Bài văn nghị luận về thái độ sống tích cực số 3
Tư duy tích cực là gì? Ảnh hưởng của tư duy tích cực tới đời sống, quan hệ xã hội cũng như công việc của bạn như thế nào? Và cuối cùng, tìm hiểu các nhân tố giúp chúng ta rèn luyện tư duy tích cực bao gồm: hi vọng, tính hiệu quả, khả năng phục hồi và sự lạc quan.
Theo một số định nghĩa của các nhà nghiên cứu tâm lý, “tư duy” có nghĩa là suy nghĩ, và nói đến suy nghĩ là nói đến một hoạt động của não bộ tại một thời điểm nào đó. Thực ra, từ “tư duy” ở đây rộng rãi hơn, và có nghĩa là một thái độ sống, một cái nhìn về cuộc đời và sự sống.
Do đó, tư duy tích cực chính là “sống tích cực” hay có “thái độ tích cực” với hoàn cảnh. Tư duy tích cực là khi chúng ta nhìn mọi sự, mọi vật, mọi vấn đề ta luôn luôn thấy cái hay, cái đẹp, cái tốt của vấn đề. Và, nếu thấy cái xấu ta có khả năng biến cái xấu thành cái tốt, luôn luôn hướng đến hành động để làm mọi sự tốt hơn.
Trong cuộc sống, đặc biệt là cuộc sống hiện đại với nhịp sống quá tấp nập và mọi thứ diễn ra nhanh chóng như ngày nay, chắc hẳn mỗi chúng ta sẽ có lúc gặp phải những chuyện làm chúng ta thấy mệt mỏi, chán nản. Khi đối mặt với những khó khăn này, người bi quan thường tập trung vào nguyên nhân gây ra khó khăn, họ tìm cách đổ lỗi cho hoàn cảnh. Trong khi, người có suy nghĩ tích cực sẽ tập trung vào việc tìm giải pháp để giải quyết vấn đề.
Những suy nghĩ tích cực cũng sẽ giúp bạn dễ dàng vượt qua căng thẳng, stress trong cuộc sống hơn. Các nhà khoa học đã chứng minh, những người có lối sống tích cực có tỷ lệ mắc bệnh về tim mạch thấp hơn, giảm thiểu nguy cơ trầm cảm, và còn có khả năng giúp bạn tăng tuổi thọ nữa.
Những người có tư duy tích cực dễ thành công hơn! Đa số những người thành công đều có lối sống và tư duy tích cực. Họ lạc quan và tin vào khả năng của mình cũng như tập trung vào việc giải quyết vấn đề khi gặp những khó khăn, thách thức trong kinh doanh. Họ luôn đưa ra những mục tiêu cụ thể và nỗ lực hết mình để theo đuổi mục tiêu đó. Đối với họ, những thất bại chỉ là tạm thời, nó cho thấy bản kế hoạch kinh doanh của họ đang có vấn đề và họ sẽ tập trung vào điều chỉnh để đạt được mục tiêu.
Hiện nay, có một số trường đại học quốc tế tại Việt Nam đào tạo ngành Quản trị kinh doanh đã đưa kỹ năng Tư duy tích cực như một trong những bộ môn chính trong chương trình học. Đây như là một kỹ năng mềm quan trọng; bên cạnh các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng quản lý nhằm giúp để giúp sinh viên dễ dàng thành công hơn sau này.
Những cách nào giúp bạn rèn luyện tư duy tích cực? Hi vọng: Hi vọng vào một kết quả tốt hơn thay vì tập trung vào việc trách móc hoàn cảnh hay đổ lỗi cho số phận. Bỏ qua những khó khăn gặp phải trước mắt để tập trung vào một bản kế hoạch mà bạn đã vạch ra trước đấy.
Tính hiệu quả: Tự tin vào khả năng của bản thân trong việc giải quyết vấn đề. Khắc sâu vào tâm trí với sự tin tưởng bạn có thể đạt được điều đó. Cũng không quên tự tưởng thưởng cho mình khi đạt được một kết quả tốt đẹp nào đấy.
Khả năng phục hồi: Tư duy tích cực còn nằm ở việc bạn luôn tự biết rằng bản thân con người không ai có thể hoàn hảo trong mọi trường hợp. Trong một số trường hợp mà dường như không còn bất cứ một giải pháp nào để giải quyết vấn đề, thì Tư duy tích cực đôi khi là việc biết chấp nhận thất bại đó, vượt qua nó và tìm một hướng đi mới.
Sự lạc quan: Hãy tưởng tượng bạn đã đạt được mục tiêu. Điều này nghe có vẻ “hoang đường” và viển vông đối với một số người. Tuy nhiên, việc tưởng tượng mình đã thành công sẽ tạo ra động lực và khích lệ sự ham muốn của bản thân để cố gắng hơn nữa nhằm đạt được thành quả đó. Những khao khát cháy bỏng sẽ tạo ra hành động liên tục và chính những hành động liên tục sẽ tạo ra thành công.
Những người có tư duy tích cực thường dễ dàng thành công hơn, có lối sống vui tươi hơn, sống lâu hơn và hạnh phúc hơn những người bi quan. Bên cạnh đấy, lối sống tích cực hoàn toàn có thể rèn luyện được thông qua việc xem - đọc những tài liệu về kỹ năng tư duy, sự tự tin vào bản thân… hoặc đơn giản là giao lưu, tiếp xúc với những người có lối sống tích cực xung quanh bạn.