Top 6 Truyện ngắn 26/3 hay và ý nghĩa nhất

Phương Trinh 24463 0 Báo lỗi

Ngày 26/3 là một ngày vô cùng ý nghĩa đối với bất cứ một đoàn viên hay thanh niên nào trên đất Việt. Đồng thời đây cũng là ngày tưởng nhớ về những thế hệ thanh ... xem thêm...

  1. Top 1

    Truyện ngắn 26/3: Võ Thị Sáu và quả lựu đạn diệt quân thù

    Chị Võ Thị Sáu sinh vào năm 1933 ở xã Phước Thọ, quận Đất Đỏ, nay là huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Chị được sinh ra ở vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Vào năm 1947, khi chỉ mới 14 tuổi chị đã gia nhập Đội Công an xung phong quận Đất Đỏ với mong muốn trừng trị bọn ác ôn. Kể từ đó, chị đã trở thành người chiến sĩ trinh sát làm nhiệm vụ phá tề, trừ gian với nhiều chiến công lẫy lừng.

    Tháng 2/1950, chị dẫn đầu một tổ, dùng lựu đạn tập kích diệt 2 tên ác ôn Cả Suốt, Cả Đay. Nhưng thật không may khi chị đã bị sa vào tay địch. Chúng tra tấn chị bằng mọi cực hình, nhưng cũng phải chịu thua vì không khai thác được gì. Sau đó, chúng liền đưa chị về giam ở khám Chí Hòa, Sài Gòn để tiếp tục khai thác và rồi mở phiên tòa, tuyên án tử hình chị.

    Tại phiên tòa đại hình, tuy chỉ mới 17 tuổi, nhưng chị Võ Thị Sáu đã hiên ngang tỏ rõ khí phách anh hùng của một thiếu nữ Việt Nam làm cho lũ quan tòa cùng đồng bọn đều phải nể sợ. Chị sang sảng khẳng định:

    - Yêu nước chống bọn thực dân xâm lược không phải là tội!

    Và khi tên quan tòa rung chuông ngắt lời chị, tuyên án: "Tử hình, tịch thu toàn bộ tài sản", chị đã thét vào mặt y:

    - Tao còn mấy thùng rác ở khám Chí Hòa, tụi bây vô mà tịch thu!

    Tiếp đó là tiếng hô to và hùng hồn:

    - Đả đảo thực dân Pháp! Kháng chiến nhất định thắng lợi!

    Thực dân Pháp rất muốn giết chết ngay người con gái đáng sợ này, thế nhưng không dám thực hiện bản án tử hình đối với người chưa đến tuổi thành niên. Chúng đã phải tiếp tục giam chị ở khám Chí Hòa và sau đó đưa ra Côn Đảo. Vào ngày 23/1/1952, chúng thi hành bản án, bắn chết chị ở ngoài hòn đảo xa đất liền này sau 2 ngày chúng đưa chị ra đây. Biết sắp bị hành hình, trong suốt đêm 22, chị đã gửi lòng mình với đất nước và nhân dân bằng những bài ca cách mạng như: Lên đàng, Cùng nhau đi hùng binh, Tiến quân ca,...

    Khoảng 4 giờ sáng ngày 23/1/1952, sau khi tên chánh án làm thủ tục thi hành án, viên cố đạo liền lên tiếng rằng:

    - Bây giờ cha rửa tội cho con.

    Chị gạt phắt lời viên cha cố:

    - Tôi không có tội. Chỉ có kẻ sắp hành hình tôi đây mới là có tội...

    Ông ta vẫn kiên nhẫn thuyết phục:

    - Trước khi chết, con có điều gì ân hận không?

    Chị nhìn thẳng vào mặt ông ta và mặt tên chánh án, trả lời:

    - Tôi chỉ ân hận là chưa tiêu diệt hết bọn thực dân cướp nước và lũ tay sai bán nước.

    Ra đến pháp trường, tên chánh án hỏi chị:

    - Còn yêu cầu gì trước khi chết?

    Chị nói:

    - Không cần bịt mắt tôi. Hãy để cho đôi mắt tôi được nhìn đất nước thân yêu đến giây phút cuối cùng và tôi có đủ can đảm để nhìn thẳng vào họng súng của các người!

    Nói xong, chị bắt đầu cất cao tiếng hát của mình. Chị hát bài Tiến quân ca. Giọng hát của người con gái Đất Đỏ lúc này như thiết tha và bay bổng hơn, say sưa át cả tiếng tên chánh án đọc lệnh thi hành án tử hình cũng như tiếng hô ra lệnh cho toán lính lên đạn của tên đội trưởng lê dương. Khi tên chỉ huy ra lệnh cho bọn lính chuẩn bị nổ súng thì chị ngay lập tức ngưng hát và hét lên rằng:

    - Đả đảo thực dân Pháp ! Việt Nam độc lập muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm!

    Tiếng thét của chị như làm cho bọn đao phủ chùng tay, bảy tiếng súng khô khốc nổ chuệch choạc. Chị Võ Thị Sáu vẫn hiên ngang đứng đó. Cặp mắt chị trừng trừng nhìn thẳng vào chúng. Tên đội trưởng lê dương không tổ chức bắn loạt đạn thứ hai. Hắn rút súng ngắn lầm lũi bước lại gí ngay vào mang tai chị mà bóp cò...

    Sau đó, chiến công và nhất là hành động anh hùng lẫm liệt trước kẻ thù của chị Võ Thị Sáu - người con gái Việt Nam anh hùng - đã được truyền tụng không chỉ trong các banh tù mà còn vào tới phòng ngủ của bọn chúa đảo, chức sắc cùng các gia đình trên toàn Côn Đảo...

    Dân tộc Việt Nam luôn có truyền thống hào hùng, bất khuất: “có cái chết hóa thành bất tử, có những lời hơn mọi lời ca “. Vâng, chị Sáu vẫn sẽ sống mãi cùng lịch sử cách mạng việt Nam, vẫn in dấu trong thơ ca Việt Nam, đồng thời chị cũng góp phần tô điểm rạng rỡ cho non sông đất nước Việt Nam. Chị sẽ mãi là tấm gương kiên cường, bất khuất cho tuổi trẻ Việt Nam trong thời đại mới. Đứng trước những thách thức của cuộc đời, ở độ tuổi thanh niên, chúng ta hãy luôn lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi của công cuộc đổi mới, để từ đó góp sức mình vào sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa của đất nước giống như chị Võ Thị Sáu ngày nào.

    Truyện ngắn 26/3: Võ Thị Sáu  và quả lựu đạn diệt quân thù
    Truyện ngắn 26/3: Võ Thị Sáu và quả lựu đạn diệt quân thù
    Truyện ngắn 26/3: Võ Thị Sáu  và quả lựu đạn diệt quân thù
    Truyện ngắn 26/3: Võ Thị Sáu và quả lựu đạn diệt quân thù

  2. Top 2

    Truyện ngắn 26/3: Tấm gương hy sinh cách mạng sáng ngời của người anh hùng Nguyễn Văn Trỗi

    Nguyễn Văn Trỗi sinh ngày 1-2-1940 tại làng Thanh Quýt, nay là xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Năm 1956, Nguyễn Văn Trỗi một mình vào Sài Gòn sinh sống. Tại đây, anh vừa làm thuê để kiếm sống mà cũng vừa học nghề điện, sau đó trở thành công nhân Nhà máy điện Chợ Quán.

    Vào năm 1963, Nguyễn Văn Trỗi gia nhập trở thành một chiến sỹ biệt động tại Sài Gòn. Bước vào đời hoạt động cách mạng, anh luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Có lần anh đã ném lựu đạn làm chết và bị thương một số tên địch.

    Biết tin phái đoàn quân sự cấp cao của Mỹ do Mắc Namara - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu sẽ tới Sài Gòn thị sát chiến trường vào tháng 5-1964, lực lượng của ta liền vạch kế hoạch tiêu diệt Mắc Namara. Với tình yêu quê hương, đất nước cùng lòng căm thù quân xâm lược sâu sắc nên mặc dù mới cưới vợ chỉ được hơn 10 ngày, Nguyễn Văn Trỗi vẫn quyết chí xung phong nhận nhiệm vụ, cùng đồng đội tiến hành cài mìn tại cầu Công Lý (nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi, TP. HCM) - nơi được dự đoán là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mác Namara cùng phái đoàn Mỹ từ sân bay Tân Sơn Nhất về trung tâm thành phố Sài Gòn sẽ đi qua. Thế nhưng, khi Nguyễn Văn Trỗi cùng đồng đội mới đặt được quả mìn nặng 8 kg ở cạnh cầu Công Lý, đang chuẩn bị nốt một số công việc còn lại thì không may việc bị bại lộ và anh bị địch bắt.

    Để đảm bảo an toàn hoạt động cũng như tính mạng cho đồng đội, Nguyễn Văn Trỗi không chỉ kiên quyết không khai mà còn nhận trách nhiệm về mình. Sau một thời gian giam giữ, chịu mọi tra tấn, kẻ thù đã đưa Nguyễn Văn Trỗi ra xử tại tòa, rồi kết án tử hình.

    Không chỉ hành động bất chấp hy sinh tính mạng trong vụ cài mìn ở cầu Công Lý vào năm 1964, Nguyễn Văn Trỗi còn thể hiện được ý chí và niềm tin sắt đá đến giây phút bị xử tử. Anh không chấp nhận rửa tội và còn khẳng định chính bọn Mỹ, ngụy mới là kẻ có tội, là thủ phạm đã gây ra cảnh xóm làng tan nát, cảnh lầm than chết chóc, cảnh con mất cha, cảnh vợ mất chồng. Nhiều lần anh đã nói thẳng vào mặt kẻ thù rằng:

    - Còn giặc Mỹ, không ai có hạnh phúc cả!

    Câu nói ấy không chỉ gây xúc động cho tuổi trẻ và nhân dân ta mà cả tuổi trẻ và nhân dân tiến bộ trên thế giới.

    Tuy biết trước sẽ bị tử hình thế nhưng anh vẫn lạc quan, yêu đời. Tại pháp trường, Nguyễn Văn Trỗi rất bình thản và luôn giữ tinh thần quyết chiến, quyết thắng. Khi địch bịt mắt anh, anh giật tấm băng đen và nói:

    - Không, phải để tôi nhìn mảnh đất này, mảnh đất thân yêu của tôi.

    Giây phút cuối cùng, anh dõng dạc hô to:

    - Hãy nhớ lấy lời tôi
    Đả đảo đế quốc Mỹ
    Đả đảo Nguyễn Khánh
    Hồ Chí Minh muôn năm!
    Hồ Chí Minh muôn năm!
    Việt Nam muôn năm!

    Nguyễn Văn Trỗi chính là tấm gương sáng ngời để giáo dục lòng yêu nước, đức hy sinh cũng như tinh thần quật cường của nhân ta trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc; giáo dục và bồi dưỡng thế hệ trẻ ngày nay về lý tưởng cách mạng cao đẹp của Đảng và Bác Hồ; lòng yêu nước và tinh thần sẵn sàng cống hiến cho sự nghiệp đổi mới đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
    Tấm gương hy sinh cách mạng sáng ngời của người anh hùng Nguyễn Văn Trỗi
    Tấm gương hy sinh cách mạng sáng ngời của người anh hùng Nguyễn Văn Trỗi
    Tấm gương hy sinh cách mạng sáng ngời của người anh hùng Nguyễn Văn Trỗi
    Tấm gương hy sinh cách mạng sáng ngời của người anh hùng Nguyễn Văn Trỗi
  3. Top 3

    Truyện ngắn 26/3: chú bé Lượm

    Câu chuyện tôi sắp kể cho các bạn nghe dưới đây đã xảy ra đã mấy chục năm kể từ hồi ông nội tôi còn sống, còn trẻ và đang hăng say bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp toàn dân. Lần ấy, ông nội tôi được giao nhiệm vụ đi công tác tại Thừa Thiên - Huế. Ở đó ông tôi đã gặp một thiếu niên dũng cảm, anh hùng.

    Khoảng đầu năm 1947, đi cùng đoàn công tác với ông tôi có nhà thơ Tố Hữu, vào Huế để nhận làm chủ tịch Ủy ban kháng chiến. Huế lúc ấy khá hoang tàn. Chỉ mới quay trở lại trong thời gian không lâu mà Pháp đã gieo rắc ở đây biết bao nhiêu tội ác. Cũng may nhờ có nhân dân che chở mà nhiều vùng căn cứ mật của ta vẫn chưa bị lộ. Sau khi sơ bộ nghe báo cáo tình hình, ông tôi cùng nhà thơ Tố Hữu và một vài đồng chí nữa quyết định đi xem xét ngay phong trào kháng chiến tại nội thành.

    Họ đi bộ ngay đêm ấy men theo những con đường bí mật được bố trí cũng khá an toàn ngay bên cạnh một vài bốt canh của địch. Đến khu vực đồn Mang Cá, ông thấy không khí chiến đấu của anh em vô cùng sôi nổi nên rất vui mừng. Báo cáo tình hình xong, các đồng chí dẫn đến trước mặt ông tôi và nhà thơ một chú bé khoảng chừng 10 tuổi trông rất nhanh lẹ và hoạt bát. Một đồng chí thưa:

    Báo cáo hai đồng chí, đây là em Lượm, một đồng chí liên lạc xuất sắc nhất của đồn hiện nay.

    - Thế cháu mấy tuổi rồi?

    - Dạ cháu 12 tuổi ạ!

    - Thế cháu đi liên lạc thấy thế nào?

    - Vui lắm! Ở đồn Mang Cá cháu còn thích hơn ở nhà chú ạ!

    - Ừ! Rất tốt. Nếu thành Huế này cứ có những người như cháu thì thằng Pháp sẽ nhanh chóng bại trận trong một ngày không xa.

    Rồi lượm chào các đồng chí để tiếp tục đi làm nhiệm vụ của mình. Cậu bé có dáng người loắt choắt nhưng đôi chân thì lúc nào cũng nhanh như sóc. Bên hông chú ra dáng với một chiếc xắc nhỏ xinh đựng công văn, thư từ, mệnh lệnh. Công việc này quả thật rất nguy hiểm thế mà lúc nào cậu cũng vui vẻ, ngây thơ. Đôi mắt cậu trong, sáng và đầy hồn nhiên rất hợp với chiếc mũ ca lô xinh xắn đội lệch trên đầu.

    Vài tháng sau, một hôm ông và nhà thơ Tố Hữu đang làm việc tại cơ quan thì có một đồng chí ở đồn Mang Cá xin được vào báo cáo. Sau khi trình bày xong các phương án bố phòng và chiến đấu, đồng chí nọ đau đớn báo tin rằng: cháu Lượm đã hy sinh!

