Top 14 Sự thật thú vị nhất về loài cua

Hoàng Thu Thuỷ 396 0 Báo lỗi

Con cua 8 cẳng 2 càng đã trở thành loài vật gần gũi và quen thuộc với con người bởi giá trị dinh dưỡng và giá trị kinh tế mà nó mang lại. Thế giới loài cua còn ... xem thêm...

  1. Phân thứ bộ Cua hay cua thực sự (danh pháp khoa học: Brachyura) là nhóm chứa các loài động vật giáp xác, thân rộng hơn bề dài, mai mềm, mười chân có khớp, hai chân trước tiến hóa trở thành hai càng, vỏ xương bọc ngoài thịt, phần bụng nằm bẹp dưới hoàn toàn được che bởi phần ngực. Động vật dạng cua có nhiều tại tất cả các vùng biển, đại dương. Có loài sống trong sông, suối, đồng ruộng, chẳng hạn như các loài trong họ Cua núi (Potamidae) hay họ Cua đồng (Parathelphusidae) và một số loài sống trên cạn (họ Gecarcinidae). Đầu cua và thân được nối liền nhau vào một khối có lớp mai bọc bên ngoài.


    Tên gọi phổ biến của các loài trong cận bộ này bằng tiếng Việt khá đa dạng như cua, cáy, còng, đam, rạm, dã tràng, ghẹ, cà ra,... nhưng các tên gọi này dường như không phải là các nhóm đơn ngành theo quan điểm của phát sinh loài hiện đại mà chỉ đơn thuần dựa theo hình thái hoặc môi trường sống của chúng. Hiện nay, người ta ước có khoảng gần 6.800 loài.


    Danh pháp "Brachyura" có nghĩa là "đuôi ngắn" (tiếng Hy Lạp: βραχύς / brachys = ngắn,[3] οὐρά / οura = đuôi), chỉ ra rằng các loài này có phần "đuôi" (thực ra là bụng) rất ngắn, nằm bên dưới và thường bị che đi bởi phần ngực.

    Thông tin mô tả
    Thông tin mô tả

  2. Phần đầu ngực: Phần đầu và phần ngực ở cua dính liền với nhau, ranh giới giữa các đốt không rõ ràng. Cãn cứ vào phần phụ mang trên đó mà biết được số đốt tạo thành. Đầu gồm 5 đốt mang mắt, anten và các phần phụ miệng. Ngực gồm 8 đốt mang các chân hàm và các chân bò. Mặt lưng của phần đầu ngực được bao bọc trong giáp đầu ngực (mai cua). Mé trước của giáp đầu ngực có hai hố mắt mang hai mắt nằm trên cuống mắt. Giữa hai hố mắt, mỗi bên mép trước của giáp đầu ngực có 9 gai nằm liên tiếp nhau. Mặt trên của giáp đầu ngực phân chia thành từng vùng nhỏ ngăn cách bởi rãnh và gờ rõ rệt. Phía trước là vùng trán, kế tiếp là vùng dạ dày ngăn cách với nhau bởi hai gờ. Tiếp theo là vùng tim, sau vùng tim đến vùng ruột. Hai bên vùng dạ dày là vùng gan. Ngoài cùng là vùng mang. Mặt bụng của phần đầu ngực có các tấm bụng. Các tấm bụng làm thành vùng lõm ở giữa chứa phần bụng gập vào. Ở con cái có đôi lỗ sinh đục nằm ở tấm bụng thứ ba được phần bụng gập lại che lấp.


    Phần bụng: Phần bụng gồm 7 đốt với các phần phụ bị tiêu giảm nằm gấp lại dưới phần đầu ngực (thường gọi là yếm cua) làm cho cua thu ngắn chiều dài và gọn lại giúp cua bò được dễ dàng. Phần bụng ở cua cái và cua đực có sai khác. Ở con cái chưa trưởng thành sinh dục (trước thời kỳ lột xác tiền giao vĩ) phần bụng (yếm) hơi vuông (thường gọi là cua cái yếm vuông, cua cái so). Sau khi lột xác tiền giao vĩ yếm trở nên tròn (yếm bầu) kích thước yếm lớn che chủ phần lớn mặt bụng phần đầu ngực. Phần bụng của cua đực hẹp, ngang hẹp dần về phía sau có dạng hình tam giác và cũng nằm gọn trong phần lõm của các tấm bụng của phần đầu ngực, ở con cái các đốt bụng I, II và VII khớp động với nhau, các đốt bên, các đốt khác bất động, các chân bụng chẻ đôi biến thành các chùm lông yếm để trứng đẻ ra bám vào đấy để phát triển. Lỗ hậu môn nằm ở cuối cùng. Ở con đực các đốt bụng I, II, V và VI khớp động với các đốt bên. Các chân bụng thoái hóa biến thành đôi gai giao cấu, lỗ hậu môn nằm ở cuối cùng.


    Các phần phụ:

    • Hàm dưới I: gồm phần gốc hai lá. Trên đầu hai lá có nhiều lông… Nhánh trong của phần ngọn dạng bản mỏng gồm hai đốt có lông ở cạnh trong.
    • Hàm dưới II: gồm phần gốc hai lá: lá trong hình lưỡi dao, đầu có nhiều lông; lá ngoài hai nhánh đầu loe rộng và có nhiều lông.
    • Chân hàm I: gồm phần gốc hai lá: lá trong nhỏ và trên đầu có nhiều lông cứng, lá ngoài đầu loe rộng và mép ngoài có lông ngắn. Phần ngọn gồm hai nhánh: nhánh trong hình lá cờ, mép trong có nhiều lông dài, nhánh ngoài gồm 3 đốt. Ở phần gốc còn có tấm kitin mỏng hình lá lúa có tơ dài theo hướng phía ngoài và lui về sau gọi là mang khỏa nước.
    • Chân hàm II: gồm có nhiều phần gốc nhỏ, phần ngọn hai nhánh, nhánh trong 5 đốt, mép trong có nhiều lông, nhánh ngoài có 3 đốt. Phía ngoài từ phần gốc có mang khớp hình lông chim và ngoài cùng ở phía dưới có mang khỏa nước.
    • Chân hàm III: đã kitin hóa rất mạnh, gồm phần gốc hai đốt. Phần ngọn có hai nhánh.
    • Chân ngực: gồm 5 đôi. Đôi thứ nhất phát triển lớn đầu có kẹp (càng cua). Ở con đực hai càng có kích thước khác nhau rõ rệt, thường càng bên phải lớn hơn càng bên trái. Càng cua vừa để bắt mồi vừa là cơ quan tự vệ và tấn công kẻ thù lợi hại. Các đôi chân thứ 2, 3, 4 là chân bò có 5 đốt, đốt cuối cùng vuốt nhọn. Đôi chân thứ 5 các đốt có dạng hình bản biến thành bơi chèo, là động lực chính khi cua bơi.
    • Chân bụng: ở cua cái có 4 đôi chân bụng, từ đốt bụng thứ nhất đến đốt bụng thứ tư biến thành cơ quan giữ trứng. Các chân bụng cấu tạo giống nhau, gồm một đốt gốc và phần ngọn gồm hai nhánh hình lá lúa mép mỏng có lông dài phủ, nhánh trong phân đốt, nhánh ngoài không phân đốt. Ở cua đực chỉ còn lại đôi chân bụng thứ nhất và thứ hai biến thành chân giao cấu. Phần gốc gồm 3 đốt, phần ngọn chỉ còn nhánh trong, không phân đốt.
    Cấu tạo của loài cua
    Cấu tạo của loài cua
  3. Cắt bỏ mặt trên của giáp đầu ngực (mai cua) gỡ lớp bọc phía trên thấy các nội quan của cua nằm trong phần đầu ngực ứng với vị trí các vùng trên mai cua. Nằm trên trục giữa phía trước là dạ dày, rồi đến tim sau cùng là khối manh tràng ruột. Hai bên dạ dày là khối tuyến gan, tuỵ bên trên cơ thể thấy tuyến sinh dục. Nằm lấp dưới tuyến gan tụy, trong phòng mang là các mang khớp, một đầu dính với gốc phần phụ, một đầu tự do trong phòng mang.


    Hệ tiêu hóa: Lỗ miệng ở mặt bụng thông với thực quản ngắn, nằm theo trục lưng bụng con vật, đổ vào dạ dày. Dạ dày gồm có hai khoang : thượng vị có bộ máy nghiền kitin sắc và hạ vị ngăn cách với khoang thượng vị qua cửa thông. Từ hai bên khoang hạ vị có hai manh tràng hạ vị nằm trên khối gan tụy. Khoang hạ vị thông với ruột chạy về phía sau đi vào phẫn bụng và tận cùng là lỗ hậu môn năm ở cuối bụng. Ở phần đầu ruột còn có đôi manh tràng ruột dài. Khối tuyến gan tụy rất phát triển, lấp kín cả phần trước khoang đầu ngực, gồm rất nhiều thùy hình sợi.


    Hệ tuần hoàn gồm: Gan tụy tạng, Tim, Dạ dày nghiền, Ống dẫn tinh, Tinh hoàn, Manh tràng ruột, Mang, Ống ruột, Cơ quan quạt nước, Hậu môn. Máu của cua không có màu, trong suốt. Tim của cua có hình năm góc, nằm ở phía sau dạ dày trong bao tim mỏng và trong suốt, có 3 đôi lỗ tim: 2 đôi phía lưng, 1 đôi phía bụng. Từ tim phát đi 2 động mạch lớn về phía trước và sau cơ thể, vào cơ quan rồi theo các khe xoang tập trung vào mang, ở mang máu thải CO2 và nhận O2, rồi theo các ống mạch trở về tim.


    Hệ hô hấp: Gồm 8 đôi mang lớn dài dính liền với phần gốc các phần phụ nằm trong khoang mang ở hai phía của bộ phận đầu ngực. Ngoài ra còn có các mang khỏa nước. Các mang khớp gồm có một trục dọc và hai dãy lá mang xếp liên tiếp dọc theo trục mang. Nước bên ngoài đi vào mang cua thông qua khe hút nằm dưới càng cua, các mang khỏa nước khuấy trong khoang mang làm cho nước chảy vào liên tục và nước thoát ra qua khe nằm dưới ngoe xúc tu thứ hai. Như vậy dòng nước sẽ chạy liên tục trong mang. Nước đi qua mang, các huyết quản của mang tiếp nhận oxy và thải khí carbonic vào nước ra ngoài. Khi cua lên cạn một lượng nước được giữ lại trong khoang mang giúp cho cua tiếp tục hô hấp và sống được một thời gian dài.


    Hệ sinh dục: Ở con đực tuyến tinh màu trắng nhạt nằm trên khối gan tụy. Ống dẫn tinh dài, cuộn lại rồi đổ ra lỗ sinh dục đực ở mặt bụng. Ở con cái tuyến trứng thay đổi màu sắc tùy theo giai đoạn phát triển của tế bào sinh dục. Trứng chín có màu đỏ da cam. Ống dẫn trứng ngắn to đổ thẳng ra lỗ sinh dục cái ở mặt bụng gần gốc đôi chân thứ ba của cua.


    Hệ thần kinh: Đặc điểm của hệ thần kinh ở cua là có hiện tượng tập trung cao độ của các hạch thần kinh ngực và bụng. Ở phần đầu, hệ thần kinh gồm hạch não và vùng thần kinh thực quản. Trên mỗi nhánh của vùng này có một hạch nhỏ, được coi là hạch giao cảm. Vòng thần kinh thực quản nối với hạch thần kinh ngực bụng, tại đó có nhiều dây thần kinh đi tới các phần phụ ngực và nội quan. Chính giữa khối hạch này có một lỗ nhỏ. Phía sau khối hạch thần kinh ngực bụng có một đôi dây thần kinh bụng dài đi vào phần bụng. Ở vùng não trước, não sau, trên các hạch ngực, hạch thị giác và cuống mắt còn có tuyến thần kinh nội tiết có khả năng tiết được các kích thích tố điều khiển quá trình lột xác, sinh giao tử, phân hóa tính đực, cái, biến đổi màu sắc : tuyến lột xác và điều khiển sinh trưởng, tuyến kìm hãm sinh trưởng, lột xác.

    Cấu tạo trong
    Cấu tạo trong
  4. Cơ quan cảm giác của cua rất phát triển. Cơ quan xúc giác và vị giác có dạng các tơ cảm giác tập trung ở các anten và các phần phụ. Các tơ này liên hệ với các tế bào thần kinh nằm dưới biểu mô. Cơ quan thăng bằng là bình nang, có dạng một vết lõm nằm ở đốt gốc anten I có nhiều tơ cảm giác, trong đó có chứa nhiều hạt cát nhỏ lấy vào từ bên ngoài qua mỗi lần lột xác. Ở cua có cơ quan phát thanh và nhận âm thanh ở khớp chân.


    Cơ quan thị giác của cua là đôi mắt kép. Mỗi mắt kép được cấu tạo như sau:

    • Ngoài cùng là màng sừng trong suốt do các tế bào màng sừng tiết ra.
    • Bên dưới màng sừng là thể thủy tinh hình côn, bao quanh là các tế bào sắc tố.
    • Bên trong cùng là chùm tế bào mạng lưới cảm quang, xếp hình hoa thị theo trục dọc, bao quanh một trụ hình que dài, que do các tế bào hình mạng lưới tiết ra.
    • Đầu trong tế bào mạng lưới liên hệ với dây thần kinh.


    Tất cả các dây này hợp thành thần kinh thị giác đi về hạch thần kinh thị giác, theo chiều dài cuống mắt.

    Cơ quan cảm giác
    Cơ quan cảm giác
  5. Trong giai đoạn phát triển từ ấu trùng đến khi trưởng thành loài cua phải trải qua nhiều lần lột xác. Loài cua và các động vật giáp xác có phần cơ thể được bao bọc với một bộ xương ngoài bằng kitin. Nhờ thấm canxi và vôi hóa nên lớp vỏ của cua rất cứng cáp. Trong khi lớp vỏ là cố định còn các động vật giáp xác lớn lên theo thời gian, nên lớp vỏ này phải được thay thế định kỳ trong quá trình biến thái (từ dạng ấu trùng bơi tự do cho đến khi trưởng thành) hoặc đơn giản là khi chúng phát triển nhô ra ngoài lớp vỏ.


    Trước khi lột xác, một con cua thường hấp thụ lượng canxi từ bộ vỏ cũ, sau đó tiết ra enzyme để tách lớp vỏ cũ ra khỏi lớp da hoặc lớp biểu bì. Lớp da này sẽ được bao bọc bởi ra một lớp vỏ mới, mềm hơn và mỏng hơn so với lớp vỏ cũ, NOAA cho hay.


    Trước khi lột xác một ngày, cua bắt đầu hấp thụ nước biển, cơ thể bắt đầu phồng lên như một quả bóng. Việc làm này giúp chúng mở rộng lớp vỏ cũ và tách ra một đường nứt nhỏ chạy khắp cơ thể. Con cua sau đó sẽ tự rút lớp vỏ cũ bằng cách đẩy ra và thu lại các phần cơ thể nhiều lần, cho đến khi rút phần chân trước và hoàn toàn tách ra khỏi lớp vỏ cũ. Quá trình thay vỏ mới của một con cua thường kéo dài trong vòng 15 phút.


    Để phát triển, một con cua phải trải qua nhiều lần lột xác biến thái. Thời gian giữa các lần lột xác có thể thay đổi tùy theo từng giai đoạn. Ấu trùng có thể lột xác trong vòng 3-5 ngày một lần. Cua lớn lột xác để phát triển thường từ nửa tháng đến một tháng một lần. Trong quá trình lột xác, cua có thể mất một số bộ phận như chân, càng, tuy nhiên có thể tái sinh được những bộ phận này trong những lần lột xác tiếp theo.

    Quá trình lột xác của cua
    Quá trình lột xác của cua
  6. Trước lúc lột xác giao phối khoảng 2 đến 10 ngày cua đực và cua cái sẽ ghép đôi với nhau. Cua đực (thường lớn hơn cua cái) dùng các chân bò và cái càng ôm chặt lấy cua cái trên mặt lưng. Nó mang con cái đi quanh suốt có khi kéo dài 3 đến 4 ngày hoặc hơn nữa. Đến khi con cái sắp lột vỏ để giao phối thì con đực mới rời con cái ra và ở cạnh; con cái vừa lột xác xong, con đực liền ôm con cái áp sát mặt bụng vào nhau và phần gỡ yếm con cái ra để giao phối.


    Thời gian giao phối có thể kéo dài từ khoảng 5 giờ đến cả ngày. Sau đó con đực buông cua cái ra, nhưng vẫn sẽ đi cạnh để bảo vệ cua cái. Sau khi giao phối, túi tinh được giữ ở bộ phận nhận tinh của cua cái trong khoảng thời gian dài để thụ tinh cho trứng của cua cái. Trong mùa sinh sản cua cái có thể đẻ trứng từ 1 – 3 lần và được thụ tinh nhờ tinh trùng nhận được vào khoảngđầu mùa sinh sản. Thí nghiệm của chúng tôi cho thấy cua gạch bắt về nuôi trong một bể xi măng (không có cua đực) từ tháng 7 đến tháng 10 đã đẻ trứng 3 lần và trứng các lần đẻ đều đã phát triển thành ấu trùng.


    Cua cái sau khi giao phối, tế bào trứng sẽ tiếp tục sinh trưởng và chín, đẻ trứng và thụ tinh. Khi đẻ trứng cua cái nằm ở đáy, dùng các chân bám vào bên nền đáy, phần đầu ngực được nâng lên phần bụng được mở ra, các chân bụng được dựng đứng lên, trứng chín qua ống dẫn trứng đã được thụ tinh với tinh trùng từ túi chứa tinh trùng.


    Trứng được đẻ ra được chứa trong phần bụng con cái có 2 lớp màng; màng ngoài hút nước sẽ trương lên. Giữa 2 lớp màng có niêm dịch. Nhờ những cử động của phần bụng, trứng bám trên lông tơ của chân bụng và do tác dụng của ngoại lực màng ngoài của trứng, kéo dài ra thành những “cuống trứng”, làm cho trứng tuy dính vào lông của phần chân bụng nhưng vẫn “tự do’’ và trứng không dính lại với nhau. Những cua cái ôm trứng gọi là cua trứng, trứng được cua cái ôm tiếp tục phát triển cho đến lúc thành những ấu trùng mới rời khỏi bụng cua, nên cũng gọi là “cua con”.

    Tập tính sinh sản của cua
    Tập tính sinh sản của cua
  7. Thế giới loài của rất đa dạng về cả hình dáng và kích thước. Một vài con rất đáng sợ, một vài con đầy màu sắc, và không ít con rất kỳ quái.


    Cua Halloween. Loài của này có rất nhiều màu sắc. Cua Halloween sống chủ yếu ở vùng biển Mexico, Trung Mỹ và có thể ở tận Peru. Chúng thường lang thang trong rừng và ăn lá cây hoặc hạt cây. Loài này có sở thích ăn đêm. Tuy sống chủ yếu trên mặt đất nhưng loài cua này lại phải về nước để đẻ trứng.


    Cua dừa. Đây là một trong những loài chân đốt lớn nhất trên cạn. Nó nặng tới 4,1kg. Cua dừa sống chủ yếu trên những hòn đảo ở phía nam Thái Bình Dương. Chúng ăn quả hạch, hạt và thỉnh thoảng là dừa. Chúng là loài khá “quái đản” khi có một hệ thống hô hấp đặc biệt, không phải yếm, không phải phổi mà là một cái gì đó giữa 2 bộ phận này. Các cơ quan cảm giác của chúng giống của côn trùng hơn là của cua.


    Cua vua gai. Toàn thân loài cua này được bao phủ bởi một lớp gai, vừa giúp chúng ngụy trang, vừa giúp chúng tự bảo vệ mình khỏi kẻ thù. Loài này sống ở độ sâu 730m dưới biển. Chúng ăn sao biển, các loài cua khác và các chất thải từ bên trên rơi xuống.


    Cua hộp nâu. Đây cũng là một loại cua vua. Chúng có cách hô hấp kỳ lạ: khi đưa những càng trước qua mai, hình chữ V trên càng cùng với chân liền kề sẽ tạo thành một lỗ nhỏ, cho phép nước chảy vào phổi, dưới lớp cặn.


    Cua san hô mềm. Những con “quái vật” này có khả năng ngụy trang cực tốt khi sống cùng với những rặng san hô mềm và ăn sinh vật phù du.


    Cua hổ vằn. Loài này sống chủ yếu ở Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương, Australia. Loài này có hình thù kỳ dị, với những vệt màu sậm, trắng giống như ngựa vằn.


    Cua đười ươi. Thuộc họ nhà nhện và cua, loài sinh vật nhỏ bé kỳ lạ này có ngoại hình rất giống đười ươi. Chúng có bộ lông màu cam dày, 2 chân dài trông như tay đười ươi.


    Cua sứ. Loài cua này không hẳn là cua, chúng là một loại tôm tiến hóa, có vẻ ngoài giống cua. Chúng khá mong manh, dễ vỡ. Loại này thường bị mất chân khi chạy trốn khỏi kẻ thù và sau đó những chân này được mọc lại. Loài này ăn chất nhầy của những cây tảo biển, giúp chúng làm sạch bản thân, trong khi loài tảo bảo vệ cua khỏi kẻ thù.

    Những loài cua có vẻ bề ngoài quái dị nhất
    Những loài cua có vẻ bề ngoài quái dị nhất
  8. Cua ăn thức ăn động vật phù du là chính. Cho đến hiện nay, phần lớn các hộ nuôi cua đều sử dụng các thức ăn động vật tươi sống là chính. Những thức ăn chủ yếu của cua là: cá vụn, còng, ba khía, đầu cá, don, dắt, trai, ốc, cá, tôm, còng, cáy…


    Các loại thực vật gồm: rau, củ, bèo, khoai, sắn, bã đậu cám gạo v.v..

    • Thức ăn tươi sống: Gồm động vật vẫn còn nguyên con, còn sống hoặc đã chết nhưng thịt còn tươi. Không dùng thịt động vật đã bị ươn hôi và thịt động vật đã ướp mặn không có khả năng rửa sạch mặn. Các động vật, thịt động vật được sử dụng làm thức ăn cho cua gồm:
    • Cá tươi: thường sử dụng các loài cá biển như vụn cá Sơn, cá Linh, cá Chốt chuột, cá biển vụn…Các động vật nhuyễn thể: gồm các động vật nhuyễn thể như don, dắt…
    • Động vật giáp xác: chủ yếu là các loại tôm và cua rẻ tiền.
    • Động vật khác: thường là tận dụng thịt của các động vật rẻ tiền không thuộc diện dùng làm thực phẩm cho người, và thịt phế liệu của các xí nghiệp chế biến thực phẩm như cá, tôm, mực…
    Thức ăn của cua
    Thức ăn của cua
  9. Cua Lông Hong Kong: Cua Lông Hong Kong hay còn được biết đến với tên gọi khác là cua Lông Thượng Hải. Hằng năm, cứ vào khoảng tháng 9 – tháng 10 chính là mùa cua. So với các loài cua khác, cua Lông có kích thước nhỏ hơn rất nhiều, mỗi con chỉ nặng khoảng 150 – 200g và được bao phủ một lớp lông xù xì bên ngoài. Mặc dù có kích thước nhỏ nhưng cua Lông lại được xem là một trong những loại cua ngon nhất hiện nay và là món ăn yêu thích của giới thượng lưu. Thịt cua chắc nịch, trắng mịn, ngọt thanh tự nhiên còn phần gạch cua béo ngậy nhưng không gây ngấy. Chính vì vậy, cua lông được nhiều tín đồ hải sản gọi là “ông vua” của các loài cua.


    Cua Pha Lê Úc (Cua Tuyết Úc): Cua Pha Lê Úc hay còn được gọi là cua Tuyết Úc, đây là loài cua được đánh bắt tự nhiên từ những vùng biển hoang sơ thuộc khu vực phía Tây của nước Úc. Mai cua có màu trắng, to và trong như một khối pha lê lấp lánh giữa tầng đáy của đại dương xanh. Để đánh bắt được loài cua này, ngư dân đã phải lặn thật sâu xuống dưới đáy của đại dương nên giá thành loại cua này rất đắt đỏ. Bên cạnh đó, cua Pha Lê úc cũng được nhiều người ưa chuộng bởi hương vị thơm ngon, thịt chắc, ngọt tự nhiên mà ít có loại cua nào có thể sánh được.


    Cua Tasmania Úc: Cua Tasmania Úc là loài cua có xuất xứ từ vùng biển Tasmania thuộc phía Nam của nước Úc. Cua có hình dáng tương tự như các loài cua biển của Việt Nam nhưng kích thước lại to hơn gấp khoảng từ 10 cho đến 20 lần. Với những con trưởng thành có thể nặng tới 10kg. Với hương vị độc đáo, gạch thơm ngon, thịt giòn dai, ngọt thanh tự nhiên, cua Tasmania Úc được rất nhiều tín đồ hải sản yêu thích và tìm mua.


    Cua Alaska: Cua Alaska là loài cua có xuất xứ từ các vùng biển Bắc Mỹ ở độ sâu từ từ 200 – 400m. Cua có kích thước lớn, mình khum tròn trông gần như con rùa hoặc con bọ khổng lồ. Phần đầu cua có nhiều lông, dài và hơi chúi xuống dưới. Cua có có hương vị đặc biệt, béo ngậy, thịt cua thơm ngon, gạch chắc. Vậy nên, dù có giá cả đắt đỏ những cua hoàng đế vẫn được rất nhiều người ưa chuộng và săn lùng.


    Cua Ruby Alaska: Cua Ruby Alaska là loài cua sinh sống ở các vùng biển Bắc Mỹ thuộc bang Alaska. Cua Ruby cũng thuộc cùng họ với cua King Crab nên có ngoại hình tương đối giống nhau. Tuy nhiên, chân cua King Crab dài hơn chân cua Ruby rất nhiều. Thịt cua Ruby có màu trắng tự nhiên, vị ngọt thanh và rất giòn dai.


    Cua Hoàng Đế là một trong những loại đặc sản nổi tiếng ở một số đảo xa và các vùng biển thuộc Duyên hải Nam Trung Bộ ở nước ta. Cua có kích thước lớn cùng hình dáng rất đặc biệt với bề ngoài thuôn dài và vỏ màu đỏ hồng như tôm luộc. Càng và chân cua ngắn, mai cua to và có hình dạng tương tự như chữ U với nhiều râu xung quanh. Mỗi con cua trưởng thành có thể nặng tới khoảng 1kg. Thịt cua Hoàng Đế có hương vị vượt trội hơn hẳn so với các loại cua biển khác về độ ngon, ngọt, giòn, béo. Vì vậy, loài cua này được nhiều tín đồ hải sản săn lùng để chứng tỏ độ “sành” ăn của mình.

    Những loại ngon nhất hiện nay
    Những loại ngon nhất hiện nay
  10. Cua mặt quỷ: Cua mặt quỷ là loại cua biển chứa độc tố phổ biến trải dài từ vùng biển Đà Nẵng đến Vũng Tàu, thường sống ở các rạn cạn và thủy triều thấp. Cua mặt quỷ có kích thước khá nhỏ gọn trong lòng bàn tay, trên mai có nhiều cục u lồi, dẹt ở ngoài vỏ và màu sắc bắt mắt, không giống những loài cua biển khác. Trong thịt và vỏ của cua mặt quỷ có một lượng lớn chất kịch độc cho hệ thần kinh như Tetrodotoxin và Saxitoxin, có thể gây tử vong cho con người nếu không may ăn phải dù chỉ là liều cực thấp. Chất độc của cua mặt quỷ chủ yếu trong thịt, trứng và nhiều chất trong thịt càng và chân. Các độc tố này có độc cực mạnh, tương tự như chất độc trong cá nóc, ảnh hưởng trực tiếp tới hệ thần kinh, ức chế hô hấp. Hiện chất độc Saxitoxin trong cua mặt quỷ vẫn chưa có thuốc giải độc. Người trúng độc nếu không được cấp cứu kịp thời, nguy cơ tử vong rất cao, cần lưu ý tránh xa loại cua nguy hiểm này.


    Cua đá biển: Cua đá biển thuộc loại cua đất lớn, có vỏ màu tím sậm, chân dài và càng khá ngắn. Chúng là loại động vật ăn đêm, ban ngày trú ẩn trong các hang đào và thức ăn của nó là các loại thực vật. Khi chín, cua đá biển chuyển sang màu gạch. Cua đá biển cũng chứa các chất độc nguy hiểm như cua mặt quỷ. Đặc điểm để nhận biết chúng là vỏ đầu ngực có dạng nửa vòng tròn, dài nhất khoảng 30mm và rộng nhất khoảng 40mm, phủ kín bởi các u lồi dạng hạt.

    Cua đá biển hiếm và rất khó bắt, thịt có vị ngọt thanh nên trở thành đặc sản được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên trong quá trình chế biến và sử dụng, nếu không làm sạch những chất độc trong nó sẽ gây nên những tiêu cực về mặt sức khỏe và có thể để lại hậu quả đáng tiếc như trên.


    Cua Florida: Đặc điểm nhận dạng của loại cua này là phần vỏ đầu ngực có dạng elip ngang. Mặt lưng của vỏ cua hơi lồi nhưng khá láng phẳng. Cua có những vệt màu xanh da trời nhạt hơi lục, pha trộn những vết loang màu đỏ tía, các ngón chân kìm màu sậm. Loại cua này thường sống ở vùng biển từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa. Tại Đà Nẵng có một trường hợp đáng tiếc xảy ra khi ăn phải loại cua Florida này. Cụ thể là sau khi luộc và ăn cua Florida, nạn nhân vô tình có những biểu hiện lạ như liên tục nôn mửa và phải đưa đi cấp cứu ngay lập tức.

    Các loại cua độc nguy hiểm nhất hiện nay
    Các loại cua độc nguy hiểm nhất hiện nay
  11. Loài cua mũi tên gây chú ý với những chiếc chân dài tới 20cm - gấp 5 lần chiều dài cơ thể của chúng. Công viên hải dương the Blue Reef ở Newquay (Anh) vừa đón chào một cư dân mới rất đặc biệt đó là một con cua mũi tên. Loài cua này có chiều dài cơ thể chỉ 4cm, nhưng những chiếc chân của chúng có chiều dài lên tới 20cm.


    Những nhà khoa học đầu tiên phát hiện loài cua này đã gọi chúng là cua mũi tên bởi vì đầu của chúng có hình nhọn và mắt lồi ra ngoài trông rất giống đầu của một mũi tên.


    Loài cua mũi tên thường sống trong những dải san hô ngầm cách mặt nước khoảng 10m tại vùng biển tây Đại Tây Dương, từ Mỹ kéo xuống tới Brazil và qua biển Caribbean. Thức ăn của chúng chủ yếu là xác thối của các loài sinh vật biển, tảo và phù du.


    Cơ thể của chúng cũng có màu sắc rất đa dạng, bao gồm màu vàng hay kem với các đốm màu nâu, đen, hay ngũ sắc,... để thích nghi với môi trường xung quanh. Chân của chúng thường có màu đỏ hoặc vàng, trong khi càng có màu xanh dương hay tím.


    Cua mũi tên cái mang trứng ở dưới bụng cho tới khi trứng nở và ấu trùng sau khi nở ra sẽ bơi cùng phù du trên mặt nước. Sau đó, những ấu trùng này sẽ trở lại các dải san hô và trải qua một loạt quá trình rụng lông trước khi trưởng thành.

    Cua mũi tên - Loài cua có chân dài gấp 5 lần cơ thể
    Cua mũi tên - Loài cua có chân dài gấp 5 lần cơ thể
  12. Thế giới dưới đáy đại dương luôn bí ẩn và quyến rũ. Dù nền khoa học công nghệ đã hiện đại, tàu ngầm ngày càng lặn sâu hơn, song vẫn chưa khám phá hết được đáy đại dương. Riêng loài cua, dưới đáy biển cũng có vô số phân loài. Tuy nhiên, trong họ nhà cua, các nhà khoa học ghi nhận cua nhện Thái Bình Dương là loài lớn nhất thế giới từng được biết đến. Loài cua khổng lồ này sống ở đáy biển phía Nhật Bản, nên đôi khi nó còn được gọi là cua nhện Nhật Bản.


    Vì loài cua khổng lồ, hình dạng như con nhện này sống ở đáy biển, nên các thông tin về chúng vẫn còn nhiều bí ẩn, ngoại trừ việc thịt của chúng rất béo và giàu dinh dưỡng thì giới sành ăn đều biết rõ. Các nhà khoa học đã tính toán và kết luận rằng, cua nhện sở hữu bộ chân dài nhất trong số các loài giáp xác. Trong khi các chú cua đồng chỉ có độ dài từ đầu càng này đến đầu càng kia chừng 10cm, thì một chú cua nhện trưởng thành có chiều dài hai đầu càng lên tới 4-5m, dài bằng một chiếc xe hơi 4 chỗ.


    Bộ chân nguều ngoào của nó nâng đỡ cơ thể có chiều ngang chừng nửa mét và nặng tới 20kg. Con người thường gọi giới chân dài là phụ nữ, còn với cua biển thì ngược lại. Những chàng cua đực sở hữu cặp chân dài miên man, còn chân cua cái thì khá ngắn. Thậm chí, cặp càng của nó còn ngắn hơn cả chân.


    Mặc dù cua nhện mang vẻ ngoài hung dữ, hầm hố, khiến người quan sát nghĩ tới những con nhện độc khổng lồ ăn thịt người trong phim ảnh, nhưng thực tế chúng là loài khá hiền lành. Chúng lợi dụng bọt biển hoặc các loại sinh vật khác để ngụy trang, trốn tránh các đối thủ hơn là tìm cách tự vệ, tấn công lại. Gặp kẻ thù, chúng chỉ biết trông chờ vào bộ mai cứng, giống loài rùa rụt cổ.

    Cua nhện Thái Bình Dương - loài cua dài bằng xe hơi
    Cua nhện Thái Bình Dương - loài cua dài bằng xe hơi
  13. Theo AP, người phát hiện loài cua mới là giáo sư Ho Ping-ho của Đại học Hải dương Đài Loan. Ông nói rằng chúng có hình dạng khá giống những loài cua sống ở vùng biển Hawaii (Mỹ), quần đảo Polynesia và quốc đảo Mauritius (phía tây nam Ấn Độ Dương). Tuy nhiên, loài cua mới sở hữu chiếc mai có hình dạng giống vỏ trai và dài khoảng 2,5 cm. Chiếc mai khiến chúng trở nên khác biệt so với những loài cua màu đỏ.


    Wang Chia-hsiang, một chuyên gia hàng đầu về cua tại Đài Loan, xác nhận phát hiện của giáo sư Ho.


    Ho cho hay ông và các cộng sự tìm thấy hai cá thể cái thuộc loài cua mới trong khu bảo tồn Kenting - nơi có nhiều loài động vật biển. Hai con cua đã chết khi các nhà khoa học nhìn thấy chúng. Ho cho rằng rất có thể chúng chết vì một tàu chở hàng mắc cạn gần khu bảo tồn khiến nước bị ô nhiễm.


    Cua là động vật ăn tạp. Thức ăn chính của chúng là tảo. Theo Daily Mail, các nhà khoa học đã xác định được hơn 5.000 loài cua trên thế giới.

    Tìm thấy loài cua 'dâu tây' mới
    Tìm thấy loài cua 'dâu tây' mới
  14. Các nhà khoa học tại Đại học Kerala, Ấn Độ, phát hiện một loài cua mới kỳ lạ, sống trên cây trong những khu rừng ở vùng Western Ghats, phía nam Ấn Độ. Chúng được mô tả trong bài báo đăng trên tạp chí Crustacean Biology hôm 3/4. Bộ tộc Kani địa phương biết về sự tồn tại của những con cua đặc biệt này nên đã giúp đỡ nhóm nghiên cứu tìm thấy chúng. Để ghi nhận công sức của họ, loài cua được đặt tên khoa học là Kani maranjandu.


    Đây là lần đầu tiên giới khoa học phát hiện một loài cua sống hoàn toàn trên cây. Nhà của chúng là các vũng nước trong lỗ rỗng của cây, thay vì trên mặt đất giống cua thông thường.


    Con người ít biết đến cua Kani maranjandu một phần do bản tính của chúng khá nhút nhát. Người dân bộ tộc Kani đã dạy cho các nhà nghiên cứu cách xác định vị trí của con vật bằng cách tìm kiếm những mảnh gỗ vụn và bong bóng khí bị đẩy ra khỏi lỗ trên cây. Cua Kani maranjandu có lớp vỏ màu tím đen và chân thon dài thích hợp với cuộc sống trên cây.


    Các nhà khoa học cho biết đây là khám phá rất quan trọng. Cua Kani maranjandu đóng vai trò là sinh vật chỉ thị trong lĩnh vực sinh thái học. Nơi nào có số lượng cua nhiều thì chứng tỏ nơi đó hệ sinh thái rừng vẫn tốt. Lỗ rỗng chứa nước trên cây lớn là môi trường sống của loài cua độc đáo này.

    Loài cua kỳ lạ cư ngụ hoàn toàn trên cây ở Ấn Độ
    Loài cua kỳ lạ cư ngụ hoàn toàn trên cây ở Ấn Độ



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy