Top 15 Sự thật thú vị nhất về loài cú
Cú mèo là loài chim ăn đêm với khả năng bay lượn nhẹ nhàng. Chính khuôn mặt lạ lùng cùng tập tính sống bí ẩn, cú mèo thường đại diện cho bóng tối và sự ma ... xem thêm...quái. Thực tế, cú mèo là loài có ích và không đáng sợ đến vậy. Dưới đây là những sự thật thú vị về loài Cú, cùng Toplist tìm hiểu nhé!
-
Không phải tất cả là cú đêm
Theo như Marc Devokaitis, chuyên gia thông tin đại chúng thuộc phòng nghiên cứu khoa học Cornell ở Ithaca, New York, những con cú nổi tiếng với lối sống về đêm nhưng không phải tất cả chúng đều là cú đêm. Một số loài cú là cú ngày, có nghĩa là chúng săn mồi vào ban ngày. Đó là loài Cú xám lớn (Strix nebulosa, như hình ảnh) và Cú lùn phương bắc (Glaucidium gnoma).
Có lẽ những con chim này là những kẻ săn mồi ban ngày vì con mồi ưa thích của chúng là các loại chim biết hót hoặc động vật có vú nhỏ hoạt động ban ngày. Hơn nữa, cú có họ hàng gần với diều hâu, là những con chim săn mồi ban ngày. Nhưng theo Devokaitis, cũng không rõ tổ tiên chung của những con cú và diều hâu là loài hoạt động ban ngày như diều hâu hay hoạt động ban đêm như hầu hết các loài cú khác.
Sự so sánh các bộ gene cũng củng cố thêm cho nhận định loài cú thực sự tiến hóa từ tổ tiên của chúng là loài sống về ban ngày.
Mặc dù cú vẫn giữ bộ móng sắc nhọn mà chúng có giống như các loài chim săn mồi ban ngày, như đại bàng và chim ưng, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy các gene khác với tổ tiên của loài cú và một gene có khả năng tăng cường thính giác và thị lực ban đêm cực tốt và bộ lông mềm mại để giữ cho chúng không gây tiếng động trong khi bay. Nếu phát hiện của nghiên cứu này được xác nhận thì đúng là cả các phân tử DNA cũng tăng cường khả năng nhìn tuyệt vời của loài cú.
Các nhà nghiên cứu cũng thận trọng lưu ý rằng nghiên cứu này bước đầu xác định các gene quy định chức năng của các thụ thể ánh sáng trong mắt cú và các quan sát trực tiếp và phân tích sâu hơn dựa trên kết quả nghiên cứu này sẽ cho biết cụ thể hơn vì sao cú lại có những đặc điểm tiến hóa này.
-
Cú có cổ rất ấn tượng
Những con cú có 14 đốt sống cổ, gấp đôi số lượng con người có. Cấu trúc độc nhất này giúp cho những con cú như loài Strix Varia (như trong ảnh) có thể quay đầu góc 270 độ. Làm được điều kỳ diệu này bởi vì các đốt sống của chúng có các lỗ trống lớn gấp 10 lần so với kích thước các động mạch của động vật. Với khoảng trống linh hoạt, các động mạch có thể dễ dàng đi qua các đốt sống khi Cú quay đầu. Khả năng này là chìa khóa cho sự sống sót của loài Cú bởi vì mắt chúng không dễ để di chuyển. Chúng phải xoay cổ dễ dàng để nhìn xung quanh.
Những bí ẩn về sinh học cho phép loài cú có thể quay đầu mà không làm đứt sự cung cấp máu của chúng cuối cùng cũng được làm sáng tỏ. Bốn đặc điểm thích nghi chính giúp loài cú tránh thương tích khi chúng quay đầu một góc lên đến 270 độ. Nghiên cứu cho thấy cấu trúc xương độc đáo của loài chim này và hệ thống mạch máu độc đáo của nó giúp chúng di chuyển linh hoạt. Các nhà khoa học tại trường y đại học Jonns Hopkins ở Mỹ đã nhận thấy các động mạch ở đốt sống và ở cổ của loài cú nhiều hơn so với các loài chim khác, tạo ra sự chùng hơn. Do vậy loài cú có tầm nhìn rộng mà không cần phải di chuyển cơ thể của chúng và đánh động sự phát hiện bởi con mồi.
Khi nghiên cứu các xác cú chết do những nguyên nhân tự nhiên, họ nhận thấy không giống như con người, cú có sự kết nối về mạch máu nhỏ giữa các động mạch cảnh và các đốt sống, cho phép máu được trao đổi giữa hai mạch máu. Điều này làm lượng máu đến não không bị gián đoạn ngay cả khi loài cú quay ngoặt đầu.
Ở con người không có đặc điểm thích nghi này, do vậy dễ dàng giải thích được tại sao con người lại dễ bị các chấn thương ở cổ. Các động mạch cảnh và đốt sống cổ của hầu hết các loài động vật - bao gồm cả loài cú và loài người rất mong manh và nhạy cảm thậm chí với các vết rách tí xíu của thành mạch máu.
-
Những con cú là đại sứ hòa bình tại Trung Đông
Khác với nỗi ám ảnh của phần đông các nền văn hóa, người Hy Lạp coi cú như hóa thân của trí tuệ. Hình “con cú của Athena” trên tiền xu Athens cổ có nguyên mẫu là Athene noctua, một loài cú nhỏ. Ngày nay, chúng ta vẫn có thể tìm thấy loài cú này vùng Địa Trung Hải. Người Châu Âu và Mỹ không xem cú như sứ giả địa ngục song, họ coi nó là biểu tượng của sự dối trá.
Tuy nhiên, chim lợn (Barn owls - Tyto alba) đang mang lại hòa bình cho Trung Đông hoặc ít nhất nó đang khiến cho các nhà khoa học và nông dân ở hai bên nói chuyện và hợp tác với nhau.
Những con chim săn mồi này là ngôi sao bắt chuột và chuột đồng khiến cho các nông dân ở Israel, Jordan và các vùng lãnh thổ Palestine đặt rất nhiều các chuồng cú trên cây. Một con cú có thể ăn được 6000 con gặm nhấm mỗi năm, điều đó có nghĩa là nông dân không cần sử dụng nhiều loại thuốc trừ sâu độc hại để bảo vệ cây trồng của họ.
Ngoài ra, trong nền văn hóa hiện đại Nhật Bản, biểu tượng con chim cú có một ý nghĩa đặc biệt khá to lớn là nó mang tới may mắn và sự bảo hộ khỏi đau khổ và bảo vệ khỏi những rủi ro trong cuộc sống và nó còn mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp khác, nhưng một số nơi như ở Việt Nam, chim cú hay chim lợn (cú mèo, cú lợn) bị coi là điềm dữ và xui xẻo vì chim cú kêu ở đầu hồi nhà ai thì nhà đó sắp có người chết, có những quan niệm mê tín rằng chim cú kêu 7 tiếng thì cái chết ứng vào nam giới, còn 9 tiếng thì ứng vào nữ giới nên chúng là đối tượng xua đuổi của con người mặc dù là loài vật có ích, bắt chuột và một số loài côn trùng gây hại cho nông nghiệp.
-
Cú có thể bơi
Những con cú có sừng lớn có thể bơi theo kiểu trườn bằng những đôi cánh rất mạnh của chúng.
Julia Ponder, Giám đốc điều hành của Trung tâm Raptor thuộc Đại Học Minnesota nói với Live Science trước đây, đối với 1 con cú, “nếu nó bay sau một cái gì đó trên mặt nước và sau đó vô tình bị ướt thì đôi khi nó dễ dàng bơi vào bờ hơn là bay bằng đôi cánh bị ướt đó”.
Một khi chú chim này tới bờ, chúng thường đưa lớp lông tơ ra ngoài để hong khô. Đó chính xác là những gì xảy ra ở hồ Michigan vào năm 2014 khi Steve Spitzer (Nhà nghiên cứu về chim và nhiếp ảnh gia) nhìn thấy 2 con chim ưng rượt đuổi theo một con cú có sừng lớn trên mặt nước.
Trên thực tế, rất hiếm khi thấy một con cú săn mồi trong mưa. Trong cuốn sách “cuộc sống ẩn danh của những con Cú” (The Hidden Lives of Owls, Sasquatch Books, 2016) Leigh Salvez đã viết: “Chúng tôi đã không tìm thấy lớp dầu trong nhiều lớp lông vũ của chúng, những lớp mà bảo vệ những loài chim khác khỏi mưa và làm mềm lông, với bộ lông đó, những con Cú sẽ hoạt động hiệu quả hơn trong việc săn mồi lén lút”. Nói một cách khác, lớp lông trên mình của những con cú bị thấm nước rất nhiều.
-
Một số con cú có mắt giả
Các con cú lùn phương Bắc có đôi mắt màu sáng, màu vàng trên mặt… và màu đen ở phía sau đầu, trông rất đáng sợ khi nhìn vào. Những đôi mắt giả này có thể làm chậm hoặc ngăn cản những kẻ săn mồi đến từ phía sau. Những kẻ săn mồi cũng không thích tấn công nếu con mồi nhìn vào chúng. Hãy nhớ rằng những con cú phía Bắc hoạt động cả ngày do đó kẻ thù sẽ luôn nhìn thấy đôi mắt giả của nó khi mà tiếp cận với con cú nhỏ này.
Sự thật về loài cú, dù ít huyền bí, không kém phần thú vị hơn những gì văn hóa nhân loại gán cho chúng. Với tập tính săn mồi, cú thật sự là cái máy giết chóc ấn tượng. Nó thậm chí có khả năng hạ thủ cả những chim chóc hoặc động vật lớn hơn.
Cặp chân to khỏe, móng vuốt sắc nhọn, đôi cánh được tiến hóa phù hợp với việc giới hạn tối đa âm thanh khi bay, tai và mắt cực kỳ nhanh nhạy, cú không bao giờ thất bại trong công cuộc đi săn. Khác với niềm tin của phần lớn các nền văn hóa, cú có thể nhìn thấy trong ánh sáng ban ngày, dẫu không mấy tinh tường.
So với thị giác, thính giác mới là món quà tạo hóa đặc biệt ưu ái cho loài cú. Nhờ nó, cú có khả năng định vị con mồi ngay cả trong bóng đêm đen đặc.
Ở một số loài cú, một tai lớn và cao hơn tai còn lại. Nó giúp cú xác định được mọi động tĩnh của con mồi. Ví dụ, cú hù xám lớn ở Bắc cực thậm chí có thể chui sâu vào lòng tuyết, tóm gọn động vật gặm nhấm, những kẻ xấu số cứ tưởng đã nhờ lòng đất che giấu mọi âm thanh. Đôi tai giả bằng lông vũ trên đầu cú không liên quan gì đến hệ thống thính giác tuyệt vời này. Chúng chỉ như một kiểu ngụy trang vào ban ngày.
-
Cú tuyết có thể bay một khoảng cách lớn
Những con cú tuyết (Bubo scandiacus) thường sống ở Bắc Cực, nhưng chúng lại bay về phía Nam như một cuộc hành trình xâm nhập. Một con cú tuyết đã bay gần 4.800km tới Hawaii, và đậu xuống sân bay Quốc tế Honolulu vào ngày Lễ Tạ ơn năm 2011. Nhưng lo sợ con cú sẽ va chạm với máy bay, các quan chức liên bang đã giết nó.
Cú tuyết là một loài cú lớn có đặc trưng dễ nhận biết với mỏ đen, móng đen, mắt vàng. Hầu như không có túm lông kiểu tai đặc trưng của các loài cú mèo. Đầu và mắt tương đôi nhỏ. Con mái lớn hơn con trống. Cú tuyết có chiều dài 52–71 cm (20–28 in), cân nặng 1,6-3,0 kg (3,5-6,6 lb), với sải cánh 125–150 cm (49–59 in). Đây là một trong những loài cú lớn nhất. Các con đực trưởng thành có bộ lông màu trắng gần như toàn bộ, trong khi bộ lông của những con cái và chim non có nhiền đốm đen. Bộ lông trắng dày giúp cho cú trắng thích nghi tốt với cuộc sống phía bắc của vòng cực Bắc.
Cú tuyết thường được thấy ở khu vực xung quanh vòng cực Bắc. Chúng làm tổ trên mặt đất, trên một gò đất hoặc tảng đá cao. Sự sinh sản diễn ra trong khoảng tháng năm, tháng sáu, và số lượng trứng khoảng từ 3 đến 11 quả, tùy thuộc vào số lượng con mồi. Trứng nở sau khoảng năm tuần sau khi đẻ, và con non được chăm sóc và bảo vệ bởi cả chim bố lẫn chim mẹ.Loài chim mạnh mẽ này chủ yếu ăn chuột lem-ming và các loài động vật gặm nhấm nhỏ khác trong suốt mùa sinh sản, nhưng vào những thời điểm mật độ con mồi thấp, hoặc trong thời gian gà gô làm tổ, chúng có thể chuyển sang bắt gà gô nhỏ. Chúng là những kẻ săn mồi cơ hội và con mồi có thể thay đổi đáng kể, đặc biệt là trong mùa đông. Chúng ăn nhiều loại động vật nhỏ như chuột đồng nhưng chúng cũng săn những động vật có vú lớn hơn như thỏ, chuột xạ, chuột mar-mot, sóc, thỏ, gấu mèo, sóc chó thảo nguyên, chuột cống, chuột chũi, và các loài chim bao gồm gà gô, vịt, ngỗng, chim dẽ, gà lôi, gà rừng, gà nước, chim lặn, mòng biển, chim sẻ, và thậm chí cả chim ăn thịt khác, kể cả các loài cú khác.
-
Con cú mèo có thể ăn cá, bọ và thậm chí cả những con cú khác
Bạn có thắc mắc rằng chim cú mèo ăn gì? Điều đó còn phụ thuộc vào từng loài với từng kích thước loài cú mèo khác nhau. Ví dụ loài cú mèo có kích thước cơ thể nhỏ như cú elf, sẽ ăn bướm đêm, dế, bọ cạp và nhện và những sinh vật có kích thước nhỏ tương tự. Một vài loài cú mèo có kích thước lớn sẽ lao xuống nước săn những con cá, ăn thịt các con chuột, những con chim hoặc những con mồi nhỏ hơn nó.
Cú mèo là một loài chim ăn thịt. Chúng sẵn sàng lao vào giết và ăn những thứ gì mà chúng có thể săn được. Cũng có một số loài cú có thể ăn thịt đồng loại của chúng. Thường thì những loài cú lớn hơn sẽ ăn những con cú nhỏ hơn nó trong trường hợp nó không thể tìm được con mồi khác.
Cú sừng được mệnh danh "sát thủ bóng đêm" với khả năng bay và tấn công không phát ra tiếng động nào, là "hung thần" với những chú chim ưng non. Cú sừng (Bubo virginianus) là một trong những loài cú phổ biến nhất ở Bắc Mỹ. Chúng được tìm thấy ở nhiều môi trường khác nhau như rừng, đầm lầy, sa mạc, rừng mưa nhiệt đới, thành phố, các vùng ngoại ô và công viên.
Khác với đa số các loài chim săn mồi, cú sừng thích nghi với cuộc sống về đêm, với đôi mắt to cùng con ngươi giãn rộng. Nhờ đó, cú có thể phát hiện ra con mồi của mình ngay trong màn đêm tối tăm - điều mà chim ưng không thể. Phần lông của cú sừng cũng rất mềm mại, cùng thiết kế độc đáo, cho phép chúng dễ dàng tiếp cận con mồi mà không gây ra bất kỳ tiếng động nào.
Thức ăn của cú sừng khá đa dạng, từ những loài gặm nhấm nhỏ đến những con chồn hôi và ngỗng. Giống như những loài cú khác, thỉnh thoảng, chúng nuốt trọn cả cơ thể con mồi vào dạ dày, sau đó mới trào ngược ra những bộ phận nhỏ như xương, lông, cùng các phần mà cú sừng không thể tiêu hóa. Trái với vẻ ngoài dễ thương, cú sừng là những kẻ săn mồi dữ tợn. Chúng thường xuyên tập kích và tấn công những con mồi có kích thước lớn, bao gồm cả những loài chim săn mồi ở cùng địa bàn như chim ó cá, cắt lớn, cắt thảo nguyên và một số sinh vật cùng loài khác.
-
Cú mèo không thể nhai
Con cú mèo là một loài chim không thể nhai, mặc dù chúng là loài chim ăn thịt. Chúng sẽ xé thức ăn thành từng manh nhỏ cho vào miệng và nuốt luôn. Cũng như những loài chim khác, khoang mỏ của con cú mèo nhỏ và chúng không thể nhai bằng mỏ. Vì vậy những miếng thức ăn không thể tiêu hóa như long thú hay xương thì sẽ được phân hủy thành từng viên.
Bạn có thắc mắc về cách dự trữ thức ăn của con cú mèo không? Cũng như những loài chim khác, cây là nơi để cú mèo sinh hoạt ăn uống. Những có một điều đặc biệt hơn là những loài chim khác sẽ làm tổ trên cành cây. Còn cú mèo thì nó không làm tổ, mà chúng lại chọn thân cây là nơi cất giữ đồ ăn của mình.
Hầu hết chim cú thường săn mồi vào ban đêm, điều đó giúp chúng không bị cạnh tranh với các “thợ săn” khác như diều hâu, đại bàng. Cú là loài ăn tạp. Nguồn thức ăn chính của chúng bao gồm các động vật nhỏ như chuột, sóc, chuột đồng và thỏ. Chúng cũng bổ sung vào chế độ ăn của mình bằng các thực phẩm như chim, côn trùng và các loài bò sát.
Giống các loài chim, cú không có răng nên không thể nhai. Chúng thường nuốt trọn con mồi. Tuy nhiên, đôi khi chúng phải xé những con mồi quá khổ trước khi nuốt. Cuối cùng, chúng sẽ nôn ra những phần khó tiêu hóa của con mồi như xương, lông dưới dạng viên. Đây là cơ chế tiêu hóa thức ăn khá đặc biệt của loài cú. -
Cú sẽ tấn công con người
Mặc dù bạn có thể liên tưởng loài cú với tiếng "hoot, hoot" đáng yêu, thậm chí là an ủi vào lúc nửa đêm, nhưng không phải loài cú nào cũng dễ thương như vậy. Khi bị đe dọa, cú chuồng tạo ra những tiếng rít dài, dài và ngày càng đáng sợ.
Ngoài ra, cú cũng sẽ tấn công con người. Đúng, cú sẽ tấn công con người. Nhưng nó rất hiếm và chỉ xảy ra khi con chim bị đe dọa hoặc bối rối. Cú có thể nhầm đuôi ngựa hoặc thậm chí một thứ gì đó trên đầu bạn, chẳng hạn như khăn quàng cổ, với con mồi và lao vào định giết. Con người đi săn vào ban đêm và sử dụng tiếng kêu của động vật ăn thịt cũng có thể thu hút sự chú ý không mong muốn của một con cú đang bối rối đang tìm kiếm một con vật bị thương.
Tuy nhiên, rất hiếm khi điều này xảy ra. Nhưng đây là một ví dụ. Vào năm 2016, một người đàn ông Canada đã bị tấn công bởi một con cú sừng lớn - hai lần - khi anh ta đang trượt tuyết, để lại cho anh ta 16 vết thương. Có giả thuyết cho rằng con cú đã rình rập anh ta vì nó nghĩ rằng chiếc khăn quàng cổ của anh ta là con mồi, hoặc vì người đàn ông đang trượt tuyết quá gần khu vực làm tổ của nó.
Cùng với lối sống về đêm, cho đến nay, cú vẫn là loài động vật đầy bí hiểm. Không chỉ là loài lông vũ săn mồi thượng thừa, nó còn là nỗi ám ảnh huyền thoại và dị đoan của nhiều nền văn hóa. Tuy nhiên, bất chấp những áp đặt của con người, cú chỉ là một loài chim như bao loài chim khác. Chúng đang rơi vào nguy cơ tuyệt chủng vì sự tràn lan của nạn phá rừng, cần được bảo vệ khỏi cả những tai ương tự nhiên lẫn mê tín.
-
Cú nghe tốt hơn các loài chim khác
Hầu hết các con cú đều nghe tốt hơn các loài chim săn ban ngày khác, có thể vì chúng săn mồi vào ban đêm. Cú Barn sẽ sử dụng tần số âm thanh trên 8,5 kHz để định vị chuyển động của con mồi trong cỏ, thường tạm dừng giữa chuyến bay để định hướng lại bằng âm thanh chuyển động trước khi sà xuống để tấn công.
Một số loài cú, như cú xám lớn, có thể săn mồi một mình bằng thính giác, thường tìm thấy những động vật có vú nhỏ đang chạy tán loạn dưới tuyết. Cú barn có số lượng tế bào thần kinh trong tủy (phần não liên quan đến thính giác) nhiều hơn gấp ba lần so với quạ.
Ngay cả trong đêm tối mịt, loài cú mèo cũng có thể dễ dàng định vị chính xác các vị trí trên con mồi, nhờ hệ thống xử lý tín hiệu âm thanh rất tinh vi trong bộ não của mình. Theo nghiên cứu mới đây do TS Masakazu Konishi thuộc Viện Công nghệ California, Mỹ cùng các đồng sự thực hiện, ví dụ như với tiếng động sột soạt của một con chuột được xử lý bằng một bản đồ âm thanh hai chiều, vẫn cho phép con cú mèo biết ngay mồi đang ở đâu. Khám phá này có ý nghĩa quan trọng đối với nghiên cứu quá trình não xử lý thông tin.
Ngoài ra, để tìm hiểu xem vì sao loài cú mèo có thể bắt được mồi trong bóng đêm, nhóm nghiên cứu này đã xem xét phản ứng của 14 con cú mèo với các cặp âm thanh. Những kích thích của tế bào được ghi lại trong não cho thấy hệ thống thính giác của loài cú mèo đã tự tạo ra một bản đồ âm thanh hai chiều, dựa trên các âm thanh thu được. Sau đó, hệ thống này lại nhân bội các âm thanh để định vị chính xác hơn nữa thời gian và địa điểm mà âm thanh ấy đang phát ra.
-
Đôi mắt không thể di chuyển
Đôi mắt của cú không thể di chuyển trong hốc mắt nên mỗi khi quan sát, chúng phải quay đầu toàn bộ về hướng đó. Và vì mắt của chúng hướng tới trước nên thị lực phát triển rất tốt. Bộ lông vũ của cú phát triển đặc biệt, cho phép chúng giảm thiểu tối đa tiếng động mỗi khi vỗ cánh. Đôi chân cú mèo cấu tạo như của loài chim ăn thịt với các ngón linh hoạt, giúp chúng dễ cầm nắm và xé xác con mồi.
Chúng ta gán cho loài cú sự khôn ngoan vì đôi mắt to và rộng của chúng. Đó là một đặc điểm thường được phóng đại trong đồ trang trí nhà cửa hoặc phim hoạt hình, nhưng những con cú thực sự có đôi mắt to.
Trên thực tế, đôi mắt của một con cú có thể chiếm tới 3% trọng lượng toàn bộ cơ thể của nó. Để so sánh, đôi mắt của con người chiếm 0,0003% trọng lượng cơ thể của chúng. Giống như con người, chúng có thị giác hai mắt, cho cảm giác nhận biết chiều sâu rất tốt.
Con người đã quan tâm đến những loài chim bí ẩn này từ thời cổ đại, bắt đầu từ thời Ai Cập cổ đại, nơi chúng được cho là biểu tượng của tang tóc và chết chóc.
Cú được coi là điềm báo của cái chết hoặc những điều xui xẻo. Người La Mã cổ đại sẽ đóng đinh những con cú vào cửa của chúng để bảo vệ chúng khỏi bị tổn hại, và người dân đồng quê sẽ treo chúng trên cánh đồng để tránh bão. Và nếu bạn nằm mơ thấy một con cú, bạn có khả năng sẽ gặp phải một tai chúnga.
-
Cú được phân loài bằng tiếng kêu
Có hơn 200 loài cú trên thế giới được xác nhận. Tuy nhiên, đây chưa phải con số chính xác. Cú là loài dễ bị tổn thương, sắp bị tuyệt chủng. Ít nhất là từ 50 năm trước, cú mặt cười New Zealand đã biến mất, cùng với nó là nhiều loài động vật nhiệt đới khác do khai thác rừng trồng cọ và làm nông nghiệp.
Kể từ năm 2004, cú vọ Piersambuco của Brazil không còn được nhìn thấy ở bất cứ đâu. Rất nhiều loài cú khác chỉ sống ở Indonesia hoặc Philippines cũng đứng trước nguy cơ tuyệt chủng vì nạn phá rừng, sự xâm lấn của các loài ăn thịt khác như rắn, kiến.
Mặt khác, các loài cú mới cũng đang được phát hiện. Tháng 9/1976, John P. O’Neill và Gary Graves, hai nhà nghiên cứu từ Đại học Bang Louisiana, Mỹ, tiến sâu vào dãy Andes phía bắc Peru, quốc gia ở Nam Mỹ. Sau ba ngày lặn lội, họ phát hiện một chú cú bé nhỏ. Nó được đặt tên là cú ria dài vì bộ lông lạ mắt của mình. Ngoại hình cú ria dài không giống với bất cứ loài cú nào nên nó được xếp trong chi mới, Xenoglaux, nghĩa là “con cú kì lạ”.
Tuy nhiên, sau năm 2007, người ta không còn nhìn thấy loài cú này nữa. Thay vào đó, một hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái được mở tại địa điểm cú ria dài có thể xuất hiện. Nhà nghỉ tiện nghi mọc lên, hết lòng phục vụ những du khách muốn tìm kiếm loài sinh vật lạ lùng này. Nghiên cứu khoa học phát hiện nhiều loài cú mới hơn so với quan sát thực tiễn. Thiết bị ghi âm kỹ thuật số phân tích tiếng kêu của cú, phân tách chúng vào các chi khác nhau. Cú, giống như nhiều động vật săn mồi hung dữ khác, có ý thức chủ quyền lãnh thổ mạnh mẽ. Nếu một con cú đực cùng loài bay vào lãnh địa của nó, nó sẽ dốc toàn lực đánh đuổi.
Bằng cách phát âm thanh tiếng kêu của một con cú khác, các nhà nghiên cứu có thể dễ dàng dụ “chủ vùng đất” đến tấn công. Nhờ kỹ thuật này, họ thu thập thêm hiểu biết về cú, xác định số lượng, sự phân bố. Việc phân tích bằng âm thanh cũng đảo ngược cách phân loại cú truyền thống. Trước đó, những con cú có bề ngoài giống nhau được xếp vào cùng một chi. Tuy nhiên, nghiên cứu kỹ lưỡng chỉ ra, dù ngoại hình giống nhau, chúng có thể thuộc những họ khác nhau. Một con cú cái tuyệt đối không giao phối với con cú đực không cùng kiểu tiếng kêu với nó.Phân loại cú cũng được điều chỉnh lại bằng kiểm tra DNA. Không như các loài chim khác, cú là loài sinh sản biệt lập, có những khác biệt về mặt di truyền. Vị trí địa lý cô lập dân số cũng như quyết định giọng hót của chúng. Phân tích DNA là cách thức rườm rà, đắt đỏ song, so với phân tích âm thanh, nó chi tiết, chính xác hơn. Với sự kết hợp của phân tích âm thanh và phân tích DNA, nhiều chi cú mới được thành lập.
-
Cộng sinh với người
So với các loài cú nhiệt đới, cú bắc Mỹ được nghiên cứu kỹ hơn. Ngay trong Thành phố New York cũng có cú. Ngoại trừ cú trắng, chúng đều khá to lớn. Khi sang đông, vài loài cú khác ở phía bắc cũng bay về. Chúng bao gồm cú tai dài, cú mèo, cú vọ. Trong khi các loài chim sẻ xớn xác vì những “tay thợ săn” mới đến, các nhiếp ảnh gia bỏ cả ăn ngủ để đi tìm cú. Một số loài cú thích nghi khá tốt trong khu định cư của người. Trong các vùng ngoại ô của Mỹ, không khó để tìm thấy cú mèo Châu Mỹ. Chỉ trong bán kính 15 dặm (24km) của Pennsylvania cũng có hơn 200 con được tìm thấy.
Cú đại bàng Á Âu, một trong những loài cú lớn nhất cũng xuất hiện ngay trong khu đông dân cư ở Tây Âu. Chúng không sợ người, làm tổ trong những mỏ đá và vách đá ở vùng nông thôn. Trong thành phố, chúng sử dụng những hộp được người đóng cho chúng làm tổ. Cú hù nivicon sống trong khắp các công viên thành phố của Châu Âu. Giữa trung tâm Paris hoa lệ, cú cũng không ngại ngần bay lượn trên bầu trời đêm. Có rất nhiều loại gặm nhấm và chim nhỏ phát triển trong thành thị. Tất cả đều là những miếng mồi béo bở, dễ dàng cho cú săn bắt.
Tuy nhiên, để sống giữa loài người, cú phải đấu tranh kịch liệt với sự chuyển đổi của môi trường sống. Loài cú nhỏ của Athen đang ngày càng trở nên hiếm hơn trong vùng Địa Trung Hải, có lẽ do việc sử dụng rộng rãi thuốc trừ sâu đã triệt tiêu nhiều loài côn trùng lớn, thức ăn phổ biến của cú có kích thước nhỏ. Dù phát triển nhiều kiểu dáng, kích cỡ, hành vi để phù hợp với môi trường sống mới, màu sắc của các loài cú đêm không mấy thay đổi. Chúng vẫn mang các biến tấu của màu nâu và màu xám bí ẩn. Với cú đêm, việc ngụy trang quan trọng hơn nhan sắc. Chúng chủ yếu sống về đêm, tán tỉnh bạn tình bằng tiếng kêu nên không cần tốn công trau truốt vẻ bề ngoài.
Chế độ ăn uống khác nhau quyết định kích thước của các loài cú. Trong khi loài cú nhỏ chủ yếu ăn côn trùng, chim chóc nhỏ, loài cú lớn có thể xử lý cả động vật có vú tầm trung. Một vài loài cú còn thích nghi với việc bắt cá. Trong những loài này, cú ăn cá Blakiston có kích cỡ lớn nhất. Nỗ lực bảo vệ cú khỏi tuyệt chủng bắt đầu từ năm 1992, thậm chí trở thành một vấn đề trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cùng năm. Vì nạn phá rừng ở vùng tây bắc Thái Bình Dương, cú lông đốm hoàn toàn tuyệt chủng.
Ngày nay, hầu như không thể tìm thấy cú ở Canada. Loài cú lông sọc vốn sinh sôi nảy nở ở miền đông Hoa Kỳ cũng lánh sang vùng tây bắc Thái Bình Dương. Khi tới nơi này, nó đồng thời xua đuổi loài cú nhỏ hơn bản địa, cú lông đốm. Trong các khu rừng của Mỹ, cú lông sọc giờ hoàn toàn vắng bóng. Nơi làm tổ của các loài cú cũng khác nhau. Trong khi cú mèo Athene cunicularia sống trong hốc, hố dưới lòng đất, cú tuyết làm tổ trên cây cao, rậm rạp, đảm bảo mát mẻ suốt quanh năm.
-
Chim cú có thể nhìn xuyên đêm tối
Thông qua quá trình chọn lọc tự nhiên, nghiên cứu này cho biết DNA trong tế bào võng mạc của cú có thể đã kết hợp với nhau một cách đặc biệt và có chức năng như một loại thấu kính hoặc chất tăng cường thị lực hỗ trợ khả năng nhìn trong đêm tối.
Đặc điểm bất thường này chưa từng xuất hiện ở các loài chim, chứng tỏ loài cú đã “đi một mình” trên con đường tiến hóa này. Hầu hết các loài chim sống về ban ngày, giống như con người, hoạt động nhiều nhất vào ban ngày và ngủ vào ban đêm. Trong nhánh tổ tiên của loài cú, các nhà khoa học đã tìm thấy những dấu vết của lựa chọn chủ động trong quá trình tiến hóa gene liên quan đến thu nhận hình ảnh, đặc biệt là truyền quang và khu biệt nhiễm sắc thể.
Các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu bộ gene của 20 loài chim, trong đó có 11 loài cú để xác định lựa chọn chủ động trong tiến hóa, hay những đột biến tích cực truyền từ đời này sang đời khác, xảy ra ở vùng nào của bộ gene. Đúng như dự đoán, những đột biến này xảy ra ở bộ phận thu nhận cảm quan, đó chính là lý do vì sao cú có khả năng nghe và nhìn tốt đến như vậy.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn phát hiện ra những dấu hiệu tiến hóa rất nhanh ở 32 gene. Những gene này liên quan đến đóng gói DNA và cô đặc nhiễm sắc thể, dường như cấu trúc của các phân tử bên trong mắt cú đã thực sự tự thích ứng để có thể bắt được nhiều ánh sáng hơn. Ở các loài linh trưởng sống về đêm cũng có sự biến đổi tương tự trong sắp xếp phân tử DNA ở các tế bào võng mạc. Mô hình máy tính mô phỏng cấu trúc phân tử này cho thấy chúng có thể chuyển đổi ánh sáng.
Đây không phải là đột biến tiến hóa duy nhất để cú có thể nhìn xuyên bóng đêm. Ví dụ như chúng còn có võng mạc chứa tế bào hình que để có thể nhìn trong đêm tối rõ hơn. Chắc chắn những đặc điểm này có ích cho việc săn mồi khi trời tối.
-
Các loài cú mèo Việt Nam
Với các giác quan tinh tường, bộ vuốt sắc bén và khả năng bay không tiếng động, cú mèo là những hung thần đáng sợ của màn đêm. Cùng điểm qua các loài cú mèo độc đáo sinh sống ở Việt Nam.
- Cú lợn lưng xám (Tyto alba) dài 34-36 cm, là loài định cư tương đối phổ biến tại Đông Bắc, Trung, Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Sinh cảnh của loài cú mèo này là đô thị, đất nông nghiệp, rừng trồng, quanh các đầm lầy.
- Cú lợn lưng nâu (Tyto longimembris) dài 35-36 cm, là loài định cư không phổ biến đến hiếm tại Đông Bắc, Trung, Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Chúng sống ở các vùng đồng cỏ.
- Cú lợn rừng (Phodilus badius) dài 29-30 cm, là loài định cư hiếm tại Đông Bắc, Bắc, Trung Trung Bộ và Nam Bộ. Sinh cảnh của loài này là rừng lá rộng thường xanh, rừng trồng, xung quanh các vùng rừng ngập mặn.
- Cú mèo Latusơ (Otus spilocephalus) dài 20-21 cm, là loài định cư tương đối phổ biến trong cả nước (có thể quan sát tại VQG Tam Đảo, Ba Vì, Cúc Phương, Bạch Mã, Chư Yang Sin). Chúng sống ở rừng lá rộng thường xanh, phổ biến ở vùng núi.
- Cú mèo khoang cổ (Otus lettia) dài 22-23 cm, là loài định cư tương đối phổ biến trong cả nước (VQG Cúc Phương, Cát Tiên). Sinh cảnh của chúng là rừng lá rộng thường xanh, rừng hỗn giao, rừng rụng lá, rừng đã bị tác động, rừng trồng, vườn, rừng trên đảo.
- Cú mèo nhỏ (Otus sunia) dài 19-20 cm, là loài định cư không phổ biến tại Bắc, Trung Trung Bộ, di cư không phổ biến qua Đông Bắc, từng ghi nhận tại Tây Bắc, Nam Trung Bộ (VQG Bái Tử Long, Xuân Thủy). Chúng sống ở rừng lá rộng thường xanh, rừng hỗn giao rụng lá, rừng đã bị tác động, rừng trồng, rừng ngập mặn, rừng trên đảo trong mùa di cư.
- Dù dì Nepal (Bubo nipalensis) dài 60-61 cm, là loài định cư hiếm đến không phổ biến trong cả nước (trừ Bắc Trung Bộ). Sinh cảnh của loài này là rừng lá rộng thường xanh, bán thường xanh, rừng rụng lá trống trải.
- Dù dì phương Đông (Ketupa zeylonensis) dài 49-54 cm, là loài định cư không phổ biến trong cả nước (trừ Tây Bắc), tương đối phổ biến tại đảo Quan Lạn, VQG Bái Tử Long. Chúng sống ở rừng lá rộng thường xanh, bán thường xanh, rừng rụng lá trống trải, gần nguồn nước.
- Dù dì hung (Ketupa flavipes) dài 58-61 cm, là loài định cư hiếm đến không phổ biến tại Tây Bắc, Đông Bắc, Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Sinh cảnh của chúng là rừng lá rộng thường xanh, bán thường xanh dọc các con sông, rừng đầm lầy nước ngọt.
- Dù dì Kêtupu (Ketupa ketupu) dài 45-47 cm, là loài định cư hiếm đến không phổ biến tại Trung, Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Loài cú này sống ở rừng lá rộng thường xanh nơi gần nước, rừng ngập mặn, rừng trồng, vườn cây gỗ, đất nông nghiệp có cây lớn.
- Hù (Strix leptogrammica) dài 47-53 cm, là loài định cư hiếm đến không phổ biến tại Đông Bắc và Trung Bộ. Chúng sống ở rừng lá rộng thường xanh, bán thường xanh, rừng hỗn giao rụng lá.
- Hù phương Đông (Strix seloputo) dài 44-48 cm, là loài định cư hiếm tại Nam Bộ (VQG Phú Quốc). Sinh cảnh của chúng là bìa rừng lá rộng thường xanh, rừng khai thác, rừng trồng, vườn, thỉnh thoảng gặp ở rừng ngập mặn.
- Cú vọ (Glaucidium cuculoides) dài 20-23 cm, là loài định cư tương đối phổ biến trong cả nước. Sinh cảnh của cú vọ là rừng nguyên sinh, rừng thứ sinh, trảng cây bụi, ban ngày thường đậu trên các ngọn cây trống trải.
- Cú vọ mặt trắng (Glaucidium brodiei) dài 16-17 cm, là loài định cư phổ biến từ Bắc Bộ đến Nam Trung Bộ (VQG Bạch Mãm Cúc Phương, Tam Đảo, Ba Bể). Loài này sống ở rừng lá rộng thường xanh, chủ yếu ở độ cao trên 400 mét.
- Hù trán trắng (Athene brama) dài 20-21 cm, là loài định cư không phổ biến đến hiếm tại Trung, Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Chúng sống ở rừng cây gỗ nơi trống trải, bán hoang mạc, vườn, đất canh tác, thành thị, chủ yếu ở các vùng đất thấp.
- Cú vọ lưng nâu (Ninox scutulata) dài 30-31 cm, là loài định cư tương đối phổ biến tại Đông Bắc, Bắc, Trung Trung Bộ và Nam Bộ (VQG Cúc Phương, Cát Tiên). Sinh cảnh của chúng là rừng trống trải, rừng thường xanh có cây gỗ lớn, rừng ngập mặn, vườn cây gỗ.
- Cú lửa (Asio flammeus) dài 37-39 cm, là loài trú đông hiếm đến không phổ biến tại Đông Bắc, Bắc Trung Bộ. Chúng sống ở đồng cỏ, đầm lầy, các khu vực trống trải.