Bông súng mùa nước nổi
Không chỉ rửa mặn, bồi đắp phù sa cho cây lành trái ngọt, mùa nước nổi miền Tây còn mang theo bao loại rau đồng. Giữa mênh mông đồng nước, những cây bông súng chen nhau mọc lên tua tủa. Nước dâng tới đâu bông súng vươn mình tới đó. Nước lũ càng cuộn đỏ phù sa, thân súng càng mập mạp và lá súng càng to. Bức tranh mùa nước nổi thật sống động làm sao bởi sự điểm xuyết của những cánh hoa súng khi thì bung nở sắc trắng tinh khôi, khi lại khoe sắc tím nền nã, ngọt ngào!
Mùa nước nổi mang theo một mùa mưu sinh của những con người gắn cuộc đời lênh đênh theo sông nước. Việc rong ruổi trên những chiếc xuồng xuôi theo những cánh đồng mênh mông không thấy bờ hoặc dọc theo những bờ kênh để hái bông súng đã trở thành nếp sinh hoạt có từ lâu đời.
Sống giữa đồng nước bao la nhưng những nhánh bông súng chẳng bao giờ cô độc bởi cứ mùa nước nổi về là đâu đâu cũng nghe những tiếng mái dầm khỏa nước, tiếng cười nói quên nhọc nhằn của những người đi hái.
Bông súng - một loài hòa mộc mạc nơi đồng nước nhưng lại chan chứa hồn quê. Vị ngọt của loài hoa dại được phù sa nuôi lớn ấy đã ngấm vào từng mạch máu, từng thớ thịt của những con người miền Tây. Một mùa thiên nhiên dang tay hào phóng ban tặng những triền bông súng bạt ngàn sẽ mãi là một mùa nhớ, một mùa mà người dân đợi chờ mỗi khi con nước dâng lên. Và những nhánh bông súng sẽ còn vươn dài, vươn dài trong những nỗi nhớ thương của những người xa quê.