Top 10 Truyện về mùa xuân đọc cho trẻ mầm non hay nhất

Phương Kem 424 0 Báo lỗi

Truyện kể luôn là một món ăn tinh thần không thể thiếu đối với trẻ. Hôm nay hãy cùng Toplist khám phá ngay những truyện về mùa xuân đọc cho trẻ mầm non hay ... xem thêm...

  1. Xưa thật là xưa, có bốn nàng tiên làm nữ hoàng của các mùa: Xuân, Hạ, Thu và Đông. Mỗi nàng có một cung điện lộng lẫy trên một ngọn núi cao. Chỉ khi đến mùa, các nàng mới xuất hiện. Năm ấy, không hiểu sao mùa Đông kéo dài lê thê. Cây cối và các con thú run rẩy vì lạnh. Ai cũng mong chờ, lo lắng không hiểu vì sao nàng tiên mùa Xuân trễ hẹn như vậy.

    Vì thế, các con vật mở cuộc họp chọn người đi đón nàng tiên mùa Xuân và tìm hiểu nguyên do. Sư tử tự nhận mình khỏe mạnh, dũng cảm nhất nên giành quyền đi đón nàng tiên mùa Xuân. Nó hăm hở lên đường. Ngày đầu tiên, cậy sức khỏe tốt nên sư tử đi từ sáng đến tối. Càng về sau sư tử đuối sức dần, rồi không đi tiếp được bèn quay về.

    Thấy sư tử bỏ cuộc, công điệu đà lên tiếng chế giễu. Nếu muốn nàng tiên mùa Xuân xuất hiện thì sứ giả phải là con vật xinh đẹp và lộng lẫy như họ nhà công. Các con vật đồng ý cử chim công đi thực hiện nhiệm vụ. Chim công lên đường cùng đoàn tùy tùng, mang theo nhiều quà và hoa đẹp… Thế nhưng, đường sá xa xôi, vất vả, cả đoàn dần mệt mỏi rồi bị ốm, hoa và quà tặng phải vứt lại trên đường. Cuối cùng, chim công đành quay về.

    Đến lúc này, muông thú đã sốt ruột lắm rồi. Nếu còn chần chừ sẽ trễ mất mùa Xuân tuyệt vời. Ngay lúc ấy, chim én ngập ngừng:

    – Cháu tuy kém cỏi nhưng cũng xin góp sức để mang mùa Xuân về. Mùa Đông năm nay dài quá, mẹ cháu bị ho ngày một nặng. Nếu không có ánh nắng mùa Xuân, e rằng mẹ cháu không qua khỏi. Cháu sẽ đi tìm mùa xuân. Nghe vậy, muôn loài đồng ý.

    Dù đang ốm nhưng hay tin con đi, chim mẹ lén con vặt những chiếc lông dày nhất của mình làm áo chống rét cho con. Chim én lên đường, nó bay mãi cuối cùng cũng đến cung điện của nàng tiên mùa Xuân. Trước cửa cung điện, chim én thấy một chú chim vàng óng bị ngất. Nghĩ chú chim bị lạnh, chim én cởi chiếc áo ấm choàng cho bạn. Chú chim bỗng biến mất và nàng tiên mùa Xuân xuất hiện:

    – Con là một cô bé hiếu thảo, nhân hậu và dũng cảm. Năm nay ta chậm đến nhân gian là vì các con vật không ngoan. Chúng không biết yêu thương và giúp đỡ nhau. Nhờ có con ta biết rằng điều tốt đẹp vẫn còn hiện hữu. Ta sẽ chọn con làm sứ giả cho ta.

    Từ đó, mỗi khi thấy chim én bay liệng trên trời, muôn loài sẽ biết rằng nàng tiên mùa Xuân đang sắp về với nhân gian.


    Bài học cho bé: Trong cuộc sống, phải biết quan tâm chia sẻ cùng với mọi người, không nên sống ích kỷ.

    Sứ giả mùa Xuân
    Sứ giả mùa Xuân
    Sứ giả mùa Xuân

  2. Ngày xửa ngày xưa, có một con cừu đen sống trong một ngôi nhà nhỏ. Cứ đến mùa xuân, con cừu đen lại tự cạo sạch lông của mình và đem ra chợ bán cho những người muốn làm quần áo ấm.

    Một năm nọ, con cừu đen nhận thấy rằng dường như không ai còn chuộng lông cừu đen nữa. Do đó, số lông cừu mà nó còn lại khá nhiều. Dù vậy, nó không muốn lãng phí số lông này nên đã quyết tâm bán tiếp. Hôm đó, chẳng có ai muốn mua lông của nó cả nên con cừu đen mang số lông ấy về nhà. Ngày hôm sau, nó lại mang ra bán tiếp nhưng mọi chuyện cứ diễn ra y như hôm trước. Và hôm sau, hôm sau nữa cũng y như vậy.

    Một ngày nọ, khi con cừu đen đang ngồi buồn rầu với số lông của mình, có một cậu bé chạy lại và hỏi nó có bán số lông này không. Nghe hỏi, con cừu đen vô cùng mừng rỡ và nói có. Cậu bé chạy đến chỗ bố mẹ mình thông báo có chỗ bán lông cừu. Họ cùng nhau đến chỗ con cừu và ngỏ ý muốn mua hết toàn bộ số lông. Họ cho biết mình đến từ ngôi làng kế bên và đã tìm kiếm rất nhiều nơi để tìm mua lông cừu đen nhưng không có chỗ nào bán cả.

    Ngày hôm ấy, con cừu trở về nhà và cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi những cố gắng của nó đã được đền đáp xứng đáng.


    Bài học rút ra: Hãy cố gắng, kiên trì và không bao giờ bỏ cuộc, có ngày con sẽ thành công.

    Con cừu đen kêu be be
    Con cừu đen kêu be be
    Con cừu đen kêu be be
    Con cừu đen kêu be be
  3. Ngày xửa ngày xưa, trong buổi sáng mùa xuân tươi đẹp, một đóa hồng đỏ thắm bung nở rực rỡ giữa rừng. Điều đặc biệt là hoa hồng khá tự hào về vẻ đẹp nó sở hữu. Trái ngược lại, bên cạnh cây hoa hồng lại mọc lên một cây xương rồng xấu xí. Ngày qua ngày, hoa hồng luôn buông lời miệt thị vẻ ngoài của xương rồng. Bỏ mặc những lời lẽ xấu xa đó, xương rồng vẫn chọn cách im lặng.


    Cho đến ngày kia, khi mùa hè đến mang theo cái nóng oi bức khiến muôn loài đều trở nên khô cằn. Đóa hồng xinh đẹp ngày nào cũng dần héo úa. Rồi bất chợt, bông hồng nhìn thấy một chú chim sẻ gõ mỏ vào thân xương rồng để lấy nước.


    Sau khi hỏi thăm chim sẻ, hoa hồng nhận ra rằng xương rồng chính là vị cứu tinh của nó lúc này. Dù vô cùng xấu hổ, nhưng đóa hồng cũng đã gặng hỏi xin nước của xương rồng kèm theo lời xin lỗi về cách hành xử trước kia. Cuối cùng, cả hai đã trải qua mùa hè khắc nghiệt như hai người bạn thân thiết.


    Bài học rút ra: Truyện ngắn thiếu nhi hay về đóa hồng kiêu ngạo sẽ giúp các bé hiểu một điều: Xinh đẹp nhưng kiêu ngạo sẽ chẳng ai kết thân và không nên đánh giá ai qua vẻ ngoài của họ. Thật đúng như ông bà xưa có câu: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”.

    Đoá hồng kiêu ngạo
    Đoá hồng kiêu ngạo
    Đoá hồng kiêu ngạo
  4. Ngày xửa, ngày xưa có một chú bé con nhà nghèo, nhưng vô cùng ngoan ngoãn và tốt bụng. Chú luôn luôn sẵn lòng giúp đỡ, quan tâm tới mọi người, và chăm sóc mọi vật xung quanh mình. Chú bé được các loài chim yêu quý lắm. Vì thế cứ mỗi độ xuân về, chim chóc lại ríu rít kéo nhau tới làm tổ, hót vang quanh nhà chú bé.


    Một hôm có một con Cáo ở đâu mà tới bắt chim Én ở đầu nhà chú bé. Con Én non nớt bị rơi xuống đất gãy cánh. Chú bé vội lao ra cứu con chim. Chú bé ôm ấp, vỗ về con Én nhỏ. Chú quyết định mang chú chim Én tội nghiệp về nhà chăm sóc, và làm cho Én một cái tổ khác và hàng ngày chăm cho Én ăn, hết mực thương yêu và quan tâm đến Én nhỏ. Nhờ sự chăm sóc tận tình của chú bé, Én đã dần dần lành vết thương.


    Cuối thu, trời lạnh dần. Hằng ngày khi nhìn lên trời thấy từng đàn Én hối hả bay đi tránh rét ở phương Nam, Én phân vân nửa muốn bay theo đàn, nửa lại lưu luyến không nỡ rời chú bé. Hiểu được lòng Én, chú bé âu yếm bảo: "Én cứ bay theo đàn đi đến phương Nam ấm áp đi. Đến mùa xuân Én lại trở về với anh". Nói xong chú bé tung Én lên trời. Én nhỏ chấp chới bay lên nền trời xanh. Nó nhập vào một đàn Én lớn bay về những xứ sở ấp áp ở phương Nam, lòng lưu luyến chú bé.


    Mùa xuân tươi đẹp đã tới. Én tìm về ngôi nhà đơn sơ nhưng đầm ấm tình thương của chú bé. Nó kêu lên thành tiếng mừng vui khi thấy chú bé đang ngồi đan sọt giữa sân. Đôi cánh Én chao liệng sà xuống và Én thả trước mặt chú bé một hạt bầu rất to. Chú bé chọn một đám đất tốt trước nhà, vùi hạt bầu xuống đất.


    Hằng ngày chú bé ra tưới nước chăm sóc và thăm đám đất. Chẳng bao lâu hạt đã nảy mầm thành cây bầu. Cây bầu lớn nhanh như thổi, ra hoa, kết quả. Nhưng lạ thay, cây bầu rất tươi tốt nhưng chỉ ra có mỗi một quả. Hàng ngày chú bé vẫn yêu quý chăm sóc cây bầu.


    Cứ thế, nhờ sự chăm sóc tận tình của chú bé, quả bầu ngày càng lớn lên. Quả bầu cứ to mãi to mãi, to hơn nhiều các quả bầu bình thường cao to hơn cả chú bé. Chú bé vui lắm!


    Đến mùa thu hoạch, chú bé muốn đem quả bầu tiên về nhà. Nhưng quả bầu to quá, cả nhà chú bé phải cùng nhau khiêng mới đưa được về nhà. Ai lấy cũng đều vui.


    Khi bổ quả bầu ra, mọi người rất ngạc nhiên... Ôi! Thật kỳ diệu! Trong quả bầu đầy vàng bạc, châu báu nhiều không kể xiết. Gia đình chú bé vui mừng gọi bà con hàng xóm láng giềng sang, và chia sẻ cùng họ số vàng bạc, châu báu có trong ruột quả bầu tiên.


    Trong làng có một tên địa chủ tham lam, độc ác. Hắn nghe được chuyện ấy. Hắn cũng muốn được chim Én cho nhiều hạt bầu tiên. Hắn bèn tìm cách bắt một con chim Én con rồi bẻ gãy cánh. Sau đó hắn giả vờ thương xót con Én rồi đem về nuôi.


    Đến mùa thu, khi nhìn lên trời thấy đàn Én đầu tiên xuất hiện, hắn vội vàng ném con Én lên trời và bảo: "Bay đi Én con! Mau đi kiếm hạt bầu tiên về đây cho ta!" Con Én khốn khổ chập chững bay đi.


    Kỳ diệu thay mùa Xuân năm sau nó cũng trở về và đem theo một hạt bầu. Lão địa chủ tham lam hí hửng lắm. Lão nghĩ bụng "Phen này giàu to rồi !!"


    Tên địa chủ hí hửng sai người đem gieo và ngày đêm canh giữ. Hắn bắt người hầu tong nhà ngày đêm chăm sóc quả bầu, không được lơi lỏng. Quả bầu cũng lớn nhanh như thổi, to dần, to dần...


    Khi quả bầu đã già, hắn bảo mọi người khiêng về. Quả bầu thật khổng lồ, phải mấy người thay phiên nhau mới khiêng nổi về nhà hắn.


    Khi đã khiêng quả bầu về nhà, tên địa chủ tham lam đuổi tất cả mọi người ra ngoài. Hắn đóng cửa lại rồi một mình hắn bổ quả bầu tiên, hí hửng với số vàng bạc châu báu sắp có.


    Quả bầu vừa được bổ ra, vàng bạc châu báu chẳng thấy đâu, chỉ có rắn rết. Rắn rết từ trong quả bầu thi nhau xông ra bò lổm ngổm khiến lãi địa chủ hoảng sợ, ngã ngửa người ra và bị rắn rết cắn chết. Thật đáng đời kẻ tham lam độc ác.


    Bài học rút ra: Phải sống chan hòa với thiên nhiên, chăm chỉ và luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người trong những lúc khó khăn.

    Quả bầu tiên
    Quả bầu tiên
    Quả bầu tiên
  5. Ngày xửa ngày xưa, không có mùa Xuân đâu bé ạ. Một năm chỉ có ba mùa thôi nhé, mùa Hạ, mùa Thu, và mùa Đông. Người ta bảo rằng, mùa Xuân chỉ đến khi một chiếc cầu vồng nhiều mùa sắc xuất hiện và muôn hoa cùng đua nhau nở cơ!

    Cầu vồng thì chỉ có vào mùa Hạ, khi ông mặt trời xuất hiện sau cơn mưa rào. Còn hoa thì nở rải rác quanh năm, rải rác khắp nơi trên trái đất nên không thể hẹn nhau cùng nở một lúc được. Vì thế, sau mùa Đông giá lạnh là đến ngay mùa Hạ nóng bức, thời tiết thay đổi đột ngột khiến cho muôn loài hết sức khổ sở. Ai cũng mong ước có một mùa ấm áp, nên ai cũng thích nghe câu chuyện về mùa Xuân và ước ao được đón mùa Xuân.

    Có một chú Thỏ sống trong khu rừng xanh nọ với mẹ. Mỗi lần chuyển mùa, mẹ của Thỏ lại bị ốm. Thương mẹ quá, Thỏ con liền bàn với bác Khỉ già thông thái:

    – Bác Khỉ ơi, hay là chúng ta hãy cùng nhau làm một chiếc cầu vồng thật đẹp để đón cô mùa Xuân đến với chúng ta?

    – Nhưng làm bằng cách nào? – Bác Khỉ già đắn đo hỏi lại.

    – Cháu sẽ rủ các bạn trong rừng góp những chiếc lông đẹp nhất để làm chiếc cầu vồng thật nhiều màu sắc.

    Bác Khỉ đồng ý với Thỏ. Tin tức lan truyền đi khắp nơi. Muôn thú trong rừng đều muốn gặp mùa Xuân dịu hiền, ấm áp nên vui vẻ góp những màu sắc đẹp nhất. Nào là màu nâu của Gấu, màu vàng tơ của Hươu sao, màu xám của Sóc… Rồi chim Công, Vẹt, Vành Khuyên cũng góp những chiếc lông sặc sỡ của mình. Bầy cá cũng cử cá Chép mang đến một túi đầy vây cá lấp lánh sắc cầu vồng. Chim Sâu khéo tay bắt đầu kết nối những mảng màu với nhau để làm chiếc cầu vồng.

    Trong khi đó, Thỏ lên đường đi tìm các loài hoa. Thỏ đi khắp nơi, băng qua hết khu rừng này đến khu rừng khác để gặp từng loại hoa, thuyết phục các loài hoa nở cùng một lúc để đón mùa Xuân về. Cảm động trước tấm lòng hiếu thảo của Thỏ dành cho mẹ, các loài hoa đều đồng ý sẽ tích tụ dưỡng chất để chờ chị Gió báo tin đồng loạt nở.


    Ý nghĩa: Câu chuyện khẳng định ý nghĩa của mùa xuân – mùa của sức sống và sinh sôi, luôn là mùa được vạn vật đón chờ nhiều nhất. Đồng thời câu chuyện cũng ca ngợi tấm lòng hiếu thảo của thỏ con dành cho mẹ của mình, chính tấm lòng chân thành đó đã làm lay động trời đất, đưa mùa xuân đến với muôn loài.


    Bài học rút ra: Để làm được việc lớn, chúng ta cần biết đoàn kết và yêu thương nhau.

    Sự tích mùa xuân
    Sự tích mùa xuân
    Sự tích mùa xuân
  6. Trong vườn hoa, loài hoa nào cũng cho là mình đẹp nhất. Hoa Hồng bảo:

    - Nếu không có tớ, cả vườn hoa sẽ chẳng còn gì là đẹp nữa.

    Hoa Lay-ơn nói:

    - Nếu không có tớ, sẽ chẳng ai vào vườn ngắm hoa đâu.

    Hoa Vi-ô-lét vội nói:

    - Vườn hoa đẹp là vì có tớ chứ ! Bộ áo tím và dáng vẻ mềm mại của tớ thật tuyệt vời.

    Rồi Hoa Huệ, Hoa Cúc, Hoa Thược Dược, Hoa Đồng Tiền…đều tranh nhau khoe rằng mình đẹp nhất, khiến cho cả khu vườn trở nên huyên náo. Chỉ riêng một cái cây đứng ở trong góc vườn là im lặng. Cái cây đó muôn ngàn cành nhỏ màu nâu và thưa thớt lá xanh. Những bông hoa nhìn nó và nói:

    - Cây gì mà thân cành khẳng khiu thế kia, chẳng có hoa gì cả.

    Và từ đấy, không ai nhắc đến cái cây trong góc vườn nữa.

    Sáng Ba mươi Tết, cô chủ bước vào vườn hoa và nói:

    - Xin chào những bông hoa của mùa xuân!

    Tất cả vườn hoa xôn xao, hớn hở, bông hoa nào cũng hướng theo cô chủ, hy vọng cô sẽ chọn mình để bày trong ngày Tết. Nhưng lạ chưa, cô chủ chạy lại phía góc vườn và reo lên:

    - Ôi, cây đào đẹp quá !

    Các loại hoa bất chợt nhận ra cái cây khẳng khiu mọi khi giờ đã khoác một chiếc áo đẹp tuyệt vời. Hàng nghìn bông hoa thắm hồng xinh xinh đang đùa trong nắng xuân ấm áp.

    Các hoa cất tiếng hỏi Hoa Đào:

    - Thế bạn đã làm cách nào để có được những bông hoa đẹp đến như vậy ?

    Hoa Đào dịu dàng trả lời:

    - Đó là nhờ Đất mẹ nuôi nấng, nhờ mưa nắng bốn mùa, nhờ bàn tay chăm sóc sớm hôm của cô chủ đấy !

    Cô chủ nói tiếp:

    - Đó còn là nhờ tính khiêm nhường, giản dị, nhờ lòng kiên trì, dũng cảm chịu đựng gió rét, sương sa của Hoa Đào nữa chứ. Cả năm vất vả, Hoa Đào đã dành tất cả để đơm hoa thắm dâng tặng sắc hương của mùa xuân cho chúng ta đấy.

    Bây giờ, các loài hoa đã hiểu ra. Chúng cảm thấy xấu hổ vì thái độ của mình trước kia và khẽ nói:

    - Hoa Đào ơi, chúng tớ muốn cùng bạn góp sắc hương trong ngày Tết có được không ?

    Hoa Đào và cô chủ đáp:

    - Tất nhiên rồi ! Nào các bạn, chúng ta hãy cùng nhau đón mừng năm mới nhé !

    Cả vườn hoa bừng hương sắc rực rỡ và ngào ngạt để đón mừng mùa xuân về.


    Bài học rút ra: Câu chuyện ca ngợi đức tính khiêm nhường, khiêm tốn của con người, khuyên chúng ta không nên khoe khoang tự mãn, bông hoa đẹp nhất là một bông hoa biết cúi đầu, biết giữ im lặng, biết hi sinh vì người khác nhưng không bao giờ dành công lao về mình.

    Nàng tiên mùa xuân
    Nàng tiên mùa xuân
    Nàng tiên mùa xuân
  7. Trong khu rừng nọ có một chú Thỏ con rất dễ thương. Thỏ con yêu mùa xuân lắm bởi mùa xuân luôn làm cho vườn hoa của chú rực rỡ sắc màu. Nhưng mùa xuân thường không ở lại được lâu. Vì thế Thỏ con rất buồn mỗi khi thấy mùa xuân đi qua. Ngay sau màu xuân là mùa hè với cái nắng gay gắt khiến các bông hoa trong vườn của Thỏ con không thể nở được. Khi đi dạo trong vườn, Thỏ con thường nghe các loài hoa than thở:

    – Nóng quá bạn Thỏ ơi! Có cách nào giúp chúng tôi không?

    Nhìn các loài hoa khổ sở mệt nhoài vì nắng, Thỏ con thương lắm. Nhưng biết làm sao bây giờ?

    Một hôm, Thỏ con quyết định đi tìm Thần Mưa để cầu cứu. Nghe nói, Thần Mưa thường núp sau các đám mây đen trên đỉnh núi cao. Đường đi thật gian nan nhưng Thỏ con không nản chí.

    Thế rồi Thỏ con leo lên được đỉnh núi cao rồi đấy! Ngước nhìn những đám mây đen, lúc đầu Thỏ con cũng thấy sờ sợ vì chúng có vẻ hung dữ quá. Nhưng hình ảnh về những nụ hoa đang cố nhú ra mà không được vì nắng đã khiến Thỏ con can đảm hẳn lên.

    – Xin Thần Mưa hãy tưới mát cho các loài hoa trong vườn được khoe sắc! – Thỏ con hít một hơi dài rồi nói thật lớn.

    – Chào Thỏ con! Cháu thật can đảm và đáng yêu. Hãy về với các loài hoa trong vườn của cháu đi! Ta sẽ làm mưa ngay thôi! – Thần Mưa ôn tồn nhận lời.

    – Xin cảm ơn Thần Mưa! Nói rồi, Thỏ con phóng một mạch về nhà. Vừa tới cổng khu vườn, thì trời đã đổ mưa. Những giọt nước mưa đang tắm mát cho những nụ hoa. Và rồi một điều kỳ diệu đang dần hiện ra trước mắt Thỏ con: những cánh hoa mỏng manh, rực rỡ đang xòe ra, rung rinh vẫy chào chú.

    Thỏ con vô cùng sung sướng reo lên: “Ôi, mùa xuân, mùa xuân đã lại về rồi!”


    Bài học rút ra: Giúp bé thêm yêu thiên nhiên, dạy bé có lòng can đảm, biết yêu thương và giúp đỡ người khác khi gặp khó khăn.

    Thỏ con và mùa xuân
    Thỏ con và mùa xuân
    Thỏ con và mùa xuân
  8. Ngày xửa ngày xưa, trong khu rừng nọ, có một con Cáo và một con Thỏ. Cáo có một ngôi nhà bằng băng, còn Thỏ có một ngôi nhà bằng gỗ. Mùa xuân đến, nhà Cáo tan ra thành nước, Cáo xin sang nhà Thỏ sưởi nhờ rồi đuổi luôn Thỏ ra ngoài.

    Thỏ vừa đi vừa khóc. Một lát sau Thỏ gặp bầy Chó.

    Bầy Chó hỏi Thỏ:

    – Tại sao Thỏ khóc?

    – Làm sao mà tôi không khóc được. Tôi có một ngôi nhà bằng gỗ, còn Cáo, Cáo có một ngôi nhà bằng băng. Mùa xuân đến nhà Cáo tan ra thành nước, Cáo xin sang nhà tôi sưởi nhờ rồi đuổi luôn tôi ra khỏi nhà.

    – Thỏ ơi, đừng khóc nữa!

    Bầy Chó an ủi Thỏ.

    – Chúng tôi sẽ đuổi được Cáo đi.

    Bầy Chó cùng Thỏ đi về nhà Thỏ. Bầy Chó nói:

    – Gâu! Gâu! Gâu! Cáo cút mau!

    Cáo ngồi trên bệ lò sưởi nói vọng ra:

    – Ta mà nhảy ra thì chúng mày tan xác!

    Bầy Chó sợ quá chạy mất.

    Thỏ lại ngồi dưới bụi cây và khóc. Một con Gấu đi qua, Gấu hỏi:

    – Tại sao Thỏ khóc?

    – Làm sao mà tôi không khóc được. Tôi có một ngôi nhà bằng gỗ, còn Cáo, Cáo có một ngôi nhà bằng băng. Mùa xuân đến nhà Cáo tan ra thành nước, Cáo xin sang nhà tôi sưởi nhờ rồi đuổi luôn tôi ra khỏi nhà.

    – Thỏ ơi! Thỏ đừng khóc nữa! Ta sẽ đuổi được Cáo đi!

    – Không, Bác Gấu ơi, Bác không đuổi được đâu. Chó đuổi mãi không được thì bác đuổi làm sao được!

    – Đuổi được chứ!

    Gấu nói giọng cương quyết. Gấu và Thỏ về đến nhà Thỏ, Gấu gầm lên:

    – Cáo, cút ngay!

    Cáo ngồi trên bệ lò sưởi nói vọng ra:

    – Ta mà nhảy ra thì chúng mày tan xác!

    Gấu sợ quá chạy mất.

    Thỏ trở lại ngồi dưới bụi cây và khóc. Một con gà Trống mào đỏ đi qua, vai vác một cái hái. Gà Trống thấy Thỏ khóc bèn hỏi:

    – Tại sao Thỏ khóc?

    – Làm sao tôi không khóc được. Tôi có một ngôi nhà bằng gỗ, còn Cáo có một ngôi nhà bằng băng. Mùa xuân đến nhà Cáo tan ra thành nước, Cáo xin sang nhà tôi sưởi nhờ rồi đuổi luôn tôi ra khỏi nhà.

    – Ta về nhà đi, tôi sẽ đuổi được Cáo thôi.

    – Không! Anh không đuổi được đâu. Chó đuổi mãi không được, Gấu đuổi mãi không xong thì anh đuổi làm sao được!

    – Thế mà tôi đuổi được đấy, nào đi!

    Gà Trống và Thỏ cùng về nhà Thỏ. Gà Trống cất tiếng hát:

    – Cúc cù cu cu.

    Ta vác hái trên vai

    Đi tìm Cáo gian ác

    Cáo ở đâu ra ngay!

    Cáo sợ quá bảo:

    – Tôi đang mặc quần áo ạ!

    Gà Trống lại hát:

    – Cúc cù cu cu.

    Ta vác hái trên vai

    Đi tìm Cáo gian ác

    Cáo ở đâu ra ngay!

    Cáo nói:

    Cho tôi mặc áo bông đã!

    Lần này thì gà quát lên:

    – Cúc cù cu cu.

    Ta vác hái trên vai

    Đi tìm Cáo gian ác

    Cáo ở đâu ra ngay!

    Cáo từ trong nhà gỗ nhảy vọt ra, chạy biến vào trong rừng. Từ đó, Thỏ lại được sống trong ngôi nhà của mình.


    Bài học rút ra: Câu chuyện giúp bé phát triển các kỹ năng ngôn ngữ, làm bé thêm sự tự tin và biết yêu thương cũng như giúp đỡ bạn bè, mọi người xung quanh.

    Truyện cáo, thỏ và gà trống
    Truyện cáo, thỏ và gà trống
    Truyện cáo, thỏ và gà trống
  9. Vào những ngày mùa đông lạnh cóng, tuyết rơi trắng xóa, cả Thỏ mẹ và Thỏ con đều khoác trên mình bộ áo da trắng tinh.

    Sang xuân, chú Thỏ con vẫn mặc chiếc áo da trắng. Trong rừng, cô Gà Gô đã thay một bộ áo hoa rất đẹp bởi mùa xuân, cánh đồng đầy ắp hoa đỏ lá xanh, còn vào mùa đông, tuyết phủ trắng thì phải mặc áo trắng, như thế sẽ dễ ẩn nấp hơn!

    Đến bên hồ, một anh bạn Nhái Bén vừa mới thức dậy, toàn thân tỏa ánh xanh như cây cỏ. Ngay cả những anh Châu Chấu cũng thay áo mùa xuân mới: Anh thích nhảy trên bãi cỏ thì mặc áo xanh, còn anh thích nhảy trên bãi đất lại mặc áo nâu. Nhìn thấy Thỏ con. Châu Chấu cười giễu:

    - Ha ha! Mùa xuân mà vẫn mặc áo da trắng cơ à? Đúng là đồ Thỏ ngốc nghếch!

    Thỏ con xấu hổ quá, chạy thẳng một mạch về nhà, nằng nặc đòi mẹ phải thay quần áo cho, Thỏ mẹ cười và nói:

    - Con thử soi gương xem nào.

    Và thật kỳ lạ khi trong gương, chú thấy mình đã mọc rất nhiều lông màu xám. Thỏ sung sướng reo lên:

    - A! thấy rồi, con đã mặc quần áo mùa xuân mẹ ạ!

    Mấy ngày sau, hai mẹ con nhà Thỏ đã thay hết lông và mặc bộ quần áo mùa xuân mới.


    Bài học rút ra: Trẻ yêu quý mùa xuân, trẻ vâng lời ông bà, bố mẹ, cô giáo.

    Chiếc áo mùa xuân
    Chiếc áo mùa xuân
    Chiếc áo mùa xuân
  10. Vào một buổi sáng mùa xuân. Thỏ con đi lang thang trong rừng. Thỏ đi mãi, đi mãi mà chẳng tìm được gì để ăn. Thỏ gặp Gà trống đang mổ thóc, Gà trống mời:

    – Bạn Thỏ ơi! Tôi có nhiều thóc vàng bạn ăn cùng tôi đi.

    Thỏ con nói:

    – Cám ơn bạn, nhưng tôi không ăn được thóc vàng.

    Nói rồi, Thỏ con lại đi tiếp. Trên đường đi Thỏ gặp Mèo đang ăn cá. Mèo vui vẻ mời:

    – Thỏ ơi, mời bạn ăn cá cùng tôi.

    Thỏ nói:

    – Cám ơn Mèo con nhé, tôi không ăn được cá.

    Thỏ lại tiếp tục bước đi, những bước đi nặng nề vì mệt và đói. Thỏ con ngồi nghi dưới một gốc cây và bật khóc: “Hu, hu…Mình chẳng có gì đẻ ăn cả!”.

    Vừa lúc đó Dê con xách làn rau đi qua. Dê mời Thỏ con hai củ cà rốt. Thỏ con mừng rỡ cám ơn Dê con và ăn cà rốt thật ngon lành.

    Bài học rút ra:
    Giáo dục trẻ mạnh dạn tự tin , tính kỷ luật , tinh thần tập thể. Biết giúp đỡ người khác trong khi gặp hoạn nạn. Rèn tố chất nhanh nhẹn khéo léo.

    Truyện Thỏ Con Ăn gì?
    Truyện Thỏ Con Ăn gì?
    Truyện Thỏ Con Ăn gì?



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy