Bài soạn "Viếng lăng Bác" số 5

A. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM

1. Tác giả:

Viễn Phương (1928 – 2005):

Tên khai sinh là Phan Thanh Viễn, quê ở tỉnh An Giang. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, ông hoạt động ởNam Bộ
Ông là một trong những cây bút có mặt sớm nhất của lực lượng văn nghệ giải phóng ở miền Namthời kì chống Mĩ cứu nước.
Thơ ông thường nhỏ nhẹ, giàu tình cảm, giàu chất mộng mơ ngay trong hoàn cảnh khốc liệt của chiến trường.
2. Tác phẩm:

Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ Viếng lăng Bác được sáng tác trong dịp sau khi cuộc kháng chiến chống Mĩ kết thúc thắng lợi, đất nước thống nhất, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng vừa khánh thành, Viễn Phương ra thăm miền Bắc, vào lăng viếng Bác Hồ và in trong tập thơ “Như mây mùa xuân” (1978).
Nội dung: Bài thơ Viếng lăng Bác thể hiện lòng thành kính và niềm xúc động sâu sắc của nhà thơ và của mọi người đối với Bác Hồ khi vào lăng viếng Bác. Bài thơ có giọng điệu trang trọng và tha thiết, nhiều hình ảnh ẩn dụ đẹp và gợi cảm, ngôn ngữ bình dị mà cô đúc.


B. BÀI TẬP VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI

Câu 1: trang 60 sgk Ngữ văn 9 tập 2

Đọc nhiều lần bài thơ, tìm hiểu cảm xúc bao trùm của tác giả và trình tự biểu hiện trong bài

Bài làm:
Cảm hứng bao trùm bài thơ: Bài thơ là niềm xúc động thành kính, lòng biết ơn của tác giả đối với Bác khi thăm lăng Bác nói riêng và cũng là những tình cảm của người dân đối với Bác nói chung. Cảm hứng ấy đã chi phôi giọng điệu của bài thơ. Đó là giọng thành kính trang nghiêm phù hợp với không khí thiêng liêng ở lăng, nơi vị lãnh tụ yên nghỉ.Trình tự biểu hiện của bài thơ theo trình tự của cuộc vào lăng viếng Bác:
Đầu tiên là cảnh ở bên ngoài lăng với hình ảnh đậm nét nhất là hàng tre trong sương sớm.
Tiếp đến gần hơn là hình ảnh đoàn người xếp hàng vào lăng viếng Bác.
Tiếp theo là cảm xúc và những suy ngẫm của tác giả khi đã bước vào ở trong lăng được ngắm nhìn Bác.
Cuối cùng là niềm mong uớc tha thiết của tác giả muốn ở bên Bác mãi mãi khi cuộc thăm lăng kết thúc, khi sắp trở về quê hương.


Câu 2: trang 60 sgk Ngữ văn 9 tập 2
Phân tích hình ảnh hàng tre bên lăng Bác được miêu tả ở khổ thơ đầu. Tác giả đã làm nổi bật những nét nào của cây tre và điều đó mang ý nghĩa ẩn dụ như thế nào? Câu thơ cuối bài trở lại hình ảnh của cây tre đã bổ sung thêm phương diện ý nghĩa gì nữa của hình ảnh cây tre Việt Nam?
Bài làm:
Hình ảnh hàng tre trong khổ thơ đầu:
Ngay khi đến Lăng Bác ấn tượng đầu tiên đối với tác giả là hình ảnh hàng tre xanh chờn vờn trong sương sớm. Hình ảnh tre mang nhiều ý nghĩa ẩn dụ sâu sắc. Tre là một loại cây rất bình dị lại được trồng ngay ở giữa Thủ đô lộng lẫy uy nghi, cùng với bao loại cây quý hiếm khác trước lăng Bác. Phải chăng đó là sự ẩn dụ về con người của Bác giản dị mà vô cùng thanh cao. Không những thế hình ảnh tre còn biểu tượng cho hình ảnh giản dị mộc mạc nơi làng quê thanh bình yên tĩnh.Tre còn là hình ảnh biểu tượng cho tính cách của dân tộc Việt Nam: anh dũng, quật cường sức sống bền bỉ dẻo dai “bão táp mưa sa vẫn đứng thẳng hàng”.
Hình ảnh cây tre ở khổ cuối:
Hình ảnh hàng tre hiên ngang quanh lăng Bác mở đầu và cũng là kết thức bài thơ, thế nhưng ở cuối bài nó mang một ý nghĩa khác nhau tạo ra đầu cuối có sự tương ứng, làm đậm nét hình ảnh. Nhưng cây tre ở đây lại mang nét nghĩa mới, nó tượng trưng cho tấm lòng trung hiếu của con cháu đối đất nước, đối với Bác quyết đi theo con đường mà Bác đã lựa chọn. Và phải chăng đó còn là hình ảnh những người lính cảnh vệ đang canh giấc ngủ bình yên cho Bác mà nhà thơ Viễn Phương muốn gởi gắm.


Câu 3: trang 60 sgk Ngữ văn 9 tập 2
Tình cảm của nhà thơ và của mọi người đối với Bác đã được thể hiện như thế nào trong các khổ thơ 2, 3, 4? Chú ý phân tích những hình ảnh ẩn dụ đặc sắc trong các khổ thơ này.
Bài làm:
Những câu thơ trong bài thể iện niềm xúc động, sự thành kính nhớ thương của tác giả dành cho vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Lòng thành kính của tác giả thể hiện ở những câu thơ:
Ngày ngày mặt trời đi qua trong lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
Sự tôn kính của nhà thơ và mọi người đối với Bác đã được thể hiện qua phép ẩn dụ đặc sắc. Mặt trời của thiên nhiên đem ánh sáng xua tan đêm tối, mang tới sự sống cho muôn loài. Hình ảnh mặt trời trong : " mặt trời đi qua trong lăng" mang ý nghĩa thực. Đó là mặt trời của tự nhiên, mặt trời cung cấp ánh sáng duy trì sự sống cho con người. Nhưng đến với câu thơ thứ hai mặt trời không còn mang ý nghĩa tả thực nữa mà nó còn mang ý nghĩa ẩn dụ tượng trưng. Tác giả ví mặt trời ấy như Bác Hồ người đã đem lại ánh sáng, dẫn đường chỉ lối để nhân dân ta có cuộc sống ấm lo, thoát khỏi những ngày xiềng xích nô lệ đen tối. Cách ẩn dụ ở đây thật sinh động, tự nhiên và nhuần nhuyễn, không những nói lên sự vĩ đại của Bác (như mặt trời) mà còn thể hiện được sự tôn kính của nhân dân, của nhà thơ đối với Bác. Tác giả còn thể hiện sự tôn kính, niềm thương nhớ của nhân dân đối với Bác:
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim!
Hình ảnh Bác trong những vần thơ là vĩnh hằng, là bất tử.Trời xanh là vĩnh hằng cũng như tên tuổi và sự nghiệp của Bác sẽ sống mãi với dân tộc Việt Nam, dù cho Bác có đi xa nhưng trong triệu trái tim con người Việt Nam mỗi khi nhớ tới đều quặn thắt trái tim. Đó là nỗi mất mát lớn nhất trong lòng mỗi người dân chúng ta. Người vẫn mãi sống, bất tử trong lòng mỗi người.


Câu 4: trang 60 sgk Ngữ văn 9 tập 2
Nhận xét về sự thống nhất giữa nội dung tình cảm, cảm xúc và các yếu tố nghệ thuật (thể thơ, nhịp điệu, ngôn ngữ, hình ảnh) của bài thơ.
Bài làm:
Bài thơ có một giọng điệu thành kính trang nghiêm. Giọng điệu ấy hợp thành bởi nhiều yếu tô' từ thể thơ, nhịp điệu đến từ ngữ và hình ảnh của bài thơ.
Về thể thơ và nhịp điệu, nhà thơ sử dụng thể tự do có dòng bảy chữ, nhưng cũng có những dòng tám, chín chữ với nhịp chậm nhiều dòng ít ngắt nhịp lại gieo vần liền. Bởi thế mà giọng thơ thiết tha, trầm lắng, trang nghiêm thành kính.
Về từ ngữ và hình ảnh, nhà thơ sử dụng từ ngữ xưng hô tôn kính (Con . ở miền Nam ra thăm lăng Bác), với các hình ảnh ẩn dụ vĩnh hằng kì vĩ lớn lao biểu hiện lòng tôn kính chân thành của mình (Mặt trời trong lăng rất đỏ, vầng trăng sáng dịu hiền, kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân, trời xanh...).
Giữa nội dung tình cảm, cảm xúc và các yếu tố nghệ thuật rất phù hợp với nhau đều thể hiện sự trang nghiêm sâu lắng, niềm xót xa tự hào và sự đau đớn xót xa của tác giả khi đứng trước lăng Bác


Luyện tập
Câu 2: Trang 60 - SGK Ngữ Văn 9 tập 2

Viết một đoạn văn bình khổ 2 hoặc khổ 3 của bài thơ Viếng lăng Bác
Bài làm:
Với nhiều người con miền Nam, không được gặp Bác lần cuối trước khi người đi xa là niềm tiếc nuối lớn nhất trong cuộc đời họ. Viễn Phương chính là một người con như thế. Năm 1976, sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc thắng lợi, đất nước thống nhất, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng vừa được khánh thành, ông đã ra thăm miền Bắc và vào lăng viếng Bác Hồ. Trong giây phút nghẹn ngào ấy, ông đã viết bài thơ Viếng lăng Bác như một lời tri ân gửi tới người cha già dân tộc. Và hẳn nhiên, nỗi đau đớn cũng được hiện hình trong từng dòng thơ của Viễn Phương:


"Bác nằm trong lăng giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim!"

Thời điểm Viễn Phương tới viếng, Bác đã mất được 7 năm nhưng nỗi đau mất Bác vẫn chưa thể nguôi ngoai. Tác giả đã sử dụng lối nói giảm nói tránh cái chết của Bác thành "giấc ngủ bình yên" trong "vầng trăng sáng dịu hiền" như một liều thuốc để giảm bớt nỗi đau trong tâm hồn mình. Mong muốn suốt cả cuộc đời của Bác là được nhìn thấy nhân dân hai miền sum vầy trong độc lập, tự do. Và giờ thì mong muốn của người đã trở thành hiện thực, Bác đã có thể ngủ yên trong giấc ngủ vĩnh hằng của mình. Biện pháp đối lập "Vẫn biết" - "Mà sao" đã dựng nên một nghịch lý giữa cảm xúc và lý trí. Lý trí đã nhắc nhở Viễn Phương rằng Trời xanh là mãi mãi. Hình ảnh trời xanh là hình ảnh ẩn dụ cho những quy luật vỗn dĩ của cuộc đời, luôn tồn tại khách quan mặc kệ con người có muốn hay không, mây vẫn trôi lững lờ và trời vẫn xanh ngắt một màu bình yên.


Ở đây, Viễn Phương biết quy luật của đời người mà ai cũng phải trải qua là sinh - lão - bệnh - tử và cái chết là điều không thể tránh khỏi, ai rồi cũng sẽ phải chết. Bác cũng không thể là một ngoại lệ. Nên việc Bác mất đi là điều hết sức bình thường, đúng theo cái vốn có của đời sống mà thôi. Lý trí đã nhận ra quy luật ấy, đã nhắc nhở Viễn Phương về điều ấy nhưng cảm xúc của ông lại không thể tuân theo sự điều khiển của lý trí. Bởi trong tim ông vẫn "nhói" lên một cái khi nghĩ tới Bác đã không còn. Nỗi đau quá lớn của dân tộc Việt Nam là mất đi một con người vĩ đại, một người cha nhân hậu như Bác. Vẫn biết cái chết của Bác sẽ là điều tất yếu nhưng trái tim vẫn đau đớn, đôi mắt vẫn đỏ hoe mỗi khi nhắc đến Người. Con người là vậy, cảm xúc nơi trái tim là thứ không thể điều khiển được, dù lý trí có mạnh mẽ đến đâu. Ta nào có thể ngăn trái tim mình dành tình cảm yêu thương cho một người? Ta cũng chẳng thể ngăn nổi trái tim cứ nhói từng cơn khi chứng kiến người ta thương yêu không còn bên cạnh ta nữa. Nếu lý trý lấn át cả trái tim rồi thì con người cũng chỉ là cỗ máy vô hồn, chạy theo một chương trình được lập trình sẵn mà thôi. Khổ thơ không chỉ là nỗi đau đớn tột cùng mà còn là lòng thành kính, niềm xúc động sâu sắc của nhà thơ và mọi người đối với Bác Hồ khi vào lăng viếng Người.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy