đặc biệt cho học sinh nghe viết nhiều, lúc đầu chậm, sau nhanh. Nghe viết đúng chắc chắn các em sẽ đọc đúng vì viết chữ là đã định hình âm thanh ở mức độ cao hơn. Nếu cho các em đọc thuộc và nhớ viết thì hiệu quả còn tốt hơn rất nhiều.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  4. Việc tạo niềm vui, hứng thú trong việc học là rất quan trọng. Khi học sinh học vui thì các em sẽ không cảm thấy áp lực và thích tham gia vào hoạt động học tập, các em thấy mình như được tham gia vào hoạt động vui chơi vậy. Việc làm này đòi hỏi giáo viên phải có năng lực sư phạm tốt. Trong quá trình dạy học cần tạo ra không khí học tập vui vẻ, động viên khích lệ học sinh kịp thời, trong tiết học cần thay đổi không khí để tránh nhàm chán, đặc biệt giáo viên cần làm chủ lớp học, chủ động trong cả nội dung và hình thức dạy học, không nhất thiết phải dạy theo quy trình. Giáo viên xác định mục tiêu cần đạt theo Chuẩn Kiến thức, Kĩ năng hoặc xác định vượt chuẩn với học sinh có khả năng học tập tốt rồi mạnh dạn thiết kế các hoạt động học tập theo cách mà mình thấy hiệu quả.


    Có một số mẹo nhỏ để giáo viên tổ chức linh hoạt tiết học Tiếng Việt và "Hãy là một giáo viên lười" cũng là một biện pháp đáng để bạn tham khảo.


    Với những dạng bài đã quen thuộc, dạng bài dễ, khi bắt đầu dạy bài mới, giáo viên đừng chăm chăm vào dạy ngay, dạy bằng được theo quy trình, theo nội dung kiến thức đã định sẵn. Hãy nói:


    - “ Bạn Thỏ không biết đọc tiếng này, từ này, các con giúp bạn ấy được không?” Thế là học sinh lớp 1 ngây thơ của chúng ta thích giúp đỡ người khác tập trung ngay vào việc đánh vần, đọc từ, đọc câu, đọc bài,… một cách hứng thú, cứ như là mình vừa làm được một việc tốt vậy!


    - “Các con cứu trợ cô với, từ này khó quá, không đọc được.” Thế là các bạn ấy lại được vui vẻ đóng vai một người hùng.


    - “Bài này có lẽ cô chẳng cần phải dạy nhỉ, các con chắc chắn sẽ đọc được, các con tự đọc bài rồi giơ tay cô kiểm tra.” Vậy là học sinh lại thích thú trong vai một học sinh giỏi.Các con rất vui và hãnh diện khi được khen: “con quá giỏi!”, “các bạn đúng là siêu nhân!”, “con thật đáng khen!”, “hãy về nhà kể với mẹ hôm nay con giỏi thế nào nhé!”,….


    - Khi các con tập nghe viết, cô nhờ: “Các con đánh vần giúp cho cô viết với!” Được giúp cô giáo thật vui đấy!Sau khi các con tự hoàn thành được bài học theo khả năng của mình, giáo viên đặt câu hỏi củng cố kiến thức, khắc sâu nội dung và tập trung rèn những học sinh còn chưa nhanh.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  5. Với học sinh lớp 1, nếu gò ép bắt trẻ vào khuôn khổ thì trẻ không thích học, không có cảm tình với cô giáo, nếu không tạo ra sự say mê hứng thú cuốn hút học sinh thì chất lượng giờ học không cao. Và sử dụng trò chơi để tạo hứng thú học tập luôn là một biện pháp hữu hiệu mà các giáo viên tiểu học không nên bỏ qua.


    Ví dụ 1: Học theo kí hiệu.


    Dạy học đọc tiếng có âm “nh”.Cho học sinh ghép “nh – a – nha” các con được tiếng “nha”. Sau đó giáo viên quy định hình ngón tay cho các dấu thanh: ngón trỏ nghiêng trái – dấu huyền, ngón trỏ nghiêng phải – dấu sắc, ngón trỏ cong ngập – dấu hỏi, ngón trỏ cong đặt ngang – dấu ngã, ngón trỏ cuộn tròn dấu nặng. Sau đó cô cùng các con làm kí hiệu rồi đọc tiếng. (Còn rất nhiều các kí hiệu và cô tự nghĩ ra để cho học sinh nhận biết nhanh mặt chữ mà không phải viết viết, đọc đọc,..)


    Ví dụ 2: Đập tay chiến thắng.


    Giáo viên đọc cho học sinh viết “nhà lá” rồi yêu cầu: “Các con tự đánh vần viết rồi so kết quả với cô, có đồng ý không?”. (Tất nhiên là “có ạ!” rồi) Học sinh sẽ hứng thú tự viết, giáo viên viết bảng phụ ngược chiều với học sinh. Khi học sinh viết xong cho các con so bài xem có viết đúng, viết đẹp như cô không. “Chúc mừng các bạn chiến thắng nào!”. Các con sẽ đập tay bạn cùng bàn mừng chiến thắng. Vui lắm các cô ạ. Với từ khác giáo viên đọc cho học sinh viết xong rồi học sinh lại đánh vần cho cô viết trên bảng để đối chiếu. Thay đổi hình thức như thế, tiết học không bị nhàm chán, các con được chủ động, được thấy mình giỏi giang sẽ hứng thú với việc học.


    Còn rất nhiều cách làm mà các cô tự nghĩ ra để giúp tạo không khí lớp học vui vẻ, học sinh học tập trung, hiệu quả mà không cảm thấy áp lực như: Rung chuông vàng, Tìm ô chữ,….

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  6. Thật ra lớp 1 là khối khó dạy nhất nên đòi hỏi phải là giáo viên dày dặn kinh nghiệm và lâu năm. Giáo viên mới ra trường mà dạy lớp 1 thì hầu như phải tập trung gần như 100% năng lực, thời gian và trí óc mới có thể cho lớp vào nề nếp.


    Nếu là một cô giáo trẻ mới ra trường, bạn cứ thoải mái tư tưởng, học sinh lớp 1 không phải không biết điều, quan trọng là do giáo dục các con, khen, động viên, tích điểm, đổi quà. Với những học sinh đọc chậm, mỗi ngày học 1 chữ thôi, liên tục, ngày nào cũng thế, khen con dù chỉ là thay đổi nhỏ nhất. Và quan trọng nhất, dành nhiều tình cảm yêu thương ắt sẽ hái được trái ngọt.


    Song song với điều đó cũng đừng quên, học hỏi kinh nghiệm từ chính các cô trong trường. Tăng cường thăm lớp dự giờ trao đôi với giáo viên cùng khối. Rèn học sinh yếu thêm đầu giờ, giờ ra chơi. Cuối giờ mời cả phụ huynh học sinh em đó vào xem con học, đọc bài thế nào.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  7. Học ở trường và rèn luyện ở nhà, điều này chưa bao giờ là không cần thiết. Với các bé lớp 1 để chanh chóng biết đọc - biết viết, cô giáo có thể kết hợp cùng phụ huynh áp dụng theo những cách sau:


    • Cô giáo hàng tuần đánh máy dặn dò học sinh về nhà đọc bài gì, âm gì, vần gì, và phụ huynh hỗ trợ kèm thêm cho các con.
    • Cô giáo đánh máy các âm, vần đã học cỡ chữ lớn in cho mỗi em mỗi tờ, ghi chú mỗi ngày các con đọc 5-10 lần tùy theo từng học sinh yếu, những tiết phụ đạo yêu cầu học sinh viết vần vào bảng con và nhìn vào.. Đọc lặp lại nhiều các con sẽ nhớ. Và đương nhiên cũng đừng quên liên hệ thường xuyên với phụ huynh để giám sát quá trình các con học tập ở nhà (nhất là âm nào học sinh hay quên thì giáo viên gởi giấy về để phụ huynh kèm thêm)


    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)




Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy