Bài văn phân tích tác phẩm "Chiều tối" của Hồ Chí Minh số 6

Trong tập Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh, sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố cổ điển và yếu tố hiện đại, giữa tâm hồn của người chiến sĩ và thi sĩ luôn luôn được thể hiện một cách tinh tế, sâu sắc và thấm thía qua nhiều thi phẩm. Nhưng tiêu biểu và độc đáo nhất có lẽ vẫn là ở tứ thơ Chiều tối.


Đây là bài thơ có vị trí rất quan trọng trong toàn bộ tập thơ Nhật ký trong tù, là một phần quan trọng trong bức tranh chân dung tự họa của Hồ Chí Minh, thể được cái tinh thần lạc quan, luôn hướng về sự sống dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào khắc nghiệt đi chăng nữa.

Chiều tối (Mộ) là bài thơ số 31 trong 134 bài thơ của tập Nhật ký trong tù. Được sáng tác vào cuối thu năm 1942, khi Hồ Chí Minh bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam và áp giải từ nhà lao Tĩnh Tây đến Thiên Bảo (Trung Quốc). Chiều tối là nỗi lòng của Hồ Chí Minh trong một lần chuyển ngục nhân cảnh trời chuyển tối.


Bài thơ được viết bằng chữ Hán, thuộc thể thơ tứ tuyệt, tiêu biểu cho thơ trữ tình của Hồ Chí Minh. Nhà thơ không trực tiếp bộc lộ những cảm xúc nội tâm mà thông qua cách cảm nhận hình ảnh và cảnh vật để bày tỏ tình cảm của mình. Hai câu thơ đầu là bức tranh thiên nhiên núi rừng vào lúc chiều tối:

“Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không”

Bài thơ viết về một thi đề hết sức cổ điển và quen thuộc đó là cảnh chiều tối, đã từng xuất hiện nhiều trong thi ca từ xưa đến nay, ví như cảnh “Bước tới đèo Ngang bóng xế tà” trong bài thơ Qua đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan hay trong câu “Nhật mộ yên quang hà xứ thị?/Yên ba giang thượng sử nhân sầu” trong Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu.


Cùng với thi đề cổ điển, trong bài còn xuất hiện các thi liệu cổ điển, cũng thường xuất hiện trong nhiều bài thơ, đó là hình ảnh cánh chim, góc rừng, gốc cây cổ thụ, đám mây, bầu trời, xóm núi nghèo, … Những thi liệu ấy có thể coi là chút hương xưa của đất nước, là nỗi niềm hoài cổ của Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn trân trọng và lưu giữ trong thơ mình, đó còn là những sợi dây nối cánh diều thơ của Bác với cội nguồn thi ca truyền thống.

Tuy mang trong mình nhiều nét cổ điển truyền thống, nhưng thơ của Bác vẫn mang hơi hướng hiện đại, tinh thần thời đại rất sâu sắc. Câu “Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ”, ở đây cánh chim của Bác không phải là cánh chim lạc lõng, không định hướng trong thơ cổ, mà là một cánh chim mỏi mệt sao ngày dài vất vả cực nhọc kiếm ăn, nay tìm về rừng tìm chỗ trú ngụ.


Từ đó, ta liên tưởng đến cảnh ngộ thực tế của Bác, Bác bị áp giải, phải đi một chặng đường dài băng rừng vượt suối, nên cũng như cánh chim kia Bác mong muốn được dừng chân nghỉ ngơi, để xua tan đi cái mệt đang hành hạ, đó là chất hiện đại trong thơ. Hình ảnh chòm mây trôi lững lờ trên tầng không, thể hiện được cái phong thái ung dung, tản mạn, tự do của tâm hồn người thi sĩ tương tự với nhiều cách diễn đạt cổ điển, nhưng cũng lại mang nét hiện đại, điều đó đối chiếu vào tâm trạng người tù lúc này đây.


Hình ảnh đám mây lạc lõng, chính là tâm trạng cô đơn, lẻ loi của nhà thơ trước cảnh thiên nhiên hùng vĩ nơi xứ người. Tổng hòa lại, hai câu thơ đầu nói lên nỗi mệt mỏi, cô đơn, mất phương hướng và kèm theo đó là lòng yêu thiên nhiên tha thiết của tác giả, thông qua bút pháp tả cảnh ngụ tình để truyền đạt cảm xúc.

Hai câu thơ tiếp, Chiều tối không còn là bức tranh thiên nhiên chỉ có cảnh vật nữa, mà ở đây là bức tranh cuộc sống, sinh hoạt, có sự sống của con người, hơi ấm tình thương đã bắt đầu xuất hiện.

“Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết, lò than đã rực hồng”

Ở đây có sự vận động, dịch chuyển của thời gian rất rõ nét, từ chiều tối sang tối hẳn, từ khung cảnh thiên nhiên mang tính ước lệ đã chuyển sang bức tranh đời sống rất gần gũi và chân thực, từ không gian rừng núi lạnh lẽo sang không gian làng xóm ấm áp. Hình ảnh con người - trung tâm của bức tranh là thiếu nữ xóm núi đang xay ngô, tỏa sáng lấp lánh ba vẻ đẹp. Đầu tiên là vẻ đẹp của tuổi trẻ căng tràn sức sống, vẻ đẹp của công việc lao động đời thường bình dị.


Nếu khi xưa hình ảnh người thiếu nữ thường gắn liền với chốn khuê phòng, trướng rủ màn che, là phận liễu yếu đào tơ, thì trong thơ Bác hình ảnh thiếu nữ lại hiện lên thật khác thật mới, cô gái bên cối xay ngô, làm một công việc lao động tay chân khỏe khoắn, bừng lên vẻ đẹp của sức mạnh tuổi trẻ, chạy đua với thời gian, xay cho kịp trước khi trời tối.


Cuối cùng là vẻ đẹp của mối quan hệ mỹ học mới mẻ giữa con người với thiên nhiên, so sánh với thơ xưa, con người thường xuất hiện thật nhỏ bé, mất tăm mất hút giữa thiên nhiên, thường mang nỗi sầu muộn trước thiên nhiên, gửi gắm vào thiên nhiên. Nhưng trong thơ Bác, con người xuất hiện giữa thiên nhiên, với vị trí trung tâm nhất, nổi bật lên hẳn so với thiên nhiên, con người và thiên nhiên giao hòa với nhau.

Hình ảnh sự sống ở hai câu thơ được kết hợp giữa hai nét vẽ cổ điển và hiện đại. Đầu tiên nét vẽ cổ điển thể hiện ở việc Bác đã dùng bút pháp lấy cái sáng để tả cảnh tối, vốn là một loại bút pháp rất cổ điển của thơ ca phương Đông. Lấy hình ảnh “lò than đã rực hồng”, lấy cái màu hồng rực để làm nổi bật lên sự chuyển đổi của thời gian, trời đã tối hẳn thế nên lò than mới sáng rực lên như thế.


Nét vẽ cổ điển ấy lại được đan xen, trộn lẫn giữa những nét vẽ hiện đại, mà tựu chung lại chỉ ở một chữ “hồng” nơi cuối bài. Nếu như tất thảy 27 chữ đầu đều chỉ tập trung nói về cảnh chiều, mang cái không khí lạnh lẽo, thì buổi tối với cái màu “hồng” của lò than đã đem lại một cảm giác ấm áp của lò than, của tình người. Chuyển đổi từ cảm giác cô đơn, mỏi mệt sang cảm giác sum vầy của bếp lửa gia đình, từ nỗi buồn phảng phất chuyển sang niềm vui tỏa sáng.


Cũng chính là sự vận động từ tối sang sáng, là nhân sinh quan rất tích cực của người chiến sĩ cách mạng, thể hiện sự lạc quan, tin tưởng và cuộc sống. Dù trong những tháng ngày khổ lao, mòn mỏi, trong sự hoang mang vì không biết sẽ bị giam giữ đến bao giờ nhưng Hồ Chí Minh vẫn rất lạc quan, quan sát vẻ đẹp của thiên nhiên và quan tâm đến cuộc sống của người dân Trung Quốc, thể hiện tư cách của một vĩ nhân, một con người luôn có tình thương yêu với nhân dân dù là quốc gia nào đi chăng nữa.


Qua bài thơ Chiều tối, từ bức tranh thiên nhiên, từ bức tranh cuộc sống sinh hoạt của con người, ta thấy nổi bật lên vẻ đẹp tâm hồn của Hồ Chí Minh. Đó là một tâm hồn luôn luôn hướng về sự sống và ánh sáng dù trong bất cứ tình huống nào, chủ nghĩa lạc quan luôn luôn gắn liền với lòng nhân ái và tình yêu thiên nhiên tha thiết của người chiến sĩ đồng thời cũng là một thi sĩ xuất sắc.


Về nghệ thuật, bút pháp gợi tả thiên nhiên tinh tế và giản dị, kết hợp với bút pháp tả cảnh ngụ tình, có sự kết hợp rất nhuần nhuyễn giữa tính cổ điển và hiện đại trong từng vần thơ, từng hình ảnh thơ, tất cả đã tạo nên một thi phẩm xuất sắc mang dấu ấn đậm nét của vị lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy