Bài văn nghị luận về câu nói "Phong cách chính là người" của Buy-phông số 1

L. Tolstoy từng nói: “Khi một nhà văn mới bước vào làng văn, điều đầu tiên tôi sẽ hỏi anh ta là anh sẽ mang lại điều gì mới cho văn học”. Quy luật đào thải của văn chương vốn đầy khó khăn và nghiệt ngã. Bởi lẽ “văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những ai biết đào sâu suy nghĩ, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có”. Cũng phát biểu về vai trò của phong cách đối với người nghệ sĩ, Buy- phông từng nói: “Phong cách chính là người”.


Phong cách chính là những nét riêng, độc đáo của nhà văn trong cách cảm nhận và tái hiện cuộc sống, được thể hiện qua các yếu tố nội dung và hình thức nghệ thuật cụ thể. Theo ý kiến của Buy- phông, qua phong cách, chúng ta sẽ nhận ra những đặc điểm của người nghệ sĩ, cả tư tưởng cũng như thế giới tình cảm của anh ta.


“Phong cách chính là người” bởi lẽ phong cách bộc lộ cách cảm nhận của người nghệ sĩ về cuộc sống. Hoài Thanh từng nói: “Nhà văn không có phép thần thông để vượt ra ngoài thế giới này nhưng thế giới trong mắt nhà văn phải có một hình sắc riêng”. Vì sáng tạo chính là bản chất của văn học, anh không thể thấy người khác ăn khoai cũng vác mai đi đào. Sao chép cách nhìn, cách cảm, người nghệ sĩ sẽ tự biến mình tác phẩm của mình thành thứ sản xuất hàng loạt, biến văn học thành nông trang tập thể. Cùng viết về cái đói, thế nhưng ta thấy Nam Cao và Kim Lân đều có những cách tiếp cận khác nhau bởi “cuộc thám hiểm thực sự không nằm ở vùng đất mới mà nằm ở đôi mắt mới”. Nam Cao nhìn cái đói như thứ thuốc thử đối với phẩm giá, nhân cách con người. Còn với Kim Lân, từ cái đói, ông thấy le lói hạt mầm của sự sống, khát vọng sống đang bừng thức ở những người nông dân nghèo khổ. Và cũng từ đó, Nam Cao bộc lộ sự sắc sảo, lạnh lùng bên ngoài nhưng ấm nóng bên trong, Kim Lân lại cho thấy một tấm lòng nhân hậu, “một lòng đi về với đất với người, với thuần hậu nguyên thủy của làng quê Việt Nam”.


Phong cách còn thể hiện nhu cầu sáng tạo nghệ thuật, khẳng định bản lĩnh, đồng thời tìm tòi cái mới của nhà văn để tạo nên tính hấp dẫn và sức sống cho tác phẩm. Người nghệ sĩ không thể chỉ biết theo đường quen lối cũ, đi vào lối mòn mà người khác đã khai sơn phá thạch. Trong khu rừng có nhiều lối đi, họ phải tìm “lối đi chưa có dấu chân người”. “Văn học sẽ chẳng ai giống ai và không ai muốn giống ai cả”. Không có nổi một sự tìm tòi, đổi mới, liệu mai này hậu thế sẽ còn nhớ đến anh, hay lớp bụi thời gian đã vĩnh viễn xóa nhòa tên tuổi của anh khỏi tượng đài của nền văn học. Không chỉ vì thôi thúc tự bên trong, tìm tòi, đổi mới còn là cách để chứng tỏ họ luôn theo sát dòng chảy của thời đại, không bị bỏ lại bên lề của cuộc sống. Sau năm 1975, văn học bước vào giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ.


Khuynh hướng sử thi, cảm hứng lãng mạn với những nhân vật anh hùng được lí tưởng hóa không còn phù hợp với cuộc sống hậu chiến nhiều phức tạp và lắm rối ren. Trước sự thay đổi đó, Nguyễn Minh Châu đã trở thành “người mở đường tinh anh và tài năng” của nền văn học Việt Nam. Vẫn là sự dũng cảm nhưng điềm đạm trong lối nghĩ, lối viết, ông từng bước thay đổi đề tài cũng như cách thể hiện. Những biểu tượng đa nghĩa trong tác phẩm của ông như là một minh chứng cho một Nguyễn Minh Châu ưa suy tư và giàu tính triết lí. Chiếc thuyền ngoài xa không chỉ tượng trưng cho vẻ đẹp của thiên nhiên đầy thi vị, lãng mạn mà còn là những chiêm nghiệm, chân lý về mối quan hệ giữa nghệ thuật và đời sống. Qua cái nhìn từ một khoảng cách xa, chiếc thuyền hiện ra với vẻ đẹp thơ mộng như bức ảnh mà nghệ sĩ Phùng chụp được. Thế nhưng, ở bên trong con thuyền ấy còn chứa đựng biết bao sự thật của cuộc sống còn lắm đắng cay, khổ cực. Chiếc thuyền ngoài xa vì thế là lời mời gọi người nghệ sĩ hãy lặn vào đáy sâu hiện thực để khám phá cuộc sống vốn đa sự, đa đoan.


“Qua giọng hát ta nhận ra người hát
Qua nét khắc ta nhận ra người thợ bạc”


Và qua phong cách, ta nhận ra người nghệ sĩ. Đúng như M. Proust từng nói: “Thế giới được tạo lập không chỉ một lần mà mỗi lần người nghệ sĩ độc đáo xuất hiện là lại một lần thế giới được tạo lập”.

Hình minh hoạ
Hình minh hoạ

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy