Top 15 Làng nghề nổi tiếng ở Nam Định
"Ai qua Nam Định chớ quên. Bánh gai đôi cặp hương quê làm quà. Sông bồi đất nở phù sa. Trái thơm quả ngọt bãi hoa tươi ... xem thêm...màu. Thủ công mĩ nghệ thiếu đâu. Biển cho muối mặn dân giàu cần lao. Bồi hồi tức cảnh ước ao. Câu thơ để ngỏ, đi nào,về thôi. Thiên Trường-sân bóng sáng ngời. Đậu lại bến cuối cái tôi Tự Hào" Đây là bài thơ ngẫu hứng của cô Lê Băng Tâm viết về mảnh đất Nam Định thân yêu. Là cái nôi của những làng nghề, để cho những người con Nam Định luôn thấy tự hào về quê hương mình - Nam Định. Để hiểu thêm về những văn hóa đặc trưng tại miền đất này, Toplist muốn giới thiệu với mọi người những làng nghề nổi tiếng trên mảnh đất Thành Nam yêu dấu.
-
Làng nghề làm phở
Không chỉ ở Nam Định, ngay tại Hà Nội cũng có thể dễ dàng tìm thấy quán phở đề biển "Phở gia truyền Nam Định". Tại sao phở Nam Định lại có sức hút đến thế, cùng tìm hiểu nào.
Tại xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực có đến tận 3 làng nghề làm phở, đó là: làng Vân Cù, làng Tây Lạc và làng Giao Cù. Đến đây bạn hỏi họ Cồ, họ Vũ làm phở ai cũng biết. Ở đây làm phở là lâu đời nhất, nhiều nhất và món phở bò cũng là độc nhất vô nhị. Người ta chọn loại gạo đã hết nhựa từ mùa trước sau đó đem nghiền được thứ bột vừa trắng vừa dai, đem tráng mỏng trên nồi hơi nước đun bằng than củi để được bánh phở.
Thịt bò phải lấy từ con bò đã trưởng thành, to khỏe, trọng lượng trong khoảng 3 đến 4 tạ một con thì nước dùng mới ngọt. Độ ngon của phở phụ thuộc lớn vào độ ngọt của nước dùng. Muối được dùng rất ít vì nó khiến phở có vị mặn chát, người ta thay thế muối bằng nước mắm. Nước mắm được lựa chọn kỹ vì nếu nước mắm không ngon thì nước phở sẽ vẩn đục cũng như bớt ngon đi một chút. Nồi xương hầm nhừ để lấy nước dùng phải thêm một ít gừng và hành khô. Thịt bò tươi sống được rửa thật sạch rồi đem đi luộc. Nếu nước luộc nổi bọt thì vớt ngay bọt đi. Sau khi thịt chín thì để thịt trong nồi một giờ đồng hồ mới vớt ra cho ráo nước. Thịt được thái và ướp gia vị dùng chung với bánh phở và nước dùng,...
Phở Cồ tức phở của dòng họ Cồ là nổi tiếng nhất nhưng ở Đồng Sơn các họ khác nấu phở cũng rất khéo, góp phần xây dựng và gìn giữ thương hiệu phở gia truyền Nam Định.
-
Làng nghề cây cảnh Vị Khê
Làng nghề cây cảnh Vị Khê thuộc xã Điền Xá, huyện Nam Trực. Ngôi làng này có tuổi nghề hơn 700 năm. Theo các cụ lớn tuổi kể rằng ông tổ nghề trồng hoa Tô Trung Tự đi đến Nguyễn Gia Trang (nay là làng Vị Khê) thì nhận thấy nơi đây đẹp, ruộng đồng màu mỡ, người dân chất phác, ông đã cho xây nhà để thỉnh thoảng ghé thăm. Không những thế, ông khuyến khích người dân ở đây mở rộng nghề nông, dạy họ trồng hoa, cây cảnh để làm sinh kế. Đến khi nhà Trần cho xây dựng cung Tức Mặc ở Nam Định thì làng hoa Vị Khê có điều kiện phát triển để cung cấp hoa cho cung đình. Từ đó về sau nghề hoa ở đây liên tục phát triển.
Ở Vị Khê, quất rất nhiều, thế cây lại đẹp, cứ mỗi độ xuân về quất ở đây được đưa đi đến mọi miền đất nước. Ngoài ra làng còn có nhiều loại hoa như phong lan, hồng trà, hải đường, đỗ quyên, thược dược, lay ơn,... Các loại cây cảnh nổi tiếng ở đây là : Vạn Tuế, Sanh , Si, Tùng La Hán, cau Vua,... Cây được uốn thành nhiều dạng, các tác phẩm tiêu biểu như tháp Effel, tháp Phổ Minh, chim Phượng Hoàng, chim Công,... luôn làm các du khách thích thú, ngỡ ngàng trước những sáng tạo, sự tài hoa của các nghệ nhân.
-
Làng nghề nước mắm Sa Châu
Làng Gòi tức làng Sa Châu thuộc xã Giao Châu, huyện Giao Thủy. Làng nghề nước mắm Sa Châu đã nổi tiếng từ thời vua Minh Mạng. Quanh làng lúc nào cũng dậy mùi nước mắm. Nhà nào cũng hàng hàng lối lối chum vại phơi quanh nhà. Với hơn một trăm hộ làm nghề, sản lượng nước mắm của làng hàng năm lên đến cả 500.000 lít. Thị trường tiêu thụ chủ yếu của nước mắm Sa Châu là trong địa bàn tỉnh và một số tỉnh kế bên như Hà Nam, Thái Bình, Ninh Bình.
Cá nhỏ và tép moi tươi ngon được lựa chọn kĩ để làm nguyên liệu. Mùa xuân sẽ dùng cá cá nục, mùa đông thì cá cơm vì trong khoảng thời gian này chúng béo nhất, mắm sẽ không bị đắng. Muối dùng để ướp cá là muối cũ để muối đã hết vị chát, mười tám cân muối đủ để ướp cho một tấn cá. Để cá chín ngấu tự nhiên, sau sáu tháng sẽ đưa ra lọc bằng vải xô đặt trên rổ tre để lọc ra nước mắm nguyên chất. Mắm được "nấu sương, nắng, gió" chứ không nấu lửa. Mắm sau khi lọc ra để phơi ngoài trời nắng cũng như sương đêm sáu tháng nữa những nhất quyết phải tránh mưa cho mắm. Sau sáu tháng này, mắm được rót vào chum đen, chôn ủ trong lòng đất ít nhất một năm mới đem ra dùng.
Mắm làng Gòi sánh như mật ong, trong tựa hổ phách, hương thơm, vị mặn ngọt dù ăn với cơm trắng cũng thấy ấm lòng.
-
Làng nghề nấu rượu Kiên Lao
Từ xa xưa thời chống Pháp, Làng nghề nấu rượu ở Tổng Kiên Lao đã nức tiếng Thành Nam. Tổng Kiên Lao nay là hai xã Xuân Tiến và Xuân Kiên, huyện Xuân Trường. Để nấu một mẻ rượu ngon, người Kiên Lao phải tỉ mỉ trong khâu chọn gạo, lấy men. Gạo nấu rượu là gạo nếp cái hoa vàng nổi tiếng ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Một mẻ rượu thường cho ra 6 đến 7 lít rượu từ 10 kg gạo. Đầu tiên, gạo được xóc kĩ để khỏi chua.
Đun nồi nước sôi rồi mới cho gạo vào sao cho mực nước cao hơn bề mặt gạo khoảng 1 phân. Khi cơm sôi lại thì phải đảo thật đều tay, đợi khoảng 5 phút rồi vùi cơm cho chín. Khoảng bốn tiếng sau, lấy cơm ra, đánh tơi và rắc men rượu lên. Sau đó cho cơm vào thùng nhựa, bịt kín lại để một tuần sau cơm lên men mới cho vào chum. Khi gạo rượu đã lên men thì tiến hành chưng cất để lấy rượu thành phẩm. Rượu này có vị thơm, cay ngọt, trong như nước suối rất hấp dẫn người thưởng thức.
Ngày nay làng chỉ còn một số gia đình nấu rượu để tự phục vụ địa phương. Làng nghề rượu nhưng chẳng mấy người nghiên thức uống này, người dân Kiên Lao rất chăm chỉ và sáng tạo, họ đã sản xuất ra những sản phẩm cơ khí xuất khẩu đi nhiều nước châu Âu. Và rượu truyền thống giờ chỉ dùng để nhâm nhi và bàn công chuyện chứ không để nhậu nhẹt say sưa.
Nếu bạn muốn tìm đường từ thành phố Nam Định về làng Kiên Lao thì hãy đi dọc theo tỉnh lộ 490 đi qua cầu Lạc Quần tầm 1 km sẽ đến xã Xuân Kiên, người dân sẽ chỉ cho bạn những gia đình vẫn còn giữ nghề nấu rượu.
-
Làng nghề nón lá Nghĩa Châu
Làng nghề nón lá Nghĩa Châu thuộc xã Nghĩa Châu, huyện Nghĩa Hưng. Hình ảnh các bà, các chị vui vẻ trò chuyện trong khi tay thoăn thoắt khâu nón đã trở nên quen thuộc trong làng. Người làm nón phải là người tài hoa, khéo léo, kiên trì và có óc thẩm mỹ cao mới có thể làm ra những chiếc nón vừa bền vừa đẹp.
Lá để làm nón được tẽ ra, đem phơi nắng, hấp diêm sinh để tạo độ trắng ngà và chống mốc khi đi mưa. Sau đó từng là nón được đặt lên trên mặt của lưỡi cày đã nung nóng, dùng miếng lót tay để vuốt cho thẳng ra, tay vuốt phải đều. Tiếp đến, người thợ làm nón sẽ xếp lá lên khuôn, hai lớp lá nón được xen giữa bằng một lượt mo nang và khâu. mũi khâu phải thật đều và khít.
Nón hoàn chỉnh vừa bền đẹp và được trang trí nhiều họa tiết bắt mắt. Nếu bạn ở xa muốn ghé thăm để tham quan và mua nón là quà thì hãy về thành phố Nam Định rồi đi dọc theo đường tỉnh lộ 490 khoảng 17 km rồi hỏi thăm người dân là sẽ đến được Nghĩa Châu.
-
Làng nghề làm đèn ông sao Báo Đáp
Làng nghề làm đèn ông sao Báo Đáp thuộc xã Hồng Quang, huyện Nam Trực. Đây là làng nghề duy nhất và lâu đời nhất làm đèn ông sao ở Việt Nam. Từ những năm 50 của thế kỉ 20, các loại đèn ông sao, hoa giấy, hoa nilon đã có mặt ở các phiên chợ thuộc các tỉnh miền Bắc. Và nghề làm đèn ông sao đã trở thành nghề phụ của cả làng Báo Đáp trong mỗi dịp Tết Trung thu sắp về.
Các vật liệu để làm đèn gồm: tre nứa, giấy bóng kính, xương đay để làm cán. Người ta đem tre nứa đã vót cột lại với nhau bằng dây kẽm để tạo khung sau đó dán giấy bóng kính lên và cuối cùng là vẽ. Nghe có vẻ đơn giản nhưng mỗi công đoạn đều cần sự tỉ mỉ, kiên trì của người thợ. Để đèn căng tròn, không bị gãy thì tre phải được ngâm lâu để nan đủ dẻo. Có ba loại đèn chính theo kích cỡ đường kính: 30cm, 40cm và 50cm nên nan tre cũng được vót và phân loại theo kích thước này. Giấy bóng kính trắng được mua về rồi ngâm nhuộm thành màu đỏ, vàng tùy ý. Nhuộm xong, đem cắt thành hình ngôi sao 5 cánh đều tăm tắp. Hồ dán được quệt lên khung rồi dán giấy bóng kính lên, vòng tre tròn quanh ngôi sao cũng được quấn tua rua cẩn thận. Sau khi hoàn thành, đèn được đem phơi cho khô hồ dán rồi chia lô thành 100 chiếc một lô đem đi bán. Thị trường tiêu thụ đèn hầu như trên khắp cả nước và chủ yếu ở thành phố Nam Định, Hải Phòng, Hà Nội.
Dù nghề chỉ làm trong vỏn vẹn hai tháng trong năm nhưng sự rực rỡ lung linh của những chiếc đèn là minh chứng cho sức sống của làng nghề truyến thống này. Nếu bạn muốn ghé thăm làng hãy đi dọc đường tỉnh lộ khoảng 10 km từ thành phố Nam Định, hỏi thăm là sẽ đến.
-
Làng nghề mây tre đan Thạch Cầu
Làng nghề mây tre đan Thạch Cầu thuộc xã Nam Tiến, huyện Nam Trực. Ở nơi đây, từ các cụ già đã ngoài bảy mươi đến những đứa trẻ mới lên mười đều có thể thoăn thoắt đan tre, thế nên nghề đã phát triển hàng trăm năm nay. Tre và mây nguyên liệu phải già, tre có dóng dài, càng thẳng càng tốt. Tre nứa được chặt về, ngâm dưới ao ít nhất một tháng để chống mối mọt mới được mang lên chẻ vót.
Những gióng thẳng được làm nan chính, ngọn và gốc để làm cạp và nan dát. Công đoạn chẻ nan phải làm liên tục và nhanh vì để lâu tre sẽ bị khô. Những sợi mây già được chẻ mỏng, phơi cho săn rồi lại ngâm nước cho mềm, lột một lần nữa cho mỏng. Người thợ dùng dao cán dài, sống dao dày, lưỡi sắc tách tre ra thành từng nan mỏng từ 1 đến 2 mm. Nan được đan thành phên, chêm cho chặt, xong đem ra lò hun khói để lên màu cánh gián là đạt yêu cầu. Thường những người đàn ông sẽ đảm nhiệm việc chẻ nan, uốn cạp, nứt mây và hun còn người già, trẻ em và phụ nữ sẽ đan phên và đem ra chợ bán.
Ở đây thường có câu truyền miệng "Thúng Thạch Cầu đứng đầu thiên hạ" cũng là có lí do. Đến thăm làng hoặc mua sản phẩm bạn đi dọc theo tỉnh lộ 490 khoảng 10 km từ thành phố Nam Định rồi hỏi thăm đến Thạch Cầu.
-
Làng tơ Cổ Chất
Xưa có câu: "Nam Định có bến đò Chè - Có tàu Ngô Khách, có nghề ươm tơ". Làng tơ Cổ Chất thuộc xã Phương Định, huyện Trực Ninh từ lâu đã nổi tiếng với nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa. Theo các cụ già trong làng kể lại rằng làng đã có nghề tơ tằm ở đây đã có từ lâu. Đến thời Pháp thuộc tức khoảng đầu thế kỉ XX, tư bản Pháp cho xây dựng một nhà máy ươm tơ ngay đầu làng để tận dụng những lao động lành nghề ở đây.
Từ đây nghề ươm tơ của làng bắt đầu phát triển mạnh. Con buôn từ nhiều nơi đến mua tơ đem bán ở bến Đò Chè, một khu sầm uất trong thời kì trước 1945. Trải qua chiến tranh, lò tơ sụp đổ nhưng người dân vẫn giữ nghề cho đến ngày nay. Kén tằm được thu mua trong tỉnh hoặc các vùng lân cận như Thái Bình, Thanh Hóa. Nồi luộc kén được đun sôi nghi ngút khói rồi thả kén vào, khỏa nước liên tục để đủa lên những bà tơ kéo sợi, sợi chui qua một lỗ nhỏ rồi cuốn vào guồng quay. Những người phụ nữ hiền hòa, chất phác ôm những bó tơ vàng, tơ trắng óng ả ra phơi trên những sào tre.
Tơ thương phẩm được xuất đi các vùng dệt lụa như làng lụa Vạn Phúc (Hà Nội) và xuất khẩu sang cả Lào, Campuchia, Thái Lan. Đi 21 km theo đường Quốc lộ 21 từ thành phố Nam Định khoảng hơn 20 km là bạn đã có thể tìm đến làng tơ Cổ Chất, tản bộ bên bãi dâu ven bờ sông Ninh Cơ, nghe tiếng gió vi vu, và ngắm nhìn làng tơ hầu như chỉ có hai màu vàng trắng óng ả.
-
Làng nghề đúc đồng Tống Xá
Làng nghề đúc đông Tống Xá thuộc xã Yên Xá, Vạn Điểm, Thị trấn Lâm, huyện Ý Yên. Làng nghề này đã tồn tại hơn 900 năm từ đầu thế kỷ XII, ông tổ nghề đúc đồng là ông Nguyễn Minh Không đã truyền lại nghề chon người dân ở đây. Các sản phẩm truyền thống của làng là lư đồng, tượng đồng, đồ lưu niệm được sử dụng trong đời sống hàng ngày mà lại có tính nghệ thuật cao.
Những tác phẩm nổi tiếng của làng đúc đồng Tống Xá là: tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ trong dịp kỉ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tượng vua Lý Thái Tổ trong dịp lễ kỉ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội, tượng 14 vị Vua thời Trần đặt tại khi di tích lịch sử văn hóa Thiên Trường, tượng Phật tổ Như Lai 35 tấn đặt tại núi Non Nước (Sóc Sơn, Hà Nội), tượng Tam thế Phật tổ Như Lai 50 tấn ở chùa Bái Đính (Ninh Bình),...
Tới Tống Xá bạn sẽ hòa vào tiếng reo của ngọn lửa đúc, thấy những lò lửa đỏ rực, được gặp những nghệ nhân tài hoa đang miệt mài chế tác. Đi dọc tuyến quốc lộ 10 (bạn có thể đi bằng tàu đường sắt Bắc Nam), dừng chân ở nơi tiếp giáp giữa hai tỉnh Nam Định và Ninh Bình hỏi thăm làng đúc đồng Tống Xá là ai cũng biết.
-
Làng nghề sơn mài Cát Đằng
Làng thuộc xã Yên Tiến, huyện Ý Yên. Sử sách ghi lại rằng, hai ông tên là Đinh Ba và Ngô Dũng (là quan triều nhà Đinh) đến làng ở và dạy nghề cho người làng vào thế kỉ XI. Trải qua bao thăng trầm, làng nghề sơn mài Cát Đằng vẫn đang được gìn giữ và phát triển. Những cây nứa bánh tẻ không quá non, cũng không quá già đem ngâm nước ít nhất 6 tháng để tránh mối mọt và tăng độ dẻo dai.
Sau đó, người ta vớt tre lên mang đi vót và đánh bóng nan tre, đem đặt vào khuôn rồi quết một lớp keo lên mài miết đến khi sản phẩm nhẵn bóng, đủ mỏng mới thôi. Trước kia, người thợ mài thủ công phải mất 3 tháng mới xong 1 sản phẩm, giờ đã có máy móc nên chỉ mất vài ba ngày. Nhưng đây mới là sản phẩm thô, các nghệ nhân sẽ trang trí thêm các hoa văn, pha màu và phun sơn để hoàn thiện sản phẩm.
Bí quyết phun sơn và pha màu chỉ có người làng mới biết, không truyền dạy ra bên ngoài. Các đồ trang trí trong cung đình Huế, Hà Nội xủa hầu hết là do bàn tay tài hoa của các nghệ nhân làng Cát Đằng làm ra. Làng nằm giữa hai tuyến đường sắt và đường bộ xuyên Việt nên bạn đi dọc tuyến đường này về đến đoạn Nam Định hỏi thăm làng sơn mài Cát Đằng là tới.
-
Làng nghề làm miến, bánh đa thôn Phượng
Thôn Phượng thuộc xã Nam Dương, huyện Nam Trực. Ở đây từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm miến, bánh đa thôn Phượng. Đến năm 2013, làng đã được nhận giấy chứng nhận làng nghề truyền thống. Ở đây làm 2 loại miến: miến gạo và miến dong. Làm ra 1 tấn miến gạo cần 1,2 đến 1,3 tấn gạo, làm ra 1 tấn miến dong cần 1,6 đến 1,8 tấn bột dong. Bột sau khi sơ chế, tráng thành bánh, đem hấp chín rồi phơi ra ánh nắng mặt trời sau đó đem về dùng máy cán thành sợi. Sau khi cán sợi miến được phơi một nắng nữa để khi ăn sợi miến vừa mềm lại có độ giòn tự nhiên, sợi đẹp, mùi thơm.
Ngoài nghề làm miến, bánh đa thôn Phượng nổi tiếng với nghề làm bánh đa. Đây là bánh đa theo chiếc chứ không phải miến bánh đa để nấu. Người làng chọn loại gạo tẻ ngon đem ngâm từ 12 đến 13 tiếng sau đó đem xay 2 lần bằng máy xay bột để được một thứ bột nhuyễn mịn, lọc hết bụi bẩn, sờ vào mát da tay. Sau đó cho bột nở vào với lượng phù hợp, luyện cho nhuyễn rồi đem đi tráng bánh. Khâu tráng bánh thường dành cho những người khéo tay vì tráng bánh phải nhẹ tay, đều phụ gia (vừng), bánh phẳng, có đường kính tầm 40 cm. Bánh sau đó được đem phơi hai nắng cho khô kiệt. Khâu cuối cùng là đem quạt trên than hoa để tạo hình dáng cho bánh. Những chiếc bánh ra lò đều đặn, không méo mó lại rất giòn, vị béo bùi của vừng rang lại thơm phức, hấp dẫn.
Thị trường tiêu thụ miến, bánh đa của làng đã lan rộng từ Hà Nội, Thái Bình, Hải Phòng, Sơn La,... cho tới một số tỉnh phía Nam. Bạn đi dọc tỉnh lộ từ phía thành phố Nam Định khoảng gần 20 km hỏi về thôn Phượng, xã Nam Dương, người dân sẽ chỉ đường cho bạn.
-
Làng nghề đồ gỗ- La Xuyên
Từ thành phố Nam Định đi dọc theo tuyến quốc lộ 10 hướng Ninh Bình chạy thẳng khoảng 20km và nhìn sang phía bên trái, bạn sẽ đến làng nghề đồ gỗ La Xuyên – một làng nghề nổi tiếng với những sản phẩm đồ gỗ điêu khắc truyền thống lâu đời.
Sản phẩm gỗ điêu khắc La Xuyên được sản xuất từ các loại gỗ tự nhiên, có giá trị thẩm mỹ và độ bền cao đa dạng như: gỗ gụ, gỗ trắc gỗ hương, gỗ mít, gỗ dổi, gỗ mun,...Mỗi sản phẩm là một tác phẩm nghệ thuật được kết tinh từ đôi tay khéo léo, kinh nghiệm và một tâm huyết với nghề của những nghệ nhân từ làng nghề gỗ La Xuyên. Các sản phẩm được thiết kế hoài hòa giữa phong cách hiện đại và truyền thống phù hợp với từng không gian riêng trong gia đình, biệt thự, nhà hàng, khách sạn, resort.. được thiết kế hài hòa theo phong cách hiện đại kết hợp với truyền thống tạo nên một vẻ đẹp tiềm ẩn trong mỗi một sản phẩm.
Công việc của người thợ chạm thì công phu hơn, họ chế mẫu can hình, đóng nhận để định hình, để xác nhận phần gỗ bỏ, rồi đục, gọt nhẵn, nạo, tỉa tách và đánh bóng…mỗi công đoạn này đều đòi hỏi kỹ thuật, tay nghề điêu luyện, đôi mắt tinh và trí sáng tạo mới có thể làm nên được những sản phẩm rất tinh tế này.
Nghề mộc truyền thống ở La Xuyên mà đỉnh cao là nghệ thuật chạm khắc đã đạt đến độ hoàn hảo. Người thợ nơi đây đã từng đi khắp nơi để làm đẹp cho biết bao làng quê. Sản phẩm lớn của họ là những công trình kiến trúc với toà ngang dãy dọc được mở rộng ra về mặt bằng và nâng cao chiều cao lên với những mái cong cổ kính. Sản phẩm phong phú và thông dụng như hương án, bát biểu, tượng, cửa, võng, sập gụ, tủ chè đều thể hiện trình độ kỹ thuật cao. -
Làng nghề dệt thủ công Cổ Chất
Làng nghề dệt Cổ Chất nằm ven dòng sông Ninh tại xã Phương Định, huyện Nam Trực, cách trung tâm thành phố Nam Định khoảng 30km. Nơi đây nổi tiếng với nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa. Từ thành phố Nam Định theo quốc lộ 21 hoặc xuôi theo dòng sông Hồng khoảng 20 km về phía Đông nam du khách tới thăm làng dệt lụa Cổ Chất.
Đây là làng nghề truyền thống có từ khá lâu của Nam Định. Suốt chiều dài lịch sử vài trăm năm sinh tồn với nghề dâu tằm, Cổ Chất trở thành một làng nghề nổi tiếng khắp vùng miền gần xa. Mỗi gia đình ở đất này có thể ví như một lò ươm tơ. Người Cổ Chất có phong thái tao nhã hiền hòa, sớm hôm cần mẫn bên nong dâu, bên nong tằm né kén.
Tơ Cổ Chất đã nổi tiếng hàng thế kỷ qua. Vào đầu thế kỷ XX, Tư bản Pháp đã xây một nhà máy ươm tơ ở ngay đầu làng Cổ Chất để khai thác kỹ năng lao động và tiềm năng vùng dâu tằm sông Ninh. Năm 1942, Chính phủ phong kiến Nam triều mở hội chợ đấu xảo ở Hà Nội, thu hút tài hoa vào nơi phù hoa Hà Nội xưa. Ông Phạm Ruân ở làng tơ Cổ Chất đem tơ của làng minh lên Hà Nội dự đấu xảo. Tơ Cổ Chất lừng danh từ đó và ông Phạm Ruân được Phủ Thủ Hiến Bắc Kỳ đương thời phong: " Cửu phẩm công nghệ". Bao năm qua rồi, chiến tranh tàn phá nương dâu, lò ươm sụp đổ, thiên tai làm hư hại đất dâu tằm sông Ninh, nhưng cho dù bao phen thăng trầm của lịch sử thì tơ Cổ Chất vẫn là sản vật quý cho tỉnh Nam Định xưa và nay
Những cuộn tơ sống sau khi được phơi khô, sẽ được đem đi se sợi. Tơ thành phẩm thường chia làm 3 loại: Tơ tốt nhất gọi là sợi mốt, kế đến là sợi mành và cuối cùng là sợi đũi. Các thương lái đến mua ở tận làng, chuyển đi các vùng dệt lụa lân cận Hà Nội, tuy nhiên, tơ Cổ Chất phần nhiều xuất khẩu ra các nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Thái Lan và Trung Quốc.
Vọng về đâu đây câu hát " Hỡi cô thắt dải lưng xanh theo anh về Nam Định cùng dệt lụa ươm tơ. Đám cưới trên chiếc thuyền nan, ấy bồng bềnh trên bến Đò Quan". -
Làng nghề làm muối Bạch Long
Xã Bạch Long, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, là nơi có nghề làm muối truyền thống với cánh đồng muối lớn nhất miền Bắc, rộng tới 230 ha, cung cấp sản lượng lên đến hàng chục nghìn tấn mỗi năm.
Để biến nước biển thành những hạt muối trắng tinh là cả một quá trình lao động cực nhọc. Người làm muối bắt đầu ra đồng từ sáng sớm, khi mặt trời còn chưa mọc và kết thúc ngày làm việc khi chiều tối, lúc mặt trời đã lặn. Cách làm muối ở Bạch Long không phơi trực tiếp nước biển như ở miền Trung hay miền Nam mà làm bằng phương pháp phơi cát. Dù cuộc sống lao động làm muối rất nhọc nhằn nhưng những diêm dân vẫn gắn bó với nghề, cần cù làm ra những hạt muối trắng tinh cho đời.
Cánh đồng muối Bạch Long nằm cách thành phố Nam Định khoảng 60 km, cách thủ đô Hà Nội hơn 100 km. Là vùng ven biển với nguồn nước mặn dồi dào nên Bạch Long không có nghề trồng lúa nước như các vùng quê khác mà là xã độc canh nghề làm muối. Để trải nghiệm nghề làm muối, du khách nên đi vào mùa hè, từ tháng 4 đến tháng 7 để có được những bức ảnh đẹp với đồng muối cùng những diêm dân cần cù lao động. -
Làng rèn Vân Chàng
Làng rèn Vân Chàng, xã Nam Giang, huyện Nam Trực. Tương truyền, vào đời vua Trần Nhân Tông (1279-1293), nghề rèn đã được du nhập vào Vân Chàng. Khi đó làng có 15 cụ tổ thuộc 15 dòng họ gồm Đoàn, Trần, Vũ, Nguyễn, Đỗ, Ngô... được sáu ông thầy từ nơi khác đến truyền dạy. Để ghi nhớ công lao, quê hương Vân Chàng đã tôn sáu ông thầy dạy nghề là Lục vị Thánh sư, lập đền thờ làm Thành hoàng của làng
Thời xa xưa Vân Chàng chỉ sản xuất được một số mặt hàng đơn điệu mang tính thủ công như dao, kéo, bản lề, đinh, ốc vít, bếp kiềng, cuốc xẻng, răng cào... Mấy chục năm trở lại đây, làng nghề Vân Chàng từng bước phát triển. Sản phẩm của họ một phần đã được cơ giới hóa với kỹ nghệ tinh xảo, mẫu mã đẹp đạt độ bền cao trong sử dụng, nhất là các phụ tùng xe đạp. Chính nhờ những mặt hàng này, trên chục năm trước hai hợp tác xã Tân Tiến và Tiền Tiến của đại phương trở thành đơn vị tiên tiến xuất sắc trong ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.
Do cơ chế thị trường, hai hợp tác xã cơ khí đã giải thể, song nghề cơ khí ở Vân Chàng lại phát triển chưa từng có. Vân Chàng không thiếu người giỏi tay nghề và hầu hết những tay nghề giỏi đều có nhà xưởng sản xuất. Nhờ thế đời sống người dân Vân Chàng luôn tăng trưởng, nhà cửa xây cất khang trang
Mọi phế liệu được chuyển về Vân Chàng, đều trở thành đồ vật hữu ích, đạt hiệu quả sử dụng cao. Ngày ngày, hàng của Vân Chàng đi khắp nơi trong nước, sang cả Lào, Campuchia.
Trung Thành Nguyễn 2019-03-31 16:02:03
Bài viết được chọn làm video cho kênh youtube của Toplist. Thanhks tác giả