    Cả ông và nhà thơ Tố Hữu đều lặng đi, những giọt nước mắt từ từ lăn trên má. Đồng chí liên lạc viên kể tiếp:

    - Hôm ấy cũng như bao ngày khác, Lượm nhận công văn của đồn triển khai công tác bố phòng để mang đến những vùng ngoại ô. Em tức tốc đi ngay mong nhanh chóng có thể hoàn thành nhiệm vụ. Thế nhưng không ngờ trên đường hôm ấy, em đã gặp ngay một toán phục kích của quân thù. Lượm nhanh trí xé vụn công văn vứt xuống mương rồi sau đó bỏ chạy. Thế nhưng không kịp, giặc đã bắn theo tới tấp. Lượm hy sinh. Khi chúng tôi nhận được tin rồi cùng dân làng chạy tới thì cảm giác vô cùng đau đớn khi thấy mặt em đã lạnh mà môi vẫn còn mỉm một nụ cười. Một tay chú giữ chiếc ca lô, còn một tay kim bám chặt vào một bông lúa sữa.

    Đồng chí liên lạc vừa kể xong thì òa khóc. Câu chuyện về chú bé Lượm đã được ông nội đem đi kể khắp nơi cho các cháu thiếu nhi. Nơi nào ông tới làm nhiệm vụ, ông cũng mang tấm gương dũng cảm ấy để kể cho các cháu nhỏ nghe. Hòa bình lập lại, ông mang về quê để kể cho con cháu nhằm giáo dục truyền thống gia đình.

    Mỗi khi nghĩ đến Lượm, tâm trí tôi lại hiện lên hình ảnh một chú bé loắt choắt, vai đeo chiếc xắc cốt đựng tài liệu, đầu đội lệch chiếc mũ ca lô, miệng huýt sáo vang, vừa đi vừa nhảy chân sáo trên con đường chan hoà ánh nắng. Lượm đã hi sinh anh dũng khi đang làm nhiệm vụ trong cảnh mưa bom bão đạn, cậu bé đã hi sinh trên đất mẹ quê hương – một sự hi sinh thiêng liêng cao cả, một tấm gương sáng mà thế hệ chúng ta phải noi theo.
    Truyện ngắn 26/3: chú bé Lượm
    Truyện ngắn 26/3: chú bé Lượm
    Truyện ngắn 26/3: chú bé Lượm
    Truyện ngắn 26/3: chú bé Lượm
  4. Top 4

    Truyện ngắn 26/3: Lý Tự Trọng - người anh hùng của quê hương Hà Tĩnh

    Lý Tự Trọng tên thật là Lê Văn Trọng. Quê gốc của anh ở xã Thạch Minh, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh nhưng lại sinh ra tại làng Bản Mạy, tỉnh NaKhon - Thái Lan trong một gia đình Việt kiều yêu nước có đông anh chị em. Cha ông là Lê Hữu Đạt, mẹ là Nguyễn Thị Sờm. Năm 1923, khi chỉ mới 10 tuổi, Lý Tự Trọng được sang Trung Quốc học tập, học giỏi, nói thạo tiếng Hán và tiếng Anh. Ông hoạt động trong Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên.

    Vào năm 1929, Lý Tự Trọng về nước hoạt động với nhiệm vụ thành lập đoàn TNCS Hồ Chí Minh và làm liên lạc cho xứ uỷ Nam Kì với Đảng Cộng sản Việt Nam. Anh làm liên lạc cho các đồng chí cộng sản ở nước ngoài qua các chuyến tàu tới cảng Sài Gòn. Ngày 09/02/1931, trong một buổi kỷ niệm một năm cuộc bạo động Yên Bái, tên thanh tra mật thám Lơ Gơrăng đã chực nhảy tới bắt người đang giương cờ và diễn thuyết, Lý Tự Trọng nhanh chóng nhảy ra bắn chết Lơ Gơrang. Và sau đó, Lý Tự Trọng đã bị địch bắt và bị tra tấn hết sức dã man.

    Năm 1931, trong một ngày cuối xuân, thực dân Pháp đưa Lý Tự Trọng từ bót Catina tới tòa án để kết án anh tội tử hình. Người thanh niên cộng sản chỉ mới 17 tuổi ấy đã lấy vành móng ngựa để làm diễn đàn, rồi lên án bọn thống trị, kêu gọi nhân dân đứng dậy đấu tranh. Luật sư bào chữa cho anh xin tòa mở lượng khoan hồng vì anh vẫn chưa đến tuổi thành niên nên đã hành động không có suy nghĩ.

    Lý Tự Trọng dõng dạc nói:

    - Tôi hành động không phải là không suy nghĩ. Tôi hiểu việc tôi làm. Tôi làm vì mục đích cách mạng. Tôi chưa đến tuổi thành niên thật, nhưng tôi đủ trí khôn để hiểu rằng con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng và không thể là con đường nào khác. Tôi tin rằng nếu các ông suy nghĩ kĩ thì các ông cũng cần phải giải phóng dân tộc, giải phóng những người cần lao như tôi.

    Chánh án, một tên quan cai trị thực dân tuyên án xử tử anh, thế nhưng Lý Tự Trọng vẫn bình tĩnh. Tên thực dân Pháp hỏi anh có ăn năn gì không; Lý Tự Trọng đứng trước vành móng ngựa, mặt hướng thẳng phía trước chỉ nói một câu:

    - Không ăn năn gì cả!

    Ở trong xà lim án chém khám lớn Sài Gòn, Lý Tự Trọng oanh liệt sống những ngày cuối cùng của cuộc đời mình. Mọi điều về anh được những tên gác ngục, tên chủ khám truyền ra ngoài với một lòng cung kính, khâm phục:

    - Ông nhỏ ngày nào cũng tập thể dục! Nhìn ông nhỏ sống không ai tưởng tượng được là người đợi đến ngày lên máy chém.

    Lý Tự Trọng yêu đất nước, yêu đồng bào, yêu đồng chí của mình, anh lại càng yêu cuộc sống, sống trọn vẹn những năm tháng ngắn ngủi của cuộc đời mình không hề lãng phí, không để mầm bi quan len lỏi vào tâm hồn mình mặc dù biết rằng mình sắp bị giặc đem hành hình. Bọn thực dân tìm cách lung lạc ý chí gang thép của anh, thế nhưng tất cả những lời dụ dỗ của chúng đều bị anh đánh bại.

    Tinh thần cách mạng bất khuất của Lý Tự Trọng đã làm cho kẻ thù phải khiếp sợ cũng như đã động viên cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng trong cả nước lúc bấy giờ. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Lý Tự Trọng tuy ngắn ngủi thế nhưng đã nêu một tấm gương chói lọi cho các thế hệ thanh niên noi theo. Hơn bao giờ hết câu nói: “Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng” lại càng thôi thúc chúng ta cố gắng học tập thật tốt, đi đầu trong cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, chiến thắng cái nghèo, cái lạc hậu, chống nguy cơ tụt hậu về kinh tế, đấu tranh không khoan nhượng với những hiện tượng tiêu cực và tệ nạn xã hội; tin tưởng, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, nêu cao tinh thần cảnh giác, đánh bại chiến lược diễn biến hoà bình của các thế lực thù địch bảo vệ thành quả cách mạng. Thế hệ trẻ chúng ta nguyện noi theo gương anh, sẽ viết tiếp những trang sử vàng chói lọi của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, của dân tộc Việt Nam anh hùng trên những chặng đường mới.
    Truyện ngắn 26/3: Lý Tự Trọng - người anh hùng của quê hương Hà Tĩnh
    Truyện ngắn 26/3: Lý Tự Trọng - người anh hùng của quê hương Hà Tĩnh
    Truyện ngắn 26/3: Lý Tự Trọng - người anh hùng của quê hương Hà Tĩnh
    Truyện ngắn 26/3: Lý Tự Trọng - người anh hùng của quê hương Hà Tĩnh
  5. Top 5

    Truyện ngắn 26/3: Người anh hùng nhỏ tuổi Vừ A Dính

    Vừ A Dính sinh ra và lớn lên trong một gia đình người Mông có truyền thống yêu nước và cách mạng. Ngay từ thuở nhỏ, Dính là một cậu bé rất thông minh, gan dạ và nhanh nhẹn. Được cha mẹ giáo dục, Vừ A Dính đã sớm được giác ngộ cách mạng và căm thù giặc Pháp xâm lược. Chưa đầy 13 tuổi, Vừ A Dính đã xung phong được đi canh gác để tránh trường hợp giặc đột kích vào cướp bóc, đốt nhà, bắt người. Lần ấy, giặc Pháp không đi từ Tuần Giáo lên mà chúng bí mật xuyên rừng Bản Chăn lên cướp phá. Khi phát hiện ra giặc Vừ A Dính đã vội lao về bản, vừa đi vừa hô to:

    - Có thằng Tây ! Có thằng Tây !”

    Dân bản vội chạy vào rừng, còn A Dính chạy vội về nhà xem mẹ và các em đã vào rừng hay chưa thì gặp một toán lính chạy tới. Bọn này đi bắt phu khuân của cướp bóc được về đồn cho chúng. Vậy là chúng bắt luôn A Dính đi theo để khiêng lợn cho chúng. A Dính cắn răng gắng sức để cõng một cái rọ nhốt con lợn to. Đến một con dốc cạnh bờ suối, A Dính dự định rằng sẽ lợi dụng địa hình này để chạy trốn. Cậu giả vờ trượt chân lăn theo cả rọ lợn xuống dốc. Nhưng thật chẳng may cho A Dính, lăn tới cuối dốc thì cậu bị một cây gỗ chặn ngang người. Cái rọ lợn bung ra, con lợn chạy biến mất luôn vào rừng. Bọn giặc chạy ào xuống vừa đánh vừa lôi A Dính về giam tại đồn Bản Chăn. Tên đồn trưởng người Pháp ra lệnh cho thuộc hạ răng:

    - Nó làm mất con lợn, nó phải thế mạng.

    Khi biết sáng sớm mai sẽ bị giết, đêm ấy Vừ A Dính đã rủ ông già Vừ Sa ở bản Phiêng Pi cùng bị bắt giam với mình dỡ mái trại giam, bò qua nhiều bốt canh để trốn thoát ra ngoài.

    13 tuổi Vừ A Dính đã thoát ly gia đình và trở thành đội viên liên lạc của đội vũ trang huyện Tuần Giáo. Đội vũ trang của Vừ A Dính hoạt động trên một địa bàn rất rộng, từ châu Điện Biên ra châu Tuần Giáo rồi ngược lên châu Tủa Chùa. Đội vũ trang thoắt ẩn, thoắt hiện tại nhiều bản làng để vận động, giúp đỡ bà con các dân tộc ổn định cuộc sống, cũng như xây dựng các tổ chức đoàn thể cách mạng, bí mật tổ chức kháng chiến, đánh Pháp xâm lược.

    Dù cho cuộc sống kháng chiến có lắm gian khổ nhưng Vừ A Dính vẫn rất lạc quan yêu đời. Dính rất ham học và học khá. Lúc nào trong ngực áo của cậu cũng nhét cuốn sách để tranh thủ học. Dính đã học đọc và học viết chữ thông thạo.

    Vì địch tăng cường lùng sục tìm diệt đội vũ trang nên đơn vị luôn phải di chuyển khắp nơi. Để giữ bí mật, nơi đóng quân của đơn vị thường ở trên các triền núi cao, xa nguồn nước. Vì thế mà cuộc sống rất gian khổ. Dính được đơn vị giao nhiệm vụ lấy nước và Dính đã làm rất khéo léo, luôn bảo đảm để đơn vị có đủ nước dùng. Nhiệm vụ chính của Dính là làm giao thông liên lạc. Lần nào nhận nhiệm vụ đi liên lạc Dính cũng rất mưu trí, bảo đảm an toàn và về trước cả thời gian qui định. Các anh trong đơn vị hỏi tại sao Dính luồn rừng và đi giỏi như thế, Dính cười hồn nhiên bảo:

    - Từ nhỏ em trèo núi, đi nhanh đã quen chân rồi!

    Trung tuần tháng 6 năm 1949, giặc Pháp huy động tổng lực quân lính từ các đồn trong khu vực để có thể vây ráp hòng tiêu diệt đội vũ trang Tuần Giáo của Vừ A Dính. Gần một nghìn quân đổ về khu căn cứ Pú Nhung từ mọi ngả đường. Một tốp giặc của đồn Bản Chăn dưới sự chỉ huy của một đội Tây đã bí mật phục kích ngay tại đầu của một bản bỏ hoang gần Pú Nhung.

    Hôm ấy, Dính vừa bí mật gặp mẹ trở về, sau lưng còn đeo trong bọc cả trăm viên đạn mà mẹ mới trao cho, còn người thì ướt đẫm sương. Vì trời giăng sương mù mịt nên rất khó quan sát. Dính bất ngờ rơi vào ổ phục kích của giặc mà không hề hay biết. Thằng đội Tây biết đây là một liên lạc cho du kích, hắn tỏ vẻ đắc chí và hỏi:

    - Các ông tỉnh ở đâu ? (giặc Pháp vẫn gọi cán bộ Việt Minh tỉnh Lai Châu là “ông tỉnh”)

    A Dính bình tĩnh trả lời:

    - Không biết!

    Tên đội Tây gầm lên:

    - Cái bao đạn này mày mang về cho ông tỉnh bắn chúng tao mà mày không biết à ? Nói đi không tao bắn vỡ đầu mày bây giờ”.

    Dính vẫn trả lời:

    - Không biết!

    Tên đội Tây không giữ được bình tĩnh, nó xông vào đánh Dính túi bụi. Lũ giặc thay nhau đánh đập dã man Vừ A Dính cho đến tận trưa. Đánh chán địch lại hỏi, Dính cũng chỉ trả lời hai từ “không biết!”. Một tên lính ác ôn đã cầm báng súng đánh gãy một bên ống chân của A Dính. Khiến cho mặt cậu tím bầm, môi sưng vù, chân bị gãy vô cùng đau đớn thế nhưng Dính cắn răng, nước mắt giàn giụa, miệng không hé một lời nào nữa. Đêm ấy, giặc trói Dính dưới một gốc đào giữa sương khuya lạnh buốt.

    Hôm sau, rồi đêm sau nữa giặc vẫn tiếp tục tra tấn và bỏ đói, bỏ khát Dính ngay giữa rừng. Sự gan dạ của Vừ A Dính thật sự đã làm run sợ nhiều tên lính ngụy. Sáng ngày thứ ba kể từ khi bị bắt, tên đội Tây đến trước mặt Vừ A Dính dụ dỗ nói rằng:

    - Nói một câu tao sẽ cho băng thuốc, chữa chân gãy cho mày, cho mày ăn uống tử tế và thưởng nhiều tiền nữa. Nói, ông tỉnh ở đâu ?

    Dính vẫn trơ như đá không hé răng dù chỉ nửa lời. Vừa ngay lúc đó, những người Thái, người Mông, người Xá bị địch bắt đi ngang qua nhìn thấy cảnh tượng của Dính mà ai cũng dớm nước mắt. Bỗng Dính nhận ra một người làng. Dính vội nhắn bằng tiếng Mông:

    -Cái túi tài liệu tôi giấu trong rừng, nhắn các anh ra lấy về.

    Gặp người quen nào Dính cũng nhắn như thế trước mặt lũ lính gác.

    Thằng đội Tây ra lệnh cho đám lính:

    - Thằng bé này biết nhiều du kích lắm. Để nó bò đi mất thì chúng mày phải chết thay.

    Ban đêm chúng cắt cử tới 4 tên lính canh gác A Dính. Biết mình khó qua khỏi bàn tay tàn ác của kẻ thù, vào sáng hôm khi thằng đội Tây vừa đến Vừ A Dính vờ gật đầu: “Biết biết!” Tên đội hô lính mang sữa, mang bánh lại thế nhưng Dính chỉ uống vài ngụm nước rồi nói:

    - Làm cáng cho tao !

    Ròng rã suốt một ngày trời Dính bắt bọn giặc khiêng mình đi hết ngọn núi này rồi sang khu rừng khác nhưng vẫn chưa chịu chỉ vị trí đóng quân của bộ đội. Loanh quanh đến chiều tối thì Dính lại dẫn chúng trở về nơi xuất phát ban đầu. A Dính ngước nhìn bầu trời và núi rừng quê hương rồi mỉm cười. Biết mình bị lừa, thằng đội Tây gầm lên. Nó xả cả một băng đạn vào ngực Vừ A Dính. Sau đó nó sai người treo xác Vừ A Dính lên cây đào cổ thụ. Giặc bí mật phục kích nhiều ngày tại đây nhằm đón bắt đơn vị vũ trang của ta tới đưa xác Dính về. Hôm ấy là chiều tối ngày 15-6-1949. Vừ A Dính đã anh dũng hy sinh bên gốc cây đào cổ thụ ở Khe Trúc gần với khu vực đồn Bản Chăn, khi chưa tròn 15 tuổi.

    Cuộc đời người chiến sĩ liên lạc nhỏ tuổi của đội vũ trang Tuần Giáo đã khép lại thế nhưng khí phách trung kiên bất khuất của Vừ A Dính trước quân thù vẫn như một ngọn đuốc rực sáng núi rừng Tây Bắc. Trên mảnh đất Pú Nhung hôm nay, mỗi người dân vẫn luôn noi gương người anh hùng nhỏ tuổi Vừ A Dính, tích cực thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần làm cho thôn bản ngày một phát triển, xứng đáng với vùng đất giàu truyền thống cách mạng.
    Truyện ngắn 26/3: Người anh hùng nhỏ tuổi Vừ A Dính
    Truyện ngắn 26/3: Người anh hùng nhỏ tuổi Vừ A Dính
    Truyện ngắn 26/3: Người anh hùng nhỏ tuổi Vừ A Dính
    Truyện ngắn 26/3: Người anh hùng nhỏ tuổi Vừ A Dính
  6. Top 6

    Truyện ngắn 16/3: Liệt sĩ Bùi Thị Cúc, Anh hùng lực lượng vũ trang CAND – người được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Sáu chữ vàng “Sống anh dũng, chết vẻ vang”

    Liệt sĩ CAND Bùi Thị Cúc tên thật là Trần Thị Lan, sinh năm 1930 tại làng Vân Mạc, xã Quang Trung, huyện Ân Thi, nay là thôn Vân Mạc, xã Vân Du, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, nhưng giàu truyền thống cách mạng, nhà có 7 anh chị em, chị là con thứ 5. Bố mất khi chị còn nhỏ, do nhà nghèo nên từ khi 9 tuổi chị đã phải đi làm con nuôi - thực chất là con ở trừ nợ cho gia đình địa chủ trong làng. Khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, được chia ruộng đất, chị được trở về đoàn tụ với gia đình. Trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, lại sẵn có lòng yêu nước và tính cần cù, chị giác ngộ cách mạng từ rất sớm. Được các đồng chí đảng viên tin tưởng giao nhiệm vụ và rèn luyện, thử thách, nên mọi nhiệm vụ được giao, dù bất kỳ hoàn cảnh nào chị đều hoàn thành xuất sắc. Cuối năm 1947 chị được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam - là nữ Đảng viên trẻ nhất xã, làm cán bộ phụ nữ xã, rồi làm cán sự Hội Phụ nữ huyện Ân thi.


    Những năm 1947, 1948, Ân Thi là một huyện “nóng” của tỉnh Hưng Yên, quân địch đóng bốt và lập căn cứ vùng tề ở hầu hết các xã trọng điểm, xã Quang Trung có 12 thôn thì có 4 thôn lập tề. Chúng xây dựng bốt Cảnh Lâm để khống chế các vùng lân cận và kiểm soát quốc lộ số 5. Chúng sử dụng nhiều tên Việt gian thu thập tin tức, lùng bắt cán bộ ta. Với tên Nguyễn Doãn Súy làm xếp bốt, Nguyễn Doãn Tín và Nguyễn Doãn Nhi (anh em vợ Súy), đều làm việc ở phòng nhì, chúng là địa chủ gian ác rất nguy hiểm cho cách mạng, bắt nhân dân phải quy hàng để phục dịch cho bộ máy cai trị của chúng. Trong đó, tên Doãn Nhi đã có nhiều tội ác với đồng bào và gây nhiều khó khăn cho hoạt động của ta trong khu vực. Công an Hưng Yên giao nhiệm vụ cho đồng chí Bùi Thị Cúc tiếp cận đối tượng và phối hợp với lực lượng của ta lập kế hoạch diệt tên Doãn Nhi, tạo điều kiện phát triển phong trào cách mạng ở vùng này.


    Theo kế hoạch đã định, ngày 12-5-1950, đồng chí Bùi Thị Cúc, công an tỉnh Hưng Yên đã mưu trí dụ được tên Doãn Nhi, nhân viên Phòng Nhì bốt Cảnh Lâm vào nơi ta đã phục kích để đồng đội tiêu diệt. Khi đồng chí đã hoàn thành nhiệm vụ cũng là lúc địch phát hiện và bắt được đồng chí.


    Sau những trận tra tấn ác liệt, chị vẫn kiên quyết không khai. Chị nói với anh em bị giam chung một nơi: “Tôi nhận cả về tôi rồi, đừng ai khai gì cả”. Chị lại dặn các đồng chí đảng viên có mặt “Thế nào nó cũng giết tôi. Dù chết tôi cũng không khai ai cả, các đồng chí cứ yên tâm. Chúc các đồng chí ở lại mạnh khỏe. Có gặp mẹ tôi, nhờ các đồng chí động viên cụ giúp tôi”.


    Bất lực trước sự hiên ngang và ý chí kiên cường của chị, dù sau những ngày chúng dụ dỡ và dùng nhiều cực hình, sáng ngày 15/5/1950, bọn chúng đã đưa chị Cúc ra hành hình trước mặt dân làng. Tại đây chúng tiếp tục giở những trò man rợ để khủng bố dân chúng. Dù bị tra tấn dã man, khi còn chút sức lực cuối cùng, chị vẫn cố gắng hô: “Hồ Chủ tịch muôn năm”, không hề khai báo, giữ vững khí tiết của người công an cách mạng cho đến hơi thở cuối cùng.


    Chị Cúc đã hiên ngang, kiên cường, anh dũng hy sinh, thể hiện phẩm chất cao quý của người Đảng viên Cộng sản, người chiến sĩ Công an Cách mạng, người phụ nữ kiên trung, bất khuất. Gương chiến đấu, hy sinh của nữ chiến sĩ CAND Bùi Thị Cúc đã được đồng bào, đồng chí vô cùng cảm phục, nén đau thương, căm phẫn và uất ức chờ ngày trả thù cho Chị - người con gái tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, với nước.


    Tinh thần hi sinh và hành động dũng cảm của chị Cúc đã vang xa trên khắp đất nước, được Hồ Chủ tịch theo dõi sát, thăm hỏi điạ phương và gia đình. Ghi nhận công lao và sự hy sinh anh dũng của người Cộng sản trẻ tuổi, người chiến sỹ Công an cách mạng, ngày 15/1/1952 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 77/SL truy tặng đồng chí Bùi Thị Cúc Huân chương độc lập hạng III và 6 chữ vàng: “Sống anh dũng, chết vẻ vang”. Ngày 03 tháng 8 năm 1995, nhân kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân Việt Nam, Đảng, Nhà nước đã tuyên dương và Chủ tịch nước ký Quyết định số 499-KT/CTN truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đối với liệt sĩ Bùi Thị Cúc (tức Trần Thị Lan).

    Truyện ngắn 16/3: Liệt sĩ Bùi Thị Cúc, Anh hùng lực lượng vũ trang CAND – người được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Sáu chữ vàng “Sống anh dũng, chết vẻ vang”
    Truyện ngắn 16/3: Liệt sĩ Bùi Thị Cúc, Anh hùng lực lượng vũ trang CAND – người được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Sáu chữ vàng “Sống anh dũng, chết vẻ vang”
    Truyện ngắn 16/3: Liệt sĩ Bùi Thị Cúc, Anh hùng lực lượng vũ trang CAND – người được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Sáu chữ vàng “Sống anh dũng, chết vẻ vang”
    Truyện ngắn 16/3: Liệt sĩ Bùi Thị Cúc, Anh hùng lực lượng vũ trang CAND – người được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Sáu chữ vàng “Sống anh dũng, chết vẻ vang”




Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy