Top 10 Nhà thờ đẹp nhất ở Nam Định

Ran Mori 39352 5 Báo lỗi

Du lịch Nam Định là điều rất tuyệt vời cho những ai yêu thích nhà thờ. Bởi Nam Định là một trong những tỉnh có nhiều nhà thờ đẹp nhất Việt Nam. Du lịch Nam ... xem thêm...

  1. Nhà thờ Bùi Chu được xây dựng vào năm 1885 bởi Đức Giám mục Wenceslao Onate Thuận (1884) với chiều dài 78m, rộng 22m, cao 15m, tháp cao 35m. Trải qua hơn 100 năm, ngôi nhà thờ này vẫn đứng vững với những cột gỗ lim và những đường nét hoa văn mang dấu ấn kiến trúc phương Tây. Trên gian cung thánh là nơi an nghỉ của 7 vị Giám mục đã từng coi sóc giáo phận Bùi Chu (Đức cha Wenceslao Oñate Thuận, Đức cha Pedro Muñagorri Trung, Đức cha Đa Minh Hồ Ngọc Cẩn, Đức cha Giuse Phạm Năng Tĩnh, Đức cha Đa Minh Lê Hữu Cung, Đức cha Giuse Vũ Duy Nhất và Đức cha Giuse Hoàng Văn Tiệm).


    Nhà thờ Chính Tòa Bùi Chu nổi bật với gam màu thổ hoàng; dưới là hàng cột lim đen bóng đặt trên các trụ đá cổ bồng trạm trổ tinh tế; trên là mái vòm hình ô – van đậm phong cách kiến trúc Ba-rốc ( tiếng Bồ Đào Nha, nghĩa là những viên ngọc quý) nhưng vẫn gợi dáng dấp tam quan Đông Phương cổ kính.


    Phía đầu nhà thờ là cổng vào Tòa Giám Mục Bùi Chu, nơi đây có Tháp đồng hồ. Chiếc đồng hồ cổ kính của Pháp được sản xuất riêng cho nhà thờ Bùi Chu vào năm 1922. Để tạo thế năng, đồng hồ dùng 3 quả tạ bằng kim loại, mỗi quả chừng 50 kg. Quả tạ để làm chuyển động các bánh răng chạy giờ, đánh nhạc mỗi 15 phút và đánh giờ. Chuông của đồng hồ có đường kính 1m được điêu khắc tinh xảo, tiếng chuông ngân vang xa, từ 2-4 km vẫn có thể nghe thấy. Chiếc đồng hồ cổ này đến nay vẫn đang chạy rất tốt và là một trong những chiếc đồng hồ cổ đặt trên tháp nổi tiếng nhất Việt Nam hiện nay.


    Nhà thờ Bùi Chu nằm trong quần thể các công trình của Tòa Giám Mục Bùi Chu. Hàng năm thường có rất nhiều du khách thập phương về thăm nhà thờ và chiêm ngưỡng những nét kiến trúc tiêu biểu, đồng thời tìm hiểu lịch sử vùng giáo xứ Bùi Chu.

    Nhà thờ Bùi Chu
    Nhà thờ Bùi Chu
    Nhà thờ Bùi Chu
    Nhà thờ Bùi Chu

  2. Nhà thờ Phú Nhai nằm ở trung tâm xã Xuân Phương, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Nhà thờ Phú Nhai là tên gọi của một nhà thờ Công giáo Rooma, thuộc Giáo phân Bùi Chu. Nhà thờ không chỉ nổi tiếng bởi vẻ đẹp mà có nổi tiếng là một trong những nhà thờ có diện tích lớn và rộng nhất Việt Nam.


    Khám phá nhà thờ Phú Nhai, bạn sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước lối kiến trúc Gothic và cách trang trí nhà thờ. Đó là những bức tượng được đắp nổi trên cửa, bên hông nhà thờ cùng với các hàng chữ nho trang trí đã tạo nên một nét riêng biệt cho nhà thờ. Nhà thờ gốc có phong cách kiến trúc Gothic đậm dấu ấn Tây Ban Nha, sau được xây lại theo phong cách kiến trúc Gothic nước Pháp. Nhà thờ có kích thước: dài 80 mét, rộng 27 mét, cao 30 mét. Hai tháp chuông cao 44 mét đặt 4 quả chuông được đúc từ Pháp chuyển sang với trọng lượng là: 2.000 kg - 1.200 kg – 600 kg và 100 kg.


    Mặt tiền nhà thờ từ ngoài vào, bên phải có tượng đài Thánh Đaminh cao 17m, riêng phần tượng cao 2,3m. Bên trái có Lăng lưu trữ hài cốt của 83 người tử đạo thuộc họ đạo xứ Phú Nhai cao 15m. Xung quanh nhà thờ có các phù điêu thể hiện 14 Đàng Thánh Giá.


    Khi khách tham quan đứng trên ngọn tháp cao của nhà thờ Phú Nhai sẽ được chiêm ngưỡng được toàn cảnh của Huyện Xuân Trường. Năm 2008 Đền thánh Phú Nhai được nâng lên hàng thành Tiểu Vương cung Thánh đường (Minor Basilica). Nhà thờ Phú Nhai không chỉ là một công trình tín ngưỡng, điểm tham quan du lịch của du khách thập phương mà còn là công trình ghiên cứu của các kiến trúc sư và các nhà nghiên cứu văn hóa… Còn với những người con tại Xuân Phương, nhà thờ Phú Nhai thực sự là một công trình khiến họ tự hào và là thánh đường để họ hướng đến mỗi khi tiếng chuông ngân vang.

    Nhà thờ Phú Nhai
    Nhà thờ Phú Nhai
    Nhà thờ Phú Nhai
    Nhà thờ Phú Nhai
  3. Giáo xứ Kiên Lao được thành lập ngay từ thế kỷ XVI-thời gian đầu tiên Tin Mừng đến Đất Việt. Qua Công đồng Phố Hiến diễn ra vào ngày 23/12/1673, Giáo phận Đàng Ngoài được chia làm 5 xứ đạo, Kiên Lao là 1/5 xứ đạo đầu tiên đó và có khoảng 5283 tín hữu. Năm 1670, Đức cha Lambert de la Motte chọn Kiên Lao là trung tâm điểm truyền giáo. Từ đây, ngài lập Dòng Mến Thánh Giá đầu tiên. Cũng năm đó, Đức cha Lambert đã truyền chức linh mục cho cha Simon Kiên (Kiên Lao), là một trong những linh mục đầu tiên người bản địa Việt Nam. Trong thời kỳ khó khăn của Giáo hội Việt Nam, Kiên Lao cũng là nơi cư trú, lánh nạn của nhiều vị thừa sai.

    Năm 1997, nhà thờ Kiên Lao được Đức cha Giuse Maria Vũ Duy Nhất xức dầu và nâng lên bậc Đền thánh dâng kính Thánh Gia Thất. Trước đó, giáo xứ Kiên Lao nhận Đức Mẹ Mân Côi làm Quan thầy. Hiện nay, Giáo xứ Kiên Lao có 9215 nhân danh, là giáo xứ lớn nhất và đông nhất giáo phận (2014), gồm có 12 giáo họ.

    Đầu tháng 7/2015, Đức cha Tôma đã chính thức nâng Thánh Danh thành giáo xứ Thánh Danh, với 2700 giáo dân. Bổn mạng: Chúa Giêsu Hài Đồng. Cha Phaolô Đinh Quang Tiến, coi sóc giáo xứ từ 2014 đến nay.


    Nhà thờ Đền thánh Kiên Lao nằm ở xã Xuân Tiến, huyện Xuân Trường, Nam Định. Nằm cách thủ đô khoảng 95 km, nhà thờ này rất lớn, giáo dân đông đúc và giàu có vào bậc nhất trong Giáo phận. Nhà thờ Kiên Lao đẹp với dòng nước trong vắt của hồ, dãy đèn đường sáng, không gian kiến trúc đậm phương Tây.Giáo xứ Kiên Lao là một Giáo xứ lớn của Giáo phận Bùi Chu. Là giáo xứ có truyền thống sống Đạo lâu đời với Đức Tin kiên trung, với thế hệ cha ông có tinh thần đoàn kết đã tự bàn tay mình xây dựng lên ngôi Thánh Đường nguy nga tráng lệ.


    Năm 1997, lúc đó ngôi Thánh Đường hoàn thành đã được Đức Cha Giuse Maria Vũ Duy Nhất cắt băng khánh thành và xức Dầu Thánh Hiến nâng lên thành Đền Thánh nhằm dâng kính Gia Đình Thánh: Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh cả Giuse.

    Nhà thờ Kiên Lao
    Nhà thờ Kiên Lao
    Nhà thờ Kiên Lao
    Nhà thờ Kiên Lao
  4. Nhà thờ Giáo xứ Trung Linh thuộc Giáo phận Bùi Chu, được xây dựng năm 1928, là một nhà thờ lớn với số giáo hữu đông đảo, nằm cách Toà Giám mục Bùi Chu khoảng 1,5km. Giáo phận Bùi Chu là giáo phận Công giáo Roma tại Việt Nam, có nhiều xứ đạo lâu đời và gắn liền với nhiều sự kiện quan trọng liên quan đến lịch sử hình thành và phát triển của Công giáo tại Việt Nam. Tuy là giáo phận có diện tích nhỏ nhất ở Việt Nam nhưng giáo phận Bùi Chu có số lượng cũng như mật độ khá cao.


    Giáo xứ Trung Linh có lịch sử hình thành và phát triển từ rất lâu, khi Tin Mừng mới được loan báo trên quê hương Việt Nam này. Từ đó, đức tin và đời sống đạo đức của bà con giáo dân nơi đây mỗi ngày một thăng tiến, trở thành một trong những giáo xứ lớn sầm uất nhất của giáo phận Bùi Chu.


    Trong khuôn viên nhà thờ có một ngôi nhà nguyện để làm nơi Chầu Thánh Thể Chúa, nhờ đó đã thôi thúc mọi thành phần trong giáo xứ cố gắng sống đạo với niềm tin vững vàng và lòng nhiệt thành vì Chúa và tha nhân. Ngoài ra, Nhà thờ còn có sự hiện diện và phục vụ của nhà Mẹ của Hội Dòng Mân Côi Bùi Chu, được Đức cha Đa Minh Hồ Ngọc Cẩn thành lập năm 1946, là Hội Dòng đầu tiên của Bùi Chu được thành lập theo giáo luật.

    Nhà thờ Trung Linh
    Nhà thờ Trung Linh
    Nhà thờ Trung Linh
    Nhà thờ Trung Linh
  5. Nhà thờ giáo xứ Thánh Danh thuộc xã Xuân Trung, Xuân Trường. Nơi đây có những bức tranh trang trí đắp nổi nói về các điển tích trong Kinh thánh rất đẹp và tự nhiên. Nhìn từ xa, nhà thờ nổi bần bật với kiến trúc cầu kỳ và đồ sộ.


    Nhà thờ Giáo xứ Thánh Danh là một điển hình tiêu biểu cho lối kiến trúc Phục Hưng trong quá trình Việt Nam giao thương với phương Tây cuối thế kỉ XVI. Với những ai thích tìm hiểu kiến trúc phương Tây thì ắt hẳn đây là một nơi lí tưởng để bạn thực hiện điều ấy. Hiện nay, nhà thờ Giáo xứ Thánh Danh tọa lạc xã Xuân Tiến, huyện Xuân Trường.


    Giáo xứ Thánh Danh trước đây là Giáo họ Kính Danh - giáo họ có số nhân danh đông nhất trong các Giáo họ của Giáo xứ Đền thánh Kiên Lao. Nhưng vì sự lớn mạnh không ngừng của Giáo họ và để hướng tới sự phát triển lâu dài trong tương lai, Giáo họ đã được Đức Giám Mục giáo phận nâng Giáo họ lên một tầm cao mới để thuận lợi cho việc sinh hoạt các nghi lễ với tên gọi: Cộng đoàn Thánh Danh.

    Trải qua lịch sử phát triển lâu dài, ngôi Thánh đường cũ của giáo họ đã xuống cấp trầm trọng và trở nên nhỏ bé, không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt các nghi lễ của Giáo họ nữa. Với lòng mến Chúa và Đức Mẹ cùng với tinh thần đoàn kết gắn bó giữa các gia đình trong Giáo họ cũng như những người có tấm lòng vàng trong và ngoài Giáo xứ, năm 2004, Cộng đoàn Thánh Danh đã bắt tay vào khởi công xây dựng ngôi Thánh đường mới. Nhờ Ơn Chúa và Đức mẹ ban, sau gần 5 năm thi công liên tục, một ngôi Thánh đường mới của Giáo họ đã được hoàn thành với vẻ đẹp huy hoàng tráng lệ. Đây thật là niềm tự hào lớn lao của những người dân thuộc Cộng đoàn Thánh Danh.


    Nhà thờ Thánh Danh
    Nhà thờ Thánh Danh
    Nhà thờ Thánh Danh
    Nhà thờ Thánh Danh
  6. Nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội được người dân Nam Định quen gọi là Nhà thờ Lớn cho dù đây không phải là nhà thờ chính tòa, cũng không phải là vương cung thánh đường. Đây là nhà thờ của giáo xứ Nam Định thuộc Tổng giáo phận Hà Nội, nên cũng được coi là trung tâm tín ngưỡng Công giáo của thành phố Nam Định, cùng với Nhà thờ Khoái Đồng thuộc Giáo phận Bùi Chu.

    Nhà thờ đầu tiên được dựng bằng đá vào khoảng năm 1895 bởi các vị linh mục Pháp và Ý theo lối Gothic, năm 1968 nhà thờ bị bom hư hỏng nặng, năm 1973 được tu sửa lại. Sau phát triển thành giáo khu án ngữ bến Đò Quan (nay là giao điểm cầu Đò Quan và đường Trần Hưng Đạo thành phố Nam Định), nhà thờ được sửa lại theo kiến trúc Gothic. Trong khuôn viên Nhà thờ có quần thể thánh tượng, hang đá Bethlehem và tượng đài Thánh Mẫu bằng đồng đen, cửa tháp chuông quay mặt về hướng Tây.

    Trước khi nội ô chuyển về Quảng trường Mồng Ba Tháng Hai, vị trí này giữ vai trò trung tâm thành phố với các hoạt động thương mại nhộn nhịp tại phố Tàu. Nhà thờ cùng với chợ Rồng, chùa Vọng Cung và đền Voi Phục thành khu vực Phố Cổ của thành phố Nam Định.


    Toạ lạc trên bến Đò Quan, mặt chính của nhà thờ quay ra phố Trần Hưng Đạo – con phố trung tâm của Thành Nam. Phía trước nhà thờ là một quảng trường rộng, có bồn hoa, tượng đài Đức Mẹ Maria bằng kim loại, sân hành lễ và đường kiệu. Nhà thờ tuy không quá lớn nhưng luôn mang dáng vẻ uy nghi vững chãi, và từ lâu đã được coi như trung tâm của đạo Thiên Chúa tại TP Nam Định, là nơi luôn tổ chức các ngày lễ lớn. Đến với Nam Định, bạn không thể không ghé thăm ngôi Thánh Đường cổ kính này.


    Nhà thờ lớn Nam Định
    Nhà thờ lớn Nam Định
    Nhà thờ lớn Nam Định
    Nhà thờ lớn Nam Định
    Hoa Truong 2016-10-27 11:19:27
    Nhớ Nam Định quá
  7. Nhà thờ Khoái Đồng (còn có tên khác là Khói Đồng) tọa lạc tại 127 đường Lê Hồng Phong, tỉnh Nam Định. Nhà thờ Khoái Đồng cùng với nhà thờ Chánh toà của Đà Lạt là 2 nhà thờ duy nhất ở Viêt Nam thờ Thánh Nicolas – một vị thánh mà theo truyền thuyết Thiên Chúa giáo chính là ông già Noel. Nhà thờ Khoái Đồng có diện tích 5.800 m2, được khởi công xây dựng năm 1934 cùng với Giáo Hoàng Chủng Viện Thánh Alberto Cả (nay là trường giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Cừ) và trường Sư phạm Saint Thomas (nay là trường THPT Nguyễn Khuyến).


    Nhà thờ xây dựng theo lối kiến trúc Gôtic cổ được coi là 1 trong những kiến trúc độc đáo bậc nhất tại Việt Nam với mái vòm cong được nâng đỡ với hệ thống xà bằng xi măng uốn lượn theo mái tạo ra thế vững trãi. Trên nhưng bức tường là những cột trụ được tạc công phu tượng những vị thánh có thể kể ra như : thánh Patrick, thánh Peter, GiuSe…


    Trải qua biến bao thăng trầm, biến cố của lịch sử, nhà thờ Khoái Đồng với bóng dáng rêu phong cổ kính của mái vòm chính, ngọn tháp chuông cao vẫn đứng sừng sững giữa trung tâm thành phố Nam Định. Hiện nay, nhà thờ đã mở cửa trở lại, trở thành nơi sinh hoạt tôn giáo của hàng ngàn giáo dân và là một điểm tham quan không thể thiếu mỗi khi du khách về với thành phố Nam Định.


    Năm 1959, MTTQ Nam Định cử linh mục Đaminh Lâm Quang Học ở xứ Giáo Lạc – Nghĩa Hưng về coi sóc giáo xứ Khoái Đồng cho đến năm 1963 thì qua đời. Trong giai đoạn này, TGM Bùi Chu có thư mời nhờ linh mục Đinh Lưu Nhân thuộc nhà thờ Lớn Nam Định sang giúp mục vụ. Vì hoàn cảnh chiến tranh, nhà thờ Khoái Đồng không có linh mục về phục vụ nữa, giáo dân thì sơ tán, một số tài sản, bàn ghế, đồ lễ bị thất lạc, riêng chuông nhà thờ được đưa gởi tại nhà xứ Tứ Trùng, xã Hải Tân, huyện Hải Hậu, thành phố Nam Định.

    Nhà thờ Khoái Đồng
    Nhà thờ Khoái Đồng
    Nhà thờ Khoái Đồng
    Nhà thờ Khoái Đồng
  8. Nhà thờ đổ Nam Định ở Xương Điền, xã Văn Lí, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, trước đây gồm rất nhiều nhà thờ nhỏ khác nhưng do nước biển dần dần xâm chiếm đất liền khiến cho các công trình bị tàn phá, nhà thờ phải chuyển vào đất liền tránh sự xâm chiếm của biển.


    Nhà thờ này có tên là Trái Tim, bị bỏ hoang từ năm 1996. Chính sự tự nhiên của nhà thờ mà từ đó đến nay khiến cho nhiều du khách thích đến nơi đây. Có thể nói, nhà thờ đổ Nam Định là một trong những nhà thờ nổi tiếng nhất và nhiều du khách biết đến nhiều nhất ở Nam Định. Nhà thờ đổ Nam Định thu hút du khách chính bởi sự hoang tàn kết hợp giữa ánh sáng của nắng, mát rượi của gió, khí của trời đất và với vẻ đẹp của nước biển.

    Điểm nổi bật tiếp theo đó là sự trải nghiệm. Nơi đây không có dịch vụ nhà nghỉ nhưng du khách có thể ở nhà của dân chài lưới. Con người Hải Hậu, Nam Định nói riêng và con người Nam Định nói chung rất thân thiện, hiền hòa và hiếu khách. Vì vậy, bạn đừng quá lo lắng về chỗ ở, mà hoàn toàn có thể "ở nhờ" nhà người dân. Sáng sớm, con người nơi đây, họ dậy rất sớm để lao động, để mưu sinh, thế nên nếu bạn dậy sớm để hưởng thụ cảnh đẹp bạn sẽ thấy được vẻ đẹp hoang sơ bên cạnh cuộc sống mưu sinh của con người lao động cần cù, chất phác mà vẫn vui vẻ, yên bình giữa thiên nhiên thanh bình. Chắc chắn bạn sẽ cảm thấy một cảm xúc khác lạ, đặc biệt mà hiếm nơi nào có được.


    Không chỉ vậy, du khách sẽ được thưởng thức rất nhiều món ngon của biển như cua, cá khoai, mực, ghẹ, tôm (gồm tôm he, tôm thuyền, tôm rảo),... Tất cả món ngon này được chế biến từ những con cá, con cua, con tôm,... tươi nhất bởi nơi đây con người thường bán hết cá tôm buổi sáng rồi tối con người lại đi đánh bắt tiếp. Thế nên bạn không cần quá bận tâm về chất lượng thực phẩm tại nhà thờ đổ nam Định.


    Ngoài ra, ở nhà thờ đổ có vô số cá cơm để làm nước mắm. Du khách có thể mua hải sản ngay trên bãi biển rồi nhờ người dân nấu và thưởng thức tại bãi cát. Chiều đến du khách tận hưởng không khí biển trong lành, mát dịu.

    Nhà thờ đổ
    Nhà thờ đổ
    Nhà thờ đổ
    Nhà thờ đổ
  9. Nhà thờ Xương Điền thuộc xã Hải Lí, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Nhà thờ Xương Điền trước đây có tên gọi là Cồn Xôm hoặc Cồn Cỏ vì nằm trên dải đất Quần Anh hạ giữa sông Trà Lũ và sông Ninh, sau đó đổi tên thành nhà thờ Xương Điền.


    Năm 1627, khi rao giảng Tin Mừng tại miền Bắc Việt, các thừa sai cứ đi theo ven biển để giảng đạo, Xương Điền đón nhận Tin Mừng từ rất sớm, trên đường Cha Đắc Lộ đi giảng từ Ba Làng đến Thăng Long. Theo tư liệu để lại của cha Đa Minh Khanh của Chánh xứ Xương Điền, thì nhà thờ đầu tiên Xương Điền được xây dựng năm 1696, đời Đức Cha Cao.


    Năm 1797, Đức Cha Thánh Y ban sắc lập xứ đặt tên là Xương Điền và cử cha Hân về coi sóc giáo xứ Xương Điền lúc bấy giờ. Do ảnh hưởng của biển lở, nhà thờ đầu tiên hiện nay không còn. Nhà thờ hiện tại được xây dựng năm 1960.


    Năm 2005, một biến cố lớn đối với Giáo xứ Xương Điền. Sau 49 năm vắng bóng Cha xứ trực tiếp tại Giáo xứ. Đức Cha Giuse Hoàng Văn Tiệm đã trao bài sai Cha Giuse Vũ Phú Thịnh làm cha Chánh xứ Giáo xứ Xương Điền.

    Cho đến năm 2009, do nhu cầu mục vụ của Giáo Phận, Đức Cha Giuse Hoàng Văn Tiệm sai cha Giuse về làm cha Chánh xứ Giáo xứ Trung Linh và sai hai cha Đa Minh Nguyễn Văn Thiện và Cha Giuse Đinh Quang Thành về làm Cha chánh xứ và Cha phó giáo xứ Xương Điền. Cho đến năm 2012, Đức Cha Giuse Hoàng Văn Tiệm sai cha Đa Minh Nguyễn Văn Đại làm cha phóc Giáo xứ Xương Điền và là cha Đặc Trách Tân An thay cho cha Giuse Đinh Quang Thành – nay làm Cha Chánh xứ Giáo xứ Ninh Mỹ.

    Hiện nay, giáo xứ Xương Điền có khoảng 4100 tín hữu trong đó có 3 họ lẻ là: giáo họ Phêrô, giáo họ Thánh Tâm và giáo họ Phaolô


    Nhà thờ Xương Điền
    Nhà thờ Xương Điền
    Nhà thờ Xương Điền
    Nhà thờ Xương Điền
  10. Trên dải đất hình chữ S có rất nhiều những công trình tôn giáo đẹp, trở thành điểm check in được giới trẻ yêu thích. Tại Nam Định, có một giáo xứ với lối kiến trúc đậm chất châu Âu, được du khách gọi tên “lâu đài băng giá”. Thực tế đây là giáo xứ Hưng Nghĩa – một nhà thờ đẹp ở Nam Định có tuổi đời hàng trăm năm.


    Nhà thờ Hưng Nghĩa thuộc xã Hải Hưng, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Bạn sẽ không khỏi trầm trồ khi nhìn thấy nhà thờ giáo xứ Hưng Nghĩa, cảm giác như đang đứng trước một tòa lâu đài nguy nga, tráng lệ với những chi tiết tinh xảo, cầu kì, đẹp mắt vậy.


    Nhà thờ Hưng Nghĩa được xây từ năm 1927, nhưng do mưa bão thời tiết nên nhà thờ bị xuống cấp. Sau đó nhà thờ được tu sửa lại được khởi công từ năm 2000 và khánh thành năm 2007.

    Du khách sẽ không khỏi trầm trồ khi nhìn thấy nhà thờ giáo xứ Hưng Nghĩa bởi dáng hình của tòa lâu đài nguy nga, tráng lệ với những chi tiết tinh xảo. Không chỉ du khách thập phương mà ngay cả người dân địa phương cũng gật gù công nhận rằng, giáo xứ Hưng Nghĩa mang vẻ đẹp của một tòa lâu đài cổ tích – vốn thường xuất hiện trong các tác phẩm điện ảnh Âu Mỹ. Nhìn từ bên ngoài, nhà thờ đẹp ở Nam Định toát lên vẻ kiêu sa, sang trọng, pha chút lạnh lùng, ma mị.

    Nhà thờ Hưng Nghĩa
    Nhà thờ Hưng Nghĩa
    Nhà thờ Hưng Nghĩa
    Nhà thờ Hưng Nghĩa



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy