Top 12 Kinh nghiệm du lịch Đà Nẵng tự túc
Đà Nẵng là trung tâm văn hóa du lịch của miền Trung. Từ đây bạn có thể kết hợp với nhiều điểm du lịch khác nhau, thông thường khách du lịch sẽ chọn kết hợp ... xem thêm...những điểm đến cho chuyến đi là Huế, Đà Nẵng, Hội An. Tuy nhiên chỉ riêng Đà Nẵng thôi cũng đã có quá nhiều điểm du lịch mà bạn không thể bỏ qua khi đến Đà Nẵng rồi. Rất nhiều bạn trẻ đang lên kế hoạch du lịch Đà Nẵng tự túc tiết kiệm nhưng vẫn trải nghiệm được những nét đẹp của Đà Nẵng. Sau đây Toplist chia sẻ với các bạn về kinh nghiệm du lịch Đà Nẵng tự túc tiết kiệm, hy vọng các bạn sẽ có một chuyến đi thật đáng nhớ.
-
Khi đặt chân đến một vùng đất nào bạn nên tìm hiểu về điều kiện thời tiết, địa điểm, cũng như lối sống văn hóa để chuyến đi được thuận lợi. Với Đà Nẵng cũng thế, bạn nên tìm hiểu rõ về điều kiện thời tiết bởi Đà Nẵng có những mùa nắng đẹp nhưng cũng có những mưa bão khó khăn.
Từ tháng 4 đến hết tháng 8 là mùa cao điểm ở Đà Nẵng, từ tháng 9 đến hết tháng 3 là mùa thấp điểm. Tuy có sự phân biệt nhưng cả hai thời điểm đều thích hợp để bạn đến Đà Nẵng. Thời tiết Đà Nẵng trong mùa cao điểm khá mát mẻ, dễ chịu, nhiệt độ dao động từ 28 – 32 độ C. Thời điểm này, bạn có thể thoải mái đi tắm biển, khám phá Cù Lao Chàm, bán đảo Sơn Trà,… mà không sợ gặp trở ngại về thời tiết, đặc biệt đi vào mùa này bạn còn có cơ hội tắm ở bãi biển Mỹ Khê – một trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh.
Vào mùa thấp điểm, lượng khách du lịch đến Đà Nẵng thưa dần hơn. Ưu điểm khi du lịch vào mùa thấp điểm là bạn có thể tiết kiệm được nhiều chi phí về khách sạn, giá vé đi lại cùng các chi phí phát sinh. Bạn có thể thoải mái đi lại tham quan vì vào thời điểm này lượng khách du lịch không đông đúc như vào mùa cao điểm. Trong mùa thấp điểm có một khoảng thời gian thích hợp để bạn ghé thăm Đà Nẵng là tháng 2 – 3, lúc này thời tiết trời mát mẻ, ấm áp thích hợp để bạn tham quan.
-
Đi du lịch tự túc bạn cần phải rất cẩn thận để mang theo những vật dụng cần thiết cho một chuyến du lịch trọn vẹn. Trước khi chuẩn bị đồ đạc, bạn nên lựa chọn cho phù hợp với thời tiết, khí hậu, hoàn cảnh những địa điểm mà bạn đặt chân đến.
Lời khuyên cho bạn khi đi Đà Nẵng là bạn nên chuẩn bị những bộ trang phục gọn nhẹ, gấp được nhỏ gọn. Quần jean ngố hoặc áo phông hay đầm nhẹ nhàng luôn là lựa chọn tuyệt vời cho chuyến du lịch Đà Nẵng. Thêm 1 bộ đồ lịch sự dành cho những lúc đi chơi tại các chùa, nhà thờ. Nếu đi vào mùa hè, bạn nhớ chuẩn bị một bộ đồ bơi để tắm biển thoải mái nhé.
Ngoài ra, do thời tiết Đà Nẵng biến đổi thất thường, bạn cần chuẩn bị nón mũ rộng vành, ô, dù. Có thể mang thêm dép bệt hoặc giày thể thao thay vì giày cao gót khi tham quan những địa điểm du lịch như: Bà Nà, bán đảo Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn.
Để đảm bảo sự thoải mái, an toàn bạn cần trang bị thêm những dụng cụ y tế, các loại thuốc cơ bản như: thuốc cảm nhẹ, dầu gió, thuốc chống say tàu xe, thuốc chống, trị côn trùng cắn. Bên cạnh đó bạn nên mang một ít băng cá nhân, nước khử trùng, để phòng trừ trường hợp có xây xát trong quá trình du lịch.
-
Đà Nẵng là thành phố lớn thứ 3 trên cả nước vì vậy từ mọi miền đất nước bạn có thể dễ dàng tìm được phương tiện di chuyển đến Đà Nẵng:
- Máy bay là phương tiện thích hợp nhất mình khuyên bạn nên sử dụng, vé máy bay từ Hà Nội - Sài Gòn đến Đà Nẵng chỉ từ 4 trăm nghìn đến hơn 2 triệu, săn được vé rẻ cũng chỉ bằng tiền đi xe khách, lại tiết kiệm được thời gian. Bạn có thể sử dụng website Atadi.vn để săn vé máy bay, website này có công cụ giúp bạn tìm kiếm vé rẻ theo tháng, thanh toán được bằng thẻ ATM.
- Nếu bạn muốn tiết kiệm thì tàu hỏa là sự lựa chọn rất tốt. Từ Hà Nội - Sài Gòn đến Đà Nẵng mất khoảng 14 - 20 tiếng. Đi tàu bạn sẽ được ngắm cảnh bình minh ngoài cửa sổ toa tàu Bắc – Nam chạy qua Đà Nẵng, bạn sẽ không thể quên được cảnh ngoạn mục khi tàu chạy qua đèo Hải Vân, một bên là biển xanh, một bên là vách đá dựng đứng. Giá vé từ Hà Nội đi Đà Nẵng: 300.000 – 650.000 VNĐ, giá vé từ Sài Gòn đi Đà Nẵng từ: 900.000 – 1.150.000 VNĐ tùy thuộc vào loại ghế.
- Xe khách đi Đà Nẵng thường là xe Bắc – Nam giường nằm. Giá vé, chất lượng không chênh lệch nhau nhiều, nhưng về cách phục vụ thì yên tâm nhất bạn vẫn nên đi xe Hoàng Long và Mai Linh, giá vé từ 400.000 - 500.000 VNĐ, ngoài ra còn nhiều hãng xe để bạn lựa chọn như Hưng Thành, Thuận Thảo, Phương Trang, Sinh Cafe… Ở Hà Nội bạn có thể bắt xe khách đi Đà Nẵng tại bến Giáp Bát, Nước Ngầm, ở Sài Gòn bạn có thể mua vé ở bến xe Miền Đông.
-
Tham quan, du lịch ở Đà Nẵng là xe máy, ô tô là lựa chọn tốt nhất cho việc di chuyển, nếu bạn là người trẻ, bạn nên thuê xe máy để đi lạị, vừa tiết kiệm vừa chủ động.
Nếu bạn đi theo gia đình đông người có trẻ em, người già bạn nên thuê dịch vụ xe đưa đón. Xe bus, xe đạp không phải ý kiến hay, vì bạn sẽ mất nhiều khá nhiều thời gian.
Ở Đà Nẵng taxi không phải lựa chọn tối ưu, vì giá khá cao, bù lại có dịch vụ xe đưa đón các tuyến đi Bà Nà, Ngũ Hành Sơn, Mỹ Sơn, Hải Vân…
Công ty cho thuê xe máy uy tín tại Đà Nẵng:
- Công ty xe máy Bình Minh: Địa chỉ: 36 Tạ Mỹ Duật, Sơn Trà, Đà Nẵng - Hotline: 0986 862 986 & 0905 304 050
- Công ty cho thuê xe máy Anh Tuấn, địa chỉ 114/16 Tiểu La, quận Hải Châu, Đà Nẵng - Hotline: 0905 708 090 & 0981 227 227
Điều bạn cần biết trước khi thuê xe máy là: bạn nên hỏi giờ giao, thủ tục giao và trả xe, có cần để lại giấy tờ gì không.
Gọi điện -
Ngành du lịch Đà Nẵng đang phát triển do đó không khó để bạn tìm một khách sạn tại Đà Nẵng. Tuy nhiên để chọn một khách sạn phù hợp với ngân sách, chất lượng dịch vụ, vị trí thuận tiện với lịch trình du lịch thì thật không dễ dàng gì. Vào mùa hè ở gần khu biển Mỹ Khê, Phạm Văn Đồng, các khách sạn gần đây thường giá rất cao, bạn có thể thuê những khách sạn cách biển 50 - 100m sẽ có giá rẻ mà đi bộ cũng không quá xa. Mùa đông bạn nên thuê gần khu vực cầu sông Hàn, cầu Rồng để tiện đi bộ bên bờ sông vào buổi tối.
Với sự phát triển thương mại điện tử việc đặt phòng online ngày càng phổ biến, tiện lợi. Kinh nghiệm đặt phòng khách sạn là đặt qua booking.com vì mình có thể kiểm tra phòng, giá dễ dàng. Trên hệ thống booking.com còn tổng hợp những review của khách đã từng ở tại khách sạn nên bạn dễ dàng đánh giá được chất lượng dịch vụ của khách sạn đó.
-
Đà Nẵng là một thành phố vừa có núi, có biển, đảo, bán đảo, lại có kiến trúc đẹp nên bạn có nhiều nơi để đi du lịch ở đây. Đà Năng xứng đáng là một trong những thành phố du lịch hàng đầu Việt Nam, người ta ví Đà Nẵng là thành phố đáng sống nhất Việt Nam quả không sai. Nếu bạn có dịp đi du lịch Đà Nẵng thì nên ghé qua một số địa điểm du lịch nổi tiếng dưới đây nhé.
Biển Đà Nẵng: 2 bãi biển nổi tiếng nhất Đà Nẵng là: Mỹ Khê và Phạm Văn Đồng có nước trong xanh, bãi biển sạch, đẹp… chắc không cần phải giới thiệu nhiều bạn cũng đã biết, Mỹ Khê còn là một trong những bãi biển đẹp nhất hành tinh.
Những cây cầu độc đáo ở Đà Nẵng: Đà Nẵng được mệnh danh là thành phố của những cây cầu thiết kế vô cùng lạ mắt:
- Cầu Rồng: Là biểu tượng thể hiện sự năng động của thành phố, với thiết kế mô phỏng con Rồng đang vươn biển thể hiện khát khao vươn lên.
- Cầu Sông Hàn: Cầu Sông Hàn từ lâu đã trở thành biểu tượng của thành phố bên Sông Hàn, xem cầu Sông Hàn quay là một trong những khoảnh khắc đặc biệt nhất được du khách mong chờ nhất.
- Cầu Thuận Phước, Cầu Trần Thị Lý: Cầu Thuận Phước nằm ngay cửa biển của Đà Nẵng nối liền quận Hải Châu đến bán đảo Sơn Trà xanh mát. Cầu Trần Thị Lý được thiết kế như cánh buồm căng gió vươn ra biển lớn thể hiện khát khao con người Đà Nẵng.
- Cầu Tình Yêu: Là nơi nhiều đôi đến ước, mong muốn “khóa chặt” trái tim của nửa kia.
Bán đảo Sơn Trà: Được mệnh danh là phổi xanh của thành phố Đà Nẵng, là nơi dự trữ sinh quyển với nhiều loại động thực vật quý hiếm.
Ngũ Hành Sơn – Non Nước: Là một kiệt tác của thiên nhiên ban tặng cho Đà Nẵng, bao gồm Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn, Thổ Sơn.
Đèo Hải Vân: Là một trong những đường đèo ven biển đẹp, ấn tượng nhất thế giới. Có cung đường Hải Vân khúc khuỷu, nổi bật giữa màu xanh bạt ngàn núi non hùng vĩ.
Nhà thờ Con Gà: là nhà thờ duy nhất được xây dựng tại Đà Nẵng thời Pháp thuộc.
Bà Nà Hills: Được ví như là Đà Lạt của Đà Nẵng, khi lên đến đỉnh nhiệt độ sẽ lạnh, khác hoàn toàn so với ở dưới chân núi, đến đây bạn sẽ trải nghiệm được hệ thống cáp treo đạt nhiều kỷ lục thế giới.
-
Khi đi du lịch đến bất kì địa danh nào, thú vui lớn nhất với mỗi người chính là tìm đến những khu mua sắm có giá cả phải chăng và mua được thật nhiều đồ đạc, sản phẩm ở nơi đó. Đà Nẵng có rất nhiều khu chợ nổi tiếng cho du khách tha hồ lựa chọn:
- Chợ Cồn: Nằm giữa trung tâm quận Hải Châu, nơi đây có hơn 2.000 hộ kinh doanh với vô số mặt hàng phong phú, là nơi bán hầu hết đặc sản ở Đà Nẵng với giá cả vô cùng phải chăng, hợp lí, chất lượng đảm bảo.
- Chợ Hàn: Nằm ở ngay vị trí trung tâm gần với địa điểm du lịch lớn nhất của thành phố là cầu quay sông Hàn, chợ có lượng khách hàng lui đến vô cùng lớn, 4 mặt của chợ tiếp giáp với 4 con đường lớn là Hùng Vương, Bạch Đằng, Trần Phú, Trần Hưng Đạo mà giao thông ở đây cũng vô cùng náo nhiệt, rộng rãi.
- Chợ Hòa Khánh: Chợ nằm trên trục đường Âu Cơ, gần con đường lớn Nguyễn Lương Bằng nên là trung tâm mua sắm lâu đời, lớn nhất của cả quận Liên Chiểu.
- Chợ Bắc Mỹ An: Là thiên đường ẩm thực, thiên đường ăn vặt nổi tiếng nhất thành phố.
- Chợ Mai Thọ Quang: Có diện tích hơn 3.900m2 thu hút số lượng lớn khách hàng là người dân lân cận, khách du lịch khi đi tham quan bán đảo Sơn Trà.
- Chợ Hà Thân: Là nơi để lại ấn tượng sâu sắc nhất, là kỉ niệm về quê hương, về nơi tấp nập đông vui bên cây đa bến nước, có hình ảnh con đò năm xưa, những năm tháng quá khứ bình dị, thiết tha trong người Đà Nẵng.
-
Sau khi đã đi mỏi chân, tắm biển đến mệt lả cả người chắc chắn bạn muốn nạp cái gì đấy để lấy năng lượng. Theo kinh nghiệm du lịch thì sau đây là những món ăn đã làm nên thương hiệu Đà Nẵng bạn nhất định phải thử khi du lịch đến đây:
- Mì Quảng: Là món nổi danh, những cọng mì dày, cứng, to thô là nét đặc trưng tạo nên linh hồn của tô mì, món Mì Quảng có công thức “bất di bất dịch” mà rất đa dạng: mì Quảng cá lóc, mì Quảng lươn, mì Quảng sườn non, mì Quảng chả cua… nhưng “truyền thống” nhất là mì Quảng tôm, trứng, gà thịt. Đặc biệt, thành phần không thể thiếu là đậu phộng rang, bánh tráng mè nướng giòn. Trộn đều tất cả các nguyên liệu vào một tô, bên cạnh là tô nước lèo được ninh từ xương cùng phần tôm giã lấy nước, thêm hạt điều tạo nên chất nước sánh màu đẹp mắt, ăn kèm với rau sống như cải, xà lách tươi, húng quế, rau răm, ngò rí, giá đỗ, bắp chuối sắt mỏng… tất cả trộn lẫn tạo nên một mùi vị đậm đà khó quên.
- Bánh tráng cuốn thịt heo: Thịt heo cuốn bánh tráng ở Đà Nẵng nổi tiếng vì nguyên liệu được chọn kỹ càng, khiến hương vị hoàn hảo. Không đòi hỏi chế biến cầu kì, cách chế biến đơn giản, rất dễ ăn. Thịt heo chỉ lấy phần mông hoặc vai, sau đó đem hấp để giữ nguyên vị ngọt. Các loại rau xà lách, húng quế, diếp cá, rau thơm, rau đắng, giá, búp chuối trắng, hành lá, dưa leo, chuối chát… Tuyệt chiêu của món này là bạn phải kể đến mắm nêm, loại nước chấm không thể thay thế, bạn khó thể nào từ chối cái dai của bánh tráng kết hợp với vị mềm mại của mì ướt, thêm chút ngọt của thịt, vị tươi mát của rau, vị cay nồng nàn của mắm nêm.
Ngoài ra, Đà Nẵng còn rất nhiều món ăn cực ngon như bún chả cá, bánh bèo, bánh nậm, gỏi cá Nam Ô,...
-
Đà Nẵng về đêm không sôi động như Sài Gòn, náo nhiệt như Hà Nội, tuy nhiên ở Đà Nẵng bạn cũng có thể chọn được cho mình những hoạt động về đêm sôi động để cảm nhận được cuộc sống của một thành phố đang phát triển với những hoạt động như:
- Thưởng ngoạn sông Hàn trên du thuyền: Là một hoạt động giải trí khá thú vị, bạn có thể tận hưởng làn gió mát lành từ sông Hàn, ngắm nhìn Đà Nẵng lung linh về đêm từ dọc hai bên bờ sông Hàn đến những cây cầu độc đáo. Vào hai ngày cuối tuần, thì xem cầu Rồng phun lửa trên du thuyền cũng rất thú vị.
- Ngồi các PUB dọc đường Bạch Đằng: Tuyến đường bạch Đằng dọc theo bờ sông Hàn là con đường lãng mạn nhất Đà Nẵng. Ở đây có những quán PUB độc đáo để bạn có thể ngồi uống ly bia, thưởng thức âm nhạc, ngắm nhìn dòng người trên phố.
- Ngắm nhìn toàn cảnh thành phố từ bar ở tầng thượng: Trải nghiệm cảm giác ôm trọn bầu trời Đà Nẵng từ trên cao cũng rất rất thú vị đấy nhé, ở Đà Nẵng bạn có thể đến một bar của các khách sạn như: Top View Bar ở khách sạn Vanda đường Nguyễn Văn Linh, Sky36 ở khách sạn Novotel đường Bạch Đằng, SkyBar tầng 21 ở khách sạn Diamond Sea đường Võ Nguyên Giáp, Top bar ở khách sạn À La Carte đường Võ Nguyễn Giáp.
-
Sẽ là một chuyến đi hoàn hảo nếu như bạn mua đồ lưu niệm ở Đà Nẵng đem về tặng bạn bè người thân trong chuyến tham quan của mình.
Đà Nẵng có một làng đá mỹ nghệ, nơi đây tạo ra những món quà lưu niệm vô cùng đẹp mắt. Nằm ở chân núi Ngũ Hành Sơn, làng đá mỹ nghệ non nước, được nhiều khách du lịch đến ghé thăm, tại đây có rất nhiều sản phẩm được bày bán, nhiều cửa hàng lưu niệm, gian hàng quà lưu niệm tại các khách sạn ở Đà Nẵng.
Đá thủ công mỹ nghệ Non Nước, từ lâu được nhiều du khách đến tham quan và mua sắm. Các tác phẩm thường có đủ loại hình thù, đặc sắc nhất là tượng vị phật, vị thánh, chúa, thần vệ nữ, các con vật cho đến các đồ lưu niệm, trang sức bằng đá… các sản phẩm này có những mức giá khác nhau, tùy theo sản phẩm lớn nhỏ. Ngoài đá thủ công còn có những mặt hàng thủ công, mỹ nghệ như tranh vẽ, ly, tách, đĩa, đây cũng là món quà ý nghĩa cho bạn khi đi du lịch Đà Nẵng mua về cho bạn bè, gia đình.
-
Các lễ hội của Đà Nẵng có từ rất xưa, được lưu truyền từ đời này sang đời khác, như Lễ hội Cầu Ngư, Lễ hội Quan Thế Âm, Lễ hội đình làng Hoà Mỹ, Lễ hội đình làng An Hải... Qua thời gian, cũng có những lễ hội rất độc đáo như Lễ rước Mục đồng, là lễ hội rất đặc biệt dành riêng cho trẻ chăn trâu, những đứa trẻ chân lấm đầu trần tinh nghịch.
- Lễ hội pháo hoa Đà Nẵng: được tổ chức tại Đà Nẵng lần đầu tiên vào năm 2008. Lễ hội được tổ chức mỗi năm một lần và thu hút lượng lớn du khách đến Du Lịch Đà Nẵng. Lễ hội diễn ra 2 ngày liên tiếp vào dịp tháng 3, kỷ niệm thành phố Đà Nẵng giải phóng, hoặc vào 30 tháng 4 và 1 tháng 5. Lễ hội quy tụ các đội pháo hoa lớn trên thế giới tham gia. Xoay quanh lễ hội pháo hoa là các hoạt động khác kèm theo: Lễ hội ẩm thực, Đêm nhạc lớn, triễn lãm tranh…
- Lễ hội Quán Thế Âm: Lễ hội Quán Thế Âm được tổ chức hàng năm tại khu du lịch Ngũ Hành Sơn, Lễ hội Quán Thế Âm là một lời cầu nguyện cho quốc thái dân an, cho mưa hòa gió thuận; là dịp để mọi người, mọi giới chan hòa trong không khí hội hè, soi mình vào bản sắc văn hóa dân tộc để ngày một sống đẹp hơn. Hàng năm, cứ đến ngày 19.2 Âm lịch, lễ hội lại được tổ chức với một tầm vóc, quy mô ngày càng lớn và nội dung ngày càng phong phú hơn.
- Lễ Hội Làng Túy Loan: Lễ hội Túy Loan nhằm ghi nhớ công lao khai thiên lập địa của tổ tiên, răn dạy con cháu về truyền thống của làng. Đến hẹn lại lên, trong hai ngày mồng 9 và mồng 10 Tết (tức ngày 8 và ngày 9-2), lễ hội đình làng Túy Loan, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng khai mạc, thu hút đông đảo dân làng và du khách thập phương tham gia.
- Lễ hội làng Hòa Mỹ: Lễ hội đình làng diễn ra hàng năm vào ngày 12/01 âm lịch nhằm nhắc nhở tinh thần “uống nước nhớ nguồn” trong con cháu các tộc họ, kiểm điểm những việc đã làm được trong một năm và định hướng những việc sẽ thực hiện trong năm đến.
- Lễ hội làng An Hải: Lễ hội đình làng An Hải được tổ chức vào ngày thu tế hàng năm, 10-8 âm lịch, Làng An Hải ngày trước thuộc xã An Phúc, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam, nay thuộc phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, thành phố Du Lịch Đà Nẵng.
- Lễ Hội Rước Mục Đồng: Đây là lễ hội dành cho trẻ chăn trâu - ngày xưa được tổ chức ở làng Phong Lệ, Hòa Châu, Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.
- Lễ Hội Cầu Ngư: bày tỏ khát vọng được bình yên trong cuộc sống của ngư dân, những con người luôn phải đối mặt với nhiều bất trắc khi lênh đênh trên biển cả.
-
Để tránh phải những tình huống dở khóc dở cười trong khi và sau khi đi du lịch Đà Nẵng du khách cũng nên ghi nhớ một số lưu ý sau đây:
- Tháng 10-12 Đà Nẵng (và miền Trung) bắt đầu vào mùa mưa, bão nên không thuận lợi cho các bạn di chuyển, nếu đến Đà Nẵng lúc này gần như chỉ có thể trải nghiệm cảm giác mưa bão miền Trung kết hợp với tour khám phá ẩm thực Đà Nẵng mà thôi. Nhớ là mưa miền Trung khá dai bạn nhé có thể kéo dài từ sáng đến chiều và từ tháng này qua tháng nọ.
- Tuân thủ các lưu ý an toàn khi tắm biển như: Không nên bơi ra khỏi khu vực an toàn đã được giăng phao khi tắm biển, hô lên để thông báo cho nhân viên cứu hộ ngay khi phát hiện người có dấu hiệu bị đuối nước, du khách nên hạn chế việc tắm biển đêm (sau 19h00) vì thời điểm này công tác đảm bảo an toàn và cứu hộ sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều, luôn tuân thủ sự chỉ dẫn của nhân viên cứu hộ, luôn giữ gìn vệ sinh chung...
- Luôn chuẩn bị cho mình ít nhất một tuýp kem chống nắng với trị số SPF 50 để có thể bảo vệ làn da của mình khỏi những tia nắng gay gắt của xứ biến Đà Nẵng.
- Mặc dù, ở Đà Nẵng tình trạng chặt chém du khách rất hiếm khi xảy ra bởi chính quyền thành phố đã thực hiện siết chặt quản lý giá các loại hình dịch vụ phục vụ du lịch trên toàn địa bàn thành phố nhưng đối với du khách thì kiểm tra giá trước khi sử dụng dịch vụ chính là cách hữu hiệu để bạn có thể “bảo toàn tính mạng” cho ví tiền của mình.
- Trung tâm tư vấn hỗ trợ du khách của thành phố Đà Nẵng: 051 1355 0111
- Công an thành phố: 051 1382 2300
- Cấp cứu: 0511.3.114
Trên đây là một trong số những lưu ý cần thiết khi tới du lịch tại Đà Nẵng mà bạn cần ghi nhớ để chuẩn bị cho mình một chuyến du lịch trọn vẹn.
Gọi điện